Xưa nay, Tỷ phú Phạm Nhật Vượng vốn là doanh nhân khá kín tiếng trước truyền thông, ông ít khi tham gia các cuộc gặp mặt với báo giới hoặc các sự kiện đình đám, ông thường chỉ tham gia các buổi lễ lớn của tập đoàn Vingroup và từ chối tham gia các cuộc phỏng vấn, toạ đàm, nói chuyện.. Lần đình đám nhất là ông từng xuất hiện trên tờ tạp chí danh tiếng Forbes sau sự kiện lọt top những tỷ phú giàu nhất thế giới.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, các thương hiệu bắt đầu với chữ Vin khởi đầu đã xuất hiện và “phủ” khắp các lĩnh vực như: Trung tâm thương mại Vincom, Khu căn hộ cao cấp Vinhomes, Khu công viên giải trí và khách sạn khổng lồ Vinpearl, bệnh viện Vinmec, trường học, Vinschool, chuỗi siêu thị vaf cửa hàng tiện ích Vinmart,.. Sự xuất hiện của Vingroup rất rõ ràng và nhanh chóng gây ảnh hưởng trong thói quen tiêu dùng và sử dụng dịch vụ của người dân Việt Nam. Có thể nói, Vingroup đã đang xây dựng được một “thương hiệu Việt” có chất lượng tốt, đảm bảo và đáp ứng tốt nhu cầu của người Việt.
Là người đứng đầu tập đoàn Vingroup, một doanh nhân có tầm nhìn dài hạn, có khát vọng phát triển vì mục đích tốt đẹp của đất nước, là một doanh nhân có khả năng quản lý đáng nể, câu chuyện thành công của tỷ phú người Hà Tĩnh này luôn là cảm hứng cho nhiều người khởi nghiệp và cho tất cả những ai làm trong giới kinh doanh. Hiện nay, nhân sự tập đoàn Vingroup đã tăng lên khoảng 50.000 người, số lượng nhân sự tăng lên gấp 2 3 lần trong 3 năm trở lại đây. Đặc biệt, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam này hiện đã khẳng định được hướng đi của mình, đã có vị thế vẫn vàng nhưng vẫn giữ vững tinh thần khởi nghiệp.
Hình ảnh Chủ tịch Tập đoàn Vingroup trò chuyện với Cán bộ Quản lý Viettel ngày 12/7 vừa qua
Mới đây, ngày 12/7, trong buổi trò chuyện với cán bộ quản lý của tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, Phạm Nhật Vượng đã có nhiều chia sẻ rất thật về những quy tắc, quy trình, cách thức quản lý và định hướng phát triển của Vingroup trong thời gian tới. Những chia sẻ, kinh nghiệm của doanh nhân nổi tiếng này thực sự là bài học quý giá và là kim chỉ nam cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là có thể học hỏi phát triển kể cả đối với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước.
“Mỗi một cán bộ nhân viên là một đại sứ của Vingroup”
Trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel khi được hỏi về: “Nhân viên bảo vệ của Vingroup ở bất kì Khu trung tâm thương mại, Khu căn hộ, Trường học,.. của Vingroup đều nở nụ cười tươi cả ngày, với nụ cười thật lòng chứ không phải cười gượng gạo cho qua. Mà vốn là nhân viên cấp thấp nhất, thường là lương thấp nhất mà vẫn làm được điều quan trọng như vậy, liệu Vingroup có bí quyết hay nguyên tắc làm việc nào không ?”
Ông Phạm Nhật Vượng không ngại chia sẻ: “Ở Vingroup, tiêu chuẩn kỉ luật rất rõ ràng, nếu nhân viên không làm đúng tiêu chuẩn, yêu cầu công việc đương nhiên là bị phạt theo quy chế. Lao động ở bất kì tuyến nào nếu không đảm bảo được yêu cầu đều bị phạt. Vingroup có phong trào “Mỗi cán bộ nhân viên là một đại sứ của Vingroup”, nghĩa là Cán bộ công nhân viên luôn phải thể hiện bản thân ở mọi lúc mọi nơi, nhân viên đang làm việc cho cả một hệ thống và là đại diện cho cả một hệ thống, là hình ảnh của cả hệ thống. Khi lãnh đạo truyền cho họ tinh thần đó để họ phải nhận biết được điều đó và thực hiện tốt trong công việc hằng ngày”.
