Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

“Búa Liềm” trong tôi

Thứ hai, 02/05/2016 | 10:47

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, đang sống buồn tênh trong cảnh ngộ xa đất nước vắng đồng hương thì may thay, có lẽ do trời đất phù hộ độ trì cho ấy, tình cờ vừa mới quen sơ mấy chục anh em công nhân Việt Nam làm việc tại nhà máy “Ánh sáng người thợ mỏ”, cư trú trên đường phố Kolomenskaya, đã trở nên thân thiết như anh em trong một nhà.
Khoảng giữa năm 1991, chủ nghĩa xã hội tan rã, nhà máy đóng cửa dần, công nhân thất nghiệp dần trong đó có người Việt mình. Và, rồi ai quyết tâm trụ lại nơi đây đành phải thay áo công nhân thành dân chợ búa, mưu sinh tại chợ Trung Tâm. Kể cả tôi, quá nửa đời phiêu dạt, có biết hàng hóa, chợ búa bao giờ đâu cũng mạnh bạo hành trang theo mấy anh bạn ốp mỏ ra chợ tác nghiệp.
Ngỡ ngàng thấy người Việt mình quần tụ quá đông. Hàng hóa trải trên mặt bàn, bày trên giường gấp từ chiếc kim sợi chỉ rẻ tiền đến áo lông thú đắt giá… Định làm quen, tìm hiểu cho ra nhẽ nhưng khốn nỗi không phải gốc tay kìm chợ búa từ quê nhà sang đây nên ngượng ngùng đành thôi, đợi thời.
Qua đi một chuỗi ngày tự mình cũng đã từng “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, thêm một nắng hai sương nữa mới kiếm ra đồng tiền bát gạo nuôi thân cứu giúp gia đình nên càng khâm phục bà con cộng đồng ta nơi thương trường nóng bỏng và sôi động này. Nhiều lúc, đôi khi muốn tìm hiểu, ghi nhận vào ký ức một thời chợ búa về những con người đáng yêu đáng quý ấy để nhỡ đâu, có điều kiện kể lại cho thế hệ mai sau biết một thời đã qua của mẹ cha mà trân trọng, tự hào. Nhưng chưa có người chỉ đường mách lối và bản thân cảm thấy chưa chín muồi nên đành tạm gác lại.
Thế rồi, cái gì đến sẽ đến. Tháng 3 năm 1994 – như “Hoa đến thì hoa phải nở”, Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov ra đời trước niềm vui hân hoan của mọi người, của các tầng lớp xã hội. Hội viên hầu hết là công nhân thời Liên Xô (cũ) trụ lại gồm 9 đơn vị nhà máy Búa Liềm, Xây dựng, máy kéo, sợi chỉ đỏ, Ánh sáng người thợ mỏ, Vòng bi, Điện Cơ, Giày da, Dây cáp. Để rồi, từ đây lịch sử cộng đồng Việt Nam sinh sống, làm ăn và học tập tại chốn này mở ra một trang mới. Còn với tôi, tham gia công tác Hội từ những ngày đầu ấy cũng “đổi đời”, mở rộng thêm tầm hiểu biết những con người mà bấy lâu tôi yêu tôi quý cũng như mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ với họ hơn trên tầm vĩ mô mà bản thân hằng mong đợi.
Vì vậy, theo chủ trương “Hội với dân, dân với Hội” – là Một – Một trái tim, một tấm lòng cùng nhau góp sức xây dựng một cộng đồng ngày một trong sạch và vững mạnh, tôi đã từng có mặt trong những buổi gặp gỡ với hội viên ở nhiều đơn vị lao động khác nhau do chi hội trưởng tổ chức. Trân trọng biết mấy những tấm lòng ấy. Và một trong những đơn vị để lại trong tôi những kỷ niệm ấm tình người giữ mãi trong tâm khảm cho đến tận bây giờ. Đó là đơn vị “Nhà máy Búa Liềm”. Đơn vị lao động, theo tôi biết có chừng trên 500 người năm 1983 đã đặt chân đến Kharkov và ngôi nhà 9 tầng cao ngất. Dù cho “người đi người ở” không còn nhiều nữa nhưng vẫn là những căn hộ gia đình ấm cúng, những con người tình nghĩa được cộng đồng Việt Nam trân trọng giữ nguyên vẹn từ năm xưa ấy đến nay. Năm 2016 này, chao ôi, đã qua đi 33 mùa Xuân Vĩnh Cửu đau đáu nỗi buồn. Bởi ai cũng có một miền quê để mà thương mà nhớ!

“Búa Liềm” trong tôi

Trước đây hay bây giờ, nói thế này mới đúng với cái tâm cái tình của mình đối với Búa Liềm là tôi luôn tự hào về những con người vốn dĩ là công nhân của nhà máy mang cái tên ý nghĩa “Công nông liên minh” ấy. Vì ngay từ những ngày đầu thành lập Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov, họ là con chim đầu đàn trong phong trào văn hóa văn nghệ cộng đồng. Nhiệt huyết như các ca sĩ, nhạc sĩ: anh chị Quyền Thanh, Lợi Thảo cùng Phong, An. Giọng hát tiếng đàn từ những người công nhân chuyên nghiệp ấy thu hút được cả sự chú ý lẫn khen ngợi của người địa phương qua những buổi tham gia biểu diễn văn nghệ ngoài trời tại quảng trường, lẫn công viên chỗ đông người, nhân ngày lễ hội do chính quyền tổ chức.
Kể ra nữa là những cúp vàng, cúp bạc về bóng đá, bóng chuyền mà họ dành được nhiều hơn cả trong các ngày hội thể dục thể thao do các Hội đoàn tổ chức vào mùa hè hàng năm mới thấy hết được vai trò nòng cốt của họ trong phong trào cộng đồng Kharkov.
Đặc biệt, nếu ai có trong tay tập Album ảnh “15 năm xây dựng và phát triển” – xuất bản năm 2013 – của Ban Chấp hành Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov – Mở mấy trang đầu, in đậm nét chân dung các vị lãnh đạo và ủy viên Ban chấp hành Hội thấy ngay những “Người thân yêu quý của Búa Liềm”. Đó là ông Nguyễn Căn Thành – Chủ tịch Hội khóa II (2001-2004) và Khóa III (2004-2005), các ủy viên gồm có Phạm Văn Luyện khóa IV và V, Trần Hưng khóa III, IV và V, Phạm Văn Nam khóa V. Và, Ủy viên Ban Chấp hành thuộc thế hệ thứ 2 là Nguyễn Thị Minh Huệ khóa III và IV, Nguyễn Quang Huy khóa IV và V. Hỏi rằng, không tự hào sao được về ốp Búa Liềm mãi mãi trong tôi – Kỷ niệm một thời “hoàng kim” chưa biết ngày nào trở lại.
Chiều 22 tháng 4 năm 2015 vừa rồi, vinh hạnh được mời dự lễ kỷ niệm Búa Liềm – Kharkov. 30 năm một chặng đường - Tháng 4/1986 – Tháng 4/2016 tại Nhà hàng Thăng Long. Gặp lại những người “xưa” sang đây từ 30 năm về trước ấy. Tuy nét mặt có đổi thay qua chuỗi ngày dài: Một thời khoác áo công nhân, một thời là dân chợ búa. Nhưng kỳ lạ thay, tâm hồn họ vẫn hoàn toàn tươi trẻ, giọng nói càng ấm tình người, nồng nhiệt nâng chén rượu nồng chúc mừng nhau đã qua một chặng đường dài. Còn nữa, sẽ đồng hành tiếp trên chặng đường mới trên quê hương thứ hai này cho tới ngày: “Bước chân tôi qua bao nẻo đường. Vẫn mong một ngày trở về … Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó. Trong giấc mơ tôi vẫn thầm mơ.”

                          
Nguyễn Trọng Cơ Bạn Đồng Hành Kharkov