Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Chia sẻ cho nhẹ lòng

Thứ tư, 11/05/2016 | 12:06

Chia sẻ cho nhẹ lòng

Ảnh minh họa

Tôi rất ngại đi làm muộn. Ngay cả một thời có “Vai vế” hẳn hoi, cũng chẳng thích nữa là bây giờ thuộc dạng “Viên chức nghèo”. Tôi thường ví mình như vậy để tu chí, sống giản dị, giữ gìn tính khiêm nhường và tuân thủ kỷ cương đạo đức con người bằng lương tâm và trách nhiệm, nên càng cần phải cố gắng, nỗ lực hơn sao cho thoát khỏi con mắt coi thường của mọi người, của anh em bạn bè. Nhưng khốn nỗi “lực bất tòng tâm”, nên đôi khi vẫn rơi vào tình trạng khó ăn khó nói, khó giải thích hành động vi phạm của mình. Nguyên nhân chính chỉ vì việc đi lại phụ thuộc vào phương tiện giao thông công cộng. Đã thế từ bến Metro Barabashova qua trung tâm mỹ phẩm “sông Hồng” thường bị các cô gái trẻ chân dài tấp nập vào ra mua sắm những mặt hàng dành cho phái đẹp, ngăn lối, chặn đường. Thêm nữa, bản thân tôi vốn hay “cả nể”, hễ gặp ai dù thân hay sơ, đều dừng chân tán gẫu “dăm câu ba điều”, chia sẻ cho nhẹ lòng, nên nhiều lúc đành chịu “dở dang”. Song, bù lại tôi nhận được nhiều thứ bổ ích mà có tiền cũng không mua nổi. Đó là những giây phút mang đến cho tâm hồn sự thanh thản, rộng mở; là dịp may hiếm có để tích lũy thêm vốn sống. Viết những bài báo tâm tình, những đoạn văn chia sẻ trên báo “Bạn Đồng Hành” có hồn, có nhựa sống lại mang hơi thở cộng đồng trên mọi tầm vĩ mô. Được và mất chính là ở chỗ ấy!
    Vâng, hôm vừa rồi, ngày thứ năm Optom (bán buôn) giữa tuần, đang hối hả bước nhanh trên con đường dài thưa người mua, nhiều cửa hàng vẫn đóng cửa im ỉm. Đây đó, có mấy người Tây và Ta ngồi buồn thiu bên sạp hàng, hoặc quây tụ bên nhau “buôn chuyện giải sầu”, tình cờ gặp T. Chào hỏi nhau xong, tôi định bước tiếp, liền bị “túm áo” lại, anh bạn chất vất ngay:
-    “Tôi đi làm bằng Metro”, tác giả là anh đúng không?
-    Sao cậu biết? – Ngạc nhiên, tôi gặng hỏi lại vì thừa biết anh ta về quê ăn Tết cổ truyền dân tộc mới sang thì làm sao có được “Bạn Đồng Hành” đã ra mắt độc giả trước đấy một tháng.
Chả đợi đối tác hỏi thêm, T. trả lời ngay:
-    Mới chiều qua, tranh thủ đọc mạng qua báo điện tử “Người Việt Odessa”, - mà rồi chẳng cần tôi công nhận hay không, anh bạn thở dài, trải lòng. – Nhanh thật, ngỡ như mới ngày hôm qua, hôm kia thôi mà nay đã vừa tròn 20 năm. Hai mươi năm đằng đẵng sống ở Kharkov là cả chuỗi thời gian dài đằng đẵng, vợ chồng em đi chợ bằng ô tô công cộng từ ốp đến Trung tâm thương mại Barabashova kiếm sống, vậy thì, so với vợ chồng em thôi 10 năm trời của anh nào thấm tháp gì (nhoẻn miệng cười)
-    Có nghĩa là từ ngày chợ này khai sinh đập địa – Ngỏ ý khen xong, tôi cố tình trêu, chê luôn – Ngần ấy tháng năm tần tảo buôn bán làm ăn, trải qua bao sóng gió cuộc đời, tồn tại tới ngày hôm nay, trong tay lại có cửa hàng hoành tráng nằm giữa chợ, là thành đạt quá đi chứ mà vẫn đi bộ, thì chả hóa ra câu thành ngữ “Phi thương bất phú” không khả dĩ với cậu à!
