Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Cảm nghĩ về vai trò của người doanh nhân Việt Nam

Thứ hai, 16/11/2015 | 07:41

Cảm nghĩ về vai trò của người doanh nhân Việt Nam

Đại hội hội doanh nhân tỉnh Kharkov lần thứ IV nhiệm kỳ 2013-2016

Trong tháng 10 vừa qua có hai ngày lễ liên quan đến cộng đồng người Việt Nam chúng ta tại Kharkov đó là ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) và ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10). Ngày Phụ nữ Việt Nam tại Kharkov đã được tổ chức rất trọng thể và hoành tráng tại SunCity  với rất nhiều người tham sự và với những tiết mục văn nghệ cộng đồng cực kỳ đặc sắc, nhất là từ chi hội ốp Búa Liềm và Làng Thời đại.
Hội Doanh nhân Việt Nam tỉnh Kharkov cũng tổ chức một buổi gặp mặt thân mật với các hội viên của mình với một qui mô khiêm tốn, giới hạn trong nội bộ nhưng cũng tràn ngập niềm vui với một không khí chân tình và cởi mở.
Doanh nhân có thể hiểu đơn giản là những người kinh doanh tương đối lớn, và như vậy có thể nói là rất nhiều người trong cộng đồng chúng ta là doanh nhân. Doanh nhân cũng có nhiều loại, và không phải ai cũng có thể trở thành “doanh nhân thành đạt”.
Vấn đề thành đạt hay không cũng không có gì là quan trọng vì đó là chuyện riêng của mỗi người, mỗi doanh nhân. Điều đáng khích lệ là anh em có thể ngồi lại với nhau trong một tổ chức nho nhỏ. Đây là một tổ chức xã hội dân sự, do mọi người tự nguyện tham gia. Nó cũng giống như bao hội đoàn dân sự khác như hội phụ nữ, hội phật tử.v.v.
Cộng đồng người Việt đã có mặt ở Kharkov hơn 30 năm qua và một điều đáng mừng là đã có nhiều người thành đạt. Sự thành đạt đó là do sự nỗ lực và cố gắng của cá nhân mỗi người, tuy nhiên đó cũng là niềm tự hào chung của cả cộng đồng. 
Chúng ta thử hình dung xem nếu hiện tại tất cả người Việt chúng ta đều nghèo cả thì sẽ như thế nào? Rõ ràng là chúng ta sẽ nhận được sự thương hại của người dân địa phương và như vậy thì buồn sẽ nhiều hơn là vui.
Trong cộng đồng ta hiện nay cũng đã có nhiều người giàu có, thành đạt nhưng cũng có nhiều người còn rất khó khăn. Cuộc sống luôn luôn sẽ như vậy. Mỗi người có một cuộc sống và cách sống riêng của mình, không ai có thể bắt buộc chúng ta phải sống như thế này hay như thế khác. Đúng là có nhiều người tuy không mấy ai biết đến nhưng thật sự rất giàu có và thành đạt và cũng có những người trong Hội doanh nhân nhưng không thật sự giàu có.
Đa số chúng ta lúc đến đây đều không có gì, nhờ chăm chỉ, cần cù và cố gắng mà trở nên có của ăn của để. Đó là phần thưởng xứng đáng cho mỗi người. Có một điều chúng tôi muốn chia sẻ nhân ngày doanh nhân Việt Nam đó là khi ta nghèo thì cần chi tiêu và suy nghĩ như một người nghèo nhưng khi khá giả hơn, giàu có hơn một chút thì chúng ta cần tư duy và hành động như một người khá giả. Khi nghèo chúng ta không thể cho ai được cái gì mà chỉ có thể nhận từ người khác nhưng khi giàu có rồi thì phải cho đi nhiều hơn là nhận lại.
