Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Ký ức về chuyến dã ngoại ở ngoại ô Ôđétsa

Thứ sáu, 07/02/2014 | 13:34
Đấy là lần đầu tiên tôi cùng anh em đi dã ngoại qua đêm ở ngoại ô thành phố Ôđetsa. Cuối năm học thứ nhất, vào ngày 09 tháng 5 năm 1986 (Ngày chiến thắng Phát xít), ở Ôđétsa trời đã bắt đầu có nắng ấm, cuối chiều và đêm thì vẫn còn se lạnh.

Chuẩn bị tạm biệt 10 anh « Năm thứ V » tốt nghiệp về nước (Khóa 1981-1986) nên cả Trường Tàu chúng tôi quyết định đi dã ngoại (pa-khốt) ra vùng ngoại ô thành phố vào ngày nghỉ 9-5. Lẽ ra kế hoạch được thực hiện vào dịp nghỉ Lễ 1-5 nhưng do không chuẩn bị được tăng võng nên chúng tôi đã phải rời tới ngày 9-5. Nhóm anh em trong đơn vị bàn bạc cử người đi khảo sát địa điểm và xác định sẽ đi dã ngoại ở khu rừng ven biển. Chúng tôi tập trung ở Ốp mới đường Frunze, lên tàu điện (Tramvai) số 7 đi về bến cuối đường Frunze phía Ga tàu biển, rồi xuống đi cắt ngang đường Frunze chuyển sang bến xe buýt ở bên kia đê (khu Ôđétsa mới, phía bắc của thành phố Ôđétsa cũ kỹ). Cả đơn vị hơn 2 chục người lên xe buýt đi ra vùng ngoại ô cách trung tâm thành phố trên 40 km. Chừng gần 1 giờ đồng hồ thì đến địa điểm, tất cả bảo nhau xuống bến dọc đường. Chúng tôi bồng bế đồ nghề (mỗi người 1 chăn, quần áo chống rét, tăng võng, bạt, thức ăn, đồ uống, đàn ghi ta, bóng đá, đài đĩa...lỉnh kỉch đủ thứ) cùng nhau đi theo con đường nhỏ rẽ ngang về phía biển. Đây là vùng đồi rừng ngay bên biển, có rất nhiều bạch dương, phi lao, cỏ và các lùm cây nhỏ dại mọc khắp chốn. Chúng tôi đi bộ quãng chừng hơn nửa giờ đồng hồ thì đến một khu đồi kề ngay bên biển, khá bằng bặn. Chọn được một khu đất tương đối phẳng chừng hơn 30m2 chúng tôi quyết định dựng trại ở đó. Đồi thấp thôi, ngay phía dưới là bãi cát vàng nho nhỏ. Biển Đen mênh mông, xanh thắm hiền hoà. Những con tàu phía xa xa, chiều chan nắng… khung cảnh thật là thơ mộng. Tôi đứng ngây người nhìn từng con sóng nhỏ đua nhau chạy vào bờ và xô đuổi nhau bơ phờ. Sóng mệt nhoài nằm trôi trên bờ cát trắng thoai thoải. Bãi cát này dường như chẳng bao giờ có dấu chân người. Tôi và Long « em » là 2 đứa sinh viên năm thứ nhất cùng các anh năm trên người thì kiếm củi khô nhóm bếp nướng thịt, người thì trải những tờ báo làm mâm sắp sẵn đồ ăn, thịt ướp, giò, lọ dưa cà muối, xúc xích,.…người dựng lán trại che sương đêm.. Chỉ có 10 anh « Sinh viên năm thứ V » sắp tốt nghiệp về nước là được quyền tự do hò nhau tìm chỗ thoáng để tổ chức các trò vui chơi thể thao. Chúng tôi mang theo 1 cái catset, 2 cây ghi ta. Nhạc được mở lên khuấy động ầm ĩ làm cho mấy chú Tây đi dã ngoại cắm trại gần đó cũng mò sang quan sát tình hình. Các anh năm thứ V hò la bọn tôi chơi bóng. Chúng tôi chia ra làm 4 đội mỗi đội 3 người thi đấu bóng chuyền bằng chân. Đội nào thua thì bị loại để đội khác vào. Đám đất phẳng hẹp, chẳng đá bóng được. Bãi cát dưới chân đồi thấp cũng không đủ rộng để làm bãi đá bóng. Nước biển thì còn rất lạnh.



Ảnh Đội bóng trường Tàu - mùa đông năm 1986, tại sân bóng trường Tăng.

Tác giả Cao Hiền ngồi ôm bóng


Chẳng mấy chốc màn đêm cũng buông xuống. Cả đội quây quần bên bếp lửa hồng được đốt lên bằng những thanh củi khô và cả những cây phi lao còn tươi, những thân cây nhơ nhỡ bằng cổ tay cổ chân chúng tôi đốn ở dưới chân đồi. Hát hò, đọc thơ, kể chuyện tiếu lâm, các anh năm thứ V ôn lại những kỷ niệm xưa…Tất nhiên không thể thiếu bia « 11 độ » và rượu sâm banh, rượu Voska. Uống, với những tiêu đề ngẫu hứng của từng người, lần lượt, làm cho không khí lúc ồn ào vui nhộn, lúc sâu lắng. Ấm áp. Nhộn nhất là tiêu đề hát múa tập thể với đàn ghi ta, thanh muôi, trống bát… những bài chế tác lời Việt nhạc Tây, đại loại như :

« Anh ơi bán tôi đôi giầy,
 
đồng mốt tôi sẽ mua ngay,
 
đồng hai anh lấy hơi nhiều,
 
đồng rưỡi không thèm mua !
 
Em ơi trông anh đây này,
 
giầy mới trông có oai không ?
 
Chỉ mua hết có hơn đồng,
 
mà mới lại có xi.
 
Xi đen tốt hơn xi màu.
 
Giày trắng không đánh xi nâu,
 
giày nâu không đánh xi màu,
 
giày rách… không cần xi !».

Hoặc thú vị không kém là liên khúc bài hát thiếu nhi chế tác từ bài hát «Một con vịt », và « Cả tuần đều ngoan », đại loại :

« Một anh chàng vừa đi bia với cá,
 
Lúc đi về lưỡi lắp bắp miệng lặp bặp.
 
Gặp bạn gái ngỡ là người tình cũ,
 
Tránh xa rồi đầu vẫn cứ biu to ?!!».
 
« Thứ hai là ngày đầu tuần,
 
anh hứa cố gắng không say,
 
Thứ ba thứ tư thứ năm,
 
ngày nào cũng bia với cá.
 
Thứ sáu lại đến thứ bảy,
 
Ngày nào cũng cá với bia.
 
Chủ nhật có thể bị ốm …
 
Vì uống bia suốt tuần !! » ..

Đó là những bài hát được coi là « Truyền thống của Trường Tàu » (?!). Những kỷ niệm xưa được mọi người ôn lại qua « những bài thơ và những thiên truyện truyền mồm ». Đại loại những chuyện như các anh sinh viên năm trên của Trường Tàu đi đón sinh viên năm thứ nhất ở Ga tàu hoả (Ga nằm gần ngay Trường Thực phẩm). Gặp 2 nữ sinh viên mới về Trường Thực phẩm nhưng lại không có năm trên ra đón (vì không có thông tin). Thế là các anh Trường Tàu đón về trường mình dự liên hoan cùng với sinh viên năm mới luôn. Lại còn bảo « Vì Trường Thực phẩm ở xa, đưa các em về ngay không tiện, cứ về Trường Tàu rồi các anh sẽ bắt tacxi đưa các em về Trường Thực phẩm ở gần đó »... Mà Trường Tàu thì cách Ga tàu hoả có đến 2 lần chuyển tàu xe (Xe buýt số 2 và Tramvai số 28, lại còn đi bộ hết con dốc Thuỷ thủ nữa chứ) ! Thú vị là sau có thơ rằng (truyền mồm):

« Tin đồn bay khắp Liên Xô
 
Ở Trường Thực phẩm 2 cô mới về.
 
Một cô nom rất đồng quê
 
Nhẹ nhàng buông mái tóc thề ngang vai
 
Người hiền dịu dáng mảnh mai
 
Hỏi ra mới biết « Chị Hai quê mình ».
 
Một cô trông cũng rất tình
 
Má hồng mắt phượng lung linh nắng hè
 
Mặt trời như có mây che
 
Vui từ Thực phẩm vui về trường ta… »

Bài thơ này nghe nói là của anh Trần Đức Trí – Cựu sinh viên Khoa Kinh tế Trường Tàu (còn 2 sinh viên Trường Thực phẩm thì một chị quê Thái Bình và một chị quê Hải Phòng thì phải ?!). Trường Tàu rất ít nữ sinh viên Việt Nam. Truyền thống vui nhộn, mến khách.. còn mãi về sau, qua thế hệ chúng tôi và cả thế hệ các em sau nữa…Năm 1986, Trường Tàu có 10 anh tốt nghiệp về nước. Đối với Trường chúng tôi thế là khá đông.

Quanh đống lửa trại, đàn ghi ta bập bùng, tiếng thanh muôi trống bát lạch cạnh, lẻng kẻng, binh boong…Chúng tôi uống...và lần lượt từng người góp vui bằng những câu chuyện ngắn, bài hát hoặc điệu múa,.. để làm sao « truyền lượt » cho từng người kế tiếp vòng tròn, xích dần xích dần về đêm. Gần nơi chúng tôi đốt lửa trại cũng có vài nhóm sinh viên Tây đi dã ngoại. Ánh lửa, tiếng hô u ra,..lúc lúc lại ào lên. Đêm ở một vùng đồi yên ả mà chẳng yên tĩnh chút nào. Đến lượt tôi góp vui, tôi đã đọc mấy vần thơ vui tiễn biệt các anh « Năm thứ V ». Khoá 1981-1986 Trường Tàu có 10 anh tốt nghiệp. Anh Sơn "ổng" dân Sài Gòn, anh Nam "đen" ở Nha Trang, anh Phan Đại Ngọc dân Hà Nội, cả ba đều học Khoa Máy tàu. Anh Long "xôi", anh Hà "bô" quê Hải Phòng, anh Long "con” quê Hải Dương, anh Quý quê Nghệ Tĩnh, anh Hùng quê Nam Định, cả năm anh học Khoa Kinh tế vận tải biển. Anh Tiến và anh Tú quê Thái Bình học Khoa Khai thác vận tải biển.


Ly biệt
 
Ngẫm đời sướng khổ đã vài phen
Ớt đắng gừng cay rượu nồng men
Tiễn biệt bao lần bao luyến nhớ
Chim trời sải cánh đến trăm miền
 
Anh về xin chúc được bình yên
Vạn sự như mong ước đã nghiền
Hôm nay vui với anh chén rượu
Tái ngộ hẹn anh tuổi trung niên !
 
Ôđétsa,CH. 09/5/1986

Giã biệt
 
 
Bao lần từ giã bấy đau rồi
Mà hồn thơ vẫn cứ xanh tươi
Tiễn biệt anh về nơi đất mẹ
Bầy tôi ở lại chốn quê người
 
Biển ở ngoài kia có thấy không ?
Bầy ta uống rượu đốt lửa hồng
Bóng tối ken dầy ta xích lại
Rượu nồng men rượu thấm vào trong
 
Núi ở bên này nghe thấy chăng ?
Anh em ta chung một tấm lòng
Biệt ly muôn thuở lời tâm sự
Nhắn nhủ niềm tin với niềm mong.
 
Nâng chén rượu chúc “Năm thứ V”
Đíp-lôm bảo vệ trăm phần trăm
Đóng hòm về nước “đầy” và “chất”
Vạn sự bình an thoả nguyện lòng !

Ôđétsa, CH.09/5/1986

Tiễn biệt 10 anh năm thứ V
Viết tặng 10 anh “năm thứ V” Trường Tàu
tốt nghiệp về nước khoá 1981 – 1986
 
(Trong chuyến cả đơn vị đi dã ngoại (Paxog) ngày 09/5/1986)

Trăm năm trong cõi người ta
 
 
Chữ về chữ ở nghĩa là .. xa nhau
Trải qua tháng rộng năm sâu
Ngẫm ngày ly biệt mà đau .. cỗ lòng (cả)
Các anh về nước biết không
Anh em ở lại nhớ mong vô bờ !!
***
1/ Nhớ anh Ngọc dáng nhà thơ
Trẻ trung đôi mắt ngẩn ngơ nụ cười
Hiền lành vốn dĩ tính người
Nhẹ nhàng thanh lịch mười mươi dân Hà (Hà Nội).
 
2/ Nhớ anh Hùng miệng nở hoa
Bóng tài gôn giỏi, hát ca cũng tài
Nói năng dứt khoát một hai
Có râu con kiến …cạo hoài vẫn xanh.
 
3/ Nhớ anh Tiến tính lành lành
Có cái răng khểnh nên cười rất duyên
Hát chèo đánh trống ngũ liên
Thuận hoà hay nói: “Ơ này anh em!”
 
4/ Nhớ anh Long dáng thon thon
Nhỏ người nên gọi “Long con” thân tình
Bóng bàn, cờ cũng đều tinh
Đẹp trai khuôn mặt lung linh nụ cười.
 
5/ Nhớ anh Sơn ít dạo chơi
Học hành nghiêm chỉnh thảnh thơi tâm hồn
Tính anh nóng - chẳng giận hờn
Thương anh kính phải đeo luôn cả ngày.
 
6/ Nhớ anh Tú kể chuyện hay
Vui đùa ý tứ, một cây chơi đàn
Dáng anh đi đứng đàng hoàng
Làm gì cũng rất nhẹ nhàng tính suy.
 
7/ Nhớ anh Hà vẻ “lì lì”
Ra sân bóng đá “lì” đâu mất rồi
Anh đi anh đứng anh ngồi
Dáng anh mới thật “Nhàn ơi là Nhàn” !
 
8/ Nhớ anh Long đánh đầu oan
“Zato” có quả ghi bàn “manh-ti”
Hậu vệ thòng chắc như chì
Dáng anh vất vả, ít khi ở nhà
Nhớ anh lại xuống tầng 3
Nghe đôi băng nhạc uống trà nói vui
Nhớ anh lại nhắc “Long Xôi”
Chơi cờ cũng giỏi, bóng bàn cũng hăng.
 
9/ Nhớ anh Quý giỏi toàn năng
Hỏi rằng hậu vệ ai bằng anh đâu ?
Hiền lành như thể cô dâu
Khách phòng anh chẳng đợi đầu tuần trăng.
Đông người anh ít nói năng
Chỉ cười gương mặt lại tăng rạng ngời!
 
10/ Nhớ anh Nam cũng tài chơi
Môn gì cũng khá, nhất thời cờ vua
Đất Nha Trang đậm nắng mưa
Nên chăng bè bạn gọi đùa “Nam đen” !
***
Vài vần thơ mượn hơi men
Đọc chơi tiễn biệt anh em vui cười
Trăm năm trong cõi đời người
Chắc còn tái hợp còn tươi rượu nồng.
 
Đêm nay bên ngọn lửa hồng
Xin nâng chén rượu, “Za” tình cố hương !!
 
Ôđétsa, CH.09/5/1986


Bóng tối ken dầy, ta xích lại. Những vần thơ vui làm chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Hơi ấm của lửa trại. Hơi ấm của rượu. Hơi ấm của tình đồng hương đất Việt xa xôi. Cả trường chỉ toàn con trai (năm đó nữ trường tôi chỉ có một mình Ms.Oanh sinh viên năm thứ 2 nhưng không tham dự được). Chúng tôi tiếp tục đàn hát, xoay vòng…

….Đêm đó không phải là một đêm dã ngoại vui trọn vẹn. Quá nửa đêm, chúng tôi đã bị một gã Tây say rượu xông tới quấy phá. Gã cầm dao nhọn hoa lên và đâm vào lưng anh Tiến. Rất may nhát dao xuyên qua áo chỉ ngậm chút vào lưng, vết thương nhẹ. Tôi vẫn nhớ hình ảnh của Hưng (sinh viên năm thứ 3 khoa Kinh tế biển) cầm cả cây thông dài 3 mét đang cháy đỏ lừ đâm lao vào bụng gã Tây say. Anh em đã kịp hãm lại. Mọi người ai cũng tức giận xúm lại bảo vệ nhau nhưng vẫn kiểm soát được mà không bị quá khích. Tôi và anh Quý chạy tít ra trạm công an gần đường quốc lộ để khẩn báo, họ tới ngay lập tức. Gã Tây say bị công an tóm đưa về đồn. Anh Tiến được yêu cầu đi kiểm tra và băng bó tại trạm y tế thuộc khu vực gần đó…Sau sự cố, đã gần 3 giờ sáng. Chúng tôi ngồi ngủ gà gật bên nhau trong mấy căn lều trại đến gần 5 giờ sáng thì nhổ trại rút quân…Về đến thành phố. Ai nấy đều buồn ngủ và thấm mệt. Chúng tôi nhận thấy người ta phun nước ướt đẫm đường Frunze. Ốp mới cũng ướt đẫm các bậc lên xuống. Cửa Ốp đóng kín mít khác hẳn mọi khi… Dường như là còn có một sự cố nào đó …?! Sáng sớm hôm ấy (10-5-1986) người ta mới chính thức thông báo về sự cố ở nhà máy Điện nguyên tử Chernobưn. Sự cố đã xảy ra từ sáng ngày 26-4-1986. Nhưng nếu người ta thông báo sớm hơn, chắc chúng tôi đã chẳng có chuyến dã ngoại đó vì sợ những đám mây độc…. Anh Tiến, một trong 10 anh Năm thứ V ngày đó bây giờ là Phó TGĐ Công ty CP vận tải biển Việt Nam - Vosco./.

Cao Hiền, cựu DHS Khoa Máy tàu - trường Đóng Tàu Odessa khóa 1985-1990

(theo bản tác giả gửi tặng nguoibienden)