Bên cạnh đó, ở Vingroup, khen thưởng và kỉ luật đều rất nhanh, mồm nói tay làm. Khi có vấn đề gì được phản ánh, thì bộ phận đó, lãnh đạo đó, sẽ cần phải xem xét lại ngay, do con người hay quy trình kém.. Để từ đó có thưởng phạt kịp thời, rõ ràng nhất.
Điều này là điều các doanh nghiệp nhà nước nên học hỏi. Đối với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, thường có rất nhiều quy chế, quy định, quy tắc làm mọi người khó phân biệt chính, phụ. Cơ chế khen thưởng hoặc phạt cũng chậm khiến chưa kịp thời giải quyết được nút thắt của vấn đề.
Bên cạnh đó, Vingroup cũng có Ban truyền thông để chăm lo về vấn đề hình ảnh, thương hiệu và phản hồi của khách hàng. Bởi các cán bộ quản lý của Vingroup đều hiểu rõ: Giữ vững được niềm tin của khách hàng mới phát triển được tổ chức. Bởi vậy, hằng ngày Ban truyền thông này có trách nhiệm rà soát các thông tin phản hồi về tập đoàn, những bình luận tốt sẽ được chuyển xuống cho cấp trực tiếp để họ cảm nhận được thành quả và được khích lệ, những bình luận xấu hoặc chê trách sẽ ngay lập tức được phân tích nguyên nhân do bên nào, cách xử lý ra sao, và có người thực hiện ngay lập tức.
“Thịnh hay suy là do tư duy của mình”
Khi được hỏi về vấn đề liệu ông có nghĩ rằng Vingroup đang ở thời kì thịnh vượng và có dự định kìm hãm sự “thịnh” này không? Ông Phạm Nhật Vượng đã có quan điểm rất thú vị rằng:
“Thịnh hay suy là tư duy của mình. Mình phải ngăn cho những người xung quanh mình và bản thân mình không nghĩ đến đó là cực thịnh, hay cực suy, chỉ nghĩ nó vừa phải thôi. Vừa rồi tập đoàn Vingroup được vốn hoá ước chừng khoảng 4-5 tỷ đô, như vậy chưa phải thịnh hoặc rất to. So với thế giới, công ty Vingroup còn quá nhỏ để nói mình cực thịnh hay rất là tốt rồi.”
Sau khi gia nhập hàng ngũ doanh nhân giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn, ông Vượng cũng nhiều lần được các tỉ phú các nước mời gặp mặt, nhưng ông hầu như không tham gia các buổi gặp này với lý do cá nhân và đặc biệt có một lý do là: “Mình quá nhỏ so với họ, chưa có gì để khoe khoang hay để nói với họ cả. Những gì Vingroup làm được là quá nhỏ, đang làm những bước sơ khai. Vinpearl đang có khoảng 5000 phòng và phát triển trên 1 địa bàn, như thế chưa có gì đáng để nói đến cả!
Cán bộ quản lý của Vingroup đều cho rằng Vingroup chưa có gì cực thịnh, vẫn có thể phát triển và chưa có gì có thể kìm hãm được. Bởi vậy vừa rồi tập đoàn mới thay đổi slogan hoạt động từ “Nơi tinh hoa hội tụ đồng hành cùng sự phát triển” thành “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp!”. Như vậy sẽ luôn giữ được ngọn lửa ấy, lý trí ấy, tác phong làm việc ấy. Chứ không phải có tư tưởng hưởng thụ và hài lòng với những gì mình có. Nên Cán bộ và tôi luôn nghĩ rằng mình còn nhỏ, còn có quá nhiều việc phải làm.”
“Nhanh đi đôi với chất lượng”
Khi được hỏi về vấn đề: Làm thế nào để Vingroup vừa phát triển nhanh vừa đảm bảo chất lượng tốt như vậy. Ông Vượng cho rằng “nhanh” và “chất lượng” không quá liên quan đến nhau và nhấn mạnh rằng: Cái gốc của việc này nằm ở: Tổ chức, kiểm soát như thế nào! Ông dẫn chứng: Năm 1931, cách đây gần 1 thế kỷ, Mỹ đã có thể xây toà nhà hơn 100 tầng trong vòng hơn 450 ngày. Mà hiện nay Vingroup xây dựng một tổ hợp khách sạn ở Nha Trang khoảng gần 1000 phòng, xây dựng trong 7 tháng và đảm bảo tốt chất lượng tiêu chuẩn phòng 5 sao.
