Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Những cuộc tình lãng mạn của Sophia Potocki, nữ chủ nhân của công viên “Sofievski” ở Ukraina

Thứ hai, 26/10/2015 | 12:16

Những cuộc tình lãng mạn của Sophia Potocki, nữ chủ nhân của công viên “Sofievski” ở Ukraina

Sophia Witt, năm 1785
 

Trong giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, có  bộ phim phiêu lưu lãng mạn dựa trên tiểu thuyết của Anne và Serge Golon có tên là ” Angelica” đã chinh phục cả thế giới. Trong sự thành công của bộ phim có công đóng góp của các vai diễn chính  – Michel Mercier và Robert Hossein. Cốt chuyện hấp dẫn, cảnh quan tuyệt đẹp… Tóm lại, những thước phim tuyệt vời. Những nhà bình luận về “Angelica” ước tính rằng, mặc dù có hơn 70 người tình đã an ủi cô gái tóc vàng trong suốt cuộc đời đầy sóng gió của nàng, nhưng nàng chỉ yêu có một mình Zhofreya.

Và, ở Ukraina có một người phụ nữ thực sự, không thua kém Angelica về vẻ đẹp, thậm chí cũng  không thua kém về  sức quyến rũ, gợi tình. Đó  là nữ bá tước  Sofia Potocki, hay còn gọi là nữ bá tước Sofia De Witt.

Sofia là một cô bé rất xinh đẹp gốc Hy Lạp. Vị đại  sứ Balan Karol Boskamp Lyasopolsky đã mua cô gái 12 tuổi cùng với  cô  chị gái với giá rẻ trong một phiên chợ ở Constantinople (Istanbul). Hai cô bé được dự định sẽ tuyển vào cung làm nội thị cho Augustus- vua của Ba Lan. Nhưng trên đường đi Warsaw, họ đã  được bán cho  viên sĩ quan chỉ huy của  vùng Kamenetz-Podolsk-Thiếu tá Joseph Witt, với giá hơn 1000 zlotys (tiền Balan).

Sofia đã  sớm hiểu ra rằng  một trong các từ chính trong tình yêu là từ “không”. Viên thiếu tá đã nhanh chóng chinh phục được người chị là Mary, và rồi chỉ sau một thời gian ngắn, Mary đã làm cho chàng Thiếu tá chán ngán. Nhưng đến lượt Sofia, nàng  đã  từ chối và… đã làm cho chàng  thực sự si mê. Trong một lần, khi bị quấy rối,  Sofia nắm lấy con dao găm và nói rằng nàng sẽ thuộc về anh ta chỉ khi với tư cách là người vợ.

Và Joseph đã  quyết định cưới người nữ nô lệ làm vợ!. Cô dâu học tiếng Ba Lan, tiếng Pháp, học cách ứng xử trong giới quý tộc. Ngay sau đám cưới (lúc đó Sofia 14 tuổi) cặp vợ chồng trẻ đã làm một tour du lịch khắp châu Âu. Trong chuyến đi du lịch, họ đã chuẩn bị những tin đồn để phao rằng dường như  Sofia Witt thuộc dòng dõi quý tộc có họ hàng  với các đời vua Vyzantine. (Nó đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời của người phụ nữ Hy Lạp sau này, đặc biệt là trong mối quan hệ của cô với Đại Nam tước Potemkin). Sau Vienna và Venice,  Witt đưa vợ mình đến Paris.