Cũng chẳng vừa, T. đùa lại ngay:
-    Còn anh “vang bóng một thời” như thế mà nay lại “đi làm bằng Metro” thì hỏi rằng, có “lạc hậu” không cơ chứ. - Nói rồi, quay về quá khứ bấy lâu ấp ủ trong đời người một thời công nhân, một thời chợ búa qua những tháng năm đợi chờ và hi vọng nơi xứ người, hắn vào đề luôn. – Chắc anh cũng biết, xuất xứ dân chợ búa từ thuở ban đầu, chả riêng ở Kharkov mà toàn Ucraine, hầu hết đều là công nhân sang đây lao động trong khuôn khổ hiệp định kinh tế được ký kết giữa hai nhà nước Việt Nam và Liên Xô (cũ). Ngày lại ngày, đang yên lành “tay kìm tay búa” bỗng đổi đời sang nghề chợ búa, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa bắt đầu tan rã, nhà máy đóng cửa dần, công nhân thất nghiệp theo, trong đó có người Việt mình. Cái ngày “định mệnh” ấy diễn ra vào những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước. – ngừng 1 lát, giọng trầm hẳn, hắn nói tiếp – Đứng trước ngã ba đường về hay ở, trăn trở suy tư, số ít có điều kiện hồi hương “làm lại cuộc đời”, số đông không có vé về quê đành ở lại tha phương cầu thực nơi xứ người, mưu sinh tại chợ, hết chợ trung tâm trước đây đến Trung tâm thương mại Barabashova bây giờ. 
-    Và tính chuyện lâu dài “Sinh cơ lập nghiệp” trên quê hương thứ 2 này. – tôi bổ sung thêm như thể nói lên tâm tư của mình thay hộ cho cả hàng nghìn gia đình Việt Nam đang sinh sống, làm ăn ở Kharkov, miền đất hứa khi còn ở quê nhà đã mơ ước, rồi nhận định – Khách quan nhìn, những năm trở lại đây, trời đâu phụ lòng người. Thay vào những căn phòng trong ký túc xá là những kva hiện đại ở nhiều khu chung cư mới, thêm đủ các loại ô tô du lịch nữa. Trân trọng và tự hào lắm chứ!
Gật đầu tán thành, T. cũng dốc bầu tâm sự:
-    Tuy nhiên, để có được những gì trong tầm tay như ngày hôm nay, không hề đơn giản chút nào mà phải trải qua cả một quá trình phấn đấu lâu dài. Tự lực cánh sinh là chính rồi mới tính đến sự giúp đỡ, tương thân tương ái của anh em, bạn bè. Như nhà em đây, cố gắng lắm mới mua nổi cửa hàng này đấy…
-    Mấy năm rồi? – Tôi hỏi.
Gãi đầu gãi tai, cố nhớ T. đủng đỉnh đáp:
-    Hình như vào giữa năm 2012 ấy.
Vin theo ý này, tôi “vờ” xuýt xoa đặt câu hỏi:
-    Thế mà không mua ô tô cho đồng bộ để giống các doanh nhân thành đạt khác, sớm ngày ra chợ bằng phương tiện giao thông riêng của mình cho “oai”.
Cười xòa lấy lệ, T. đáp: “Chuyện mua ô tô nhỏ như con thỏ ấy mà anh”. Sau đó nghiêm túc giải thích:
-    Anh tính, mình gốc dân chợ búa thì đầu tư công chỗ là việc làm hàng đầu để “an cư lạc nghiệp”. Thoạt tiên là chỗ. Có mấy trăm đô. Ai cũng đạt được ý tưởng của mình. Mấy năm sau, kinh tế chợ phát triển, công ty chủ quản “xóa” chỗ dựng công “sắt”. Xếp đặt “đẹp” như bàn cờ, trộng rãi đường “thênh thang 8 bước”. Thế là đâm lao lại phải theo lao. Mà cũng đúng thôi vì theo hướng kinh tế chợ đi lên. Cho nên chả riêng nhà em mà mọi nhà đều phấn khởi vội “dốc vốn” từ “mồ hôi nước mắt” bấy lâu ký hợp đồng. Mấy năm sau, vào cái thời kỳ hưng phấn ấy, bù lại công lao động “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhà nào nhà nấy “tiền vào như nước”. Nụ cười thường trực trên môi. Người người đua chen mua căn hộ sắm ô tô theo phong trào luôn vươn lên trên tầm cao mới. Thì, đùng một cái, chợ quy hoạch lại, xây dựng thành cửa hàng “kính” thoáng đãng, sáng sủa theo tiêu chuẩn Châu Âu. Có mình trong đó, ai chả muốn, chẳng thích…
