Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác khen ngợi phụ nữ Thủ đô đã đạt được những kết quả tốt trên các mặt trận sản xuất, công tác phục vụ chiến đầu. Bác kể chuyện về một số gương mặt phụ nữ trong kháng chiến và thành tích của chị em phụ nữ miền Nam. Bác dịu dàng hỏi Đại hội:
- Phụ nữ miền Nam rất anh dũng, rất đảm đang, vậy phụ nữ miền Bắc có sẵn sàng thi đua với phụ nữ miền Nam không?
- Thưa Bác, có ạ. Cả hội trường hào hứng đáp lại.
Bác rất vui lòng. Người nói:
- Dân tộc Việt Nam ta là dân tộc anh hùng, thanh niên Việt Nam là thanh niên anh hùng, phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng. Hai nghìn năm trước đây ta có các anh hùng: Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống Pháp trước kia và trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày nay, ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ. (Trích “105 lời nói của Bác Hồ”-Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, tháng 5 năm 1995).
Nét đẹp anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang của người phụ nữ Việt Nam thời chiến ấy bấy lâu nay ta thường vẫn gặp trên các trang sách báo, phim ảnh cùng các loại hình nghệ thuật khác. Để mỗi lần nhớ lại thấy cảm phục, trân trọng và tự hào về người mẹ. Mẹ ta trong bom đạn vẫn gánh gạo nuôi con, tuổi già sức yếu vẫn thức trắng những đêm dài vá áo cho anh bộ đội Cụ Hồ sau mỗi lần “quần nhau với giặc, áo con rách thêm” và chính bản thân mẹ đã từng phải chịu đựng nỗi buồn sâu thẳm “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Sau là về người chị “thời con gái lưng ong, có bao người hằng mong theo” nhưng “thương hai đứa em, thương mẹ già còn đau” “chị tôi chưa lấy chồng” cho tới ngày “Mộ chị tôi bé xinh, đứng bên cầu lẻ loi” thì có nỗi buồn nào hơn không?
Giờ đây ngỡ yên bình sinh sống nơi đất khách quê người, ngờ đâu cũng đã từng trải qua bao sóng gió cuộc đời, bao bước thăng trầm trên thương trường từ thập niên 90 thế kỷ trước, khi chế độ Liên Xô cũ tan rã chuyển thân phận người công nhân tay kìm tay búa, sang thành dân chợ búa. Để rồi qua tháng năm bươn trải, đụng độ với những khó khăn khôn lường ấy đã xuất hiện vô vàn những tấm gương sáng về người phụ nữ đảm đang việc nhà mà ta dễ nhận ra. Đó là người mẹ hiền hậu của trẻ thơ, là người vợ thủy chung “sáng một góc trời” của những ông chồng, là chỗ dựa vững chắc cho hạnh phúc gia đình, là niềm tin của tình yêu muôn thuở.
Đã lâu, vốn gắn bó tình thân với dân chợ búa như anh em sống trong một gia đình lớn nên có thói quen hằng ngày hễ có mặt tại chợ thì dù cho có bận đến mấy tôi vẫn tranh thủ thời gian dạo quanh chợ với ý nguyện “đi một ngày đàng học một sáng khôn” đã đành (chứ đâu chỉ xuất ngoại như ai đấy quan niệm một chiều) mà còn tìm hiểu những nét đẹp của người phụ nữ trong lao động để mà yêu mà quý. Vì thế, nếu ai đấy từng quan niệm và hành động như tôi hoặc ít nhất cũng có một lần đồng hành cùng tôi thực hiện nghĩa vụ phát hành báo “Tuần tin quê hương” trước đây, nay là “Ban đồng hành” tại chợ. Chắc chắn, sau mỗi lần bỏ ra dăm ba tiếng đồng hồ “cuốc bộ” từ dãy cửa hàng HN chợ trong qua TA, TE, HQ, BHK, BC chợ giữ đến RD “Thế giới đồ chơi của trẻ em”-nằm trên bãi đầm lầy xưa,-sẽ có chung một nhận định: phụ nữ nói chung, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam bán hàng tại trung tâm thương mại Barabashova lúc nào cũng đông hơn đàn ông- Vì sao? Giải trình vấn đề này M. anh bạn tôi có bề dày 20 năm buôn bán kinh doanh, chia sẻ:
- Theo tớ, số dôi ra ấy, phần lớn là những chị em rơi vào hoàn cảnh éo le, hành phúc dở dang. Hoặc chồng sớm ra đi về cõi vĩnh hằng hoặc gia đình đoàn tụ mới được nửa chừng xuân, phu quân đã “chán cơm thèm phở” hoặc nữa “Duyên phận chẳng phải chiều” nên sớm “tan đàn xẻ nghé” đường ai nấy đi...Ngừng một lát, khuôn mặt thoáng một nét vui, hắn nói tiếp, ngoài ra còn nhiều vô kể nét đẹp kín đáo, ẩn náu trong người phụ nữ nuôi chồng ốm đau bệnh tật hàng mười năm trời, không một lời kêu ca phàn nàn trước thói hư tật xấu “rượu chè, cờ bạc” của chồng, chỉ sợ lộ ra, xấu chàng hổ ai. Ngay cả bản thân những người đàn ông khi trong tay sẵn có đồng tiền đã hiểu trọn nghĩa vẹn tình câu “của chồng công vợ” chưa? Để mà cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn lẫn công lao gây dựng tổ ấm gia đình của nửa kia của mình! Cậu thấy thế nào? Trước khi dừng lời hắn ướm hỏi tôi.
Thầm nghĩ sao lại có thể không đồng tính với anh bạn thân ấy được. Một khi đấy là sự thật hiển nhiên, xuất hiện từng phút giây trong cuộc sống đời thường lẫn nơi chợ búa, gật đầu đồng cảm, tôi bộc bạch thêm đôi lời.
- Thì có lần nào phát biểu tại chốn đông người hoặc trao đôi tay đôi với đối tác mà tớ không ca ngới nét đẹp của người phụ nữ với lời tuyên bố chắc nịch như đinh đóng cột “người phụ nữ đẹp nhất của cuộc đời người đàn ông- đó là vợ của mình thôi các bạn ạ!”
Đặc biệt chiều ngày 24 tháng 6 năm 2016, dự lễ ra mắt Ban chấp hành chi hội phụ nữ Gagarina tại hội trường lớn Sun City Premium-số nhà 199B, đại lộ Moskovshky để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp bên ngoài lẫn nét đẹp bên trong của người phụ nữ Việt Nam nới đất khách quê người.
Cảm giác ban đầu, khi lọt vào mắt hàng trăm chị em “thon thả giọt đàn bầu” duyên dáng trong tà áo dài Hà Nội rực rỡ bảy sắc cầu vồng, tôi ngỡ như mình đang ngồi tham dự cuộc thi chung kết Hoa hậu cộng đồng Kharkov-2016 ấy. Vì thế rất có thể đã từng gặp gỡ, đã từng làm quen nhiều người trong số họ nơi chợ búa mà nay chẳng tài nào nhận ra ai.
Sau lời phát biểu bày tỏ niềm vui có mặt trong ngày lễ hội của chi hội phụ nữ Gagarina. Phấn khởi trước những thành quả mà chị em đạt được trong những năm qua. Hy vọng vươn lên vào nhiệm kỳ tới )2016-2018), tôi phấn khởi hứa sẽ hát ca khúc “chị tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến- để thể hiện tình cảm riêng tư với phụ nữ Gagarina. Nhưng tiếc hoài, vì chương trình tổng thể quá phong phú. Bù lại, ngồi bên tôi, người phụ trẻ lôi cuốn bởi cặp mắt huyền tròn to trên khuôn mặt với nước da trắng trẻo, mịn màng động viên một câu chân tình: Anh lên hát đi để em còn tặng hoa chứ! Nghe mà xúc động. Con tim biết yêu thương lại trỗi dậy, chứa chan tình người tình đồng hương của một miền quê luôn gắn bó bên nhau trong những ngày sống xa Tổ quốc.
Hôm sau ra chợ, cố lục lọi trí nhớ hình ảnh người phụ nữ “chiều qua” ấy trong ký ức, xem có gặp lại em không! Đi mãi, lần qua nhiều góc chợ, bí mật tìm kiếm hồi lâu vẫn chẳng thấy đâu. Tưởng chừng thất vọng, chôn chặt niềm vui. May thay đi thêm mấy bước nữa, chợt bên tai tôi vang vọng một giọng nói mềm mại, thân thương “chào anh”. Dừng chân, ngắm lại, mừng rơn, đúng là “em- người phụ nữ trẻ xinh xắn, đẹp đẽ trong bộ áo dân chợ búa, mà tôi trân trọng, tự hào”.
Từ lâu, khi xuất hiện trang báo giấy “Tuần tin” của Hội Hữu nghị văn hóa và kinh tế Ucraina-Việt Nam (tháng 5-1997), “Quê hương” của Hội Đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov (tháng 6-1997), “Tuần tin quê hương” của Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov (tháng 5-1998) và ngày nay “Ban đồng hành” (tháng 1-2015) ý tưởng Việt về nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam luôn trăn trở trong tôi-người làm báo cộng đồng từ thuở ban đầu lưu luyến ấy. Nhất là về người vợ mà ta yêu ta quý. Bởi “thiếu họ, ta về đâu về đâu” để tìm thấy cho mình một hạnh phúc gia đình!
Nguyễn Trọng Cơ
“Ban đồng hành” - Kharkov