Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Đi máy bay, coi chừng mất hành lý

Thứ tư, 24/04/2013 | 10:23
Các hãng hàng không ở VN luôn phải đối mặt với những khiếu nại về chuyện mất hành lý của hành khách. Các vụ mất hành lý không chỉ xảy ra đối với hàng gửi, mà cả hành lý xách tay.

Đối tượng trộm cắp là nhân viên hàng không

Công an P.2, Q.Tân Bình (TP.HCM) cho biết đã tiếp nhận Đỗ Văn Sửu (52 tuổi, tài xế xe buýt chở hành khách từ nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất ra máy bay) để điều tra về hành vi chiếm giữ tài sản trái phép.

Tài xế Sửu bị lực lượng an ninh sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện mang theo một túi xách màu nâu đen, bên trong có 5 hộ chiếu, 5 thẻ lên máy bay, hơn 1.000 đôla Úc, gần 13.000 đôla Hong Kong cùng một số tài sản có giá trị khác rời khỏi khu vực nội bộ sân bay lúc 0g15 ngày 19-4.

Đây là hành lý của hành khách Trần Thanh Chi (31 tuổi, quốc tịch Úc) đi từ nhà ga Tân Sơn Nhất lên xe buýt do Sửu điều khiển để ra cửa lên máy bay đi Hong Kong. Hành khách bỏ quên trên xe của Sửu khi lên máy bay vào tối 18-4, nên thông báo cho nhà ga để tìm kiếm.

Vụ tài xế Sửu “cầm nhầm” tài sản của hành khách đi máy bay không phải là hi hữu. Cuối tháng 10-2010, một hành khách của Hãng hàng không Jetstar Pacific đáp máy bay từ Hải Phòng tới TP.HCM, để 7 chỉ vàng và hơn 3 triệu đồng trong hành lý ký gửi.

Hành khách này nhận lại hành lý thì thấy bình thường, về nhà kiểm tra mới phát hiện mất toàn bộ tiền, vàng bên trong. Nhận được tin báo về vụ việc, lực lượng an ninh sân bay lập tức truy tìm theo quy trình ngược, nhận thấy đầu mối có khả năng “thất thoát” là khâu vận chuyển hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất nên mời nhóm nhân viên bốc xếp của Hãng Jetstar Pacific gồm Phạm Thế Huynh, Lê Quang Hạnh, Đỗ Hữu Độ và Nguyễn Văn Xuân đến để làm rõ.

Vừa nhận thông báo mời làm việc, nhóm nhân viên bốc xếp này đã thể hiện những dấu hiệu bất thường: Huynh tìm cách vứt một chiếc bóp bên trong có tiền, còn Độ thì tìm cách tẩu tán chiếc vòng vàng bị bẻ gãy. Cả hai bị bắt giữ, giao Công an Q.Tân Bình.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận Huynh phát hiện trong hành lý của khách có tiền - vàng. Huynh và Hạnh bàn nhau lấy trộm, sau đó chuyển vòng vàng cho Độ và Xuân. Hai người này bẻ vòng vàng làm đôi và tìm cách cất giấu, chờ hết ca trực sẽ mang ra ngoài chia nhau. Riêng chiếc bóp bên trong còn tiền, Huynh giữ lại.

Tháng 2-2012, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự - xã hội Công an TP.HCM đã bắt giữ Trần Đình Lợi (28 tuổi), Nguyễn Văn Hiền (30 tuổi) và Nguyễn Văn Hiếu (28 tuổi) - đều là nhân viên của kho hàng sân bay Tân Sơn Nhất - cùng hai đối tượng khác về hành vi trộm cắp tài sản. Sự việc như sau: một doanh nghiệp gửi hơn 70 thùng hàng từ Hà Nội vào TP.HCM bằng đường hàng không, giao cho một nhóm nhân viên đi nhận hàng, chính hai nhân viên giao nhận hàng đã móc nối cùng nhóm Hiếu, Lợi và Hiền để “rút ruột” 10 điện thoại iPhone trị giá hơn 100 triệu đồng.

Trên máy bay cũng bị mất cắp

Hành khách luôn thiệt

Trên thực tế, người chịu thiệt vẫn là hành khách khi bị mất đồ trong hành lý. Đền bù thiệt hại này chỉ căn cứ theo trọng lượng hao hụt và tính theo ký (200.000 đồng/kg với chuyến bay nội địa và 20 USD/kg với chuyến bay quốc tế), không tính theo giá trị hàng hóa đã mất. Khi máy ảnh, máy vi tính và những tài sản có giá trị khác được đền bù theo trọng lượng thì hành khách coi như... mất trắng.

L.N.

Hành khách H.M.H. đi từ Mỹ về TP.HCM ngày 14-3 trên chuyến bay của Hãng Asiana Airlines đã bị mất hai vali hành lý. Hai ngày sau ông nhận lại vali, khi kiểm tra thấy mất nhiều đồ vật với tổng giá trị lên đến 6.000 USD.

Tuy nhiên, đại diện hãng hàng không này cho biết do chuyến bay có quá cảnh ở Hàn Quốc và hành khách cũng không chứng minh được họ đã để những vật dụng gì có giá trị bên trong, nên hãng chỉ đền bù thiệt hại theo quy định 20 USD/kg chênh lệch hành lý.

Không chỉ mất hành lý gửi, nhiều hành khách còn bị mất hành lý xách tay mang lên máy bay. Đại diện VNA cho biết trên một chuyến bay ngày 4-2 từ TP.HCM đi Hà Nội, hành khách ngồi ghế 28H thấy chỗ mình có người khác ngồi nên buộc phải yêu cầu tiếp viên chuyến bay giải quyết.

Trong khi chờ giải quyết, chị để túi xách ở ghế ngồi gần đó, vài phút sau quay lại thì túi xách đã “không cánh mà bay”. Đại diện VNA và an ninh sân bay lập biên bản và tổ chức tìm kiếm nhưng chiếc túi xách vẫn mất tăm. Người phát ngôn VNA Lê Trường Giang cho biết hãng cũng ghi nhận một số trường hợp mất đồ đạc trong hành lý xách tay, trong đó có nhiều trường hợp để hành lý xách tay lại ghế ngồi và đi vệ sinh, nhưng không tìm ra thủ phạm.

Thông thường khi làm thủ tục lên máy bay tại nhà ga, các nhân viên luôn nhắc hành khách không để đồ đạc quý giá trong hành lý ký gửi vì hãng hàng không chỉ là một khâu trong cả một quy trình vận chuyển hành lý đến địa điểm cuối cùng. Hành khách có hành lý có giá trị có thể mua dịch vụ gửi hành lý đảm bảo theo chuyến. Trong trường hợp này, nếu mất mát đồ đạc thì sẽ được đền bù thỏa đáng. Thế nhưng đại diện các hãng hàng không cho biết rất ít hành khách mua dịch vụ này vì giá khá cao.

Theo bộ phận an ninh sân bay Tân Sơn Nhất, khi phát hiện hành lý bị mất, hành khách phải báo ngay cho an ninh sân bay gần nhất. Điều này tạo điều kiện cho cơ quan chức năng nhanh chóng kiểm tra toàn bộ nhân viên làm ca trực, tăng cường kiểm tra cổng/cửa ra vào.

Theo Gia Minh - Lê Nam (Tuổi trẻ online)