Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Khởi nguồn Kinh Bắc

Thứ ba, 02/08/2016 | 03:44

Khởi nguồn Kinh Bắc

Trên trang sử dài của cộng đồng Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Kharkov-Ucraina có rất nhiều sự kiện quan trọng mang dấu ấn thời đại giữ mãi trong ký ức con người. Đó là sự ra đời của các tổ chức, hội doàn qua tháng năm theo nhu cầu phát triển của xã hội cũng như nguyện vọng thiết tha của quần chúng lao động. Hội đồng hương Kinh Bắc Kharkov-Ucraina gồm hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ra mắt vào chiều ngày thứ sáu 15 tháng 7 năm 2016 cũng nằm trong khuôn khổ lịch sử ấy.
Trong tâm trạng phấn khởi, hồ hởi cùng Phó chủ tịch thứ nhất Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov Vũ Huy Dương- Bạn đồng nghiệp một thời làm báo “Tuần tin quê hương”, dự Lễ hội Kinh Bắc ở ngoại ô Kharkov, tại một địa điểm thiên nhiên phong cảnh hữu tình, thuyền nối đuôi nhau bên bờ sông, nước gợn sóng lăn tăn và hàng cây xanh che bóng mát cho những lứa đôi ngồi trên bãi cát vàng. Chợt nhớ, cuối tháng 6 vừa rồi, tình cờ gặp Phạm Ngọc Sơn đang tác nghiệp tại Cửa hàng bán đồng hồ của mình tại dãy HN- nơi để lại trong tôi bao kỷ niệm một thời chợ búa từ những ngày đầu Trung tâm thương mại Barabashova, Sơn tranh thủ bật máy điện thoại Iphone 5 hiện đại, đưa tôi xem tấm hình, ướm hỏi thì ít mà khoe lại nhiều hơn:
-    Phông Kinh Bắc đây, anh thấy có đẹp không?
Mới thoáng nhìn đã cảm nhận ngay những nét đặc trưng của miền Kinh Bắc “Vùng bán sơn địa hình nằm ở phía đông bắc của Tổ quốc Việt Nam. Con người Kinh Bắc với truyền thống văn hóa hiếu khách, cần cù sáng tạo, bàn tay khéo léo trăm nghề. Nghề tơ tằm, gớm sứ, đúc đồng, chạm bạc, khắc gỗ, tranh dân gian...Để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người Việt cho những ai dù chỉ một lần có mặt tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh-Kinh Bắc. Đặc biệt gây ấn tượng mạnh, phía dưới phông là mấy cô gái xinh đẹp trong bộ cánh áo dài tứ thân, miệng cười tươi như hoa lúc ban mai, như thể đang cùng nhau hát bài ca quan họ Bắc Ninh, khiến tôi nhanh mồm nhanh miệng, khen lấy khen để ngay “thật tuyệt diệu” rồi đặt vấn đề:
-    Tác phẩm độc đáo này của ai đấy?
Cười hóm hỉnh, Sơn thân tình đáp.
-    Thì còn ai khắc ngoài người Kinh Bắc chúng tôi.
Gật đầu nhất trí “vì chẳng có ai hiểu bằng chính mình”, tôi hỏi thêm:
-    Bao giờ Kinh Bắc khởi nguồn? (đồng nghĩa với ra mắt)
-    Sắp tới rồi anh. Sơn đáp nhanh rồi bộc lộ, ngày ấy vào đúng thời điểm người Kinh Bắc chúng tôi đồng tâm nhất trí, cộng lực một lòng, quyết tâm xây dựng Hội Đồng hương Kinh Bắc là chỗ dựa vững chắc cả về tinh thần lẫn vật chất cho những đứa con sinh ra và lớn lên ở hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Góp phần xây dựng cộng đồng Việt Nam ngày càng trong sạch và vững mạnh như chỉ tiêu của Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov đề ra.
Và hôm nay giữa tháng 7 nắng hè oi ả, trong không khí trang trọng, ấm áp tình người “máu đỏ da vàng cùng quê hương Việt Nam”, Hội Đồng hương Kinh Bắc ra mắt đại diện các tổ chức hội đoàn Kharkov, cộng đồng Việt Nam và bà con Kinh Bắc đang mưu sinh tại nơi đây với chỉ tiêu: “chung lưng đấu cật, đoàn kết một lòng, yêu thương, giúp đỡ nhau trên phương châm “lá lành đùm lá rách”. Đồng thời, kề vai sát cánh cùng các Hội Đồng hương khác, là thành viên của Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov, thành một khối thống nhất cả về tư tưởng lẫn hành động để vượt qua những khó khăn trước mắt và lâu dài do cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế tại nước này. Xây dựng một mối quan hệ, tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Ucraina. Luôn hướng về cội nguồn, đất mẹ Việt Nam-nơi ta sinh ra và lớn lên. Như diễn văn khai mạc của Chủ tịch Hội Đồng hương Kinh Bắc Lưu Xuân Bình, nhần mạnh từ đầu đến cuối.
