Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Kỷ niệm một thời

Chủ nhật, 03/04/2016 | 12:29

Sống trên đời này chẳng ai giống ai về hình thức bên ngoài đã đành mà ngay cả nội dung bên trong – còn gọi là cá tính hay tính cách, lại càng khác nhau nữa. Vì thế, nếu ta có nhận định rằng cuộc sống con người rất phong phú, đa dạng cũng như xã hội loài người càng muôn hình muôn vẻ hơn cũng đúng thôi. Và, một khi tìm hiểu hai từ cá tính và tính cách cũng thấy ngay, đấy là phạm trù khác biệt. Bởi, tính cách được hình thành và khẳng định thường phải trải qua cả một quá trình dài lâu về thơi gian lẫn thử thách với đời. Kể cả tiền tài lẫn danh vọng. Còn cá tính và thú vui của đời là tự có, mang tính bẩm sinh, rất hợp với câu dân gian quen thuộc “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Ngẫm nghĩ hồi lâu rồi suy từ mình ra thấy: “Chao ôi! Chẳng sai chút nào”.

Nhớ thuở học trò còn cắp sách đến trường, khác hẳn với ông anh ruột hơn có mấy tuổi đầu mà tính tình đã như người lớn. Ví dụ, sau buổi học nhẽ ra về nhà nghỉ ngơi lấy sức chiều tối ôn bài thì ngược lại anh tôi bao giờ cũng rủ mấy thằng bạn cùng lớp ham chơi tung tẩy đây đó tới khi mặt trời lặn hẳn sau chín tầng mây mới lủi thủi một mình về nhà. Ngỡ buồn thiu vì vắng bạn hiền nào ngờ nét mặt còn tươi rói qua ánh mắt long lanh như thể vừa nhận được món quà tinh thần sau mấy chục phút “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” ấy. Còn tôi vốn nhút nhát, e lệ mang tính bẩm sinh chăng! Nên sau những giờ lên lớp chỉ thích ngồi nhà một mình, thơ thẩn nghĩ vẩn vơ về mình về đời hoặc viết vài dòng  “Nhật kí”.

Nhất là khi đã lên cấp II, nảy sinh tính đào hoa, yêu thầm nhớ vụng cô bé cùng lớp. Nhưng “chẳng dám nói nên lời” nên đành phải gửi gắm nỗi nhớ nhung của mình qua những trang dày đặc chữ về “Chuyện tình của tôi tan vỡ từ lâu rồi, không bao giờ trở lại nữa”. Hạn hữu lắm mới ra “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó” tìm mấy thằng bạn đồng niên, đồng tâm với mình mà nhỏ to cho nhẹ lòng.
Năm tháng trôi qua, tôi vẫn chỉ là tôi sống một mình với cái tôi nhỏ bé trong sự đùm bọc của anh em, bạn bè, trong tình thương yêu bao la của mẹ cha. Cho đến một ngày “Đổi đời” theo vận trời, tôi đành phải xếp lại tất cả những kỷ niệm đầy mộng mơ của tuổi học trò để hành trang đến thủ đô Моskva “Trong ánh nắng ban mai”. Là sinh viên theo hiệp đinh văn hóa giáo dục được ký kết giữa hai nhà nước Việt Nam và Liên Xô (cũ). Một năm sau, số phận run rủi thế nào ấy, một thân một mình lại khoác ba lô hành trình xuống Kharkov tiếp tục cuộc đời sinh viên, làm quen với những người bạn mới “Có anh bạn xa nhà, có cô bạn nhớ cha, cất vang cùng lời ca…Và, chẳng biết nói đúng hay sai, buồn hay vui, tôi dừng chân tại nơi đây cho đến tận bây giờ như định mệnh.

Kỷ niệm một thời

Kỷ niệm một thời

Một thời sinh viên

Bốn năm trời “Dùi mài kinh sử” tại trường đại học Văn hóa Quốc Gia Kharkov, chung ghế dưới mái trường xã hội chủ nghĩa năm xưa ấy với hơn ba mươi cô gái dân bản xứ, đến kharkov từ nhiều thành phố khác nhau của Ukraine – trong một lớp học, giữ lại trong tôi bao nhiêu kỷ niệm êm đềm về những cô gái xinh đẹp  “Thon thả giọt đàn bầu” như thể sinh ra và lớn lên ở quê mẹ Việt Nam ta “Mộc mạc thôi mà sao tôi nhớ mãi”. Trong đấy, nếu cần phải kể đến, nhắc tới đầu tiên, đó là gần hai trăm chiếc huy hiệu tượng trưng cho nhiều thành phố Kiev, Kherson, Odessa, Sevastopol, Moskva, Sumi, … đặc biệt là Kharkov … của các cô gái cùng lớp mỗi lần về quê nghỉ hè, hết hạn, quay lại, tặng tôi theo yêu cầu, hay nói cho chuẩn xác là “Đơn đặt hàng”.
Đã bao năm rồi, tính đến ngày hôm nay, hơn kém bốn mươi mùa xuân trôi qua, hàng năm cứ vào những ngày hè nắng đẹp trời, tôi thường lấy ra trong tủ tất cả. Hàng tiếng đồng hồ ngắm nghía từng chiếc huy hiệu, kích thước, màu sắc khác nhau trong lòng bàn tày mình mà tâm hồn mở rộng niềm vui khôn tả, nhớ lại một thời đã qua “Đời sinh viên” đầy mộng mơ. Hơn thế nữa, xúc động chân thành bồi hồi không quên. Bởi lẽ, mỗi chiếc huy hiệu nhỏ bé ấy là những kỷ niệm riêng tư thầm lặng. Với từng cô gái trẻ: Một thời sách vở, một thời sinh viên đẹp hơn mọi lời ca. “Không thể thiếu được đời của một con người”. Như lời tâm sự cháy bỏng yêu thương của một anh bạn đồng nghiệp đã “đồng hành” với tôi một chặng đường dài trong sự nghiệp làm báo cộng đồng.
Xin kể lại một kỷ niệm thời sinh viên “Không bao giờ trở lại  nữa”. Nhưng bỗng một hôm, nhìn lại những chiêc huy hiệu “Kharkov” mà cô sinh viên Ukraine cùng lớp tặng vào cái ngày tôi trao cho cô mấy tấm ảnh “Hà Nội của tôi”, khiến tôi cảm giác như gặp lại em ngày nào…
…Hơn bốn mươi năm về trước, ngay từ những ngày đầu học năm thứ nhất, tôi quen thân với Katia, cô gái Ukraine sinh ra và lớn lên tại Kharkov. Hai chúng tôi thường gặp riêng nhau sau mỗi buổi học, nhất là chiều thứ bảy hoặc chủ nhật cuối tuần. Lần nào tôi cũng kể nhiều về Hà Nội, về Việt Nam những năm tháng gian khổ chống đế quốc Mỹ xâm lược, quyết giành lại độc lập, tự do. Và giờ đây xây dựng đất nước thêm giàu mạnh, hùng cường. Đáp lại Katia cũng “Thao thao bất tuyệt” về cuộc sống lớp trẻ thời này trên đất nước này, về ước mơ của cá nhân mình nữa. 
Thời gian trôi qua những buổi chuyện tâm tình, quan hệ giữa hai chúng tôi thêm cởi mở và thắt chặt.
Một lần, trên con đường dài thưa người qua lại, tiễn Katia về nhà tôi thầm hỏi:
-    Katia, có thể kể cho tôi nghe về người cha của mình không ? Hiện ông ấy đang sống ở đâu và làm gì?
Katia im lặng đôi mắt mơ màng nhìn về phía chân trời xa lắng. Hồi hộp tôi nắm chặt bàn tay mát dịu của cô ta định xin lỗi thì vừa lúc, giọng man mác nỗi buồn, cô gái nói nhỏ nhẹ:
-    Bố tôi ra đi đã mấy năm rồi vào thời gian công tác tại Việt Nam, hy sinh tại bến cảng Hải Phòng. Ngày ấy, nhận được tin đau đớn này, hai mẹ con tôi ôm nhau khóc thầm lặng lẽ. Nhưng rồi, ngày qua ngày nỗi buồn cũng nguôi ngoai dần. Bởi những mất mát của các bạn đâu phải của riếng ai!
Nhìn giọt lệ long lanh trong đôi mắt xanh của Katia, lòng tôi cũng nghẹn ngào chẳng nói nên lời. Bởi, mẹ tôi thôi cho tôi uống những dòng sữa ngọt ngào của mẹ lúc tôi mới cất tiếng khóc chào đời và bố tôi cũng từ giã cõi đời đúng vào ngày khói lửa ấy!
Mấy hôm sau, đúng vào ngày kỉ niệm bố Katia mất, tôi cùng mẹ con cô đến nghĩa trang thành phố trời trong xanh không một áng mây mù. Đứng bên mộ người anh hùng hy sinh vì nghĩa cả quốc tế ấy, tôi cảm thấy mình thật sự gần gũi, thân thiết với họ như đang ở bên nấm mộ cỏ xanh rờn của người cha ruột thịt tại quê nhà. Mẹ của Katia âu yếm nhìn tôi như hiểu tất cả. Tôi xúc động mãi mới nói nổi mấy lời suy tư sâu thẳm từ con tim: “Tôi kính trọng bà như người mẹ thân thương của mình”.
Về nhà, lấy vội quyển sổ “Nhật ký nơi hải ngoại” – thói quen từ hồi nhỏ - nắm nót từng chữ viết lại hết thảy. Cuối cùng là dòng chữ đậm nét “Kатя всегда будет рядом со мной” tạm dịch là: “Katia sẽ luôn luôn bên cạnh tôi”.
Vào những ngày này, cuộc sống tuy đổi thay, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng cá tính của thú vui sưu tầm vật kỷ niệm  và viết nhật ký – mang hơi thở thời đại của tình bạn lẫn tình yêu vẫn giữ mãi trong tôi. Duy có điều, thay vào trang nhật ký là những bài viết trải lòng, tâm sự và chia sẻ buồn vui với người dân đang đồng hành cùng tôi trên mọi chặng đường để chóng đi tới ngày mai sáng lạn trong niềm tin và hy vọng.
                                                                                       

 Nguyễn Trọng Cơ

 “Bạn Đồng Hành” – Kharkov