Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Một vài nét văn hóa về ứng xử

Thứ tư, 13/04/2016 | 03:44
Qua những tháng năm bươn trải nơi xứ người, có lẽ ai cũng nghiệm thấy cuộc sống tự nó phức tạp muôn hình muôn vẻ. Và xã hội loài người cũng hết sức phong phú bởi có nhiều dạng người giàu nghèo, sang trọng khác nhau với bao biến động khôn lường, với bao sự kiện lớn nhỏ liên tục xảy ra, nôm ba như cơm bữa hằng ngày ấy.

Một vài nét văn hóa về ứng xử

Ảnh minh họa

Đứng ngoài cuộc, với tư cách người thứ ba chiêm ngưỡng những hiện tượng đụng độ giữa người này với kẻ kia, giữa cá nhân với tập thể bằng ngôn ngữ hay hành động, khó có khẳng định được ngay tốt xấu vì phải có thời gian phân tích đúng sai xuất phát từ hoàn cảnh khách quan hay chủ quan nữa. Đôi khi đưa ra phân tích thêm người thứ tư nữa, rất có thể trái chiều cũng là điều tất nhiên. Bởi thế cho nên, để có được một chính kiến đúng đắn, một quan điểm công minh, trọn vẹn, thuần phong mỹ tục về văn hóa ứng xử giữa người với người là bạn, trước hết phải tự mỗi người cần phải suy nghĩ trước sau sao cho hợp lẽ đời đã rồi mới hành động, trên tinh thần biết mình là ai để: “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Phương châm hành xử chung này thích hợp với tư tưởng nhan đề bài báo “Tự phê bình, phê bình và sửa chữa” của Bác Hồ đăng trên báo Nhân dân ngày 26/07/1956. Người căn dặn: “Mục đích tự phê bình và phê bình đều nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, cùng nhau tiến bộ,…
Phê bình là cốt để giúp nhau tiến bộ. Cho nên phê bình cần phải có thái độ thành khẩn, tính chất xây dựng. Không nên phê bình ẩu, phê bình xuông”.
Ngày này nếu mỗi người chúng ta nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu trong mọi quan hệ ứng xử văn hóa ấy trong mối tương hỗ hằng ngày giữa người với người, người lãnh đạo với người bị lãnh đạo, trong quan hệ anh em, bạn bè, bạn đồng nghiệp, một phần nữa trong quan hệ yêu đương lứa đôi, nghĩa vợ chồng tao khang nữa… thì may chăng mọi việc sẽ suôn sẻ đâu vào đấy. Cái tốt xóa dần cái xấu, cái nết đánh chết cái đẹp để cuộc đời thăng hoa, bay bổng, diệu kỳ.
Như vậy nếu nhận định, chứ chưa dám khẳng định, “Ứng xử văn hóa” là cội nguồn của mọi cái đẹp trong quan hệ “Người với người là bạn”, là chất xúc tác mạnh mẽ và vô biên đưa tình người lên tầng cao muôn trượng, gắn bó đời đời bằng cái tôi thủy chung, cũng chẳng sai chút nào.
Ngẫm đời sống thường ngày, gói gọn trong giây phút giao tiếp giữa người với người trong mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội, một khi xử sự thiếu tôn trọng nhau “Bằng mặt mà không bằng lòng” sẽ bị coi thường hoặc bị phản ứng ngay thể hiện trên khuôn mặt của đối tác hoặc chứa chất ngấm ngầm bên trong, nín lặng chờ thời điểm thích hợp nhất sẽ bùng nổ. Nhỏ to giãi bày chưa vừa lòng nhau, chắc chắn sẽ nghiêm túc tháo bộ mặt giả nhân từ mà bụng hiểm sâu ấy trước bàn dân thiên hạ để mọi người lánh xa, như dân gian ta có câu “Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Còn mội khi đã không sửa lại thêm tật “Nói xấu sau lưng” thì dứt khoát phải nói thẳng, nói thật. Thậm chí đề nghị cấp trên kỷ luật để cộng đồng ta ngày một trong sạch và vững mạnh như nhan đề bài xã luận đăng tải trên trang nhất “Tuần tin quê hương” vào khoảng trên dưới 15 năm trước đây. Nay là chỉ tiêu hành xử chung của nhiều hội đoàn của cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm ăn và học tập tại Ukraine.
Ứng xử văn hóa cũng phải hành động theo tiêu chí ấy thì tình cảm con người với con người mới thêm gắn bó, yêu thương, tôn trọng mới thật lòng. Và, nhất là lúc này mới có thể tạo nên sức mạnh “Phù Đổng Thiên Vương”, tất cả chỉ là con số “0” vô nghĩa.
Chẳng nói đâu xa, hôm qua, vô tình “nghe lỏm” cuộc đàm tiếu tay đôi của mấy anh bạn “vô công rồi nghề” ở một góc chợ, tại trung tâm thương mại Barabashova. Chuyện xoay quanh đề tài “Tình không biên giới” cụ thể là  “kể tội” người đàn ông đào hoa kia tham tình bỏ người cũ. Thay người chung chăn gối như đổi quần áo hằng ngày là vô tâm, thiếu đạo đức, … Ý tưởng tốt nhưng tội mỗi điều không nói thẳng và không đúng chỗ nên hóa ra chẳng những mắc tội “Nói xấu sau lưng”, mà chẳng nên công cán gì! Thậm chí, đã là anh em bạn bè với nhau bên ấm chè điếu thuốc, chuyện rôm rả như pháo nổ ngày lễ tết cho đời thăng hoa thì quá OK. Chứ cứ nặng nề “phỏng vấn” nhau với ba chứ “T” đầu câu: “Tiền, Tuổi, Tình”, nghe mà thấy vừa lạc điệu, lại vừa khó xử thế nào ấy!
Văn hóa ứng xử hay cụ thể nôm na là cách giao tiếp hằng ngày trong mọi mối quan hệ con người từ tình bạn, tình yêu từ đồng nghiệp, nghĩa vợ chồng đều cần giữ gìn tưng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ hành vì sao cho có văn hóa để “mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua” tuy không đơn giản nhưng đâu dễ. Miễn là biết tôn trọng, tự trọng mình trước đã thì “mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua” để đến với cái “tình người”.
Ngay như tôi, nhẩm tính đã qua đi hơn bốn chục năm sinh sống làm ăn tại Kharkov. Nếm trải đủ đắng cay lẫn ngọt bùi. Bước chân đã lặn lội bao thăng trầm của lịch sử cộng đồng. Đặc biệt đụng độ với nhiều đối tượng, nhiều biến cố ngỡ “kinh  nghiệm đầy người” mà vẫn mắc phải những thiếu sót, những lỗi lầm lớn bé khác nhau, mà mỗi lỗi lần “Tự kỷ ám thị” cảm thấy đôi tai chợt nóng bừng. Như lần, ở bến đợi ô tô công cộng, đói quá, tôi liền lấy kẹo ăn cho tăng năng lượng. Vô tình vừa vo giấy ném “tẹt” xuống lòng đường liền nghe được một lời nhắc nhở nhẹ nhàng của một bà cụ quá 70 cộc lốc hai câu “нельзя” (không nên). Lần khác, trong toa tàu điện ngầm từ nhà ra trung tâm thương mại Barabashova tác nghiệp, đôi mắt tôi nhắm nghiền, chìm trong giấc ngủ chỉ vì đêm thức khuya nghiền ngẫm trang báo nóng hổi tin tức thời sự, chính trị lẫn kinh tế trong và ngoài nước lộn xộn. Tới lúc tỉnh giấc, mở mắt bồn chồn thấy ngay một ông già lom khom chống nạng đứng bên. Ngượng quá, chưa kịp mở miệng khất lỗi thì tàu