Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Đảm đang việc nhà

Thứ hai, 02/11/2015 | 20:32

Đảm đang việc nhà

Ảnh minh họa (nhanh.vn)

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến phụ nữ Việt Nam và vấn đề giải phóng phụ nữ, giáo dục phụ nữ, làm thế nào để giúp phụ nữ bình đẳng, phát triển tiến bộ. Người đã nhìn nhận, đánh giá cao những tuyền thống quý báu của phụ nữ Việt Nam, ghi nhận những đóng góp của phụ nữ Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc: “Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dung và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước.”
Suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, phụ nữa ta đã kiên cường kề vai sát cánh cùng các đồng chí nam giới để bền bỉ đấu tranh giành độc lập dân tộc thống nhất đất nước. Không chỉ trên tiền tuyến mà ở hậu phương chị em phụ nữ cũng ra sức phấn đấu thi đua, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để phục vụ cho đất nước, xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ khen tặng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang.”
Nét đẹp tuyệt vời này của người phụ nữ Việt Na, bấy lâu nay tôi thường giữ kín trong tâm khảm để mỗi lần nhắc lại cảm thấy lòng mình sâu nặng hơn tình yêu và sự trân trọng đối với họ: Một thời qua đi những mộng mơ của tuổi thơ; một thời bươn trải trên thương trường nóng bỏng kiếm miếng cơm manh áo; một thời bên chồng vun vén hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái lớn khôn thành người bằng giọt sữa ngọt ngào của mẹ … Hình ảnh sáng ngời ấy, đọng mãi trong tôi cùng tháng năm đợi chợ. Để rồi, lúc nào cũng tự nhủ: Một trong những diễm phúc lớn nhất trong quá nửa đời phiêu bạt nơi xứ người là những tháng năm sống gần gũi với bà con cộng đồng, là tình cảm riêng chung rực rỡ niềm tin và tràn đầy tự hào về người phụ nữ Việt Nam. Chẳng thể mờ phai, một khi nhận ra, qua tiếp xúc dù cho qua đi bao bước thăng trầm của cuộc sống, biến động của thời cuộc, sóng gió của cuộc đời nhưng tâm hồn và sắc thái của họ vẫn giữ nguyên vẻ hồn nhiên yêu đời như cái thuở ban đầu cất tiếng khóc chào đời.
Vâng, tôi biết và quen không ít, trong đó có Thanh (đã đổi tên theo yêu cầu của nhân vật). Không phải tự dưng mối quan hệ giữa tôi với người phụ nữ trẻ duyên dáng, dịu dàng của xứ Nghệ ấy mà vì là, ngày còn ở quê nhà tôi trót yêu thầm một cô gái dễ thương, có giọng nói khúc ruột miền Trung cuốn hút lòng người. Chưa kịp ngỏ lời thì nàng đã lên xe hoa về nhà chồng, nên cho đến bây giờ vẫn nhớ vụng giữ hoài trong tim. Nhưng chủ yếu là tấm gương đảm đang chợ búa lẫn việc nhà của Thanh để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Xin được chia sẻ cùng bạn đọc gần xa.
Hôm vừa rồi vào trung tuần tháng 10. Trời trở lạnh, sau những ngày trái mùa liên tục nắng ấm. Hàng rét vào vụ. Ngoài bãi, Ma-rờ-sút đầy ắp hàng nối đuôi nhau đỗ kín chỗ. Trong chợ, dãy công nào cũng chật ních người mua tay cách nách mang. Nhất là mấy dãy cửa hàng gần bến tàu điện ngầm, người đi như trảy hội. Hòa vào không khí vui chung đó, tôi có mặt tại chợ. Đang ngẩn ngơ đứng giữa ngã ba đường, chợt vẳng bên tai, giọng nói vẻ trách cứ của một cô gái miền Trung nào đấy:
-    Gớm! Anh ngó nghiêng tìm ai vậy?
Giật mình quay lại, hóa ra Thanh. Tôi đùa luôn:
-    Em chứ còn ai nữa!
-    Thế mà chỗ em đứng chả thấy anh tới, cứ nghiêng ngả vì ai ấy! – Cũng chả vừa, Thanh đối đáp ngay.
Biết có cố tranh luận thêm thì phần thua vẫn thuộc về mình, tôi bèn lảng sang chủ đang quan tâm:
-    Trông Thanh chả khác mấy so với những ngày đầu năm 1996 khai sinh lập địa ra Trung Tâm thương mại Barabashova này. Có thể bật mí cho anh nghe được không?
Lắc đầu, Thanh nhỏ nhẹ đáp:
-    Anh hỏi thế nào ý. Còn em. Cảm thấy đã thay đổi quá nhiều. Nhất là cuộc sống riêng tư với bao biến động khôn lường của đời người con gái như em.
Nghe Thanh giãi bày. Sực nhớ, mấy năm liền chỉ thấy mỗi mình em bên công hàng. Gần đây, thi thoảng thứ bảy, chủ nhật có thêm con gái giúp việc, tôi vội chữa:
-    Trông em lúc nào cũng trẻ trung, vui vẻ như thế thì đâu phải riêng anh, đoán sao đổi những gì thay đổi trong em!
Như thể tìm được người chia sẻ, Thanh cũng trải lòng cho vợi đi nỗi buồn bấy lâu chứa chất trong lòng mình. Sau khi kể lại mối tình đầu thắm nồng với người chồng cùng quê được ông tơ bà mụ se duyên ra sao! Tiếp theo cùng bè bạn buôn bán kinh doanh tại chợ như thế nào! Cô con gái đầu lòng đang ở năm cuối khoa ngoại trường kinh tế và cậu con trai hè sang năm sẽ tốt nghiệp trung học phổ thông, gia đình tràn trề hạnh phúc biết bao thì … giọng nghẹn ngào cô thổ lộ:
-    Chồng em bỗng nảy sinh thói hư tật xấu “chán cơm thèm phở” khiến không khí trong nhà trở nên ngột ngạt, quan hệ chồng vợ cũng trở nên căng thẳng.
-    Chả lẽ anh ta quên mình là bố của hai con à? – tôi ngạc nhiên hỏi.
Lắc đầu Thanh trả lời:
-    Nếu thế thì đâu đến nỗi dẫn đến cảnh chia ly “Anh đi đằng anh, tôi đi đằng tôi”. Vừa nhục nhã vừa buồn thảm hết chỗ nói.
-    Đã bao năm rồi ấy nhỉ? – tôi tò mò hỏi.
-    Đến hôm nay vừa tròn con số 5 anh à. – Giọng mỉa mai Thanh đáp.
Biết hỏi thêm đời tư của Thanh chả khác gì khơi dậy nỗi đau trong lòng người vợ, người mẹ đã chìm sâu bấy lâu. Nhưng không chống lại được thói quen nghề nghiệp, tôi đặt vấn đề:
-    Từ bấy đến nay, em vẫn nhận về mình lương tâm và trách nhiệm của người mẹ. Còn bố chúng nó có nghĩa vụ gì không?
-    Đã chẳng đoái hoài đến máu mủ ruột già của mình thì thôi, anh ta còn ngang nhiên cặp bồ mới trớ trêu chứ! – chép miệng thở dài, Thanh ngán ngẩm đáp.
Chạnh lòng, tôi khích lệ:
-    Nhẽ ra ngay từ ngày đầu em viết đơn, nhờ Hội can thiệp buộc hắn phải gánh chịu nữa. Chứ cứ tự mình thân gái dặm trường mãi cho đến ngày nào mới nhẹ thân.
Giãi bày lòng mình, Thanh giải thích:
-    Chuyện nội bộ gia đình, nghĩ đi nghĩ lại, em thấy phơi ra “xấu chàng hổ ai” anh à! Hơn nữa, đồng tiền từ người cha nhẫn tâm ấy, xem ra cũng bạc bẽo lắm. Thà rằng em tự cam chịu cho xong.
-    Có nghĩa là, ngần ấy tháng năm em vẫn chỉ một mình “thân gái dặm trường”. tần tảo chợ búa nuôi dạy hai cháu khôn lớn, trưởng thành như bây giờ. – cảm phục tính nhẫn nại, lòng tự trọng của người phụ nữ trẻ “đảm đang việc nhà” mà ai cũng biết, tôi thốt lên lời.
Vững vàng niềm tin và hi vọng, em thanh thản đáp:
-    Thì anh cũng biết đấy, tình mẫu tử là động lực giúp người mẹ vượt qua tất cả. Kể cả bây giờ, tình hình chính trị và kinh tế nước sở tại còn đầy khó khăn. Nhưng vì con, em vẫn quyết tâm bám trụ tại quê hương thứ hai này.
Nghe giọng nói miền Trung dịu êm từ người phụ nữ đôn hậu, chạnh lòng nghĩ tới tuổi xuân của em sẽ trôi qua theo thời gian, tôi ướm hỏi:
-    Có khi nào Thanh nghĩ và sẵn sàng tha thứ cho người chồng bội bạc kia, một khi anh ta hối hận muốn trở về với “mái nhà xưa và những con nhỏ”?
-    Chuyện đó khó có lắm anh. Bởi tâm hồn anh ta đã đóng bang từ lâu. – Thanh nghiêm túc trả lời.
Tôi hỏi tiếp:
-    Còn phận mình?
Như thể đoán ra, Thanh vội đáp:
-    Ý anh muốn biết em sẽ “đi bước nữa” chứ gì? Chẳng khi nào. Bởi phần nào em đã quen dần cảnh “đời cô đơn vẫn cô đơn” của mình, phần nào cảm thấy hạnh phúc nhất đời khi con cái mau lớn khôn trong dòng đời lắm gian truân.
-    Và anh cũng vui lây được quen thân với em. Mẫu người mẹ “đảm đang việc nhà”. Rất đáng được trân trọng trong xã hội này. Mà đâu có nhiều trong cộng đồng ta. – Tôi hồ hởi trải lòng.
Thanh im lặng chìm đắm trong suy tư. Đôi mắt huyền sáng long lanh một giọt lệ buồn rơi theo…
Lần gặp gỡ chính thức này, tuy hàn huyên chưa thật nhiều nhưng những gì tâm tình với người mẹ trẻ đã giúp tôi hiểu thêm giá trị lớn lao của người phụ nữ Việt Nam với chức năng “đảm đang việc nhà”. Đặc biệt lại ở nơi đất khách quê người.
Tạm biệt em. Rời cửa hàng có mấy bước chân thôi mà lòng dạ đã bồi hồi mong ngày tái ngộ.
Vào phần cuối của mấy dòng tâm sự này, chợt nhớ lời khuyên: Người phụ nữ đẹp nhất của cuộc đời người đàn ông, chính là vợ mình. Thấm thía quá, giận thay những kẻ bội bạc tình nghĩa đã đành mà còn càng nhận rõ hơn tình yêu và trách nhiệm đối với nửa kia của mình. Để rồi, dù cho có trải qua bao sóng gió cuộc đời vẫn mãi mãi giữ kín trong con tim. 

Văn Nhân
“Bạn Đồng Hành” – Kharkov