Nhiều người khi mất tiền vì một việc gì đó, dù số tiền không nhiều và người đó không nghèo nhưng họ vẫn luôn đặt câu hỏi “thế tôi sẽ được gì?”.  Khi làm từ thiện hay giúp đỡ ai đó mà đặt câu hỏi như vậy thì chắc chắn sẽ rất khó để có được một câu trả lời thỏa đáng. Giữa cho và nhận thì có lẽ nên chọn “cho” hơn là “nhận”. Vì chỉ có những người không may mắn mới mong nhận được từ người khác sự giúp đỡ và cảm thông, còn nếu đã giàu có và thành đạt rồi thì nhận thêm làm gì nữa?
Hai tỉ phú Bill Gate và Buffett đã bỏ ra 50 tỉ đôla Mỹ để làm từ thiện là một ví dụ về sự tư duy của người giàu có. Đó cũng là sự khác biệt giữa văn hóa Đông-Tây. Người Mỹ và Phương Tây giàu có, khi mất đi họ không để lại tiền bạc cho con cái mà họ đều dùng tiền đó để làm từ thiện. Họ đầu tư cho các cơ sở y tế, trường học hay bệnh viện v.v. Còn phương Đông là mua vàng chôn hoặc để lại cho con cháu (phá).
Hội Doanh nhân Việt Nam tại Kharkov với khả năng hạn hẹp của mình cũng đã làm được nhiều việc giúp đỡ cho cộng đồng. Hội đã tài trợ cho tất cả các hoạt động của cộng đồng và tham gia làm từ thiện tại Việt Nam. Đúng là, cho các thành viên của mình thì hội chưa làm được gì nhiều nhưng cho những người khác thì đã có và vì thế có anh em nói đùa rằng hội mình là “hội từ thiện” chứ hội doanh nhân gì. Kể cả thế đi nữa thì cũng đâu có sao.
Khủng hoảng ở Ucraina đã sắp được hai năm. Bao nhiêu là đổi thay, tốt có xấu có. Đáng mừng là cộng đồng Việt Nam tại Kharkov vẫn tồn tại, phát triển và đi tới. Nhiều khuôn mặt trẻ đã nổi lên với phương pháp làm ăn mới, hiệu quả và bền vững. Những người còn trụ lại đến giờ đều đáng khâm phục và quí mến. Có lẽ là bão táp và phong ba đã đi qua, cuối cùng thì đâu cũng vào đấy. Tất nhiên kiếm tiền bây giờ khó hơn trước rất nhiều nhưng ông bà mình có câu “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Những lúc khó khăn nhất mà chúng ta đã vượt qua được thì sau đó mọi chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Nếu có một điều gì đó rút ra sau cuộc khủng hoảng này thì đó là sự lạc quan và niềm tin vào tương lai. Thật sự là cuộc khủng hoảng này đã lấy đi của chúng ta rất nhiều thứ, từ tài sản mà nhiều người chắt góp cả cuộc đời cho đến sự bất an và lo lắng cho tương lai. Tuy nhiên cuối cùng thì chính sự lạc quan đã giúp nhiều người đứng dậy và đi tiếp. 
Một may mắn cho chúng ta là chúng ta đang sống tại Châu Âu nên chiến tranh là một điều gì đó rất kinh khủng và vì thế cả Châu Âu đã chung sức chung lòng ngăn chặn cuộc chiến này. Nếu ở Châu Phi hay Châu Á thì e rằng cuộc chiến đã không dừng lại mà còn tiếp diễn dài dài.
Ngay cả người dân Ucraina dù chịu bao mất mát và đau thương nhưng họ vẫn lạc quan và chịu đựng. Nếu không xem báo và nghe đài thì không ai nghĩ là Ucraina đang có chiến tranh. Kharkov là tỉnh giáp với vùng chiến sự nhưng cuộc sống nơi đây vẫn bình thường và yên ả. Không có chuyện trấn cướp hay bất ổn gì. Đồng nội tệ của Ucraina mất giá hơn ba lần so với trước đây, cuộc sống của đa số người dân Ucraina phụ thuộc vào đồng lương rất khó khăn thế nhưng người dân vẫn chấp nhận và không có những hành động cực đoan hay quá khích. Nhờ thế mà cuộc sống của cộng đồng ta vẫn bình yên.
Công việc kinh doanh tại chợ vẫn nhộn nhịp và khởi sắc trong hai tuần qua. Ai làm được vẫn làm được. Nhiều mặt hàng bán rất tốt. Người dân Ucraina vẫn kinh doanh rất sôi động và năng nổ. Nhiều người Việt cũng vậy. Công việc kinh doanh giờ đây thật sự là khó khăn và nghiêm túc. Những ai làm ăn chụp giật, cưỡi ngựa xem hoa sẽ không còn cơ hội nữa.
Một điều đáng để chúng ta suy ngẫm trong lúc giao thời này đó là sự liên kết và hợp tác. Ông bà từng nói “buôn có bạn, bán có phường” nhưng có lẽ không nhiều người trong cộng đồng hiểu và nắm bắt được lời khuyên này. Công việc kinh doanh của đa số bà con ta là vẫn mang nặng tính cá nhân, mạnh ai nấy làm. Sự liên kết và hợp tác với nhau vẫn chưa có và nếu có thì rất hạn chế. Chúng ta không xem nhau như là đồng nghiệp mà vẫn xem nhau như là đối thủ cạnh tranh. Chính điều này đã làm cho sức mạnh của cộng đồng chúng ta yếu đi trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của các doanh nhân người địa phương và người Trung Á.
“Đoàn kết tạo ra sức mạnh”, ai cũng biết nhưng để làm được lại rất khó. Khó nhưng cũng phải làm nếu chúng ta muốn khẳng định chổ đứng của mình và phát triển công việc kinh doanh. Một danh nhân từng nói “để đi nhanh thì nên đi một mình nhưng để đi xa thì phải đi với nhiều người”. Có lẽ cũng đã đến lúc những người kinh doanh cùng một mặt hàng nên ngồi lại với nhau để tìm ra một tiếng nói chung, hợp tác với nhau để tạo sức mạnh. Sức mạnh để đàm phán mua hàng, khi mua một trăm cái bạn không thể mặc cả nhưng khi mua đến nhiều nghìn cái thì chắc chắn sẽ phải giá khác. Tiền tươi khác, tiền chậm khác… Khi bán hàng cũng vậy, nếu một nhóm người kiểm soát được số lượng hàng lưu thông (đầu vào) thì sẽ bán ra với một mức giá hợp lý, đảm bảo doanh thu cho mỗi người. Tránh trường hợp đầu mùa bán đổ bán tháo với giá rẻ đến khi vào vụ thì không có hàng để bán. 
Một lý do quan trọng nữa để chúng ta liên kết và hợp tác với nhau đó là do nguồn hàng hiện nay chủ yếu sản xuất tại chỗ. Muốn có hàng nhiều thì phải đầu tư và chuẩn bị từ trước, mùa hè làm hàng đông, mùa đông chuẩn bị hàng hè. Phải như vậy khi vào vụ mới có đủ hàng để bán. Còn nếu cứ đến đâu lấy đến đấy thì sẽ không có hàng để bán khi vào vụ mà thời vụ thì trôi qua rất nhanh. Muốn làm được như vậy phải có nhiều vốn và một người không thể làm nổi…
Ba mươi năm trước, chúng ta đến đây với hai bàn tay trắng và một hành trang vào đời là con số không. Ngày nay chúng ta đã có nhiều thứ. Khủng hoảng ở Ucraina cũng không phải lần đầu. Cứ sau một cuộc khủng hoảng như vậy thì cộng đồng chúng ta lại hồi sinh mạnh mẽ và trưởng thành hơn rất nhiều. Chúng tôi cũng hy vọng lần này cũng vậy. Chỉ cần lạc quan, mạnh mẽ và có niềm tin là chúng ta sẽ vượt qua tất cả. 

Hoàng Long (Bạn Đồng Hành)

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN