Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Chúng ta chỉ nghèo khi không có nổi một ước mơ!

Thứ ba, 08/04/2014 | 14:00
Điều lãng phí nhất trong khoảng thời gian chúng ta tồn tại, đó là không biết ước mơ của mình và chưa bao giờ bắt đầu thực hiện nó.

Sáng nay tôi đi chợ, cái chợ cóc bé tý cạnh nhà nên gần như tôi quen mặt hết các chị thịt cá rau cỏ. Đến hôm qua tôi nấu món gì các chị cũng biết. Tôi đi từ rất sớm vì định bụng mua ít tôm đồng về rang, con gái tôi thích ăn cái loại tôm bé tý còn nhảy tanh tách trong chậu. Mỗi lần mua là đứng đợi đến mỏi chân vì phải chờ cắt râu từng con một.

Nay chị bán tôm lại nghỉ, con gái bán hàng thay, thi thoảng tôi cũng hay gặp cô ấy và cô ấy cũng nhớ mặt tôi vì hình như đi chợ từ lúc tờ mờ sáng chưa nhìn rõ mặt người thì cả khu này chẳng còn ai khác. Vừa ngồi cắt râu tôm, cô ấy vừa xuýt xoa khó chịu, tôi hỏi làm sao đấy, hay hôm qua vợ chồng manh động quá. Cô ấy cười rồi lắc đầu bảo không, từ đêm qua đến giờ con bé không chịu bú, sáng nay mẹ phải đi chợ sớm nên bị cương sữa, nhức hết cả ngực. Cô ấy to béo, người phốp pháp, mặc áo mưa ngồi bán hàng mà tôi vẫn thấy bụng ngấn ra cả lớp nilon, da đen bóng, tay nhanh thoăn thoắt. Tôi bảo thôi vất vả tý buổi sáng, chiều về tha hồ mà bú mớm với nhau. Cô ấy, nói giọng ở đâu đấy chứ không phải Hà Nội : "Được thế đã tốt chị ơi, trưa em mới về đến nhà, tranh thủ cho bú cho ăn, rồi em còn phải đi học may, chiều lại đi chợ chiều, phải tối mới ôm nhau được".

Chúng ta chỉ nghèo khi không có nổi một ước mơ!

Tôi ngạc nhiên quá, hỏi sao lại có tiết mục học may nữa à, mà học may thì vào nhà máy làm chứ đi bán cá nữa thì tiền để đâu cho hết. Cô ấy kể ở chỗ nhà ở bây giờ, có mấy công ty may như Sông Hồng, may 10, hay nhà máy Dệt...về mở lớp dạy nghề tại chỗ, rồi ai thích đi làm họ cho đi làm công nhân hết. Nhưng cô ấy chỉ đi học thêm để biết nghề, biết cắt vải, biết vắt sổ, biết đường kim mũi chỉ chứ chắc không vào nhà máy làm.

Tôi bảo không vào nhà máy thì học may làm gì. "Em học may rồi sau này xin vào mấy cửa hàng học việc, phải biết may cơ bản thì họ mới nhận, lành nghề rồi thì em mở cửa hàng, làm nhà mốt chứ không đi bán cá mãi được, nhìn quần nhìn áo em thích lắm, kiểu gì em cũng phải làm thiết kế rồi may theo mấy bộ trên báo cũng được".

Cảm giác vô cùng xúc động khi nghe người đầu tóc bù xù ngồi cắt râu tôm trước mặt mình nói vậy. Con thơ bé tý, dậy từ lúc chưa có mặt trời, ngồi đến tận gần trưa với đống tôm, cá, lươn tanh ngoéo, nhưng vẫn kiên trì với ước mơ "làm nhà mốt" (từ nhà mốt nghe rất cổ điển và chuyên nghiệp ). Tôi phục cô ấy sát đất.

Nói đến đây thì tự nhiên tôi nhớ đến một người bạn cũ, không còn quá xa để chạm mốc 40 tuổi, nhưng những dự định vẫn đầy ắp như thể thanh niên 18, vẫn chăm chú quan sát và khám phá cuộc sống, vẫn có những lộ trình bất tận cho tương lai, vẫn miệt mài thực hiện hết công việc này đến công việc khác và cảm giác không khi nào hai bàn chân cùng chạm đất. Đôi mắt bạn ấy vẫn long lanh khi nói về ước mơ của mình và chắc chắn là không bao giờ nói suông cả.

Và tôi nữa, tôi yêu sách, yêu công việc viết lách và ước mơ trở thành nhà văn. Đoạn đường đi được chưa thật xa, nhưng lúc nào tôi cũng cảm thấy mình may mắn ,bởi ít nhất so với rất nhiều người đang hoang mang tìm một lối đi, tìm một giấc mơ và mãi tưởng tượng về thứ mà họ muốn trở thành, tôi đã biết mình muốn gì và cần phải trở thành ai.

Tôi nghĩ, có lẽ chính ước mơ đã làm cho cơ thể chúng ta lúc nào cũng rực rỡ và rồi cả thế giới cũng lấp lánh theo. Thứ ánh sáng và sức nóng chúng ta cảm nhận được hàng ngày, chính là vì sự tồn tại của những người mang trong mình rất nhiều hoài bão.

Điều lãng phí nhất trong khoảng thời gian chúng ta tồn tại, đó là không biết ước mơ của mình và chưa bao giờ bắt đầu thực hiện nó.

Nhất định phải có ước mơ.

Chúng ta chỉ thật sự nghèo khi không có nổi một ước mơ!

P/S: Bài viết của nhà văn Chúy - Tác giả cuốn sách "Gom nắng cho em" được độc giả trong và ngoài nước yêu mến. Báo Người Việt Odessa độc quyền đăng tải bài viết này.

P/v