Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Chữ tình

Thứ tư, 09/12/2015 | 06:26

   Chữ tình

Ảnh minh họa

Qua những tháng năm bươn trải nơi xứ người, trong đó là cả một chuỗi ngày dài vô tận gắn bó với cộng đồng: Một thời cùng anh em, bạn bè “Tay kìm tay búa” trong nhà máy theo hiệp định kinh tế được ký kết giữa hai nhà nước Việt Nam và Liên Xô (cũ); một thời cùng dân chợ búa kiếm đồng tiền bát gạo nơi thương trường sống động; một thời gần gũi với doanh nhân đủ loại đang gồng mình kinh doanh để củng cố và giữ vững chố đứng của mình trong cuộc sống đầy bon chen… Để rồi, từ thực tế sinh động ấy, tai nghe mắt thấy hết thảy trắng đen, xấu tốt lẫn lộn, giúp tôi nhận nhận ra chân lý sáng ngời: Mọi quan hệ giữa người với người sẽ “thuận buồm xuôi gió”, suôn sẻ tốt đẹp hơn nhiều nếu như trong cách đối nhân xử thế trong mọi lĩnh vực có thêm một chữ Tình.
    Cái tình ở đây, chả có gì khác mà là sự cảm thông sâu sắc, là tình cảm mặn nồng trên phương châm “Chín bỏ làm mười”, không bao giờ để bụng thù ngầm thì lúc đó, người với người mới có cơ sở coi nhau như anh em ruột thịt, mới có thể đồng tâm hiệp lực, sát cánh bên nhau và đồng hành trên mọi chẳng đường theo tiêu chí xây dựng một cộng đồng trong sạch và vững mạnh trên quê hương thứ hai – Kharkov của mình.
    Nhiều ngày, ngồi một mình trầm tư suy nghĩ để mà “gạn đục khơi trong” mọi cách xử lý người với người trong đường đời thì cùng thấy các câu phương ngôn “Lời nói đi đôi với việc làm” là cần thiết và hoàn toàn chính xác. Làm được nó tuy khó nhưng một khi muốn hoàn thiện mình hãy thử nghiệm phương châm “Tự kỷ, ám thị”, đến với nhau bằng cái tình và sự tôn trọng thì nhất định khó mấy cũng vượt qua, ta về tới đích của chữ Tình.
    Muốn ý tưởng chữ Tình của mình được nhân lên, sâu rộng hơn. Hôm vừa rồi – cuối tháng 11 năm 2015 – tiết trời mùa đông, ngày ấm ngày lạnh thất thường chẳng lường biết được, lại thêm mưa liên tục mấy ngày liền khiến mặt hàng áo rét kém giao dịch, nhiều bữa chẳng mở hàng, về nhà tay không vẫn cố “ngậm bồ hòn làm ngọt”, tôi tranh thủ gặp riêng Long, anh bạn thân, gốc công nhân xây dựng Moskva chuyển về Kharkov vào thập niên 90 thế kỷ trước, nay là chủ to, hàng tự may, áo Kurtka đầy triển vọng.
    Đúng lúc thưa khách, hai đứa tay bắt mặt mừng, thăm hỏi dăm câu ba điều trong khuôn khổ xã giao đâu vào đấy xong, tôi đưa ra chủ đề “chữ Tình” nóng hổi tính thời sự hiện nay mà mình trăn trở, lại đang viết dở bài báo cho số mới này. Với hy vọng nhận thêm được nhiều lời hay ý đẹp “Thấu tình đạt lý” của anh bạn có bè dày kinh nghiệm trong cuộc sống về mối quan hệ bè bạn, trong kinh doing qua nhiều bước thăng trầm của dân chợ búa để kiếm từng xu nhặt từng hào, để tích lũy vốn sống trên tầm cao mới… Chăm chú lắng nghe tôi tự sự một thôi một hồi về chữ tình, như thể cũng đã từng suy tư vấn đề mang tính thời sự nóng hổi này, Long khẳng định: “Chữ tình” theo mình là chiếc cầu giao nối mối quan hệ giữa người với người, qua đấy ta thấy được gắn bó thân thương của tình người, tình đồng chí, tình bạn, tình yêu, nghĩa vợ chồng tao khang. Nếu thiếu nó (ý nói chữ Tình) trong quan hệ người với người mà vẫn có hành vi tay nắm tay nhau, vẫn có nụ cười hôn lên môi nhau thì chỉ là hình thức giả tạo “bằng mặt mà không bằng lòng”. Khác chi lừa dối nhau, cuối cùng cũng bị lộ chân tướng thôi. Ngừng một lát, thấy tôi chăm chú nghe như nuốt từng lời, hắn cao giọng giãy bày:
-    Theo mình chữ Tình không phải bây giờ mới cần nhắc đến, mới được đề cao vào thời điểm hiện nay, khi tình hình chính trị, kinh tế nước sở tại có nhiều biến động nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thường ngày của người lao đông, của dân chợ bía, khi quan hệ con người có nhiều đổi thay theo chiều hướng đi xuống, mà mấy chục năm về trước, ngay cả lúc chưa có Hội đoàn (mãi mùa xuân năm 1994 mới có tổ chức xã hội đầu tiên là Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov) người Việt mình đã biết lấy chữ Tình làm gốc để quy tụ nhau về một mối thành một khối thống nhất cả về tư tưởng lẫn hành động…
Chả để anh bạn kịp nói hết ý mình, thú vị quá tôi chêm thêm luôn:
-    Và, trên cơ sở cái tình ấy, con người còn phải biết tha thứ, bỏ qua những khiếm khuyết nhỏ nhoi, cho tâm hồn thanh thản cũng như biết tôn trọng nhau để làm việc lớn có ích cho bản thân lẫn cộng đồng. – Thấy hẳn chăm chú lắng nghe cùng lúc lại đón nhận được đôi mắt tròn to “giao lưu tình cảm” (khác với đôi người nghe kể, ngồi trò chuyện bên nhau mà mắt cứ liếc đi nơi khác), tôi hồ hởi thổ lộ tiếp – Nếu trong giao dịch thường ngày, dù cố tránh va chạm trong buôn bán kinh doanh dù là cạnh tranh lành mạnh vẫn cần phải cố tình, chắc sẽ hiệu quả hơn. Đúng không cậu?
Mỉm cười đáp: “Chính thế”. Rồi khuôn mặt khắc khổ “một nắng hai sương” chợt rực sáng niềm tin, anh bạn tôi đưa ra một vài bằng chứng để minh họa cho sức mạnh của chữ Tình. Giọng hoài niệm hắn kể: “Hồi ở chợ Trung tâm, hai ba giờ sáng chưa mở nhưng lẻ tẻ người Việt mình, đi theo từng nhóm một ra chợ, không gian vắng lặng, thưa bóng người qua lại mà không gắn bó bảo vệ nhau thì làm sao có thể ngăn chặn được kẻ xấu có tư tưởng cướp hàng. Lại nữa, ngày ấy, có một khối công nhân sống tập thể trong một kí túc xá nọ, có một cặp vợ chồng lệch về tuổi tác, chồng hơn vợ 1 giáp, khác về cảnh ngộ, vợ trẻ đã có con riêng, nhưng kỳ lạ thay, hạnh phúc gia đình của họ ít ai sánh bằng. Tìm hiểu kỹ, hóa ra chữ tình là nguyên cớ duy nhất kết nối nghĩa tao khang vợ chồng bền vững cùng năm tháng – Trước khi kết thức, hắn đưa ra thêm một trường hợp cụ thế khác thể hiện về sức mạnh của chữ Tình. Đó là tình con người đầm ấm, gần gũi trong khuôn khổ “Kính trên nhường dưới” giữa anh đơn vị hưởng tuổi xấp xỉ U50. Nghiêm khắc và trầm tính với cậu công nhân trẻ, tuổi vừa tròn đôi mươi, năng động và thích hát hò. Họ sống chung trong một căn phòng nhỏ, rộng không quá 12 mét vuông tại ký túc xá của nhà máy. Mấy năm liền trước khi giải thể, sinh hoạt cá nhân khác nhau nhưng người Việt mình cùng ốp, chẳng hề nghe thấy họ to tiếng, chẳng bao giờ nhìn thấy mặt mũi họ nặng nề hoặc lạnh nhạt với nhau.
    Nghe hết câu cuối, từ con tim biết yêu thương, tôi thật sự cảm phục lời hay ý đẹp cũng như những dẫn chứng cụ thể, sinh động về chũ tình của anh bạn thân ấy. Về phần mình, định được ra một vài hiện tượng ngược chiều với chữ tình. Nhưng cảm thấy chưa cần vì lúc nào tôi cũng tin tưởng rằng, ai đấy đọc “có tật giật mình” sẽ “tự kỷ ám thị”, sửa để trở thành con người hữu ích cho đời, biết độ lượng và bao dung.
    Nhân đây, thay phần kết cho bài tâm sự nho nhỏ về chữ Tình này, xin mạn phép được chép lại câu trả lời phỏng vấn nhà báo Đặng Hồng Quang của anh Lê Viết Lam – chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Kharkov (Ucraina) lúc bấy giờ (Báo An ninh Thế giới số 61, tháng 8 – 2006) – với mong mỏi giúp ích được gì cho bạn đọc gần xa.
PV: Trong lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập cộng đồng người Việt ở Kharkov, tôi có nhìn thấy một băng rôn rất lớn ghi: Hãy biết mình là ai, ở đâu và làm gì? Đó là phương châm mà anh nghĩ ra ư?
LVL: Không phải của cá nhân tôi. Cách đây khoảng 5, 6 năm, trong một lần họp, anh Nguyễn Trọng Cơ, hiện là Tổng Biên Tập “Tuần tin Quê hương” của cộng đồng Việt Nam tại Ucraina, đã nói ra câu này. Chúng tôi thấy thấm thía quá nên lấy đó làm phương châm hành xử chung. Cạnh tranh một cách tự nhiên là đúng, nhưng cần biết mình là ai, ở đâu và đang làm gì. Chúng tôi ở đây đã tự xác định với nhau rằng, cả bộ máy đã hoạt động thành nếp, có thứ tự trên dưới, cùng nhau tuần tự tiến, không phải ai muốn làm thủ lĩnh cũng được mà đã qua cả quá trình làm việc mới tạo dựng được như hôm nay, không phải chỉ vì thích thú cá nhân mà đang ở cuối đội hình bỗng dung chạy lên cướp cờ thủ lĩnh. Nếu công việc không ổn, đời sống cộng đồng có nguy cơ đi xuống, thì mới cần đảo lộn đội hình, còn khi “cơm đang lành, canh đang ngọt” thì không ai có quyền làm “rối cờ”.
                         

   Văn Nhân
“Bạn Đồng Hành” – Kharkov