cũng vừa cập bến mà hú vía, như vừa thoát được một bàn thua trông thấy. Để rồi, từ đấy, hễ cứ mỗi lần bước vào toa xe công cộng nào là y như rằng, ngó nghiêng “mắt trước, mắt sau” tìm kiếm xem có vị hành khách nào rơi vào thành phần người già đã về hưu, tàn tật hay phụ nữ đang mang bầu và trẻ thơ,… để mà nhường chỗ ngồi. Hoặc “cẩn tắc vô áy này”, cam chịu, tự nguyện đứng từ lúc vào đến khi ra là ổn nhất. Và, nhất thiết ở bất cứ nơi đâu chốn nào, khi được ai giúp đỡ dù nhỏ hay lớn cũng phải mở miệng ngay với câu cởi mở “спасибо” (cảm ơn). Ngược lại, mình giúp đỡ ai, nhận được câu cảm ơn, xin đừng lặng thinh mà nên đối đáp câu “пожалуйста” (không dám) lịch thiệp, ấm tính người. Lúc đó, tự mình cảm thấy hài lòng với cái giây phút giao tiếp văn hóa mang tính chất hòa nhập với tâm hồn của người dân bản xứ đã đành, mà còn cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm, phơi phới đi lên trong tình người nữa.
Đưa ra vấn đề văn hóa ứng xử, mỗi người hiểu theo trình độ, nhận thức riêng của mình và thể hiện nó trong giao tiếp hắng ngày cũng không hề giống nhau. Có người “quá tự tin” cho mình cao hơn người khác “một cái đầu” – kiểu “tự tóm tóc mình rồi nâng lên”, nên chẳng giống ai. Có người hễ mở miệng là cố tình “Nói có sách, mách có chứng” nhưng chẳng đâu vào đâu. Vì cái ấy ai cũng biết. Thậm chí, có người đọc một đằng, hiểu một nẻo, khi nói ra cứ tưởng như sách ấy, nên lại càng vô duyên hơn. Bởi lẽ, đối tác im lặng có lọt vào tai câu nào đâu.
Và, với tôi, cũng theo chủ đề này suýt mắc oan hơn cả Thị Kính. Chẳng là, đầu tháng 3 – Xuân về nắng ấm đẹp trời, mấy anh em vui vẻ ngồi giao lưu ca ngợi, phụ nữ Việt Nam là chỗ dựa vững chắc về tinh thần lẫn vật chất của hạnh phúc gia đình thì thằng bạn thân của tôi bước vào. Nhanh chóng hòa nhập vào câu chuyện, nhưng ngán nỗi, cùng lúc hắn vừa uống nước, vừa đối đáp mà đôi mắt cứ lim dim dán chặt vào chiếc máy điện thoại di động to bản cùng lúc, ngón tay chỏ liên tục di chuyển trên màn hình, như thể chẳng để ý có ai ngồi bên hay không, thì sao gọi là giao lưu nữa. Cứ vậy, cho tới lúc hắn đứng dậy chào mọi người ra về, không để lại một dư âm gì khiến tôi cảm thấy ngượng ngùng thay cho thằng bạn “vô tâm” ấy của mình.
Tâm sự một và suy tư về văn hóa ứng xử, trước hết là để dặn mình cần cẩn thận trong cách giao tiếp “Đối nhân xử thế” sao cho vừa lòng nhau bằng cái tâm cái tình và sự tôn trọng thật sự nữa. Sau là mong mỏi ai đấy trong cách hành xử chung đừng “Bằng mặt mà không bằng lòng” hoặc hờ hững, khách sáo tự cho mình hơn người là điều tối kỵ nhất trên trần gian này.
Nhân đây, xin cảm ơn chân thành bạn đọc gần xa, khi cầm trong tay báo “Bạn đồng hành” với tấm lòng yêu quý, trân trọng, biểu hiện nét đẹp văn hóa ứng xử cao quý, giữ mãi trong con tim, khối óc của những người làm báo cộng đồng chúng tôi!
                                                                   

Văn Nhân

“Bạn Đồng Hành” – Kharkov

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN