Hằng năm cứ vào dịp sau Tết Nguyên đán, tiếp đến Tết Nguyên tiêu rằm tháng giêng. một số chị em người Việt chúng tôi đang sinh sống và làm việc tại Odessa lại tổ chức cùng nhau hội tụ về chùa Trúc Lâm Kharkov. Trước là dâng hương lễ Phật, tưởng nhớ đến công ơn Tổ quốc Tri ân các vị lãnh tụ, anh hùng liệt sỹ, cửu huyền thất Tổ, cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp. Sau là cầu nguyện cho Thế giới này được hòa bình, mưa thuận gió hòa. Cầu nguyện cho sức khỏe của gia đình, công việc được hanh thông, mọi sự cát tường như ý.
Để chuẩn bị cuộc hành trình Oddessa – đến chùa Trúc Lâm kharkov gần 700 cây số, năm nào chúng tôi cũng phải đi mua vé tàu trước cả nửa tháng. Thật may mắn trong đoàn có chị Võ Thị Hồng cán bộ phụ nữ khu vực Làng Sen rất nhiệt tình và chu đáo. Từ mua vé tàu đến tổ chức lịch trình chuyến đi từ đầu đến cuối chị đều lo hết, còn chị em chúng tôi chỉ việc chuẩn bị hành lý cá nhân và cùng nhau lên đường.
(Hai bức anh trên của Xuân Trường, báo TTQH)
Khung cảnh ngôi chùa thuần Việt có một không hai ở châu Âu thật thanh tịnh, trang nghiêm. Vào dịp những ngày tết này đã trở nên nhộn nhịp, nghi ngút khói hương bởi nhiều đoàn người Việt từ khắp Ucraina về lễ Phật, như chính những người con Việt được trở về với quê hương. Quỳ trước bàn thờ Phật, chúng tôi xin chắp tay thành kính và thì thầm lời nguyện cầu đầu năm mới. Cầu cho cộng đồng người Việt ở Ucraina ổn định và phát triển, cầu cho quốc thái dân an. Thắp nén nhang tưởng nhớ tổ tiên ông bà, và tri ân những bậc Thánh nhân. Đó là những việc làm quen thuộc và là nét đẹp văn hóa tâm linh, cũng là một trong những nét đa sắc của bức tranh văn hóa người Việt Nam ta.
Vì các phật tử chúng tôi là khách đường xa, nên nhà chùa ưu tiên thết đãi bữa sáng bằng món bánh cuốn với chất lượng ngon không khác dì bánh cuốn Thanh trì Hà nội.
Cộng đồng bà con ta đến đây dù với nhiều mục đích khác nhau: Người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên, cầu tự. Người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Cũng có người đến chùa chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên, hay đơn giản hơn là chỉ để vãn cảnh, nhằm xua đi mọi lo toan bề bộn trong cuộc sống. Nhưng nói chung khi đến chùa tất cả đều mang theo tấm lòng thành kính và sự thanh thản, bình an trong tâm hồn. Qua những lời kinh của Đức Phật và những lời giáo huấn về Phật Pháp của Quý Thầy: Đại Đức Thích Nhuận Đăng và Đại Đức Thích Quang Điền. Chúng tôi thấy mình cần tu học nhiều hơn nữa, để trở thành một con người thực thụ, xứng đáng là người con của đức phật có đủ phẩm chất “Chân-Thiện-Mỹ”. Việc đi chùa, lễ Phật không chỉ giúp cho người Việt ta giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn hướng chúng ta tới cái thiện. Sống tin sâu vào luật nhân quả, con người biết yêu thương nhau.Tạo dựng niềm tin với nhau trong cộng đồng khi xã hội ngày càng có nhiều điều bất ổn.
“Ở hiền thì sẽ gặp lành
Ai mà nhân đức trời dành phước cho”.
Buổi lễ gồm có hai phần: cúng sớ dâng sao giải hạn và cúng chúng sinh khi tiến hành xong các phật tử và các quý thầy cùng nhau thưởng thức những bát bún chay nóng hổi với hương vị thơm lừng khó tả,và những bát chè đậu dịu mát, đĩa xôi gấc đẹp mắt do tài nghệ khéo léo thể hiện của các chị nhà chùa. Với nụ cười hiền từ và đôn hậu dành cho khách của các chị làm chúng tôi rất cảm động,ấm lòng và thanh thản vô cùng.
