Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Ao làng soi bóng hồn quê

Thứ ba, 08/04/2014 | 14:00
Ao rộng chừng…! chợt nhớ, cách tính diện tích hình tròn “ bán kính nhân bán kính nhân pi”. Nhưng, người làng chẳng học nhiều đến thế: ao rộng chừng mười lăm mét, ấy là ước đoán theo đường kính, từ bên này sang bên kia.

Quê tôi ven tả Kiến Giang. Một ngôi làng dài uốn lượn theo bờ sông, mỏng như lá lúa, phơi giữa cánh đồng quay trở hướng nào cũng gặp gió, gặp nước. Nửa thiên niên kỷ trước, các cụ tổ trên đường nam chinh, nghiêng nghé được vùng địa cát, ngày khải hoàn theo chiếu di dân mà chọn nơi chốn đi “kinh tế mới”. Những dãy nhà kéo từ bờ sông ra cánh đồng như hình xương cá, người quê tôi gọi là trôổng - một âm tiết xưa xắc của tiếng Việt cổ hay có gốc gác từ tiếng chăm (!?) Quanh ao là những cây mưng (lộc vừng) cổ thụ thả hoa dây lòa xòa. Hoa tàn rơi xuống trải thảm trên mặt nước dập dềnh, sóng sánh.

 

Ao làng soi bóng hồn quê

9 giờ sáng, gió Nam từ cánh đồng thổi vào mát rờn rợn. Tôi quăng lưỡi câu về phía gốc mưng phục một con ếch mệ trong hang. Trên ngọn măng vòi, con chim bói cá cũng im lặng chăm chắm chờ một hình cá lượn dưới mặt nước. Mặt ao lặng như tờ. Gió thổi riu riu. Ngọn măng vòi mồ côi đung đưa nhè nhẹ. Con chim bói cá nhìn tôi như…cười cười. Con ếch mệ trong hang vẫn chưa chịu mồi. Hai mắt thằng bé mười tuổi ước chừng díu lại. Ngọn măng vòi nhùn nhẩy, nhún nhẩy rồi bỗng một tia xanh lè vút xuống, chớp sóng, mặt nước xao động. Con chim bói cá đập cánh bay lên với “chiến lợi phẩm” giãy giụa. Tôi choàng tỉnh, giật vội cần câu, sợi cước múa loằng ngoằng, nhẹ tênh. Năm năm một lần, xóm quậy ao, gọi là “ vậy phôốc”. Ai có nơm dùng nơm, có rớ (vó) dùng rớ, thả sức bắt cá. Nhưng tịnh không thấy tát ao bao giờ- tát ao là phơi đáy, tận diệt, là vỡ gương làng.

***

Đêm trăng thu ngời ngợi, tôi ngồi nghe nàng thủ thỉ chuyện nhà, chuyện hàng xóm, chuyện chị em đồng trang lứa, chuyện…và nghe cá quẫy. Khuya, tôi cầm nắm bàn tay nàng, lần lên bả vai, lên tóc. Nàng run như con chim én sập bẫy. Thề có ánh trăng 16, tôi chưa kịp làm gì thì nhận giấy gọi nhập ngũ. Năm năm sau, từ phương nam toàn thắng trở về thì “ con sáo đã sang sông” đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi ngồi bến sông vọng qua, hình như thấp thoáng bóng ai tay bồng tay bế. Tôi ra ao làng tìm con chim bói cá. Ngọn măng vòi già thành tre. Cây mưng cổ thụ vẫn nhẫn nại thả hoa dây lòng thòng, sao trông như dòng nước mắt… đỏ?! Tôi có buồn không? Chỉ một lần cầm tay, chưa trầu cau hẹn ước. Năm năm, thư về như mưa ngâu, chiến trường càng về trận cuối càng ác liệt. Bao lứa trai làng ra đi, không về, ao làng lưu ảnh gương mặt họ…

Năm trăm năm khai canh lập ấp, bao đời người sinh ra, lớn khôn soi mặt ao làng như đóng dấu son để ra đi lập nghiệp. Pháo nổ, vu quy! một người con gái từ phương xa về làm dâu làng váy áo xông xênh ngang qua ao làng nhận mặt. Xuất giá tòng phu! bao phận gái làng làm dâu xứ người, một ngày trở về soi mặt ao làng tìm lại dung nhan một thời con gái. Đêm gió mát trăng thanh, hoàng hôn ngày sóc vọng, những linh hồn chính chủ hiện lên, những phận người lang bạt tìm về… ao làng là bản thần phả phi văn tự.

***

Người khôn của khó! người đẻ đất không đẻ. Những con đường đâm ngang chém dọc, đất cát tải về lấp ruộng lấp ao thành nền bán đấu giá, thu ngân sách. Ao làng méo mó dần rồi biến mất. Chỉ còn lại trong tôi, trong ký ức người làng những mảnh hồn quê vỡ vụn và chìm lấp. Chợt nhớ một câu ru em: “ Mãn mùa toóc rạp rơm khô…”.

Theo Quehuongonline