Và qua các chuyến đi mới bộc lộ rõ ràng: người nữ nô lệ của ngày hôm qua không chỉ có một vẻ đẹp hiếm có, mà còn có một trí thông minh, tài năng và những khả năng tự nhiên và sâu sắc, mà người chồng của nàng chưa bao giờ mơ tới. Paris của hoa lệ, của văn chương, sân khấu đã bị quy phục dưới chân nàng. Vẻ đẹp của nàng đã làm cho tất cả giới thượng lưu phải tán tụng và mơ ước. Chính nhà vua Louis XVI, khi ông nhìn thấy Sophia phải thốt lên: “Đối với viên kim cương quý như thế này cần phải có một chiếc nạm tương xứng!”
Từ thời điểm đó Joseph và Sophia hiểu rằng thân thể của nàng có thể được rao bán, và cả đôi bên sẽ cùng có lợi. Trong danh sách những nhà quý tộc được tiếp đón có cả Hoàng đế nước Phổ Joseph II, vua Thụy Điển Gustav III, Bá tước của Provence, và trong tương lai – nhà vua Louis XVIII và…
Trong phòng khách của người đẹp 15 tuổi Witt lúc nào cũng có bóng của giới thượng lưu quyền quý của Paris. Sau đó, Sophia được gọi là “la belle Phanariote” (người đẹp từ Phanar – tên một tỉnh gần Constantinople, nơi mà nàng đã cất tiếng khóc chào đời). Mỹ nhân nhận thức rõ sức mạnh của mình trong thế giới của những người đàn ông, rất  mong  muốn một điều – tự do. Trở lại pháo đài  Kamenetz-Podolsk, nơi mà sau đó nàng đã sinh ra một cậu con trai, tên là Ivan. Sau đó, Sophia xuất hiện tại cung điện của nhà vua Ba Lan Stanislaw August – và bắt đầu cuộc chinh phục Warsaw. Một lần nữa, cũng giống như ở Paris, nàng đã gặt hái được nhiều thành công. Nhà văn nổi tiếng Julian Niemcewicz hồi tưởng: “tuyệt đẹp, như một nữ thần sắc đẹp…Nàng đã gây ấn tượng cho  tất cả; đám đông đi theo nàng ở khắp mọi nơi, những người trẻ tuổi nhảy kiễng lên trên những  chiếc băng ghế dự bị với mong ước được nhìn thấy người đẹp dù chỉ một lần.”
Nhưng bất kể  những cuộc  vũ hội hoành tráng nào, bất kể những thi phẩm lãng mạn nào của các thi hào dành riêng cho sắc đẹp của nàng, cũng chưa đủ làm cho nàng… vui. Sau đó, Mỹ nữ Hy lạp xinh đẹp tuổi 20  thường xuyên xuất hiện lúc ở Istanbul, lúc ở Lvov…

Nam tước Potemkin

Năm 1787, Trong đoàn đại diện của nhà vua Poniatowski, Sophia Witt đã được gặp gỡ và  giới thiệu với nữ hoàng Catherine II, khi đó nữ hoàng đang kinh lý tại  Crimea. Và gần như ngay lập tức Sofia đã được mời vào trong doanh trại quân đội của Nam tước Potemkin. Cuộc đời của giai nhân đã bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới- giai đoạn tình yêu kết hợp với chính trị.

Trong cuộc đời của Nam tước Potemkin có nhiều phụ nữ, và với mỗi người ông đều  yêu mãnh liệt dường như là đó là mối tình đầu và cũng là tình yêu cuối cùng của ông. Mỹ nhân Hy lạp cũng không phải là ngoại lệ.

Sophia nhanh chóng trở thành madam De Witt. Điều này có nghĩa rằng giữa Joseph Witt và Nam tước đã có một cuộc đàm phán và thỏa thuận. Kết quả là theo thỉnh cầu của Potemkin, Hoàng đế Auguster  đã ban cho Witt danh hiệu Bá tước Thánh chế La Mã, đồng thời được phong hàm tướng  với việc bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng tỉnh Kherson với mức lương là 6.000 rúp bạc mỗi năm. Và đổi lại, Nam tước Potemkin được độc quyền có một người tình đồng hành – nàng Sophia xinh đẹp.

Chính kết quả của mối tình này đã đem đến sự xuất hiện của thành phố Nikolayev. Dưới đây là những gì đã được viết vào năm 1818 trong  tạp chí “Ukraina Journal”: “. Bạn có biết gì về lịch sử của thành phố Nikolaev không?.. Nữ Bá tước Witt – đó là nguyên nhân tại sao có một bông  hoa sinh ra, lớn lên và hé nở giữa một vùng thiên nhiên hoang dã. Một mỹ  nữ  xinh đẹp với một tâm hồn tinh tế, một trái tim nhạy cảm, một trí tuệ sắc xảo đã có khả năng chiếm trọn trái tim của người anh hùng. Chỉ một lời nói của nàng, trên bờ sông Igul hoang vu đã mọc lên cả  một thành phố, từ một làng chài nghèo khó, đã mọc lên  những dãy phố và nhà thờ lớn Spassky tráng lệ và nhà nguyện Bogoyavlensk…Chỉ một lời nói của nàng mà từ những gềnh đá hoang xơ đã xuất hiện những công trình nghệ thuật cổ đầy sức sống và từ những đụn cát hoang vu đã biến thành những khu vườn tuyệt đẹp… ”

Trong những tặng vật của Nam tước Potemkin tặng Sophia phải kể đến quận Massandra hy lạp,  bất động sản ở những vùng nghỉ mát đẹp nhất thuộc Crimea như là Simeiz và Mishor  và khu nhà nghỉ gần Simferopol, một cung điện đẹp ở St. Petersburg.