Tiếp theo chúng tôi vừa nhâm nhi những tuần trà vừa giao lưu cởi mở cùng các quý thầy thì được biết có thầy quê ở Quảng bình. Thầy bảo nói chuyện đã nhiều bây giờ thầy có đề nghị nhỏ các phật tử có thể hát tặng thầy bài hát: Quảng bình quê ta ơi được không?. Thật là may cho chúng tôi vì đội văn nghệ cồng đồng Odessa có mặt những 4 chị: chị Hòa, chị Thái, chị Hương, chị Nga. Các chị đứng lên vừa hát vừa lính xướng để chúng tôi cùng vỗ tay và hát theo.Quý thầy đề nghị hát lại đến hai lần và bảo rằng vì thầy rất thích câu kết: “Muôn người như một gửi về Trin Thiên tấm lòng sắt son, hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về trong một nhà”. Mặc dầu nhạc nền chỉ là nhịp điệu của tiếng vỗ tay nhưng chúng tôi thể hiện bài hát khá điêu luyện như đã có sự tập luyện từ trước. Các phật tử đến từ Kiev do chị Mai Anh làm trưởng đoàn cũng phải vui vẻ thừa nhận là khả năng ca hát của chúng tôi không thể bằng các chị Odessa được.
Sau đó chúng tôi chủ động khoe những tài năng ca hát vui nhộn mặc dầu tất cả “đã U trên dưới 50” qua những giai điệu: Hà tĩnh mình thương. Người đi xây hồ kẻ gỗ, mời trầu, nắng ấm quê hương, quan họ bắc ninh...khi được chị Hồng thông báo giờ ra ga tàu đã đến làm mọi người vừa nuối tiếc vừa bịn rịn chia tay nhau để ra về.
Ngôi chùa Trúc Lâm Kharkov là nơi để kết nối cộng đồng khắp Ucraina mỗi khi các phật tử về đây tụng kinh niệm phật. Còn đối với chị em chúng tôi hôm nay là một chuyến du xuân đi lễ đầu năm đọng lại nhiều ấn tượng hoan hỉ viên mãn khó quên.
Buổi lễ kết thúc, năm nào cũng vậy khi ra về mỗi chị em phật tử chúng tôi được nhà chùa chuẩn bị cho một túi lộc gồm: gạo, muối, nước, diêm, kẹo bánh... và có cả phong bao lì xì của các quý thầy.
Và lời chúc suốt năm luôn đầy đủ, ấm no, hạnh phúc. Cùng với lời vàng của đức phật: Ngũ Phúc Lâm Môn, có nghĩa là năm điều phúc vào nhà. Làm tâm trạng mỗi chúng tôi cảm thấy thật thanh thản, vui vẻ, hứng khởi và tự tin lên rất nhiều để cố gắng vượt qua mọi thử thách khó khăn trong cuộc sống. Đúng là: không có hạnh phúc nào bằng sự an tĩnh trong tâm hồn mình.
Chúng tôi thầm cảm ơn đất nước Ucraina, đã ưu ái cho chúng tôi có được cuộc sống bình yên như ngày hôm nay, càng cảm ơn và tri ân công đức của cá nhân anh Phạm Nhật Vượng và tập đoàn Vingroup cùng với một số thí chủ phát tâm cúng dường để cùng nhau xây dựng nên ngôi chùa thuần Việt tại Kharkov. Ngôi chùa được khánh thành vào tháng 12 năm 2007, không chỉ có đầy đủ các vị Phật, mà còn có đầy đủ các vị thần thánh trong truyền thuyết dân gian và các anh hùng lịch sử có công với nhân dân, đất nước như: Chủ Tịch Hồ Chí Minh, đức thánh Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Tam tòa Thánh mẫu,Đức Trần Triệu Đại Vương, Đức Quan Công và 18 vị La Hán... Ngoài ra cũng được coi là nơi gửi gắm những linh hồn người đã khuất, an nghỉ, siêu thoát của một số bà con người Việt xấu số trên quê hương thứ hai Ucraina này. Vì chùa là nơi che chở hồn của dân tộc. Và tạo điều kiện may mắn nhất cho chúng tôi được gặp Phật Pháp ngay giữa trời Âu. Vì đa số người dân châu âu họ đều theo đạo thiên chúa giáo, còn phật giáo thì rất ít. Để chúng tôi được sống trong ánh hào quang của Chư Phật mười phương, hiểu và thực hành theo giáo lý của Ngài, để biết quay về với cội nguồn của sự giác ngộ. Nhằm giúp mọi người trong cộng đồng xã hội ngày một gần gũi, cởi mở và gắn kết nhau hơn. Còn ai không có điều kiện thời gian đến tận chùa thì quý Thầy dạy: (Phật luôn ở quanh ta, Nếu muốn tu thì: “thứ nhất tại tâm, thứ hai tại gia, thứ ba tại chùa”). Kết quả chắc chắn sẽ là: “Hạnh phúc: vui đời sống đẹp toàn gia”.
Đặc biệt gần đây “20/1/2014” chùa Trúc Lâm Kharkov được đón nhận tượng đồng Chủ Tịch Hồ Chí Minh do Bộ trưởng Bộ thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son trao tặng.
Sau đây là một số hình ảnh buổi lễ và chùa Trúc Lâm:
(Lầu Quan Âm)
(Ban Chánh Điện)
(Ban Án Ngoại “Ban nhương sao giải hạn”)
(Ban chúng Sinh)
(Các vị La Hán)
(Người có sao Thái Dương trong năm đội mâm sớ, dâng sao giải hạn cho đoàn)
Trần Thị Thúy