Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức tại trường đại học Tổng hợp Shevchenko – Đại học Quốc gia Kiev, báo Người xứ Nghệ Kiev đã tới thăm và chúc mừng các thầy cô. Thay mặt báo, Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý đã có cuộc trò chuyện cởi mở, rất bất ngờ và thú vị với Tiến sĩ Ngữ văn – Nhà Việt Nam học Victoria Musiychuk tổ bộ môn tiếng Việt – Trung tâm Việt Nam học.
Tiến sĩ ngữ văn – Nhà Việt Nam học Victoria Musiychuk
Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý: Xin chào cô Victoria!
Tiến sĩ Ngữ văn – Nhà Việt Nam học Victoria Musiychuk: Chào Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý
Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý: Thưa cô Victoria! Cô dịch tiếng Việt rất nhanh, rất lưu loát. Động lực nào đã thúc đẩy cô học và nói tiếng Việt giỏi như vậy?
Tiến sĩ Ngữ văn – Nhà Việt Nam học Victoria Musiychuk: Trong ngày Nhà giáo này tôi lại nhớ đến thầy cô ở Việt Nam – những người đã dìu dắt tôi khi tôi học ở trường Đại học KHXH &NV. Tôi học cả 2 trường Đại học Tổng hợp Taras Shevchenko và Đại học Tổng hợp ở Hà Nội Việt Nam. Tôi muốn bày tỏ lòng cám ơn tới các thầy cô cả ở Ukraina và Việt Nam. Các thầy cô hai bên đều dạy dỗ chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi nên người và trở thành những chuyên gia về tiếng Việt.
Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý: Vâng, thật là tuyệt vời. Chúng tôi rất vui mừng khi được biết sự hợp tác giáo dục Việt Nam – Ukraina ngày càng phát triển. Trung tâm Việt Nam học đã được mở ra và sẽ đưa bản sắc Văn hóa Việt Nam và Ukraina hòa quyện trong tinh thần Quốc tế. Là người làm việc tại Trung tâm, cô có những mong muốn, những đề đạt gì?
Tiến sĩ Ngữ văn – Nhà Việt Nam học Victoria Musiychuk: Tôi mong muốn các em sinh viên sẽ tiếp tục nối con đường mà tôi đang đi đó là học và dạy tiếng Việt để có những người kế tiếp, thay thế tôi trong tương lai. Và phát triển quan hệ Việt Nam – Ukraina lên tầm cao hơn. Mong rằng sẽ có thêm nhiều chuyên gia về tiếng Việt, nhiều nhà Việt Nam học ở Ukraina và ở Việt Nam cũng có các chuyên gia, các nhà Ukraina học
Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý: Cám ơn cô. Là Nhà Việt Nam học đầu tiên, một người nói tiếng Việt rất giỏi, hiểu rõ văn hóa Việt Nam, đã từng sang học ở Việt Nam. Vậy những năm học ở Việt Nam cô có ấn tượng gì nhất về đất nước con người, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán? Những di tích lịch sử?..
Tiến sĩ Ngữ văn – Nhà Việt Nam học Victoria Musiychuk: Ấn tượng rất nhiều vì tôi có nhiều năm ở Việt Nam. Việt Nam là quê hương thứ Hai của tôi. Nói về cái gì thì cũng nhớ: nói về Việt Nam thì nhớ, nói về con người Việt Nam cũng nhớ. Nói về âm nhạc, hội họa, kiến trúc tôi đều thích cả. Mặc dù tôi cho rằng mình là một người yêu nước Ukraina nhưng những năm ở Việt Nam tôi cũng rất yêu thích đất nước và con người Việt Nam.
Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý: Thời gian ở Việt Nam chắc cô ở Hà Nội lâu nhất. Vậy cô thấy nơi nào đẹp nhất và yêu thích nhất ở Hà Nội?
Tiến sĩ Ngữ văn – Nhà Việt Nam học Victoria Musiychuk: Hà Nội có nhiều nơi đẹp và tôi đều thích. Nhưng tôi thấy bây giờ Hà Nội phát triển nhiều. Mấy năm trước tôi đã sang Việt Nam so với thời tôi học, Hà Nội phát triển quá nhanh, nhiều nơi tôi không nhận ra. Kể cả các ký túc xá cũng thay đổi rất nhiều: hiện đại hơn, đẹp hơn. Vì vậy tôi chỉ có thể nói về Hà Nội ngày xưa – của những năm 90. Tôi thích nhất các hồ. Tôi thấy Hà Nội có nhiều hồ đẹp, tạo cho thành phố cảnh quan thiên nhiên: Thủ đô hiện đại, nhiều nhà cao tầng, giao thông tấp nập và chỉ có vài cây số đến Bờ Hồ đã thấy lòng mình yên tĩnh.
Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý: Cám ơn cô rất nhiều về những tình cảm cô đã dành cho tiếng Việt, dành cho đất nước và con người Việt Nam và nhất là Thủ đô Hà Nội. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, thay mặt báo người xứ Nghệ Kiev, kính chúc cô sức khỏe, hạnh phúc, có nhiều thành công mới trong việc nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt và đào tạo thêm nhiều thế hệ sinh viên góp sức cùng cô phát triển ngôn ngữ Việt Nam trên đất nước Ukraina. Cảm ơn cô đã tạo điều kiện để chúng tôi thực hiện cuộc trò chuyện!
Box: Tiến sĩ Ngữ văn – Nhà Việt Nam học Victoria Musiychuk học cùng lúc 2 trường đại học Tổng hợp Shevchenko Kiev và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với 7 năm học tập và nghiên cứu tại Việt Nam – Tiến sĩ Victoria Musiychuk là Nhà Việt Nam học hàng đầu của Ukraina. Nụ cười dịu dàng, trò chuyện theo phong cách Việt Nam - ở chị toát lên một vẻ đẹp của tâm hồn, trí tuệ và nghị lực. Chị ấp ủ việc biên soạn Từ điển U-Việt; các giáo trình giảng dạy phù hợp với thực tế dạy và học. Nhằm củng cố tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc Việt Nam – Ukraina, chị cùng nhóm dịch thuật của Trung tâm Việt Nam học đã bắt đầu công trình văn hóa mang tầm cỡ Quốc tế:
1. TUYỂN TẬP DỊCH CÁC TÁC PHẨM VĂN XUÔI CỦA ĐẠI THI HÀO UKRAINE TARAS SHEVCHENKO
2. TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC XUẤT SẮC CỦA CÁC NHÀ VĂN VIỆT NAM DỊCH RA TIẾNG UKRAINE VÀ TIẾNG NGA.