Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Chào Xuân Bính Thân 2016

Thứ hai, 22/02/2016 | 05:02

Một năm mới lại đang về trên quê hương Việt Nam. Mùa xuân luôn là mùa của tình yêu và hy vọng. Càng gần Tết thì chúng ta lại càng nhớ về quê hương, nhớ về những cái Tết quê mộc mạc và ấm cúng. Dù là những người con Việt Nam đang sống xa xứ nhưng tình cảm dành cho quê hương lúc nào cũng  sâu lắng.

Chào Xuân Bính Thân 2016

Ảnh minh họa

Tuy nhiều người trong chúng ta không còn trẻ và đã sống xa quê rất lâu nhưng những ký ức về tuổi thơ, về không khí tưng bừng và náo nức của những ngày Tết vẫn còn in đậm trong tâm hồn mỗi người. Cuộc sống càng hiện đại, đầy đủ và sung túc chừng nào thì sự háo hức và nhiệt tình của ngày Tết càng giảm đi chừng đó.
Ngày xưa, lúc chúng ta còn bé và cuộc sống lúc đó còn rất cơ cực thì chỉ có ngày Tết mới có được manh áo mới hay bữa cơm ngon có thịt cá đầy đủ, chứ ngày thường có muốn cũng không có. Chính vì thế mà trẻ con luôn mong chờ ngày Tết, được quây quần bên bếp lửa hồng trông nồi bánh chưng. Ngày Tết ai cũng hiền lành và dễ mến, trẻ con đi đâu cũng được mời ăn, được lì xì, được cho quà.
Ngày xưa đó, trẻ em Việt Nam đứa nào cũng mong quanh năm là ngày Tết. Còn thế hệ thứ hai của cộng đồng người Việt chúng ta tại Ucraina, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở đây chắc sẽ không có sự “may mắn” đó. Với chúng thì Tết cũng như bao ngày khác, nhất lại là Tết Việt Nam.
Cuộc sống luôn thay đổi, ngày tết Việt Nam bây giờ cũng khác xưa nhiều. Kinh tế phát triển, miếng ăn không còn là nỗi quan tâm mỗi ngày, Tết đến không cần phải chạy đôn chạy đáo, vay mượn lo cho gia đình có cân thịt cân gạo như trước đây. Chỉ cần có tiền là có thể đặt mua tất cả và không phải làm gì, gần tết là có người mang đến tận nhà.
Ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì ngày Tết cũng buồn như ở Tây. Muốn tìm lại cảm giác gần gũi, thân thuộc và ấm cúng như ngày nào thì phải về quê ăn Tết. Ngày Tết hầu như ai cũng về quê nên phố phường vắng vẻ và lưa thưa một cách kỳ lạ. Một chu kỳ muôn thuở đó là trước Tết mươi ngày thì dòng người rời thành phố đổ về quê rất đông và sau Tết thì ngược lại. 
Ngày Tết cũng là ngày đoàn tụ trong gia đình vì quanh năm suốt tháng, ai cũng phải miệt mài làm ăn và lo toan cho cuộc sống của gia đình mình. Chính vì thế ngày Tết, ai đi xa, nếu thu xếp được công việc thì đều mong muốn trở về quê ăn Tết với gia đình, bố mẹ.
Thế hệ những người Việt đầu tiên đến Ucraina đến nay cũng đều đã lớn tuổi, đều là U50 hoặc nhiều hơn thế. Rất nhiều người đã không còn cha mẹ vì các cụ đã qui tiên theo ông bà. Những người may mắn vì còn cha mẹ nên cố gắng thu xếp để về thăm và ăn tết cùng cha mẹ. Khi cha mẹ khuất núi và con cái thì đều ở bên này thì con đường về quê sẽ rất dài và rất xa, nhất là với những người điều kiện kinh tế không mấy dư dật.
Ở Ucraina thì cũng như bao nước khác trên thế giới, ngày Tết của người Việt lại là ngày làm việc của người dân địa phương nên chúng ta cũng phải làm việc chứ không được nghỉ ngơi. Đối với những người kinh doanh thì ngày mồng một Tết nếu là ngày bán buôn (ốp-tôm) thì hầu như không ai được nghỉ, chính xác hơn là không ai muốn nghỉ vì đó là phiên bán buôn, một phiên chợ mở hàng đầu năm rất quan trọng để đem lại may mắn cho cả năm. Trong phiên chợ này chắc chắn là ai cũng bán được hàng, không ít thì nhiều.
Ngày Tết cổ truyền Việt Nam ở Ucraina, nhất là tại các thành phố lớn như Kharkov, Odessa, Kiev thì sự chuẩn bị của bà con người Việt rất là chu đáo. Hầu như không thiếu gì cả, cũng bánh chưng, giò chả, hành muối…Nếu có thiếu thì chỉ thiếu cành Đào, cành Mai thật và không khí của ngày Tết như ở Việt Nam.
Ngày Tết ở Việt Nam là mùa Xuân, trăm hoa đua nở, không khí mát mẻ nên rất thuận tiện cho việc đi chơi và thăm nhau. Còn ngày Tết ở Châu Âu lại là giữa mùa Đông, trời rất lạnh nên hầu như không có chuyện du xuân. 
Trước Tết khoảng mười ngày thì không khí chuẩn bị Tết của cộng đồng người Việt ở Ucraina cũng bắt đầu nhộn nhịp và nóng dần lên cho đến hết chiều 30 Tết. Giao thừa nơi đây cũng được đón sớm hơn theo giờ Việt Nam chứ không theo giờ địa phương (vào khoảng 19 giờ tối). Trước giao thừa thì mọi người đều ai ở nhà đấy, cả nhà quây quần đón Tết, sau giao thừa mọi người mới bắt đầu đi thăm nhau. Đầu tiên là những người sống cùng các khu chung cư với nhau. Lần lượt như vậy cho đến thật khuya.
Tuy không nói ra nhưng trong thời khắc giao thừa, tiễn đưa một năm cũ và nghinh đón một năm mới thì ai cũng có một tâm trạng bồn chồn. Một nén hương thắp cho ông bà tổ tiên phút giao thừa thay ngàn lời muốn nói. Trong giờ phút thiêng liêng đó ai cũng cầu mong cho một năm mới đến với nhiều hy vọng và nhiều may mắn. Ai cũng cầu xin ông bà tổ tiên phù hộ cho gia đình được khỏe mạnh và công việc làm ăn được thuận buồm xuôi gió.
Đất nước Ucraina, quê hương thứ hai của chúng ta đang trải qua cơn một cơn khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay. Hai năm đã trôi qua và ánh sáng vẫn còn le lói cuối đường hầm. Năm 2016 vẫn sẽ là một năm khó khăn do tình hình thế giới còn bất ổn, tuy nhiên Ucraina vẫn có nhiều hy vọng như việc hội nhập toàn diện với Châu Âu, việc bãi bỏ thị thực vào EU hay đầu tư của EU vào Ucraina sẽ giúp tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân Ucraina. Chỉ khi nào người dân Ucraina có công ăn việc làm và có thu nhập ổn định thì công việc kinh doanh của cộng đồng ta mới có thể khởi sắc.
Có một điều mà chúng tôi, những người làm báo cộng đồng rất mừng là đến giờ thì đa số bà con ta vẫn còn trụ được và tiếp tục công việc kinh doanh của mình tại Ucraina. Phải thẳng thắn với nhau một điều là không thể có chuyện làm giàu trong lúc này (trừ một số nhỏ rất xuất sắc). Kiếm đủ tiền để duy trì cuộc sống và lo cho con cái ăn học trong lúc này đã là một thành công lớn.
Nước nổi thì bèo nổi, chúng ta phải kiên nhẫn và chờ đợi đến khi kinh tế Ucraina khởi sắc. Đối với đa số người Việt chúng ta đang sống ở Ucraina thì rất khó để thay đổi cuộc sống hiện tại bằng một cuộc sống mới nơi quê nhà. Chúng ta đã quá quen và đã gắn bó quá nhiều với mảnh đất này. Con cái chúng ta sinh ra và lớn lên ở đây, chính đây mới là quê hương của chúng nó chứ Việt Nam chỉ là một cái gì đó rất xa lạ và trừu tượng.
Chúng ta đã thích nghi với con người, khí hậu và cuộc sống nơi đây. Tình hình an ninh tại Ucraina vẫn tốt dù chiến tranh chưa chấm dứt. Cuộc sống người dân Ucraina tuy rất khó khăn nhưng tình trạng trộm cướp, trấn lột, giết chóc vẫn không xảy ra. Môi trường sống như khí hậu và an toàn thực phẩm vẫn rất cao và chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm. Giá cả thực phẩm vẫn còn rẻ và phù hợp với khả năng kinh tế của người dân. 
Một niềm an ủi, một chổ dựa tinh thần, một nơi để chúng ta có thể đến thăm trong ngày đầu Xuân đó là chùa Trúc Lâm Kharkov. Các thầy và Hội Phật tử Kharkov luôn chu đáo và luôn sẵn sàng đón tiếp bà con và khách muôn phương. Không khí của chùa Trúc lâm trong ngày Tết sẽ giúp chúng ta thấy gần gũi quê hương hơn. Những người theo đạo Công giáo cũng may mắn khi có được các sơ người Việt từ trong nước sang giúp việc cho nhà thờ ở trung tâm thành phố, các sơ sẽ giúp cho các tín đồ  thực hành tín ngưỡng một cách thuận lợi và chu đáo. 
Nhân dịp năm mới, Xuân Bính Thân 2016 chúng tôi xin được chúc toàn thể bà con cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm ăn tại Kharkov cũng như tại Ucraina lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

Hoàng Long (Bạn Đồng Hành)