Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Đôi nét về Trung tâm Việt Nam học Kiev – Ucraina

Thứ ba, 08/12/2015 | 13:27

Trung tâm Việt Nam học Kiev thuộc Đại học Tổng hợp mang tên Taras Shevchenko – Đại học Quốc gia Kiev – Ukraina được chính thức thành lập và đi vào hoạt động tháng 09 /2015. Trung tâm Việt Nam học Kiev mở ra nhằm thu hút sự quan tâm trong việc nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ dành cho các sinh viên tốt nghiệp phổ thông chuẩn bị tiếp tục học tập, nghiên cứu vào cơ sở giáo dục cao hơn và muốn tìm hiểu về ngôn ngữ phương Đông trong đó có Việt Nam. Hiện Trung tâm có 3 giáo viên Việt Nam và 2 giáo viên người Ucraina.

Đôi nét về Trung tâm Việt Nam học Kiev – Ucraina

Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý (bên trái) trao đổi cùng nhà văn dịch giả Vũ Tuấn Hoàng

Cộng tác viên nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý tại Ucraina đã có buổi trò chuyện với nhà văn, dịch giả Vũ Tuấn Hoàng- giảng viên tại Trung tâm để độc giả hiểu rõ hơn về hoạt động củaTrung tâm. Dưới đây là nội dung của cuộc trò chuyện:

- Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý: Xin chào anh Vũ Tuấn Hoàng. Được biết anh là một Nhà văn – dịch giả của Trung tâm Việt Nam học Kiev – Ucraina. Trong quá trình hợp tác phát triển giáo dục Việt Nam – Ucraina, Trung tâm Việt Nam học đã được thành lập – đó là một nét mới, một niềm vui rất lớn đến với người Việt Nam và đánh dấu sự phát triển nâng tầm quan hệ giáo dục Việt Nam – Ucraina. Vậy anh có thể cho biết đôi nét về Trung tâm Việt Nam học?

- Nhà văn – dịch giả, giảng viên Vũ Tuấn Hoàng: Trung tâm Việt Nam học mới được thành lập nhưng ngay từ đầu phương hướng của Trung tâm là thông qua việc giảng dạy tiếng Việt và văn học Việt Nam nhằm góp phần vào việc phát triển và củng cố mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Ucraina. Mục tiêu của Trung tâm là giới thiệu cho độc giả Việt Nam những sáng tác của Đại thi hào người Ucraina là Taras Shevchenko. Tôi được biết ở Việt Nam cũng đã có dịch những tác phẩm thơ nhưng chưa nhiều, chưa đủ. Và thi hào Taras Shevchenko còn là một nhà văn. Ông để lại hơn 20 tác phẩm văn xuôi – hơn 20 truyện ngắn, truyện vừa. Đó là một di sản vô cùng quý báu mà tôi cùng một số sinh viên muốn chuyển ngữ sang tiếng Việt để độc giả Việt Nam được thưởng thức các tác phẩm của một nhà văn, một nhà thơ, một họa sĩ, một nhà hoạt động chính trị kiệt xuất của đất nước Ucraina. Mục tiêu thứ hai mà chúng tôi – các thầy cô giáo và sinh viên ấp ủ đó là dịch một số truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam sang tiếng Ucraina và tiếng Nga. Tôi nghĩ, đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài là một niềm mơ ước của rất nhiều nhà văn Việt Nam. Việc độc giả nước ngoài tìm đến, đọc văn học Việt Nam là rất khó. Nhưng không có nghĩa là không làm nổi. Việc này có thể làm được với sự cộng tác của các em sinh viên có vốn tiếng Việt khá tốt, có thể đọc và hiểu các tác phẩm bằng tiếng Việt. Đây là một kế hoạch dài hạn. Đó chính là 2 mục tiêu lớn mà Trung tâm Việt Nam học muốn làm, sẽ làm và quyết tâm làm. Chúng tôi muốn làm hai dự án sách này theo kiểu "sách song ngữ" để làm giáo trình học tiếng cho các em học sinh và sinh viên của cả cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Liên Xô cũ tham khảo, tự học nâng cao trình độ ngôn ngữ Việt-Ucraina-Nga của mình.

- Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý: Đó là cả một quá trình. Tất cả đều ở phía trước, đều trông chờ vào các thầy cô và các em sinh viên. Vậy anh có những đề đạt, những nguyện vọng gì?

Nhà văn – dịch giả, giảng viên Vũ Tuấn Hoàng: Sáng tác, dịch thuật là vấn đề rất riêng tư của nhà văn, của dịch giả. Trước tiên đó là kỷ luật và mệnh lệnh đối với ngay chính bản thân mình: mỗi ngày dành 1-2 tiếng để làm công việc mà mình quyết tâm làm. Kiên trì mỗi ngày làm một ít, dù chỉ dịch dăm ba dòng, nhưng không được phép nản chí. Và điều thứ hai là phải luôn luôn rèn luyện nâng cao trình độ - kỹ năng dịch, kỹ năng viết...

- Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý: Vấn đề hợp tác giáo dục, dịch thuật rất mới và Trung tâm Việt Nam học cũng vừa được thành lập, các thầy cô, các em sinh viên là những người đặt nền móng, những viên gạch đầu tiên, theo anh, những gì khó khăn nhất trong việc phát triển Trung tâm Việt Nam học?

Nhà văn – dịch giả, giảng viên Vũ Tuấn Hoàng: Khó khăn nhất theo tôi đó là sự quyết tâm của những người tham gia. Và một vấn đề nữa là vấn đề tài chính. Nếu được sự giúp đỡ của các tổ chức hay cá nhân thì việc in ấn, xuất bản các ấn phẩm sẽ sớm đến được tay độc giả của hai nước hơn.

Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý: Có thể nói đây là một công trình “thế kỷ”. Mọi thứ đều mới bắt đầu, và rất nhiều khó khăn ở phía trước. Chúng tôi cũng là những người rất quan tâm đến việc phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, giới thiệu bản sắc văn hóa người Việt đến với nhân dân Ucraina. Và các thầy cô là những người truyền bá, nối nhịp cầu văn hóa hữu nghị Việt Nam – Ucraina. Kính chúc các thầy cô sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Trung tâm Việt Nam học phát triển mạnh mẽ và nhận được sự quan tâm của tất cả những người yêu tiếng Việt, yêu đất nước – con người và bản sắc văn hóa Việt Nam!

Nhà văn – Dịch giả, giảng viên Vũ Tuấn Hoàng tên thật là Hoàng Tuấn Vũ. sinh ngày 06/03/1963 Bút danh: Vũ Tuấn Hoàng Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội – Chuyên ngành Tiếng Nga và văn học Nga và Đại học tổng hợp Đông Ucraina – Chuyên ngành Lịch sử và tiếng Anh.

Nghề nghiệp: Viết báo, dịch thuật và giảng dạy và là Cộng tác viên của báo Văn nghệ, tạp chí "Nhà Văn & Tác phẩm", báo Thời Nay. Hội viên Hội VHNT Việt Nam tại Liên Bang Nga.

Các tác phẩm đã xuất bản: - Tiểu thuyết dịch: Trái tim nôn nóng của Stefan Zweig NXB Phụ nữ năm 2000, - Bị vứt vào cõi đời – Tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, năm 2009. - 25 truyện ngắn và ký sự văn học đã đăng trên báo Văn nghệ và Web của Hội Nhà văn được tập hợp lại thành tập truyện “Ác mộng giữa Paris”.


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN