Sau bao nhiêu năm tìm kiếm, tôi mới có được địa chỉ của phi công Lâm Văn Lích, người bạn chiến đấu thân thiết của ba tôi – phi công Nguyễn Hữu Tào. Vậy mà khi gọi điện hẹn gặp, tôi giới thiệu tên tuổi thìông vẫn nhớ mẹ tôi và tôi. Ông còn hỏi gia đình tôi có ở Phú Thọ không, đó là mảnh đất mà tôi và mẹ bao năm sinh sống khi chiến tranh phá hoại miền Bắc xảy ra.
Đến số nhà 174 Trần Hưng Đạo, quận 5 (Tp. HCM), vợ chồng tôi băn khoăn đứng trước cửa hàng cho thuê áo cưới ở tầng 1. Chủ cửa hàng ra hỏi và khi biết tôi tìm bác Lích vội bấm chuông để bác xuống đón. Như đã chờ đợi từ lâu rồi, bác lập cập từ cầu thang vừa đi vừa hỏi con trai ba Tào đâu. Tôi nhớ khi còn bé gặp bác ở đơn vị bác hay đùa tôi là thằng Tào con.
Mấy bác cháu ngồi ôn lại kỷ niệm xa xưa, bác nói ba tôi và bác nằm trong số hơn 30 phi công tiêm kích MIG-17 đầu tiên học ở Trung quốc. Trong đó có nhiều người sau đã là cán bộ cấp cao của Quân đội, như nguyên Thượng tướng Đào Đình Luyện - Tổng tham mưu trưởng, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Trung tướng Trần Hanh - thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan - Cục phó Cục huấn luyện Bộ Quốc Phòng. Bác cũng kể trong thời gian học bay, bác và ba tôi được nghỉ phép 5 ngày về gặp vợ tại một đơn vị bộ đội ở Gia Lâm. Bác lấy tấm hình bác gái bế cậu con trai trên tường xuống, đùa rằng tôi và anh ấy sinh cùng đợt. Đến lúc này tôi mới nhận thấy vắng bóng bác gái – trong ký ức của tôi đó là một cô gái người Hoa dịu hiền. Bác Lích nghẹn ngào báo tin bác gái đã mất mấy năm rồi, xong lại cố nén nỗi đau như để mừng buổi hội ngộ với con trai người đồng đội cũ.
Hàn huyên với bác về những kỷ niệm xưa, tôi đề nghị bác kể lại chiến công oanh liệt trong trận chiến đêm 3-2-1966. Bác kể chuyện bằng chất giọng hào sảng, khi mới về nước năm 1964, bác và ba tôi thuộc Trung đoàn 921 Sao Đỏ anh hùng. Đến năm 1965, hai người cùng 15 phi công nữa chuyển sang Trung đoàn 923 (sau khi Liên xô viện trợ MIG-21, Không quân ta đã thành lập Trung đoàn 923 Yên Thế sử dụng máy bay MIG-17 để chiến đấu. Trung đoàn 921 Sao Đỏ sử dụng máy bay MIG-21). Từ đánh ngày, bác và ba tôi chuyển sang đánh đêm.
Trận đánh 3-2-1966, bác được lệnh trực chiến. Khi tin báo có máy bay địch xâm phạm, bác được lệnh cất cánh. Bầu trời tối đen, mọi thông tin đều do mặt đất cung cấp. Được dẫn lên độ cao 4500m và thông báo có máy bay địch phía trước cách 8 km, bác tăng tốc, bật radar tìm mục tiêu. Khi tiếp cận máy bay địch, màn hình radar chao đảo. Sau này về rút kinh nghiệm bác nghĩ có thể máy bay địch bay gần nhau quá nên radar bắt không chuẩn. Mất mục tiêu trên radar, bác giảm tốc độ, ngó xuống thấy có một chiếc đang bay ngay ở dưới mình. Mừng quá bác định đưa máy bay của mình về phía sau để xạ kích. Đột nhiên, máy bay mất thăng bằng, chao đảo do rơi vào luồng khí phản lực của máy bay đối phương. Giờ này nghĩ lại bác cũng không hiểu do đâu mình lại cần bằng được máy bay. Đang xoay sở giữa trời đêm, chợt thấy phía trước mình 2 chiếc máy bay Mỹ bật đèn (chắc do tụi nó thấy bác chao đảo tưởng máy bay bên nó bật đèn để báo tránh va chạm). Cơ động đưa chiếc bên trái vào vòng ngắm, bác nói chỉ biết ngắm vào giữa 2 hàng đèn và siết cò, đạn đỏ nòng súng không biết trúng hay không. Nhìn sang bên phải vẫn thấy chiếc thứ 2 sáng đèn, bác liền nghiêng cánh ép máy bay bám theo. Khi đưa máy bay địch vào mục tiêu, bác lại bắn ra loạt đạn dài. Ban đêm không xác định được mình bắn có trúng, máy bay địch có cháy không, bác quyết định vòng lại để theo dõi, đến khi nhìn rõ 2 đám cháy rơi xuống mới thoát li về sân bay.
Bác kể lại, trực chỉ huy sân bay hôm đó là ba tôi. Sau khi hướng dẫn bác bay về mãi không nhìn thấy đèn máy bay (do bác quên bật), ba tôi vẫn quyết định cho bật đèn đường băng để phi công xác định được phương hướng hạ cánh. Đến lúc nhìn thấy đèn đường băng bác mới nhớ ra và bật đèn pha, đèn tín hiệu để hạ cánh. Trận đánh oai hùng đêm đó, lần đầu tiên 2 chiếc AD-6 của Hải quân Mỹ bị MIG-17 bắn rơi trong không chiến ban đêm.
Phi công Lâm Văn Lích đang kể lại chiến công ngày 3-2-1966
Không chỉ kể về chiến công của mình, phi công Lâm Văn Lích còn say sưa kể về thành tích của đồng đội, về những người cùng khoá, cả lứa đàn em sau này như Phạm Tuân,Vũ Xuân Thiều đã bắn cháy B-52 trong đêm. Và cả những trận đánh cuối cùng của ba tôi trước khi hi sinh. Tôi hỏi bác về chiếc máy bay Mỹ ba tôi bắn rơi hiện vẫn còn nhiều khác biệt trong tài liệu của mình. Khi thì là ông bắn rơi F-4C ngày 12-8-1967, ở tài liệu khác lại là F-105D ngày 25-10-1967. Bác giải thích, cả 2 trận đó biên đội ba tôi đều tham gia chiến đấu và bắn rơi máy bay Mỹ. Việc xác định phi công nào bắn rơi, ngoài báo cáo của phi công còn có băng ghi hình của máy bay. Có những khi đồng đội còn chia thành tích với nhau. Ngày đó tình đồng chí, đồng đội gắn bó yêu thương nhau lắm. Nhiều khi bác và ba tôi trực chỉ huy thay nhau mỗi khi mẹ tôi hoặc bác gái lên thăm...
Nhân sắp đến ngày thành lập Đảng 3-2, nghe những câu chuyện của anh hùng Lâm Văn Lích, lòng tôi lại dâng lên niềm tự hào và kính trọng đối với thế hệ cha anh!
Nghĩ về tình người, tình đồng chí ngày nay sao không được trong sáng như khi đất nước chiến tranh, gian khổ?! Khi đấy mọi người đều sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc, vì đồng chí của mình.
Đất nước đang trong công cuộc xây dựng và phát triển, chúng ta càng phải đoàn kết đấu tranh với những kẻ phản bội, phá hoại, với thói hư tật xấu, tham nhũng, quan liêu...để cùng nhau xây dựng đất nước ta giàu đẹp, vững mạnh hơn. Có như thế mới toại nguyện thế hệ cha anh đi trước.
Hà nội, tháng 1 năm 2014
Nguyễn Hải Anh