Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Nghĩa tình Hải Phòng

Thứ năm, 18/08/2016 | 13:21

Trong cuộc sống đời thường "Có một việc không phải ai cũng muốn làm và không phải ai cũng biết đến". Đấy là công việc thầm lặng của "ông hậu sự cộng đồng", lo toan chu toàn cho những người xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng. Hơn nữa "đây còn là một việc không phải ai cũng làm nổi và làm tốt" nếu như không có cái tâm cái tình vì nghĩa cả việc chung - như lời bình luận tế nhị của Nguyễn Phó Tổng biên tập tạp chí bán nguyệt san "Tuần tin quê hương" - Tiếng nói của cộng đồng Việt Nam tại Ucraina - Vũ Huy Dương qua bài trò chuyện với Tổng biên tập báo "Tuần tin quê hương" nhân dịp đón Xuân Canh Dần 2010.

Thấm thía quá, trên trang tâm sự cộng đồng lần này "Bạn Đồng Hành" xin chia sẻ với bạn đọc gần xa "Nghĩa tình đồng hương" giữa những người con sinh ra và lớn lên từ thành phố tháng năm hoa phượng đỏ quê hương.
Vâng, ngay từ những tháng ngày đầu năm vừa bước sang Xuân 2016, tử thần khắc nghiệt đã lần lượt cướp đi ba người con của bến cảng là cháu Tống Hải Long (16 tuổi), Nguyễn Văn Việt và Trinh Văn Nguyên - đôi bạn đồng niên xấp xỉ tuổi năm mươi. "Nỗi buồn này không của riêng ai" đã được người Hải Phòng đồng tâm cộng lực đứng ra tổ chức tang lễ không khuôn khổ trang nghiêm và ấm áp tình quê hương theo tâm linh đạo Phật, theo nguyện vọng của gia đình, người thân bên này lẫn cả ở miền quê.
Chứng kiến và đồng hành với người Hải Phòng giải quyết từng trường hợp không đơn giản về thủ tục giấy tờ lẫn thời gian đã đành mà còn phải thông minh tháo vát trong quan hệ "nói ít hiểu nhiều". Thậm chí kể cả công sức, tiền bạc sao cho người quá cố thanh thản trở về cõi vĩnh hằng, tôi mới thấy rõ nét tính cách của người Hải Phòng : ấm áp tình người nhưng mạnh mẽ dứt khoát trên tiêu chí "đã nói là làm mà đã làm phải thành công", nhất là công việc từ thiện.
Những buổi sát cánh kề vai cùng các anh Đinh Văn Hào - Đông Anh, Hà Nội; Đặng Xuân Luyện "khúc ruột miền Trung", Phạm Văn Thưởng, Phạm Văn Nam - gốc Hải Phòng, ... qua các nẻo đường, phố phường Kharkov, không kể thời gian sớm chiều, đi hết công chứng đến nhà hoả táng thành phố, không tính đến công sức thậm chí cả tiền bạc để lo mọi việc " thuận buồm xuôi gió" ... mới thấy rõ tấm lòng vị tha của đồng hương Hải Phòng nói riêng, đức tính "thương người như thể thương thân" của dân tộc Việt Nam nói chung đã bao chùm tất cả mọi tư tưởng và hành vi của những người con gốc Việt sống xa nhà.
Hôm ở nhà hoả táng thành phố nhận lọ tro (di hài) cháu Long đưa về quê "nơi đồng xanh trái ngọt". Mấy chúng tôi đứng lặng yên bên linh cữu cháu, tâm trạng lắng sâu. Nuối tiếc thân phận cháu ở cái tuổi chưa bước qua "ngưỡng cửa cuộc đời" đã trở về với cát bụi. Xót người ra đi, thương người ở lại, ngẫm phận mình còn nhiều gian truân đang ở phía trước, ai nấy đều cảm thấy, tình người quý giá biết bao vào lúc đương thời này.
Nhìn vợ chồng anh Tống Văn Mạnh thay nhau ôm trong tay chiếc bình sứ, trong là di hài đứa con trai máu mủ ruột già, nghe giọng nói thì thầm như con mình đang yên giấc ngủ: " Mệnh trời không cho bố mẹ được sống gần con nên hôm nay đành phải đưa con về quê cha đất tổ. Nhớ thương con nhiều.". Lòng tôi càng buồn tênh. Cũng "bế" cháu trong lòng mà nước mắt lưng tròng, không nói nên lời. Nhưng tôi tin rằng, ở thế giới bên kia, cháu sẽ ghi nhận "công Cha như núi Thái Sơn, nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra" cũng như tình nghĩa của cộng đồng Việt Nam tại nơi đây, thương nhớ cháu vô vàn.

Nghĩa tình Hải Phòng

Chị Hường và anh Nam tại nghĩa trang Kharkov

Thứ tư, ngày 29 tháng 6 năm 2016, theo hoạch định chị Phạm Thị Hường đưa di hài chồng là anh Trịnh Văn Nguyên - ra đi sau cơn bệnh hiểm nghèo vào ngày thứ tư, 27 tháng 4 năm 2016 - về quê. Thế rồi, cùng lúc chị tự nguyện mang thêm trên đôi vai mềm yếu của người phụ nữ suốt đời bươn trải nơi chợ búa, di hài người đồng hương Hải Phòng là anh Nguyễn Văn Việt (vợ người địa phương).
Đang hối hả bước trên chặng đường ra sân bay, chợt chị Hường cảm thấy bên vai trái (di hài anh Việt) nặng trĩu khiến đôi chân không nhấc nổi "đi bước nữa". Linh cảm và đoán chừng "anh Việt chưa muốn về vì còn nặng tình với hai đứa con", chị thành tâm vái trời đất khấn thầm "Mong anh yên tâm về quê, mẹ già đang nóng lòng mong đợi". Quả thực, có lẽ anh Việt nghe ra. Khiến chiếc balo nhẹ tênh đưa bước chân chị Hường nhẹ nhàng bước về phía trước. Phương Nam quê cha đất Tổ rực rỡ ánh bình minh, ân tình đón nhận thêm hai đứa con Hải Phòng về cội nguồn.
Chả phải bây giờ mà trước đây, hồi còn trẻ tôi luôn tự nhủ với mình có cảm tình nhiều với người bến cảng. Giờ này, cộng thêm việc làm đầy nghĩa tình Hải Phòng mà cộng đồng Việt Nam "nơi quê hương thứ hai" Kharkov ai cũng tỏ tường càng làm tôi thêm trân trọng những người sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở thành phố tháng năm rực rỡ hoa phượng đỏ ấy! Đặc biệt, hiện thời nơi ta đang sinh sống, làm việc và học tập còn nhiều trắc trở, còn lắm gian truân do cuộc khủng hoảng về chính trị và kinh tế nước sở tại gây nên. Vì thế, muốn tháo gỡ dần, tồn tại, phát triển và vươn lên tầm cao mới nhất thiết phải có nghĩa tình ấy, phải không các bạn?!

Nguyễn Trọng Cơ
"Bạn Đồng Hành" - Kharkov

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN