Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Đám cưới Việt nơi xứ người

Thứ ba, 22/12/2015 | 20:53

Đám cưới Việt ở các thành phố khác nơi xứ người được tổ chức như thế nào và tiến hành ra sao thì không biết. Chứ ở Kharkov mình, ai đã từng tham dự cái ngày trọng thể “Tình yêu chân thành sẽ dẫn đến hôn nhân” của đôi trai tài gái sắc nào đấy, hẳn đều có chung một quan điểm: Rất đậm đà hương vị quê nhà từ ẩm thực đến các nghi thức cổ truyền dân tộc có từ hàng ngày đời nay. Ngay cả tôi, dẫu cho đã sống xa làng xóm mấy chục năm trời, nhưng hễ mỗi lần được chứng kiến: Nụ hôn đầu tiên khi chú rể trịnh trọng trao nhẫn cưới cho cô dâu vào cái giây phút thiêng liêng nhất đời của một con người, đã gợi lại trong tôi một thời trai trẻ đầy mộng mơ, tràn đầy sinh lực.
  

Đám cưới Việt nơi xứ người

Họ nhà trai bê lễ rước dâu

 Đặc biệt, hôm vừa rồi, vào một ngày đẹp trời của mùa cưới tháng 9 năm nay – tại nhà hàng Thăng Long, chợt vẳng bên tai tôi lời khen rất khách quan từ cửa miệng của một vị khách người địa phương rất chí tình: Đám cưới Việt Nam tuyệt vời bởi phong cách rất độc đáo miền Đông. Nghe xong, cảm thấy tâm hồn mình tràn ngập niềm tự hào bất tận về Tổ quốc Việt Nam – Nơi ta sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Bởi thế cho nên, các bạn có biết không? Đâu phải tự dung tôi viết lên mấy dòng tâm sự này mà vì là, muốn qua đây nhắc nhở bản thân và những ai đang mưu sinh trên thương trường sôi động này với ý thức: Dù sống ở nơi nào, buôn bán kinh doanh trong hoàn cảnh gian khổ hay thuận lợi nào vẫn phải luôn nhớ về cội nguồn, vẫn phải mong mỏi được góp sức nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng đất nước ta ngày một giàu mạnh, vững bền. 
    Nhớ lại. Cách đây gần 25 năm. Hàng ngày, tan tầm từ công xưởng về nhà buộc phải qua phố Kolonenskaya mới ra bến xa ca. Tình cờ, gặp một người Việt Nam hiền lành, tốt bụng. Vào đúng năm hậu kỳ của Liên Bang Xô Viết, anh cũng hơn 30 đồng nghiệp trong đơn vị xây dựng Moskva chuyển về Kharkov, sinh nghệ tại nhà máy “Ánh sáng người thợ mỏ”.
    Thoạt sơ quen sớm thân thiết vì đồng hương Hà Nội. Sau đó, năng lui tới kí túc xá, tinh thân nhân rộng ra với hầu hết người ốp mỏ bởi đồng hương Việt Nam Con Rồng cháu Tiến. Gắn bó với nhau như anh em ruột thịt trong một gia đình lớn.
    Chả thế mà, sáng nào cũng vậy, nhà tôi ở mãi vùng hẻo lánh xa trung tâm thành phố bảy tám cây số vẫn giữ thói quen, đến ốp thưởng thức chén trà xanh trước khi khởi hành ra chợ trung tâm tác nghiệp. Và, sau buổi chợ chiều người thấm mệt, lại cùng nhau nhâm nhi ly rượu trắng cho nhẹ gánh nặng đời của dân chợ búa, rồi mới về.
    Qua tháng ngày, tình bạn càng bám rễ sâu hơn. Lễ Tết cầu nguyện điều tốt lành đã đành, mà ngày cưới xin của bất cứ ai cũng được anh em trong ốp “Chung lưng đấu cật” làm hết mình. Và, với tôi khi có trong tay tấm thiếp hồng là có mặt. Kể cả lần được “mời” làm đại diện họ nhà trai cũng chẳng nề hà. Nhưng hiềm nỗi, do mặc cảm riêng tư, hơn 10 năm trước đó chả quan hệ với người Việt nào thì làm sao có thể hiểu nổi chân tơ kẽ tóc phong tục tập quán dân tộc, để mà ăn nói lưu loát cho “ngon lành cành đào” lúc đón dâu, khi phát biểu ngoài hội trường trước hàng trăm quan viên hai họ, trước vô vàn bạn bè đôi bên. Vì thế, để vừa khỏi phụ niềm tin của nhà trai đã “chọn mặt gửi vàng”, để vừa bổ túc thêm cho mình kiến thức căn hóa phương Đông qua tục lễ cưới xin mang tính cổ truyền dân tộc còn đang thiếu. Đề phòng nhỡ khi có bạn Tây nào đấy hỏi còn biết đường đối đáp, nên tôi quyết định tìm đến anh Trưởng ban tổ chức, hỏi cho ra nhẽ.
    Nghe tôi trình bày hết thảy, anh hứng giọng giải thích hơn cả những điều đối tượng muốn biết. Nào là, ngày đầu nhà trai họp bàn, chuẩn bị lễ vật sang nhà gái ra sao. Bước hai, ngày lành tháng tốt đến nhà gái xin dâu như thế nào… Nào là, cô dâu chú rể cùng bạn bè đi đặt hoa ở những điểm nào tại thành phố. Sau đó, đúng giờ về hội trường: Lễ thành hôn được bắt đầu trước sự chứng kiến của đại diện cơ quan đoàn thể, của gia đình nội ngoại, anh em bạn bè cùng người thân. Nào là, ẩm thực dân tộc gồm những món gì theo thực đơn. Và, cuối cùng, lễ cưới kết thúc trong niềm vui, hân hoan của mọi người.
    Tiếp thu từng lời, suy luận từng ý tôi mường tượng ra tất cả những diễn biến trước sau của đám cưới Việt nơi xứ ngoài. Cảm thấy quá thi vị đã đành mà còn nóng lòng mong sớm đến ngày vui chung ấy để có mặt mình với trọng trách đại diện họ nhà trai, để được ăn được nói nữa. 
    Chợt nhớ, phần ẩm thực chủ yếu là gì trong bữa tiệc, tôi hỏi:
-    Âu hay Á đấy?
Tôi đặt vấn đề, tuy chưa rõ ngọn ngành nhưng anh bạn trưởng ban vẫn hiểu, vội đáp luôn:
-    Dứt khoát phải ẩm thực dân tộc. Nem chua, chả rán, xôi gấc, cá hồi,… mới hợp với đám cưới  Việt chứ! Và lại tổ chức tại hội trường kí túc xá, thì thiếu sao được lòng dồi, tiết canh lẫn cháo lợn nhậu vào buổi chiều hôm trước. Giống y như ở phường xã, nông thôn mình ý.
Nuốt vội miếng nước bọt ứ ra từ cổ họng bởi cái gió mùa thu lành lạnh, tôi hỏi thêm:
-    Sau “chén chú chén anh” ấy, có quây tụ bên nhau mua vui với mấy con bài ta, cho sớm qua đêm chóng đến ngày để vào cuộc không?
Thay cho câu trả lời: “Thế đấy”, anh bạn tôi mỉm cười.
Thế là, đúng như lịch trình. Giữ trọn lời hẹn ước, quần áo chỉnh tề, com-lê củ sếch, tôi có mặt tại gia đình họ nhà trai từ sáng sớm. Thực hiện đầy đủ chức năng của mình bằng lương tâm và trách nhiệm. Để rồi, trên đường về nhà, những khúc hát dân ca quan họ, những tà áo dài “bảy sắc cầu vồng” thon thả trên thân hình nuột nà của những cô gái Việt luôn ẩn hiện trong tôi, giữ mãi trong con tim, ngay cả trong giấc ngủ yên lành của đứa con Việt đang lưu lạc nơi đất khách quê người.
Nhiều năm qua, kể từ ngày người Việt mình cư trú trên quê hương thứ 2 này, đám cưới Việt nơi xứ người hầu như năm nào cũng có. Và, công bằng mà nói, đám cưới nào cũng cố giữ những nét đẹp, độc đáo mang tính chất văn hóa cổ truyền dân tộc phương Đông. Nhất là, từ khi ở Kharkov có nhà hàng Thăng Long (Rồng Bay) – Niềm tự hào Việt giữa trời Âu – Không gian hoàn hảo, thoáng mát nằm trên phố Geroiev Stalingrad, thì giá trị nhân văn ấy càng được nhân lên gấp bội lần.
Thật vậy, với vị trí ưu thế đặc biệt ấy Thăng Long đã trở thành điểm hẹn gần như cố định cho mọi đám cưới Việt nơi xứ người. Và, với tôi nữa. Đã bao năm, bước chân đến nhà hàng lúc là đại diện Hội đoàn, nhà trai và nhà gái, lúc là tư cách cá nhân, cũng đã nhận ra sức hút của Rồng bay mạnh mẽ không nơi nào bằng. Chắc có người còn nghi ngờ. Nhưng thử hình dung xem: Chỉ riêng bộ cánh vạt áo dài tứ thân của các cô gái phù dâu, chiếc khăn xếp vấn trên đầu các chàng trai phù rể khoác trên mình tấm áo the đứng bên tòa nhà mái ngói đỏ, bên cây đào rực rỡ hoa hồng có Con Rồng sừng sững nằm phục bên đón mừng khách… Hài hòa biết chừng nào.

Đám cưới Việt nơi xứ người

Đại diện họ nhà trai, nhà gái phát biểu trong lễ xin dâu

Hôm vừa rồi, duyên số thế nào ấy, lại được mời làm đại diện cho họ nhà trai, tôi vui vẻ nhận lời ngay, phần vì từng trải phần vì muốn tâm hồn mình được trẻ lại khi hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng, thêm hưng phấn yêu đời vào phút giây vui chung của mọi người. Đến lượt, khi trong tay có chiếc micro, tôi lạc quan bày tỏ ý tưởng của mình: “… Đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định lễ thành hôn của đôi bạn trẻ đã thành công tốt đẹp. Bởi 2 yếu tố không thể thiếu được. Một là Thiên thời. Ngày hôm nay trời quang mây tạnh. Ánh nắng chói chang ngay từ buổi sớm. Khiến ai nấy đều sẵn sàng bắt tay vào cuộc. Hai là Địa lợi. Thành phố Kharkov, nơi ta đang sinh sống và làm ăn luôn yên bình và nhà hàng Thăng Long lúc nào cũng mở rộng cửa đón khách tứ phương, đám cưới Việt nơi xứ người. Ba là Nhân hòa, thể hiện tình cảm ưu ái của mẹ cha, cô bác họ hàng, tấm lòng vị tha của anh em bè bạn từ khắp chốn muôn nơi kéo về mừng lứa đôi trăm năm hạnh phúc…”
Tiếp theo, sau lời cảm ơn chân thành, quý khách có mặt trong ngày vui là lời khuyên răn, dặn dò đôi bạn trẻ “Dù sống trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào vẫn phải cố gắng vượt qua trong sự yêu thương đùm bọc của mẹ cha. Giữ trọn chữ hiếu cũng nghĩa tạo khang vợ chồng”.
Cuối buổi. Không khí đám cưới Việt tại Nhà hàng rộn ràng hẳn bởi những bản tình ca quê hương, đậm đà tính dân tộc.
Cộng thêm hôm nay nữa là lần thứ bao nhiêu tham dự đám cưới Việt nơi xứ người? Tuy không thể nhớ hết, nhưng bao giờ tôi cũng cảm thấy tâm hồn mình rộng mở, gắn bó hơn với cội nguồn – Tổ quốc Việt Nam ta.

                                NTC
                            “Bạn Đồng Hành”– Kharkov