-    Trong đó có cậu! – rỉ tai T., tôi thì thầm để hàng xóm láng giềng ở cửa hàng bên khỏi nghe thấy.
Chép miệng thở dài, T. thổ lộ:
-    Vâng một lần nữa lại “chở củi về rừng”. Ai đầu tư quá sức, giải ngân bằng tiền vay lãi thì về “mo”. Ai tự lực biết “mình là ai” thì trụ lại cho tới nay. Vẫn là ông chủ. Nhưng tiếc thay đất nước này hơn hai năm qua song song 2 cuộc khủng hoảng về chính trị lẫn kinh tế, khiến tiền mình có cũng như “muối đổ biển”.
-    Có nghĩa là dù ở đâu, đang làm gì đừng quên mình là ai, phải không T.? – Tôi đặt vấn đề hỏi hắn nhưng thực chất cũng là để dặn mình kẻo vui miệng, vui chơi quá đỗi quên mất sự lụy đến bản thân.
Thấy tôi nói đúng tim mình chăng, T. hồ hởi tự sự:
-    Thật hú vía. Nhiều lúc định liều mua ô tô chịu trả dần. Cho bằng anh bằng em. Nhưng lần nào cũng bị bà xã ngăn cản với lý do “vay ngân hàng lãi mẹ đẻ lãi con quá tội”. Hơn nữa, tự nghĩ thời buổi khó khăn này, sống sao cho giản dị, chứ đừng cố khoe mẽ nơi đất khách quê người, có ngày mang “vạ” vào thân. Vả lại, mình là dân chợ búa, tay xách nách mang đi chợ bằng phương tiện giao thông công cộng như dân địa phương nữa, thì có gì phải ngượng. Mặc dù hàng ngày phải dậy sớm hơn một chút, mất thời gian nhưng lại được sức khỏe từ đôi chân của mình, cộng thêm sự hòa nhập với cuộc sống xung quanh, nơi ta đang sống. Chứ cứ vừa bước ra khỏi nhà đã ngồi sau tay lái thì làm sao có được những cái mà người đi bộ có được như anh đã chia sẻ qua bài “đi làm bằng metro”, phải không anh?
Đang đắn đo chọn câu trả lời “Da, ili net” (đúng hay không) sao cho tế nhị, kẻo người không ưa mình ghét bỏ - vì trên đời này ai chiều được hết ai – thì M. dẻo chân ghé qua. Thấy hai chúng tôi đang nhỏ to, hắn cũng góp chuyện làm “quà”: -
-    Mấy tháng nay, bán xe mua góp, trả hết nợ ngân hàng. Mừng rơn thoát nợ đã đành mà còn cảm thấy sức khỏe ổn định dần, giảm cân ngủ ngon giấc nữa.
-    Ngược đời thật. Người mua không nổi cậu lại bán đi. – Tôi trêu.
Thật thà, M. giải thích:
-    Thì anh tính, khó khăn chung, số đông bán hàng tồn nuôi miệng, tiền trả công chỗ hàng tháng còn khó khăn nữa là giá xăng cao. Ấy là chưa kể…
Linh cảm thấy đứng đây đã quá lâu, tội vội khất hẹn gặp lại.
Gấp gáp về tới nơi gặp gỡ anh em bạn bè. Thanh minh sự muộn màng của mình bằng câu chuyện “Chia sẻ cho nhẹ lòng” vừa qua. Mọi người chăm chú lắng nghe như muốn chia sẻ cùng tôi.
                          

 Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng Hành” – Kharkov

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN