Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Mình là ai, ở đâu và đang làm gì?

Thứ hai, 21/03/2016 | 20:39

Mình là ai, ở đâu và đang làm gì?

Ảnh minh họa

Khoảng mươi mười lăm năm về trước, trên trang nhất của tạp chí bán nguyệt san “Tuần tin quê hương” – Tiếng nói của cộng đồng người Việt Nam tại Ucraina có đăng tải bài xã luận “Đừng quên mình là ai, đang ở đâu và làm gì?” được đông đảo độc giả quan tâm, tìm đọc. Bởi nội dung tư tưởng của bài báo mang tính thời sự và ý nghĩa giáo dục cao đối với mọi tầng lớp xã hội. Đó là lời khuyên nhủ, nhắc nhở tới mọi người: Dù trên cương vị nào, lứa tuổi nào, giàu sang hay cơ cực hãy cẩn trọng lời ăn tiếng nói, tư tưởng cũng như hành động. Thậm chí còn phải dự đoán kết quả trong tương lai nữa để mà nhớ mình là ai thì lúc ấy, may chăng mới giữ được tình anh em bàn bè, mới bảo vệ được sự bền lâu trong buôn bán kinh doanh, trong tình yêu lứa đổi, hạnh phúc vợ chồng lẫn nghĩa tình đồng chí, đồng bào.

Tiếp đến sau đấy một thời gian tháng 8 năm 2006, trong lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập cộng đồng Việt Nam ở Kharkov, trên sân khấu nhà hát rực rỡ ánh đèn, nổi bật hai dòng chữ vàng trên nên đỏ của tấm băng rôn lớn treo song song bên nhau “Vì một cộng đồng trong sạch và vững mạnh” và “Đừng quên mình là ai, đang ở đâu và làm gì” thu hút được sự chú ý đặc biệt của hàng nghìn quý khán giả là đại biểu của cộng đồng Việt Nam từ khắp chốn mọi nơi qui tụ về tham dự lễ hội này. Ngoài những khuôn mặt quen thuộc ở Kharkov, Kiev, Odessa, Kherson… còn có cả khách mời từ Việt Nam nữa, trong đó có nhà văn kiêm nhà báo Đặng Hồng Quang. Và, có lẽ thú vị với câu nói “Đừng quên mình là ai…” trong bài phỏng vấn “Đừng nghĩ mình quá quan trọng” của mình, tác giả đã đề cập đến vấn đề nóng bỏng này qua một đoạn văn khá dài và cụ thể là câu trả lời của một vị lãnh đạo có uy tín của cộng đồng người Việt ở Kharkov. Cảm thấy trùng hợp với chủ đề mình đưa ra lần này, mạn phép xin được đăng lại để bạn đọc cùng tham khảo:
“…Nghe câu: Đừng quên mình là ai, đang ở đâu và làm gì. Chúng tôi thấy thấm thía quá nên lấy làm phương châm hành sử chung. Cạnh tranh một cách tự nhiên là đúng nhưng cần biết mình là ai, ở đâu và đang làm gì. Chúng tôi ở đây đã tự xác định với nhau rằng, cả bộ máy đã hoạt động thành nề nếp, có thứ tự trên dưới, cùng nhau tuần tự tiến. Không phải ai muốn làm thủ lĩnh cũng được mà đã trải qua cả quá trình làm việc mới tạo dựng được như hôm nay. Không phải chỉ vì thích thú cá nhân mà đang ở cuối đội hình bỗng dưng chạy lên cướp cờ thủ lĩnh. Nếu công việc không ổn, đời sống cộng đồng có nguy cơ đi xuống mới cần đảo đội hình, còn khi cơm đang lành, canh đang ngọt thì không ai có quyền làm rối cả”.
Cảm nhận được lời hay ý đẹp này, thấy rất hợp với ý mình cả 2 vế. Trước hết là nhắc nhở “Đừng” để đối tượng tự đưa lên bàn cân, suy nghĩ sao cho “thấu tình đạt lý” để 2 bên cùng có lợi. Bằng không “đã” cố tình quên mình lại hỡm hĩnh “coi trời bằng vung” thì cảnh báo sớm hay muộn cũng tự đánh mất mình, đồng nghĩa với sự sa thải, tôi càng trân trọng hơn ý nghĩa tích cực của quan điểm trên.
Qua những tháng năm bươn trải nơi xứ người, nghiệm vào cuộc sống đời thường hàng ngày của người lao động, cùng các mối quan hệ về chính trị, kinh tế và ngoại giao đối nội cũng như đối ngoại cao sang của tầng lớp thượng lưu, tôi càng thấy rõ hơn chân lý sáng ngời rõ mười mươi là người nào biết mình, biết người mới có thể “Trăm trận, trăm thắng”. Trong giao tiếp hàng ngày , cố áp dụng câu ca dao “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” vào cách ứng xử hàng ngày thì bao giờ cũng nhận được sự cảm thông cũng như sự trân trọng của đối tác. Còn ngược lại, cố chấp “ghen ăn tức ở” có thể sinh bệnh hoặc thói xấu “lừa thầy phản bạn” thấm vào máu thịt đã không tự cải tạo thì thôi mà còn quen thói “ngựa quen đường cũ” thì chắc chắn sẽ đi vào ngõ cụt, chấm dứt phận mình. Lúc ấy hối cũng đã muộn. Chi bằng tự hài lòng với chính mình, đừng mơ mộng viển vông, “có rồi lại mất” như người Ucraina có câu ngạn ngữ nôm na như sau: Thà nắm chắc chim sẻ trong tay còn hơn mơ chim én đang bay giữa trời.
Giờ đây, đất nước nơi ta đang sinh sống làm ăn còn khủng hoảng kinh tế, chính trị còn nặng nề và kéo dài chẳng biết ngày dừng. Vì thế, đã từng cùng nhau một thời hòa bình, một thời chiến tranh, một thời chợ búa, hãy yêu thương, đoàn kết giúp đỡ nhau nhiều hơn. Giữ mãi trong mình những kỷ niệm ấy để mà “Nhớ mình là ai, đang ở đâu và làm gì”. Còn nếu như chưa “hiểu” nên “đóng cửa bảo nhau” chứ đừng “vạch áo cho người xem lưng”, dễ bị “vạ lây” đấy.

NTC
Kharkov - “Bạn Đồng Hành”