Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Làm báo-Nghề cần có một cái tâm

Thứ hai, 04/01/2016 | 07:20
Người Việt đầu tiên có mặt ở Kharkov chắc là đã rất lâu, lâu đến độ không ai còn nhớ tới.

Làm báo-Nghề cần có một cái tâmTổng biên tập báo Bạn Đồng Hành - Nguyễn Trọng Cơ

Theo thời gian cộng đồng người Việt tại đây dần dần lớn lên. Ban đầu chỉ là một nhóm nhỏ sinh viên theo học ở các trường đại học theo diện nhà nước Việt Nam gửi đi. Một số người, vì bị các cô gái Ucraina xinh đẹp hút hồn nên đành hy sinh sự nghiệp và một tương lai đang chờ đón nơi quê nhà để đi theo tiếng gọi của trái tim.

Sau khi Việt Nam và Liên Xô (cũ) ký kết hiệp định về hợp tác lao động giữa hai nước thì dòng người Việt Nam đến Liên Xô nói chung và thành phố Kharkov nói riêng ngày càng gia tăng. Liên Xô tan rã, các nhà máy đóng cửa, hiệp định hợp tác lao động chấm dứt, nhiều người lên đường trở về quê hương. Nhưng một số lượng người Việt không nhỏ đã quyết định ở lại Ucraina làm ăn và thử vận may. 
Theo thời gian cộng đồng người Việt Nam tại Kharkov lớn dần lên theo năm tháng và kéo dài cho đến tận ngày hôm nay và chắc chắn là sẽ tiếp tục cho đến nhiều đời sau. Rất nhiều bạn trẻ đến Ucraina muộn sau này không thể nào hình dung ra được những khó khăn và vất vả của những ngày đầu tiên. Với hai bàn tay trắng, kiến thức về kinh doanh là con số không cộng thêm với nhiều thứ không khác như không nhà, không tiền, không vốn, không kinh nghiệm, không biết dựa vào ai…Cộng đồng người Việt đã thích nghi và vươn lên để có được ngày hôm nay.
Biết bao nhiêu là mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả máu đã đổ xuống trong suốt quá trình tồn tại và vươn lên đó của cộng đồng chúng ta tại nơi đây. Thế hệ đầu tiên đó, những người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên cộng đồng hoàn toàn có lý do để tự hào và xứng đáng được khen ngợi vì những gì đã làm được.
Trong dòng đời khó nhọc để mưu sinh đó đã xuất hiện một nghề mới rất đặt biệt trong một môi trường mà kiếm tiền là một nhiệm vụ quan trọng nhất: nghề làm báo cộng đồng. Cột mốc đáng ghi nhớ đó là vào trung tuần tháng 4 năm 1997 khi số báo đầu tiên có tên là “Tuần tin” với 12 trang trắng đen đã ra đời. Rất nhiều gương mặt tham gia vào “tổ báo” đầu tiên đó nay đã trở thành những doanh nhân lớn như ông Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam, Lương Quốc Bình…
Tháng 7/1997 một tờ báo nữa có tên là “Quê hương” do ông Đinh Văn Nhời làm chủ nhiệm lại tiếp tục ra đời. Một năm sau, tháng 4/1998 khi hai hội là “Hội hữu nghị, văn hóa và thương mại Việt Nam” và Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov hợp nhất thành “Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov” thì hai tờ báo cũng sát nhập lại thành tờ báo “Tuần tin quê hương” do ông Nguyễn Trọng Cơ làm tổng biên tập. Tuần báo này đã tồn tại suốt 16 năm qua và tạm đình bản hơn một năm nay vì báo điện tử đã thay thế cho gần hết báo giấy.
Sau một thời gian ngắn khi “Tuần tin quê hương” tạm đình bản thì ông Nguyễn Trọng Cơ, người gắn bó lâu nhất và có nhiều duyên nợ nhất với nghề làm báo cộng đồng đã quyết tâm khai sinh ra tờ báo mới với một cái tên rất đời thường và gần gũi với mọi người: “Bạn Đồng Hành”. Đây là một tờ báo do ông tự bỏ tiền túi ra làm trong hoàn cảnh rất khó khăn sau cuộc khủng hoảng tại Ucraina và sự lên ngôi của báo chí điện tử. 
Phải có cái tâm và một tấm lòng rất lớn với báo chí và cộng đồng thì ông mới đủ cam đảm và dũng khí để đi đến quyết định khó khăn đó. Nhiều ý kiến hoài nghi và cả sự thương cảm lẫn lo lắng cho ông trước khả năng tồn tại của tờ báo. Thế mà đã một năm trôi qua, tờ báo vẫn còn tồn tại và đến với cộng đồng. 
Sự thực là tờ báo vẫn còn nhiều hạn chế như lượng thông tin chưa thật nhiều để đáp ứng được các nhu cầu khác nhau của nhiều thế hệ độc giả khác nhau. Tờ báo vẫn in đen trắng và số trang vẫn chưa nhiều. Nhiều chuyên mục mà độc giả yêu thích vẫn chưa có.v.v Sỡ dĩ tờ báo vẫn được bà con trong cộng đồng ủng hộ là vì quí mến tấm lòng của ông Nguyễn Trọng Cơ. Ông đang là phó chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov và ông cũng là người có biệt danh là “ông hậu sự” vì ông phụ trách mảng hậu sự cho những người bất hạnh và không may mắn trong cộng đồng.
Lo hậu sự cho những người xấu số là công việc không phải ai cũng muốn làm và nhất là không phải ai cũng làm được tốt. Với một cái tâm trong sáng và một tấm lòng nặng tình nặng nghĩa với cộng đồng ông đã không nề nà bất cứ khó khăn nào và luôn tìm cách giải quyết nhanh nhất, hợp lý nhất để người mất lẫn người sống đều được thấy an ủi. Công việc thầm lặng đó không phải ai cũng biết, cũng hiểu trừ những người đã được ông giúp đỡ. Ông làm tất cả những việc đó không hề vì tiền. Ông có thu nhập từ những chỗ khác và cuộc sống của ông cũng giản dị chứ không cần và không phụ thuộc nhiều vào tiền.
Tờ báo “Bạn Đồng Hành” của ông vẫn tồn tại được đến ngày hôm nay là nhờ sự ủng hộ của rất nhiều bà con, nhiều người đã đăng quảng cáo và trả tiền quảng cáo dù họ đã thật sự được nhiều người biết đến như anh Thuật vé hay anh chị Cường Duyên. Cũng có nhiều bạn đọc đã mua báo với cái giá gấp nhiều lần so với giá bán và đáng quí nhất là họ luôn vui vẻ khi làm điều đó. Để đáp lại thịnh tình đó ông đã cố gắng làm cho tờ báo ngày càng mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng bà con ta tại Kharkov. Hai phần ba số bài viết trong mỗi số báo là do chính ông viết và các cộng sự, các cây bút không chuyên của cộng đồng thực hiện. Một số bài dịch đặc sắc do anh Ngô Nhất Việt dịch từ những số báo đặc biệt của Ucraina cũng chưa từng có trên bất cứ trang báo điện tử nào.
Ông vẫn đang còn ấp ủ nhiều dự định lớn lao cho tờ báo “Bạn Đồng Hành” để biến nó thành một cây cầu nối hữu ích cho bà con trong cộng đồng. Ví dụ ông sẽ tìm những bệnh viện lớn và có uy tín để giới thiệu với mọi người. Ông cũng đã dành ngày nghỉ thứ sáu hàng tuần để dẫn bà con đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện đó và hoàn toàn miễn phí. Ông cũng đang định kết nối với các công ty du lịch, các công ty tư vấn du học.v.v. để giới thiệu cho cộng đồng và những người quan tâm.
Cũng có thể có ai đó nhìn ông như là một người “lập dị” và đúng là họ cũng có lý. Trong thời buổi mà tất cả mọi người đều lo lắng và quay cuồng với cơm áo gạo tiền thì ông lại đi làm cái việc kỳ cục, không giống ai là đi viết báo và làm báo. Thế nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, nếu ai cũng chỉ biết lo cho bản thân mình thì làm gì có cộng đồng người Việt ổn định và phát triển như ngày hôm nay? Báo chí cộng đồng là dấu ấn của chúng ta, là kỷ niệm và là quá khứ của chúng ta. Nó ghi lại trung thực những thăng trầm của cả cộng đồng. Lịch sử của cộng đồng được ghi lại qua từng số báo. Ông cũng là người duy nhất đã lưu giữ lại tất cả các số báo của cộng đồng từ trước đến nay và đó sẽ là những tài liệu vô giá ghi dấu sự trưởng thành của cộng đồng ta tại Kharkov.
Sự thực là nếu không có một cái tâm và một tấm lòng thì không ai có thể làm được những việc như ông Nguyễn Trọng Cơ đã làm. Cảm phục trước quyết tâm và tấm lòng đó mà anh em chúng tôi cũng đã cố gắng để giúp ông một người một tay để tờ báo “Bạn Đồng Hành” có thể đến được với mọi người vào những ngày đầu tiên trong tháng. Chúng tôi biết là làm gì thì cũng có người khen người chê, đó là lẽ thường tình của cuộc đời. Với những người đang ủng hộ Bạn Đồng Hành thì chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ và với những người không thích Bạn Đồng Hành thì cũng mong mọi người cho chúng tôi cơ hội để đồng hành cùng cộng đồng. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết rằng “nhiều khi sỏi đá cũng cần đến nhau…” huống hồ gì là chúng ta, những người con của Mẹ Việt Nam đang sống xa xứ. Hơn nữa khi đói, chỉ cần bánh mì là đủ nhưng khi no rồi thì còn cần cả hoa hồng.
 Nhân số báo đặc biệt kỷ niệm sinh nhật một năm của báo Bạn Đồng Hành, chúng tôi, những cộng tác viên của báo xin gửi lời cám ơn chân thành và sâu sắc đến các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ và các độc giả đã kiên trì ủng hộ cho báo suốt một năm qua. Chúng tôi đều là những người báo nghiệp dư, trình độ thì hạn chế chỉ có tình yêu và tấm lòng với cộng đồng là nhiều và hoàn toàn trong sáng, không vụ lợi. Chúng tôi luôn mong muốn và chúc cho mọi người làm ăn may mắn, thành đạt và hạnh phúc.  Chúng tôi sẽ cố gắng để chia sẻ các suy nghĩ và các tư duy làm ăn mới mà chúng tôi sưu tầm được để gửi đến các bạn với ước mong các bạn sẽ áp dụng được chúng trong cuộc sống. Chúng tôi cũng rất mong được mang đến cho các bạn niềm lạc quan, yêu đời và một niềm tin vào một tương lai tốt đẹp. Chúng tôi cũng cầu mong cho Ucraina, quê hương thứ hai của chúng ta sớm ổn định và phát triển để con cháu chúng ta được sống trong môi trường hòa bình và văn minh.
 

Hoàng Long (Bạn Đồng Hành)