Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Tết đến Xuân về - Nhớ quê hương

Thứ hai, 08/02/2016 | 09:43

Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về là lòng người Việt kiều từ khắp bốn phương trời lại hướng về quê cha đất tổ cùng đón tết cổ truyền dân tộc. Vui như trẩy hội nhưng cũng thật đáng tiếc do hoàn cảnh khó khăn khách quan cũng như chủ quan mang lại, không ít người muốn chẳng được. Để rồi, vào những ngày này lòng đầy trăn trở đau đáu nối nhớ quê hương da diết. Nỗi nhớ khi là những kỷ niệm về một thời bên mẹ cha, khi là những ngày tuổi thơ cắp sách tới trường, lại có khi là yêu thương của mối tình đầu đẹp như câu ca dao Em và tôi. Hay chỉ là khoảnh khác bồi hồi đón chờ phút giây thiêng liêng đất nước chuyển mình sang năm mới của người con phiêu dạt nơi xứ người.

Tết đến Xuân về - Nhớ quê hương

Ảnh minh họa

Cùng tâm trạng nhớ nhà khôn nguôi, Hạnh – người phụ nữ trẻ gốc Hải Phòng thành phố cảng rợp trời hoa phượng đỏ tâm sự:
Những năm trước đây, dù buôn bán kinh doanh có bận rộn đến mấy, vợ chồng em vẫn cố gắng thu xếp công việc, đưa con cái về quê ăn tết cho vơi đi bớt nỗi nhớ nhà. Và dẫu cho thời gian không nhiều vẫn tranh thủ đến thăm hỏi cô bác gần xa, hàng xóm làng giềng lân cận cho gần gũi thêm mối quan hệ đồng hương.
Về quê đón Tết còn là dịp tự tay thắp nén hương nghĩa tình tri ân công đức của tổ tiên, ông bà sinh ra dòng họ. Quan trọng hơn, giây phút cuối năm của đêm giao thừa, bên mẹ cha, anh em ruột thịt ngồi quanh mâm cỗ có “Bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ” thấy ấm cúng hẳn tình nghĩa gia đình xum họp một nhà. Nước mắt cứ trực tuôn ra, thì hỏi còn hạnh phúc nào hơn đối với những đứa con xa xứ chúng mình?
Tôi gật đầu đồng tình rồi bày tỏ thêm:
Có nghĩa là, Tết đến Xuân về đồng hành về quê ăn tết còn là khát vọng và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam xa quê. Là mong ước hướng về cội nguồn của những người con khi hướng về đất Mẹ.
Thế mà năm ngoái lo lắng khủng hoảng chính trị kinh tế kéo dài, rồi mải mê bán hàng tồn thu hồi vốn. Tết đến vắng nhà mà cứ tiếc hoài. Năm nay muốn về thì “Lực bất tòng tâm”. Ân hận lắm anh ạ! – Hanh thổ lộ.
Nghe Hạnh than thân trách phận , con tim tôi chợt đau nhói lỗi buồn tủi lẫn lộn, bởi cũng vắng nhà không về quê ăn Tết như người phụ nữ đất cảng ấy. Nhưng Hạnh mới có một, hai mùa Xuân không về. Còn tôi đã mấy chục năm trời đằng đẵng trôi qua chưa một lần thắp hương vái tổ vào đêm giao thừa, chỉ vì những mặc cảm cá nhân không cần thiết, chỉ vì những suy tư không đồng hành với mọi người. Xót xa quá!
Nhưng rồi “Ở hiền gặp lành” chăng. Những mất mát thiệt thòi ấy dường như đều được đền bù lại bằng tấm lòng bao dung, sự chia sẻ chân tình của những người đồng hương Việt Nam – là công nhân nhà máy “Anh hùng người thợ mỏ” mà tôi may mắn làm quen vào thập niên 90 của thế kỷ trước.
Nhớ hơn cả là những đêm giao thừa cùng bè bạn đón Tết ta dưới bầu trời Tây ngay trong ốp. Dưới bàn thờ tổ tiên khói hương nghi ngút, mấy đứa chúng tôi mỗi đứa một quê ngồi chung một chiếc chiếu cói Việt, thưởng thức từng món ăn đậm đà hương vị dân tộc để mà thương mà nhớ quê nhà nhiều hơn.
Gắp một miếng bánh chưng dẻo, thơm phức mùi gạo nếp vào bát mình, tôi chợt nhớ nhiều lần ngồi cạnh ba, cạnh nồi bánh chưng thâu đêm suốt sáng. Quá khuya, có lúc tôi chợp mắt thiu thiu ngủ. Ba để nguyên hoặc nhẹ tay ôm tôi vào lòng cho đứa con trải nhỏ của mình trọn giấc ngủ. Sáng tỉnh dậy, bắt gặp đôi mắt hiền từ của cha, nhìn đôi bàn tay chai sạn “một nắng hai sương” vì chăm lo cho tôi. Ba không ngại nóng rát vớt ra chiếc bánh chưng nhỏ mà ba đã gói cho riêng cho tôi mà nước mắt trực chảy ra.
Đúng vào giây phút của đêm Giao thừa Việt Nam là 7 giờ chiều tại Kharkov, chúng tôi chuyện trò râm ran hẳn. Người quê Thái Bình, người dân Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam cả Nghệ An nữa. Ai cũng hết lòng thổ lộ nỗi nhớ miền quê với bao kỷ niệm tuổi thơ không thể quên… Còn tôi. Tôi nhớ về Hà Nội – “Nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt… ta đã trải qua đẹp như giấc mơ”. Để rồi “Bước chân tôi đã qua bao nẻo đường. Vẫn mong một ngày trở về Hà Nội ơi”.
Bao giờ cuối buổi, chị chủ nhà cũng “cố tình” tiếp cho tôi một chiếc nem rán giòn tan, thơm phức vị “bánh đa, bánh đúc”. Ăn rồi, tôi nhớ nhung nhiều cô bạn “khúc ruột miền Trung” duyên dáng, dịu dàng. Lần nào vào ngày mùng một Tết đến nhà chúc Xuân, em cũng đều mời tôi ăn nem tự tay gói. Nhớ lâu cho đến tận bây giờ. Để rồi, mãi sau này, mỗi lần thưởng thức món ăn hương vị đậm đà dân tộc ấy, lòng tôi lại chợt nhớ đến em, một nỗi nhớ dịu nhẹ, nhất là vào những ngày Tết đến Xuân về, nhớ em lại nhiều hơn.
Tết đến Xuân về thì dù chúng ta có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về quê hương, nhớ về Tổ quốc Việt Nam –  Một thời đạn bom, một thời hòa bình, vẫn nhớ về cội nguồn – nơi ta sinh ra và lớn lên. Nếu không “Thiếu quê hương ta về, ta về đâu!”

Nguyễn Trọng Cơ
Bạn Đồng Hành – Kharkov