Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Những người lính thời Xô Viết

Chủ nhật, 17/07/2016 | 20:55

Những người lính thời Xô Viết

Hôm đồng hành với Chủ tịch Phạm Xuân Thu và Phó chủ tịch Trần Văn Bảy Hội cựu chiến binh Việt Nam tỉnh Kharkov đến nhà Đại tá Serduk P.M (85 tuổi), Chủ tịch và Đại tá Bohun E.I (82 tuổi) Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh thành phố Kharkov từng công tác tại Việt Nam thời chống Mỹ cứu nước để chuyển quà của Đại sứ quán Việt Nam tại Kiev và Hội cựu chiến binh Việt Nam toàn Ucraina đã giữ lại trong tôi nhiều cảm xúc sâu nặng về tình người, tình đồng chí một thời chiến tranh, một thời hòa bình. Bởi lẽ, việc làm “đền ơn đáp nghĩa” này thể hiện rõ nét tính hữu nghị bền vững, vốn có từ lâu giữa hai nước Việt Nam và Liên Xô (cũ) nay là Ucraina, cũng như tấm lòng thủy chung mang tính truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Nhận “món quà nhỏ nhưng là tấm lòng” (như lời phát biểu của Chủ tịch Phạm Xuân Thu khi trao) hai chiến sĩ lão thành thời Xô Viết ấy, nắm chặt tay chúng tôi xúc động ngỏ lời cảm ơn chân tình tới lãnh đạo Hội đoàn, cộng đồng Việt Nam và cựu chiến binh, quân nhân Việt Nam đã một thời cầm súng bảo vệ Tổ quốc mình. Liền sau đó, cười tươi nói rành rọt mấy câu tiếng Việt “Việt Nam- Liên Xô muôn năm” nghe mà ấm tình người, mà phấn chấn khôn nguôi phần vì hoàn thành trách nhiệm Hội giao, phần vì cảm kích trước tấm lòng rộng mở của các cụ đối với đất nước mình.
Ra về, lòng vui như mở hội, ba chúng tôi nhìn nhau, ánh mắt rạng rỡ niềm tin như thể lòng dặn lòng mỗi lần nhớ về cội nguồn yên bình như ngày nay, chớ nên quên những cống hiến dù nhỏ nhoi hay to lớn, góp phần đặt nền móng độc lập tự do, thống nhất hai miền thành Tổ quốc Việt Nam ta từ những ngày đầu của những con người đó.
Mà rồi, nói thế cũng là để nhắc nhở mình thôi, chứ thực ra, mười mấy năm trời qua, ngay từ buổi đầu thiết lập mối quan hệ khăng khít với hội cựu chiến binh Kharkov, cho đến tận bây giờ, Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov đã làm tất cả những gì cần thiết nhằm củng cố, giữ gìn mối quan hệ gốc gác có từ ngần ấy tháng năm. Nhất là, khi có trong tay danh sách hội viên Hội cựu chiến binh thời Xô Viết gốc người Kharkov từng công tác ở Việt Nam, người cao tuổi nhất sinh năm 1924 là cụ Sokolov A. L, quân hàm cao hơn cả là Thiếu tướng Zakorukin B.M năm 2016 này tròn 80, còn người thuộc thế hệ thứ 2 là thủy thủ Koval B.M ra đời vào năm 1967. Hội thường xuyên gặp gỡ tặng quà cho từng người vào ngày lễ hội. Quan tâm riêng cho cả những cá nhân sinh nhật vào năm chẵn. Thậm chí, hầu hết các trường hợp rủi ro trở về cõi vĩnh hằng theo quy luật nghiệt ngã của tạo hóa, Hội đều cử đại diện đến phúng viếng, chia buồn với gia đình, người thân, để lại dấu ấn chẳng thể mờ phai trong tâm khảm những sĩ quan, binh lính thuở xưa ấy. Việc làm “nghĩa tử là nghĩa tận” này thật đáng ca ngợi. Đồng nghĩa là các bạn còn nhớ đến chúng tôi. Đại tá Blinok N.A (sinh năm 1930) đã có lần thốt lên như vậy.  
“Quên sao được những người vì nghĩa vụ Quốc tế cao cả, vì tình cảm riêng tư với đất nước Việt Nam tự nguyện khoác ba lô lên đường, đến miền đất xa xôi khói lửa chiến tranh”. Những lần gặp gỡ, chúng tôi đều bày tỏ lòng tri ân ấy.
Hồi âm lại là tập sách dày 400 trang với nhan đề nóng bỏng “Groznoe nebo Vietnama” tạm dịch là “bầu trời dữ dội Việt Nam” xuất bản tại Kharkov 2008. Nội dung là những hồi ký, theo chủ đề: chúng tôi không bao giờ quên chiến tranh ở Việt Nam, mà tác giả của nó là những người có mặt vào thời kỳ khói lửa ấy”. Tôi tin rằng, quyển sách này không chỉ mở ra lịch sử quan hệ giữa Ucraina và Việt Nam, chiến sự tại Việt Nam, chiến công lừng lẫy của những người lính mà còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một đất nước tuyệt vời như lời tựa của Chủ tịch Hội hữu nghị Ucraina-Việt Nam.
Nhớ lần tặng tôi quyển sách này, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Kharkov tâm sự: “Công tác tại Hà Bắc, Việt Nam (1966-1967) tuy ngắn ngủi có một năm nhưng để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu nặng về con người đất nước Việt Nam anh hùng bất khuất. Hết hạn trở về Kharkov, chẳng phải riêng tôi mà đồng đội vẫn đau đầu những kỷ niệm một thời đồng hành với các bạn trên chiến trường. Khiến gần đây chúng tôi tự nguyện viết lên những trang hồi ký này để mà thương mà nhớ”. Nghe cảm động càng thêm kính trọng những con người như thế.
Thậm thía câu thành ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, viết lên mấy lời chia sẻ này, tự nhắc và những mong mọi người hiểu sao cho đúng lẽ phải của đời “từ đâu và do ai ta có được cuộc sống bình yên nơi bến đỗ này”. Công bằng mà nói trong đó không thể không tính đến nghĩa vụ quốc tế cao cả của các cụ cựu chiến binh thời Xô Viết ấy. Kể cả những cựu chiến binh, quân nhân Việt Nam “Anh bộ đội cụ Hồ năm xưa” nay lại có mặt trên thương trường sống động, cùng dân chợ búa chúng ta mưu sinh tại trung tâm thương mại Barabasova. Nhiều lúc cũng cần nhắc đến để mà trân trọng, tự hào, mà không tự hào sao được. Ngày 22-12-1964, Bác Hồ đọc bài phát biểu chào mừng tại buổi chiêu đãi trọng thể nhân dịp kỷ niệm Quân đội nhân dân Việt Nam tròn hai mươi tuổi. Người khẳng định “Quân đội ta anh dũng trong kháng chiến mà cũng anh dũng trong hòa bình. Đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc, đập tan mọi hành động khiêu khích phá hoại của đế quốc Mỹ và tay sai... Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Nguyễn Trọng Cơ
“Ban đồng hành, Kharkov”

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN