Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Tôi đi làm bằng Metro (phần 2)

Thứ hai, 19/09/2016 | 14:31
Thường lệ, hàng năm “Tháng bảy là tháng nghỉ ngơi”. Chợ vắng tanh như Chùa Bà Đanh, vì phần lớn dân địa phương khăn gói lên đường nghe theo tiếng gọi của biển...

Sau đó, vào tháng 8 Chợ khởi sắc. Nhưng năm nay, thời tiết trái mùa cộng thêm khủng hoảng chính trị lẫn kinh tế của nhà nước sở tại kéo dài, chưa biết điểm dừng khiến chợ không sao ngóc đầu nổi.
“Cảnh buồn người có vui đâu bao giờ” ấy làm cho ai nấy, nhất là dân chợ búa Tây và Ta hụt hẫng, lo lắng đến mất ăn mất nghỉ. Vậy mà hễ lần nào gặp V.- anh bạn thân thuộc dạng trung lưu, quá nửa đời phiêu dạt ở Kharkov, chưa một lần đi Metro – chuyện trò rôm rả, tưởng chừng không có điểm dừng chủ đề xe cộ, xăng dầu. Và chả hiểu vì sao, hắn luôn mồm giục tôi mua xe, lên “đời” cho biết đó biết đay, mặc dù thừa biết tôi không thích lái xe và vẫn còn chiếc Renault Laguna một chấm tám, đặt từ Paris, để ở nông thôn! Đôi lần chối “khéo” là “viên chức nghèo” có “quan hệ ngoại giao cao sang phú quý” gì đâu v…v… liền bị hắn chê “lạc hậu, cổ hủ, không theo kịp bước tiến của thời đại”. Thậm chí còn bị “chọc”, tuy đùa, “chết có mang tiền đi theo được đâu” nghe mà “ngượng đến chín cả người”. Song, bản tính vốn khiêm tốn biết kiềm chế nên ậm ừ cho qua chuyện để dù cho ai đấy nói ngả nói nghiêng tôi vẫn đi làm bằng Metro theo sự chỉ dẫn của con tim. Cốt thực hiện bằng được tiêu chí tự đặt ra là tăng cường hội nhập nếp sống văn hóa đời thường của số đông dân bản xứ và bồi dưỡng thể lực qua những chặng đường dài “cuốc” bộ, những mong giúp ích đc gì cho xã hội, gia đình.

Tôi đi làm bằng Metro (phần 2)

