Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

20 năm – Một chặng đường

Thứ tư, 18/05/2016 | 08:58

20 năm – Một chặng đường

Vào những ngày này tháng này của năm 2016, Trung tâm thương mại Barabashova bước vào tuổi 20 (1996-2016) đầy sinh lực để tự mình vượt qua những khó khăn chất chồng do cuộc khủng hoảng về chính trị lẫn kinh tế trên đất nước này. Sau đó còn là chỗ dựa vững vàng, là niềm tin và hi vọng cho dân chợ búa từ khắp bốn phương trời đang mưu sinh trên mảnh đất này từ những ngày đầu.

    20 năm – Một chặng đường. Nếu đem so với lịch sử hình thành và phát triển của xã hội loài người thì chẳng thấm tháp gì. Nhưng ngần ấy tháng năm so với đời của một con người, nhất là sự bươn trải của dân chợ búa qua những bước thăng trầm của thời cuộc thì không hề ngắn ngủi và “thuận buồm xuôi gió” chút nào. Để rồi, ai cũng hiểu quá trình dài lâu trong cuộc đấu tranh sinh tồn “Lửa thử vàng gian nan thử sức” ấy chính là thước đo “nơi bền lâu này có là nơi lắng sâu” trong lòng mọi người đến đâu!
    Với tôi, đôi khi nghĩ lại, chả hiểu duyên phận phải chiều thế nào mà quá nửa đời phiêu dạt nơi xứ người lại trôi nổi theo dòng đời đua chen ngay từ thuở ban đầu Trung tâm thương mại Barabashova – chợ bán buôn bán lẻ lớn nhất miền đông Ucraina – mở cửa cho tới ngày hôm nay. Chao ôi! Đã hơn 7 nghìn ngày không nghỉ “bắp chân đầu gối vẫn săn gân”, tần tảo sớm hôm qua bốn mùa xuân hạ thu đông với bao kỷ niệm “niềm vui xen lẫn nỗi buồn” chẳng thể quên.
    Nhớ mãi, năm 1996, công ty trách nhiệm hữu hạn Hữu Nghị (thành lập năm 1995), thuộc Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov – chính thức ký kết hợp đồng thương mại với tập đoàn AVEC, mở một góc chợ riêng cho người Việt Nam buôn bán kinh doanh tại Trung tâm thương mại Barabashova trong thời hạn 10 năm (1996-2006)
    Thế là, vào giữa năm ấy -1996, dưới tấm biểu ngữ treo trên tầm cao mang dòng chữ vàng trên nền đỏ “Вьетнамское землячество” (Hội Đồng Hương) là trên dưới 400 mét chỗ bàn thuần người Việt Nam đứng bán hàng. Niềm tự hào rực rỡ trên khuôn mặt mỗi người, chiếm đại đa số là công nhân “tay kìm tay búa” sang đây lao động theo hiệp định Kinh tế được ký kết giữa 2 nhà nước Việt Nam và Liên Xô (cũ) trụ lại khi hệ thống xã hội chủ nghĩa bắt đầu tan rã vào những năm 90 của thế kỷ trước.
    Thế rồi, qua đi một chuỗi ngày “Vạn sự khởi đầu nan” khu chợ của công ty Hữu Nghị dần dà đi vào nề nếp trong khuôn khổ đoàn kết là sức mạnh, cộng thêm không thể thiếu được sự thành tâm giúp đỡ lẫn nhau trên phương diện “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Chính vì vậy, những khó khăn thường vấp phải đối với những công ty nước ngoài muốn đặt nền móng kinh tế trên mảnh đất xứ người như mấy anh em chúng tôi (từ lãnh đạo đến nhân viên) một khi sớm biết mình là ai sẽ nhanh chóng vượt qua.
    Trụ sở - nơi làm việc tại chợ của công ty – Bạo mồm bạo miệng gọi là Văn phòng cho lịch sự thôi, chứ thực ra chỉ là một căn phòng nhỏ hẹp chừng trên dưới 10 mét vuông, được ghép lại bởi 4 tấm bê-tông “vuông thành sắc cạnh”. Tuy tuềnh toàng, đơn sơ dạng chợ búa ấy đấy nhưng ấm cúng lạ. Vì là điểm tựa cho nhiều người ở nhiều số phận lẫn màu da khác nhau. Thêm vào đấy, hàng tuần suốt đêm ngày, anh em trong ban quản lý chợ chúng tôi thay nhau có mặt ở đó, kể cả ban đêm vào 2 buổi bán buôn thứ 2 và thứ 5.
    Bên ấm chè xanh “Hương đồng cỏ nội” là những câu chuyện tâm tình về miền quê đồng xanh trái ngọt, về gia đình, riêng mình có những khó khăn thuận lợi gì, là công việc chợ búa chung sao cho vui lòng khách đến vừa lòng khách đi… Ngọt bùi chia sẻ cho nhau cuối cùng cũng chỉ là để động viên nhau quên sầu riêng, vững chắc bám trụ nơi đây trên quê hương thứ 2 này.
    Năm tháng trôi qua. Như con thuyền lênh đênh trên biển cả mãi rồi cũng trở về bến bãi, năm 2006 khu chợ Hữu Nghị kết thúc hợp đồng với Tập đoàn AVEC.
    10 năm qua (2006-2016), kể từ sau ngày ấy, nhiều biến động buồn vui lẫn lộn đến với chúng tôi một thời cùng một con thuyền Hữu Nghị xưa. Ngày mồng 9 tháng 1 năm 2008, ông Đinh Văn Nhời, giám đốc công ty Hữu Nghị, trở về cõi vĩnh hằng, để lại “nỗi buồn không của riêng ai” trong cộng đồng người Việt, tiếp đến anh Tuấn, anh Quyên, khăn gói lên đường về lập nghiệp mới, rồi anh Tài, anh Hưng cũng chuyển ngạch làm ăn, gây dựng cơ đồ. Tới nay, còn tôi với anh Hào. Hai anh em, tuy ở vị trí khác nhau nhưng sáng ngày vẫn qua một ngưỡng cửa, một ngôi nhà, vẫn đứng trong đội ngũ chung một chiến hào phục vụ cộng đồng Việt Nam tại Trung tâm thương mại Barabashova. Và, điều quan trọng hơn cả là, hai chúng tôi vẫn gắn bó chặt chẽ, thân tình anh em như cái thuở ban đầu của 20 năm về trước ấy. Tôi quý mến và trận trọng Hào, không chỉ vì anh là người cùng quê Hà Nội, luôn động viên tôi xuất bản “Bạn Đồng Hành” để tiếp tục giữ “Tiếng nói cộng đồng Việt Nam tại Kharkov” – đã có gần 20 năm nay, mà chủ yếu là cái tính thẳng thắn “đã nói là làm”. Nhất là sau “giọng nói hơi cao” là tấm lòng rộng mở sẵn sàng giúp đỡ mọi người trên phương châm “lá lành đùm lá rách”.
    Những lần, chỉ có hai người, nhắc lại những kỷ niệm cũ nằm trong quá khứ, không thể không kể đến những bữa tiệc “nhỏ” của anh em “Hữu Nghị” tại Nhà hàng Misto (Thành phố) năm trên phố cổ Klochkovskaya, mà dân địa phương sành điệu ở Kharkov thường lui tới thưởng thức những món ăn đặc biệt. Dấu ấn một thời, tạm “đùa” cho là “Hoàng Kim” ấy, sẽ giữ mãi trong tâm khảm của mỗi người chúng tôi, cùng tháng năm chẳng thể mờ phai.
    Vậy thì, nhìn rộng ra “xa tầm mắt”, năm 2016 này, Trung tâm thương mại Barabashova tròn 20 năm xây dựng và phát triển theo quy mô hiện đại, sẽ là ngày lễ hội lớn không riêng cho những người có ý tưởng và công sức vun đắp nó mà cho tất cả những ai buôn bán kinh doanh trên mảnh đất màu mỡ này. Để rồi, dù cho số phận và sự thành đạt của những người vốn là dân chợ búa dù không đồng đều, nhưng ai nấy trong con tim, khối óc mình vẫn một lòng biết ơn chân thành về họ - những người đã viết lên lịch sử Trung Tâm thương mại Barabashova qua một chặng đường dài 20 năm.
                            

Nguyễn Trọng Cơ
                        “Bạn Đồng Hành” – Kharkov