Cuối cùng, Potemkin cũng đã xây dựng kế hoạch lớn “dự án Hy Lạp” nhằm  khôi phục lại vương quốc Byzantine đang bị sát nhập vào lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Vương quốc sẽ phụ thuộc vào Sa hoàng dòng Romanov và có tính toán đến sự trở lại có thể có của Sophia de Witt về quê hương của mình. Để làm điều này, Nam tước bắt đầu cho xây dựng 300 chiếc tàu nhỏ ở Nhykolayiv và Kherson.

Nhưng Sofia không chỉ là người tình của Potemkin (và theo nhà sử học – Giáo sư A.G.Brikner cho rằng trong những năm 90 họ đã có một con gái), mà còn là một điệp viên chính trị. Nhận nhiệm vụ bí mật của Nam tước và Catherine II, cô đã đi đến Istanbul và Warsaw. Nhiệm vụ cuối cùng của nữ bá tước 25 tuổi là một chuyến đi đến Warsaw, với mục đích để dụ dỗ Bá tước Potocki, để thuyết phục ông cộng tác với Catherine II. (Năm 1791, Ba Lan đã thông qua Hiến pháp đầu tiên, mà nội dung, tất nhiên, không phù hợp với Nga.)

Lãnh chúa Potocki

Không có cuốn sách giáo khoa lịch sử nào ghi nhận rằng đại mỹ nhân Sophia Witt chính là cầu nối cho sự gia nhập của Ba Lan vào Đế quốc Nga của nữ hoàng Catherine II. Tuy nhiên, nhà biên sử của Ba Lan đã xác  nhận về điều này: “Chúng tôi có trong tay hầu hết những bằng chứng rằng nữ bá tước Witt thực hiện ở đây vai trò là một gián điệp chính trị, bằng cách mê hoặc Potocki, bà đã khiến ông dao động rồi từ chối chấp nhận lời đề nghị của ” đồng minh miền Bắc “.

Cả một lưới  tình đã bủa lên vị bá tước với trí tuệ tầm trung… Và ở đó còn  là một đại mỹ nữ, một thiên thần hay  Satan trong xác thịt, đã cưỡi lên cổ của ông, thì thầm những lời ngọt ngào của tình yêu, và bằng nghệ thuật diễn giải tài tình của người con gái Phương Đông, nàng đã vẽ lên một hạnh phúc tương lai về những vùng đất đai do ông sở hữu,   về chính con người ông trong những vùng đất đó, có thể sẽ lập nên một vương quốc mới – và ông sẽ là người công dân đầu tiên và có lẽ, sẽ là vị vua của vương quốc đó.”

 

Kết cục, vị nguyên soái của Liên đoàn các quý tộc Stanislaw Felix Potocki đã quyết định số phận của Ba Lan, ký kết biên bản liên minh. Điều này có nghĩa là quân đội Nga, với lý do duy trì trật tự, có thể xâm nhập qua biên giới của Ba Lan, và Balan bị mất quyền độc lập của mình. Tới dự lễ ký kết có thủ phạm chính của sự kiện lịch sử này và là quà tặng vô giá cho  Potocki- Nàng Sophia kiều diễm. Potocki đã mất đi không những địa vị  mà còn đánh mất cả tổ quốc của mình.
Bắt đầu một giai đoạn nồng thắm giữa Potocki và Witt. Là tình nhân thêm bảy năm vì  cả hai vướng  tham gia thủ tục ly hôn với vợ (chồng) cũ. Nănm 1796, vào dịp kỷ niệm tuổi 30 của mỹ nhân Hy Lạp, Bá tước Witte cuối cùng đã bán vợ của mình để nhận một khoản tiền khổng lồ hai triệu zloty (!). Năm 1798, người vợ đầu tiên của Pototocki – Josephine qua đời. Sofia trở thành nữ bá tước Potocki và sinh hạ với ông được năm người con: ba trai và hai con gái.
Sự ra đời của con trai út của họ khá thú vị. Năm 1799, Hoàng đế Pavel đệ nhất đã đuổi người con trai từ cuộc hôn nhân đầu tiên của Potocki-Iuri- ra khỏi  St. Petersburg vì tội lãng phí và trụy lạc. Người phụ nữ Hy Lạp 35 tuổi ngay lập tức đã lọt vào tầm ngắm của chàng sỹ quan điển trai 22 tuổi, và trong thực tế đã trở thành vợ của cả bố và con. Và vào năm 1805 một cậu bé được sinh ra, Potocki bố đã trở thành một người ông, còn về mặt chính thức là bố của đứa bé. Trong cùng năm đó Bá tước Potocki qua đời.

 

Sau đó, cùng với Iura, Sofia đã đến St Petersburg, Nàng đã tìm cách tiếp cận với viên thư ký của hoàng đế Alexander I – Speransky. Và chẳng bao lâu sau đó, vị hoàng đế, bất chấp các quy định của luật pháp, ký duyệt sắc lệnh chấp thuận chia tài sản của Potocki thành tám phần đều nhau cho Sofia và bảy con trai của bá tước. Rõ ràng – không phải ngẫu nhiến nhà văn A.M. Turgenev đã viết về  Madame Witt: “Thật là kỳ lạ, mặc dù đã qua tuổi xuân thì (và lúc đó Sophia đang ở độ tuổi 39), nữ bá tước Sofia Potocki vẫn có sức quyến rũ mê hồn thậm chí với cả hoàng đế Alexander Pavlovich.”
Sau đó Sofia và Yuri trở lại Tulchin. Sau lễ xây cất mộ cho  Potocki và người vợ đầu của ông, lâu đài của bá tước trong một vài năm đã biến thành sòng bạc. Khắp nơi đều vương vãi các quân bài và khách say rượu. Một số nhà văn, nhà thơ, rồi các hội bạc bịp từ Châu Âu   cũng được dịp tập hợp để kiếm chác. Yuri khá nhanh chóng thua bạc và bị mất tất cả các tài sản thừa kế của mình, trở nên nguội lạnh với Sofia và sau đó bị bắt đến Berlin, để lại cho Sophia một biên nhận nợ với một cam kết không bao giờ quay trở lại. Đối lại nữ bá tước  Potocki phải  thanh toán tất cả các khoản nợ cờ bạc và trả một khoản tiền bảo hiểm nhân thọ lớn cho Yuri. Sophia đã thực hiện lời hứa của mình.

Về công viên Sofievski:

Trước đám cưới, vào năm 1796, Potocki  bắt đầu xây dựng hòn ngọc của Ukraina – công viên “Sofievski” để mang tên và dành tặng nàng. Tất cả những danh lam thắng cảnh và những địa danh tuyệt vời trong công viên đều được xây dựng  dựa theo truyền thuyết Hy lạp và La mã cổ đại và theo ý tưởng của Sophia. Năm 1800 nữ bá tước đến thăm công viên, ở đó nàng quyết định sử dụng một chiếc xe trượt tuyết. Tiết trời tháng năm không có tuyết, nên thay vì tuyết, người ta cho cho phủ lên các con đường trong công viên toàn muối.

Trong từ điển Brockhaus and Efron xuất bản vào đầu thế kỷ trước có viết  “Sofievski” là một trong bốn công viên đẹp nhất trên thế giới sánh vai  cùng với các công viên tại Versailles, “Sanssouci” ở Potsdam và “Boboli” ở Florence.

Ở Odessa vẫn còn hai địa danh gắn liền với tên tuổi của vị nữ bá tước Potocki. Sofia đã  cho xây một lâu đài sang trọng, nổi tiếng không chỉ bới sàn làm bằng ván lát gỗ hồng sắc và ô liu, nhưng cũng nổi tiếng vì những bí mật bao phủ quanh tòa lâu đài. Đó là các đường hầm dẫn từ  lâu đài thẳng ra biển, và dẫn đến vào những phòng hội họp ngầm dưới mặt đất, nơi đó diễn ra những cuộc họp đêm của Masons (các hội kín- t.g) địa phương và châu Âu. Bây giờ, ở đây là Bảo tàng Nghệ thuật Odessa.

Và có một đường phố được mang tên là Sophievski, coi như là quà tặng của thành phố (không phải vì Sophia đã có công trạng gì đặc biệt với thành phố) dành cho người Đại mỹ nữ đầu tiên của miền Nam và Nam Palmyra.

Nhưng không phải tất cả những giấc mơ của Sophia đều trở thành sự thật. Bị chinh phục bởi vẻ đẹp của khu vực, vào đầu thế kỷ XIX Sophia dự định xây dựng một thành phố xinh đẹp trên các ngọn đồi Massandra của mình  mà sẽ trở thành trung tâm của vùng Duyên hải Miền Nam. Tuy nhiên, vị bảo trợ của nữ bá tước, tổng đốc của vùng Novorossiysk,   Duke Armand de Richelieu đã phải từ chức, và các ý tưởng xây dựng thành phố bị chìm vào dĩ  vãng.
Năm  1822, ở độ tuổi 56, nữ bá tước Sphia qua đời ở tại Berlin, sau đó bà được chôn cất tại Uman, nơi mà bây giờ vẫn nổi danh nhờ công viên Sofievski  xinh đẹp  mà bà đã là chủ nhân và người thiết kế các ý tưởng kiến trúc.

Trần Thanh và Nguyễn Hoàng Lân dịch và  sưu tầm (nguồn Kygia.net)