Nắng ấm lên qua xuân vào hè “hàng mát mẻ dành cho giới trẻ” vui như trẩy hội nghe theo tiếng gọi của biển. Tiếp đến sang thu, áo len dạ quần jean, khăn túi các loại tới tấp đến tay người tiêu dùng. Chưa tới đông lạnh hàng áo ấm đủ các chủng loại, kích cỡ màu sắc đã đầy ắp trong công. Mùa nào thức nấy, gặt hái theo thời vụ nên dân chợ búa cũng yên tâm bám trụ, thêm vững tin vượt qua thăng trầm nơi xứ người.
Thời gian này lẽ ra chợ đã vào vụ nhưng sau Tết tây chợ vẫn vắng người mua kẻ bán. Nhiều buổi ra chợ, quá giờ Ngọ rồi mà nhiều dãy cửa hàng vẫn chưa bán được gì, nhiều nhà đã đóng cửa đi về. Đi mãi tôi mới tìm được anh bạn đồng hương, chào hỏi chuyện trò dăm câu ba điều cốt để tự an ủi bản thân. Nhìn “Cảnh chợ đã về chiều” - không chỉ riêng tôi mà nhiều người lòng đều nặng trĩu. Chiều hôm nay đã đành nhưng còn chiều mai, chiều của những ngày sau nữa, đáng lo thay!
Nguyên nhân xa gần gây ra mối đe dọa đấy, ai cũng biết cũng hiểu nhưng tự tìm ra lối thoát thì chưa thể làm ngay được. Một khi các lí do khách quan còn nặng nề còn án ngữ phía trước, bản thân tôi mặc dù dự án vẫn còn nằm trong suy tư vẫn muốn phát biểu đôi điều những mong cùng mọi người trao đổi làm sáng tỏ để thêm vững niềm tin. Trước hết phải nói đến cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế tại nước sở tại xảy ra, kéo dài triền miên tửng chừng không dứt dẫn đến những trục trặc về ngoại giao, những trì trệ về về sản xuất và kinh doanh. Tất cả những điều trên gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người lao động khiến kinh tế chợ suy giảm một cách trầm trọng, tư tưởng của dân chợ búa lại càng thêm nặng nề. Song suy cho cùng vẫn phải bám chợ, trụ lại nơi đây chờ thời với niềm tin “Đêm có dài rồi cũng phải đến ngày”.
H. – chủ cửa hàng đồ ấm, tâm sự: “Thật đáng buồn, gần hai năm nay hàng áo lông, áo da giao dịch gần như đóng băng ở cả hai phía nhập lẫn xuất. Hàng Tàu nhập giá cao, bán ra để có lãi vào thời buổi “chiến tranh” này không có ai mua. Do vậy, tốt nhất là bán hàng tồn, giá “mềm”, túc tắc lấy tiền sinh sống. Lắm buổi không mở hàng về nhà buồn tênh vẫn phải tự bằng lòng với chính mình, tự cười để an ủi để rồi sớm mai lại có mặt ở chợ. Dẫu cho hàng xóm láng giềng nhiều người vắng mặt”.
Ở một khía cạnh khác, M. – chuyên kinh doanh giầy dép da, chia sẻ: “Đã hơn một năm, hàng Tàu nói chung và giầy dép nói riêng khá khan hiếm trên thị trường Kharkov. Lí do phần lớn là vì giá cao cộng thêm tình trạng chợ đuội hiện nay, bán ra là lỗ nặng. Do đó, để tự cứu mình tôi quyết định nhập hàng nội địa sản xuất bán kèm cũng hàng Tàu “cũ”. Thoạt đầu cũng túc tắc, ngày này bù ngày kia cũng tạm có lời, đủ chi tiêu trang trải cho gia đình trong cơn khủng hoảng hiện nay”.
Những tưởng cần cù sẽ bù đắp phần nào nhưng tình hình kinh doanh vẫn không khởi sắc, nhiều buổi vẫn về tay không. Sau tết vắng người mua lại vắng cả người bán, ngắm cảnh chợ lại càng thấy thảm hại hơn. Thậm chí có hôm muốn chơi vài ván Đô-mi-nô nơi góc chợ cùng chúng bạn mà chờ mãi chẳng có một ai. Cầm điện thoại gọi cho một đồng nghiệp bán ở cuối dãy xem sao, thi từ căn hộ ấm cùng của mình, hắn vô tư trả lời: “Tuyết phủ kín đường, trời lạnh hơn âm 10 độ. Có ra cũng không bán được gì, giả như có bán được thì một hai đôi tất chân lãi cũng chả đủ chi tiêu. Hóa ra thân làm tội đời à!” Trước khi kết thúc hắn còn dặn thêm: “ Về sớm đi rồi qua nhà tớ làm vài chén cho ấm người”. Nghe mà não cả ruột gan.
Trước cảnh chợ lạnh lùng, ngẫm cảnh bạn bè rồi ngẫm cảnh mình, tôi cũng buồn lây. Cảnh buồn người có vui đâu bao giờ.
Gặp ai cũng một giọng lo âu trước viễn cảnh mờ mịt của kinh tế chợ, khủng hoảng kinh tế chính trị, thời tiết khắc nghiệt nóng lạnh thất thường. Tai họa nhất là mấy ngày trung tuần tháng một. Tuyết rơi triền miên ngập khắp các ngả đường, phủ ngang đến đầu gối. Hỏi rằng liệu ai muốn ra chợ? Đã thế, như ‘Lửa đổ thêm dầu”, giá “xanh” lên xuống đột ngột, khiến hàng xuất ra không kịp đón được. Lỗ cầm chắc trong tay thì dại gì mà bán! N. vốn bạo gan nhưng cũng thổ lộ: “Trong buôn bán kinh doanh không liều thì khó mà có cơ hội gặt hái. Nhưng năm nay, tôi cũng đành phải cầm chừng chờ thời, không dám làm ăn to sợ mất cả chì lẫn chài”.
Thật vậy, nếu một lần nào đấy, bạn đi qua một góc chợ tại trung tâm thương mại Barabasova. Chỉ cần tinh ý một chút bạn sẽ thấy nhiều mặt hàng cũ chiếm già nửa trên các mặt bàn, treo trên vách cửa hàng thì mới cảm nhận được câu nói của dân chợ búa - “Chỉ bán hàng tồn để duy trì cuộc sống” là đúng sự thật. Ngẫm mà đau đớn lòng, thấy khuôn mặt khắc khổ của cánh mày râu, mỗi nếp nhăn như mỗi lỗi gian truân, khiến ta càng thêm trân trọng hơn. Thấy khuôn mặt duyên dáng, dịu dàng của chị em phụ nữ đượm nét buồn vì những lo âu cho chồng, cho con mà càng thêm mến yêu, thương cảm, muốn vác thay cho đôi vai họ nhẹ bớt gánh nặng.
Một vòng thời gian trôi qua, khởi điểm từ năm 2014 lấn đến năm 2015 kéo dài đến tận bây giờ là điều “gở”, báo hiệu chợ về chiều theo quy luật kinh tế chợ suy thoái mang tính chất toàn cầu, khó tháo gỡ cho dân tiểu thương- trong đó có mấy nghìn người Việt mình đang buôn bán kinh doanh tại Trung tâm thương mại Barabasova. Sau tết Tây là đến tết Ta, nhiều người về quê ăn tết cổ truyền dân tộc. Dòng người đi nhiều hoàn cảnh số phận khác nhau. Người cảm thấy “Thất cơ lỡ vận” tìm lối thoát về quê làm lại cuộc đời. Người không có cửa hàng nghĩ cách về quê ăn tết cùng mẹ cha, cô bác bằng tiền thuê công chỗ, giá như ở lại là một công đôi việc. Kẻ nợ nần anh em, bè bạn, bạc tình bạc nghĩa lén lút khăn gói lên đường trốn biệt tăm rồi vắng mặt vĩnh viễn. Chợ đã thưa thớt lại càng vắng vẻ hơn.
Năm hết Tết đến, có nhắc đôi lời không được vui với cảnh buồn ở chợ, những lo toan trước thân phận như “Bèo dạt mây trôi” của mình, cũng chỉ vì ước muốn được chia sẻ và mong mỏi mọi người hãy tạm bằng lòng với những gì hiện có, lạc quan và giữ vững niềm tin, thêm hy vọng vào một tương lai tươi sáng đang chờ đợi!
Văn Nhân
Bạn Đồng Hành - Kharkov