Quan điểm Phạm Nhật Vượng là hiện Vingroup chưa phải là “nhanh”, và để “nhanh” mà “chất” thì vấn đề chủ yếu nằm ở tổ chức, kiểm soát, giải quyết các nút thắt, vướng mắc của nó như thế nào để nó vẫn chạy tốt, đảm bảo thời gian đi đôi với chất lượng.
“Không sợ tây” và chiến dịch “Vingroup học tập”
Một tư tưởng cực kỳ đáng nể của chủ tịch tập đoàn Vingroup là không quá coi trọng những nhân sự, chuyên gia ngoại quốc. Ông cho rằng nhân sự ngoại quốc chỉ làm tốt khi đặt vào một hệ thống đã có quy trình quy chuẩn, con người … đầy đủ, nhưng không có bước tiến nổi bật. Bên cạnh đó, mức lương chi trả cho nhân viên ngoại quốc là khá cao, tính đến hàng trăm nghìn đô 1 năm. Ông dẫn chứng, ngay cả khi thuê nhân sự mảng Khách sạn, nhà hàng, ông cho rằng họ sẽ làm tốt nhưng họ lại không đáp ứng được kì vọng của ông.
Bên cạnh đó, tỷ phú này đánh gia rằng Người Việt sáng tạo, năng động, quyết liệt, sẽ giải quyết được vấn đề, trong làm việc có thể sai sót nhưng có thể sai để sửa. Đến giờ ông xác nhận, nhân sự ngoại quốc chỉ là nhân sự thứ cấp.
Điều này đã tạo động lực cho rất nhiều nhà quản lý tin rằng, ta hoàn toàn có thể làm được những việc tốt, việc lớn bởi năng lực và sự sáng tạo của ta, không cần quá dựa vào nhân lực nước ngoài.
Bên cạnh đó, để phát triển môi trường nội bộ, Vingroup cũng xây dựng chương trình “Vingroup học tập” – biến toàn bộ cán bộ, nhân viên thành con người học tập, biến mọi người học tập ở mọi nơi, mọi chỗ. Không đạt chỉ tiêu học tập là cắt toàn bộ phúc lợi bổ sung; đây không chỉ là chương trình mà chủ tich tập đoàn mong muốn nó sẽ trở thành văn hoá ngấm vào máu của con người Vingroup. Bên cạnh đó cũng có chỉ tiêu đào tạo đối với các cán bộ lãnh đạo, phải đào tạo cấp dưới 52 giờ/năm; 1 nhân viên 1 năm phải đào tạo 100 giờ.
Định hướng phát triển tiếp theo của Vingroup: Cắm cờ Việt Nam trên nhiều vùng đất mới!
Có thể nhận thấy, tương lai còn rất rộng mở với Vingroup, bởi với một vị lãnh đạo như ông Vượng, Vingroup sẽ không chỉ dừng lại là doanh nghiệp Việt Nam. Vingroup có chiến lược đầu tư nước ngoai, quy hoạch 9 nước (các nước Mỹ, Úc, Canada, Singapore) với mục tiêu cụ thể là phát triển hệ thống khách sạn Vinpearl, học theo thương hiệu quốc tế như Sofitel,Novotel để phát triển. Để làm được điều này, Vingroup sẽ thực hiện chính sách “Thắt lưng buộc bụng để đầu tư.”
Vinpearl Hạ Long – tổ hợp khách sạn nhà hàng khu nghỉ dưỡng 5 sao bậc nhất ở miền Bắc của tập đoàn Vingroup
Quan điểm của Vingroup là không bán lẻ, là nhà đầu tư, nhà sản xuất thì chỉ bán buôn, không bán lẻ. Bởi vậy các hoạt động kinh doanh, sale của tập đoàn đều được phân về các đại lý.
Như vậy, với tư tưởng của nhà lãnh đạo như vậy, ta hoàn toàn có thể trông đợi vào một tương lai Vingroup sẽ trở thành một “tập đoàn kinh tế mũi nhọn”, mang thương hiệu Việt được khẳng định chất lượng tốt vươn ra nhiều nước trên thế giới.
Và hi vọng rằng, với tinh thần “mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” sẽ tạo cảm hứng phát triển và động lực cho các doanh nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên cả nước!
Hồng Nhung/namplus.vn