Như lời tâm tình với bạn đọc gần xa qua bài “Tôi đi làm bằng Metro” đăng trên báo “Bạn Đồng Hành” số 14 – ngày mồng 1 tháng 2 năm 2016.
Là bạn thân với nhau đấy. Nhưng tin rằng chưa một lần V. mua “Bạn đồng hành” nên mới “cà khịa” với tôi chuyện xe cộ lung bung ấy. Vì vậy, như thể để cho hiểu lòng nhau, tôi hứa sẽ tặng hắn số báo trên rồi thổ lộ:
-    Cậu biết không! Nhẩm tính, tới ngày hôm nay đã tròn 10 năm (2006-2016) tớ đi làm bằng Metro. Ngần ấy thời gian, điều thú vị nhất là đối với tớ là góp nhặt và dầy công sức sưu tầm tiền 1 grivna bằng kim loại mạ óng ánh như vàng mà chỉ những ai chuyên đi Metro, có ý tưởng đó cũng như kiên trì, bền bỉ mới thực hiện nổi. - Thấy hắn chú ý lắng nghe như nuốt từng lời. Tôi hưng phấn chia sẻ tiếp. – Hiện thời trong căn hộ nhỏ bé của mình, tớ giữ trọn vẹn 12 con giáp bằng đất nung theo phong thủy là chuột, trâu, hổ, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, lợn (to nhỏ khác nhau dạng bỏ ống tiết kiệm tiền). Con nào con nấy “căng bụng” những đồng tiền xu từ 10, 25, 50 cốp đến 1 grivna. Để rồi những buổi chiều hôm ngồi một mình, ngắm chúng thấy lòng ấm lạ trước kết quả dầy công lưu trữ những con vậy ấy trong vòng 12 năm trời. Ngoài ra, còn một túi to, chừng năm, bảy trăm grivna “mới tinh như vàng thật” dùng để tặng người thân, đặc biệt trẻ thơ vào đêm giao thừa, trước phút giây đất trời chuyển mình sang năm mới như thể thay ông già tuyết vậy. Việc làm “nhỏ bé” này, tớ nghĩa đâu có nhiều người chú ý tới, phải không cậu?
Gật đầu tán thành xong, V. đặt vấn đề:
-    Từ đâu cậu có ý tưởng tuyệt hảo ấy?
Nửa đùa nửa thật, tôi trả lời ngắn gọn 2 từ “Bẩm sinh”.
Nhún vai, chưa tin hẳn, V. hỏi lại:
-    Cậu không đùa đấy chứ?
Thế là được thể minh chứng “lời nói không mất tiền mua” của mình có cơ sở, tôi kể lại một vài vật lưu niệm mang dấu ấn một thời đạn bom, một thời hòa bình mà tôi lưu giữ được như chiếc bút máy Kim Tinh bị lõm một đoạn ngắn chừng 3 ly bởi mảng tường nhà tôi đè lên khi bom B52 Mỹ trải dài từ đầu đến cuối phố Khâm Thiên vào một đêm tối trời giữa năm 1972, như chiếc làn nhỏ đan bằng “cây trúc xinh” của cô bạn gái Hà Thành “thuở cắp sách đến trường” vờ quên như thể tặng tôi trên đường ra hải ngoại. Rồi nữa, như lần gặp gỡ tay đôi với anh phóng viên thông tấn xã Việt Nam tại nhà riêng.
Tranh thủ thu vào ống kính hình ảnh hơn hai trăm huy hiệu khác nhau thời Xô Việt (Liên Xô cũ) mà tôi dày công thu thập liên tục 4 năm trời (1974-1978) đời sinh viên “dùi mài kinh sử” tại Trường Đại Học văn hóa tỉnh Kharkov, anh phóng viên phỏng vấn: “Anh có thể cho biết xuất sứ của những chiếc huy hiệu này?”.
Không chần chừ 1 giây, tôi hồ hởi giải trình:
-    Đó là những kỷ vật lưu niệm vô giá từ tấm lòng nhân ái của 30 cô gái “tóc vàng” cùng ngồi trên ghết nhà trường tặng tôi vào dịp hè nghỉ phép về quê quay trở lại. Để rồi, hàng năm cứ vào thời điểm cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm học mới bắt đầu lòng dạ càng bâng khuâng, con tim càng rạo rực nhớ nhiều hơn những cô gái sinh viên cùng hợp cùng thời ấy.
Nghe tôi trải lòng như thể trùng hợp với suy tư của mình, khuôn mặt phong trần của đời người dân chợ búa, bỗng thanh thoát nhẹ nhõm hẳn, V. tâm sự với tôi như thổ lộ với chính mình nữa:
-    Trong cuộc sống, mỗi người có riêng mình kỷ niệm. Hãy giữ gìn nó như bảo vệ con ngươi của mắt mình. Bởi đấy là động lực hỗ trợ con người sống và làm việc hữu ích hơn.
Mừng thầm, không thấy V. đả động đến việc mua sắm xe cộ - “Một khi đối với tôi, không bao giờ trở lại nữa”. Nhưng chuyên đi lại bằng Metro – một phương tiện giao thông công cộng trong lòng đất, không phải nước nào cũng có, tôi vẫn muốn nhắc đến để những ai là người nước ngoài, trong đó có cộng đồng Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Kharkov – thủ đô đầu tiên của Ucraina – nên thửu nghiệm, dù cho, chỉ một lần thôi để mà chuyện mà nói khi về quê. - Sau khi bày tỏ hết ý mình, tôi nhắc hắn: “Kể cả cậu nữa”.
Ngẩn ngơ một hồi, V. bâng khuâng đáp:
-    Tớ cũng muốn lắm. Nhưng ngay từ ngày đầu bước vào kinh doanh đã mua ô tô rồi thì đi metro làm gì?
-    Thì tớ đã chả bảo thử một lần cho biết đó biết đây đấy ư? – Tôi giải thích.
Không một phút suy tư, V. rắn giọng nói OK rồi hỏi tôi:
-    Tuần tới có ngày nào rỗi không?
Đến lượt tôi, ngạc nhiên hỏi lại:
-    Có chuyện gì thế?
-    À! Chả là tớ muốn cậu đồng hành với tư cách là hướng dẫn viên du lịch trong lòng đất của hai đứa chúng mình. – V. hưng phấn dẫn giải.
Thấy quá hợp với nguyện vọng hằng mong đợi bấy lâu. Vả lại cũng muốn thể hiện “thế mạnh” sớm hòa nhập với nếp sống căn hóa đời thường của số đông người lao động dân dã chuyên đi bằng metro, tôi vui vẻ trả lời trong niềm hân hoan đón nhận:
-    Ngày thứ 6 nghỉ chợ, ngày rộng tháng dài chẳng hạn.
     V. gật đầu đợi chờ. Cả tôi nữa…

Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng Hành” – Kharkov
(còn nữa)