Chuyện này thật khó biết bao! Cứ nghĩ trong một gia đình, có khi người này hạnh phúc nhưng người kia không hề hạnh phúc; có khi lúc này hạnh phúc nhưng năm mười phút sau đã thấy bất hạnh rồi; có khi người tỏ ra hạnh phúc nhất lại là người phải chịu đựng nhiều nhất và cũng không hiếm khi người nọ nhìn người kia với ý nghĩ “đã được đến thế rồi còn muốn gì nữa?”…
Hạnh phúc là thế giới của cảm giác. Ai hạnh phúc chỉ có người ấy biết. Vì vậy, bao nhiêu gia đình trưng ra ngoài cái vỏ hạnh phúc tròn đầy, nhưng thực sự bên trong là những cá nhân bất hạnh. Bao nhiêu bạn trẻ quăng lên facebook những tấm hình long lanh hạnh phúc, trong khi lòng lại giấu kín những nỗi đau không biết chia sẻ cùng ai. Hạnh phúc là một chiếc áo đẹp ai cũng muốn có, kể cả phải đi vay mượn, ăn trộm, chỉ để chưng diện với đời!
Những bức thư gửi cho Hạnh Dung thường là của những người nghĩ mình đang không hạnh phúc. Nếu gương mặt của hạnh phúc thật khác nhau, thì gương mặt của bất hạnh thường có chung một số đường nét: sự thiếu thốn (vật chất, tinh thần, tình cảm), bị phản bội, sự thất vọng, đổ vỡ hoặc dự báo đổ vỡ, thiếu tôn trọng, bạo lực gia đình, bế tắc trong cuộc sống… Những bi kịch của con người đôi khi cũng thật nhỏ nhoi, quanh quẩn, nhưng nghĩ cho cùng, quanh quẩn thế mà ngàn đời không giải quyết được hết, mãi vẫn còn đó.
Vậy nên, khi đã nói đến “ngày hạnh phúc”, cũng nên nói đến một cái “ngưỡng sàn”, “ngưỡng tối thiểu” của hạnh phúc, để không tự lừa mị mình. Hạnh phúc có lẽ phải là: không có cảnh thượng cẳng chân hạ cẳng tay trong nhà, không có cảnh nợ đòi trước cửa, không có cảnh thiếu ăn thiếu mặc, không cô độc, không bế tắc, không có cảnh phải bán con chỉ vì một khoản tiền… Yên ổn được chừng ấy chuyện rồi, thì mới có thể nói đến hạnh phúc. Xin đừng ru ngủ nhau theo kiểu “chị đang hạnh phúc mà chị không biết đấy thôi”, “so với người khác chị còn hạnh phúc chán”! Đừng lấy nỗi bất hạnh của người khác để tự dỗ dành rằng mình đang hạnh phúc.
Có lẽ chính vì thế, chủ đề của ngày Quốc tế hạnh phúc năm nay là Yêu thương và chia sẻ. Khi chia sẻ, người ta đạt được một nhận thức phổ quát hơn, chung hơn. Câu chuyện về hạnh phúc sẽ được nói trong bối cảnh quốc gia, hay bối cảnh toàn cầu hóa, chứ không thể bằng lòng với những mẩu hạnh phúc bé con trong những góc biệt lập của thế giới. Người ta đang nói tới việc hãy “tạo ra một môi trường sống và làm việc hạnh phúc hơn” – tức là đang hướng tới việc con người cần được hạnh phúc trong tất cả những khoảnh khắc sống của mình, chứ không phải cố chịu đựng hôm nay đi rồi ngày sau sẽ được hạnh phúc.
Tồn tại hiển nhiên trong đầu mọi người Việt, nhưng ít ai nhớ đến chiều sâu của chữ “hạnh phúc” lần đầu xuất hiện sau năm 1945, khi một nhà nước non trẻ mới vừa được thành lập trong đói nghèo khốn khó đã lấy “Độc lập, tự do, hạnh phúc” làm mục tiêu lớn nhất của mình. Hạnh phúc của một quốc gia có thể được đo bằng nhiều cách, nhưng từ ngày ấy, “hạnh phúc” đã tỏa sáng trong nhận thức của đồng bào ta, là nền tảng của hạnh phúc mỗi cá nhân. Vậy nên, cũng không ngạc nhiên khi Việt Nam trở thành nước tham gia ngày Quốc tế hạnh phúc chỉ sau một năm kể từ khi Liên Hiệp Quốc đưa ra ngày này.
Để hạnh phúc không chỉ là câu chuyện riêng của mỗi người, để hạnh phúc có mặt trong tất cả số ngày của năm, để hạnh phúc thực sự chan hòa, lan tỏa, có lẽ, không chỉ một ngày Quốc tế hạnh phúc mà đủ, cần hơn và gần hơn là những chính sách về bình đẳng giới, về quyền của trẻ em và phụ nữ… phải thực sự đi vào đời sống, thực sự trở thành thói quen, suy nghĩ và hành động của mọi người.
Theo Phunuonline