Lần lượt phát biểu và tặng hoa lưu niệm, đại diện Ban Lãnh đạo Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov, Hội Đồng hương các tỉnh thành Thanh Hóa, Nam Định, Hưng Yên, Vĩnh Phú, Thái Bình, Ninh Bình...Đặc biệt còn có khách quí Kinh Bắc từ Kiev...đều đánh giá cao ý tưởng trong sáng, việc làm lành mạnh mang tính nhân văn vì mái nhà chung cộng đồng Việt Nam của Hội Đồng hương Kinh Bắc Kharkov-Ucraina. Nhất là việc làm đầy tình nghĩa phát động quyên góp tiền giúp gia đình chị Ngọc (Bắc Giang) có chồng là anh Tấn (Ninh Bình) đang nằm cấp cứu ở bệnh viện 17 Kharkov, ngay trong buổi lễ, để kịp thời giúp đỡ vào đúng lúc “một miếng khi đói bằng một gói khi no” được biểu dương ca ngợi hết lời.
Về việc làm nhân đạo này, nhà thơ Thương Giang (tên thật là Vũ Tuyết Nhung) vốn là cộng tác viên tích cực của “tuần tin quê hương” từ thuở ban đầu lưu luyến ấy-trong đoàn Kinh Bắc Kiev, trải lòng: Nghĩa cả việc chung “thương người như thể thương thân” của cộng đồng Việt Nam, của người Kinh Bắc Kharkov dường như đã thấm vào máu thịt từ lâu thật đáng trân trọng và tự hào. Để rồi tấm lòng vàng ấy giữ lại trong tôi những ấn tượng mạnh mẽ không thể mờ phai.
Giây phút chia tay-vào lúc kẻ ở người đi, nhà thơ Đặng Thị Minh Kiểm-Kiev (Kinh Bắc) hân hoan nét mặt hứa sẽ gửi cho “Ban đồng hành”- Kharkov những vần thơ mới theo chủ đề “tình yêu, con người và cuộc sống” như đã từng là “bạn gần gũi” với “tuần tin quê hương” trước đây. Nghe sao ngọt ngào như câu ca quan họ Bắc Ninh thân thương ấy.
Tiếc thay phận mình, ngày còn ở Hà Nội chưa một lần đặt chân đến hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh thuộc Kinh Bắc, dù nơi ấy cách cố đô đâu có xa. Nhưng lại thích và nghe nhiều bài dân ca quan họ Bắc Ninh. Thậm chí qua sách báo còn biết khá rõ vùng đất Tân Yên ngày nay chính là Yên Thế hạ ngày xưa. Trong kháng chiến chống Pháp, đây từng là nơi “đóng đô” đi về của các văn nghệ sĩ kháng chiến. Gia đính nhà văn Nguyên Hồng từng cùng gia đình các nhà văn Kim Lân, nhà văn Ngô Tất Tố, họa sĩ Tạ Trúc Bình, họa sĩ Trần Văn Cẩn...lên tản cư ở ấp Kỳ Nhàn (nơi sau này được nhà nước gọi là Đồi văn hóa). Vùng đất này từng đặt dấu chân cùng các tên tuổi lừng danh: Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Huy Cận, Tô Hoài, Như Phong...và nhiều thế hệ các nhà văn sau này. Đặc biệt nó được nhà văn Nguyên Hồng gắn bó suốt 23 năm để hoàn thành bộ tiểu thuyết “Cửa biển” và “Núi rừng Yên Thế” dày mấy ngàn trang sách...nên từ đấy con tim biết yêu thương cũng bắt đầu rung động, yêu thầm nhớ vụng những “Em là cô gái Bắc Giang”.
Cũng vì thế chăng, dự lễ “Khởi nguồn Kinh Bắc” lần này, tôi thầm cảm ơn các bạn đã sưởi ấm tình yêu vốn có từ lâu đến với quan họ Bắc Ninh, với người Bắc Giang lãng mạn giàu chất thơ.
Chúc các bạn người Bắc Ninh lẫn Bắc Giang giữ mãi nét đẹp mang tính truyền thống nhân văn Kinh Bắc trong cộng đồng Việt Nam tại Kharkov-Quê hương thứ hai của mình.

Nguyễn Trọng Cơ
“Ban đồng hành”- Kharkov

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN