Ảnh minh họa
Ai đã từng đến Trung tâm Thương mại Barabashova đều rất ấn tượng với dòng chữ vàng “КраснаяРека” (Sông Hồng-Hà Nội) đặt trên dãy nhà hai tầng chuyên bán mỹ phẩm của các ông chủ hầu hết là người Áp-ga-nít-xtăng, nằm không xa bến tàu điện ngầm mang tên Viện Sĩ Hàn Lâm Khoa Học Liên Xô (cũ) ấy. Và, kỳ lạ thay, ngay cả bây giờ trong hoàn cảnh chính trị kinh tế nước sở tại đang suy sụp, chợ đuội chưa từng thấy mà ngày nào cũng như ngày nào – nhất là dịp lễ hội – dòng người đổ vào đấy, phần lớn là các cô gái trẻ, vẫn nhiều hơn tất cả các nơi khác.
Có lần, theo các cô “chân dài” vào Sông Hồng vừa là thỏa mãn tính hiếu kỳ vừa là tìm mua một lọ nước hoa “xịn” để tặng ý trung nhân vào ngày sinh nhật.
Đang ngẩn ngơ đứng giữa “dòng Sông Hồng”, mải ngắm nhìn những quầy phấn, son, nước hoa trải dài mấy chục gian hàng đối diện nhau và những cô nhân viên bán hàng tươi tắn, y phục hợp thời trang ngồi bên. Cùng lúc, lồng ngực căng tròn đón nhận hương thơm ngọt ngào từ các đồ mỹ phẩm ấy, khiến tôi nhớ lại một thời lãng mạn của tình yêu học trò. Chưa biết rẽ vào quầy hàng nào để chọn mua cho đúng “gu” bà xã thì gặp ngay anh chủ tóc đen quăn tít, dài mai mái nâu, râu quai nón người “Áp” đang tác nghiệp.
Vốn quen nhau đã hơn mươi mười mấy năm về trước, từ hồi chợ “Áp” giáp chợ Việt ở mãi khu chợ trong cơ. Thế là sau thủ tục xã giao gật đầu, bắt tay, chào hỏi xong, tôi vào đề luôn:
- Ở cửa hàng anh có nước hoa Pháp “xịn” không?
- Rất nhiều nữa là đằng khác – Anh ta khoe xong rồi hỏi – Anh cần loại nào và cho ai để tôi tìm.
Thú vị quá, tôi nhanh mồm nhanh miệng đáp:
- “Sun Dappies”. Dung tích 50ml. Cho vợ tôi.
Im lặng mấy giây, tự mở ngăn tủ lấy ra một hộp giấy cứng vuông vắn với dòng chữ in đậm nét “Made in France”, anh ta nhẹ lời hỏi:
- Có phải hãng này không?
Thực ra cũng chả hiểu mô tê gì về mấy món hàng phụ nữ này lắm, nhưng thấy là của Pháp, tôi vội gật đầu ngay:
- OK.
Trao cho tôi túi hàng kèm theo quyển Catalog – 2015 dày cộm (sách quảng cáo các loại mỹ phẩn có thương hiệu), giọng vui anh ta dặn thêm:
- Cần gì đến tôi nhé!
Cầm trong tay túi hàng, tôi chần chừ chưa muốn rời chỗ này ngay vì muốn trao đổi thêm đôi điều với ông chủ Áp kinh doanh mặt hàng “Bạn đồng hành” với phái đẹp, nên sau khi mấy cô Tây mua xong son phấn, kéo nhau đi khỏi mới tranh thủ đặt vấn đề:
- Với tiêu chí nào mà anh dám đeo đuổi mặt hàng này từ bấy đến nay, dễ chừng đã gần hai chục năm trời rồi đấy nhỉ?
Chí thú, anh ta chia sẻ:
- Trước hết vì mình, sau vì phái đẹp. Họ chiếm một nửa dân số nhân loại chứ có ít ỏi gì đâu. Ấy là chưa tính đến yêu cầu không nhỏ của cánh mày râu nữa.
- Có nghĩa là toàn cầu.
- Chính xác một trăm phần trăm!
Liếc nhìn quanh ba cách tường, trên mặt bàn kính bày la liệt các loại son phấn, nước hoa, tôi ngạc nhiên hỏi:
- Với số lượng hàng lớn thế này, chắc vốn phải bỏ ra nhiều lắm?
- Không hẳn. Một khi hàng quay vòng nhanh. – Thấy tôi gật gù mái đầu như thể vỡ vạc dần vấn đề, anh ta tiếp tục giải thích – Anh tính, phái nữ có mấy ai là người không dùng mỹ phẩm để tô điểm khuôn mặt của mình vốn xinh đẹp thêm hấp dẫn, không thoa một chút nước hoa cho thêm quyến rũ cánh đàn ông chúng ta. Bởi thế, những ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc lễ Tết “Sông Hồng” đông vui như trảy hội.
- Vào những ngày đó, giá cả có tăng chút ít để thêm thu nhập không? – Tôi ướm hỏi.
Giọng nghiêm túc, anh ta trả lời:
- Không khi nào. Vì cạnh tranh lành mạnh để duy trì tồn tại và phát triển ngoài tính trung thực ra còn phải có thái độ niềm nở, vui vẻ thì mới thực hiện được phương châm “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, mới làm giàu được.
Đồng cảm với suy tư của anh bạn “Áp” này, tôi cũng trải lòng:
- Phần lớn những doanh nhân thành đạt người Việt chúng tôi đều bắt đầu từ chợ búa, công chỗ cả. Có nghĩa là, anh đã chọn đúng con đường mình đi.
- Tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng vẫn phải phấn đấu hơn nữa mới giữ được những gì mình hiện có. Đặc biệt, hiện nay khó khăn đang chất chồng, nản chí là đầu hàng, đồng nghĩa với thất bại, phải không anh? – anh bạn “Áp” hào hứng tâm sự.
Thầm cảm thông với những con người cùng thân phận “tha phương cầu thực” như bao anhem, bạn bè mình, tôi mạnh bảo hỏi:
- Có bao giờ anh nghĩ mình sẽ “giải nghệ”, đổi hướng kinh doanh hoặc về quê?
Lắc đầu, liếc nhìn sang người phụ nữ Tây trẻ, đang tất bật bán hàng, anh nghiêm túc thổ lộ:
- Tôi đã tìm được “nửa cuộc đời” mình tại Kharkov, dòng máu “Áp” đã sinh sôi nảy nở ở đất này. Hỏi anh, còn đi đâu khi đây là quê hương thứ hai.
- Anh chỉ có mấy cháu?
- Hai. Cháu gái sinh viên năm thứ nhất. Cháu trai mới tốt nghiệp cấp hai năm ngoái.
- Thật tuyệt diệu. – Tôi thốt lên.
- Và, một khi biết giữ gìn, trân trọng và yêu quý nó. – Anh bổ sung thêm.
Chợt nhìn đồng hồ, thấy vài chục phút đã trôi qua nhanh quá. Sợ làm phiền toái đến công việc của anh, tôi định chào đi ngay. Nhưng trước khi rời “Sông Hồng” – con sông đầy ắp phù sa màu mỡ đang nuôi sống những cư dân ở đây, tôi hỏi thăm đôi lời bấy lời ấp ủ:
- Dân chợ búa là người tiếp cận và chịu đựng nhiều bước thăng trầm, sóng gió của thương trường. Nhất là gần hai năm trở lại đây, khủng khoảng chính trị, kinh tế của nước sở tại đang gõ cửa từng căn hộ, công chỗ mà xem ra anh vẫn vững vàng, bám chợ theo chiều hướng đi lên. Anh có thể bật mí những bí quyết gì đã giúp anh?
Giọng khiêm tốn, anh bộc bạch:
- Theo tôi, khi bước chân vào con đường kinh doanh để thực hiện mơ ước của bản thân, mỗi người phải tự hiểu: Thương trường là sân chơi của dân chợ búa, thắng thua là chuyện thường tình. Miễn sao phải có niềm tin và hi vọng. Biết chờ đợi vào ngày mai sáng ngời như quy luật tạo hóa “Hết đêm rồi lại đến ngày”.
Nghe anh bạn “Áp” đối đáp tuy cổ điển, hơi sách vở một chút nhưng rất biện chứng, y như nhan đề bài “Sau cơn mưa trời lại sáng” đăng tải ở chuyên mục “Diễn đàn cộng đồng” trên “Tuần tin quê hương” trước đây và “Bao giờ hết mưa trời lại sáng” trên “Bạn đồng hành” (số 07 ngày 01-07-2015). Khuyên nhủ con người ta dù trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải tin tưởng vào chính bản thân mình, quyết tâm khắc phục hi vọng vào ngày mai sáng ngời. Ngẫm nghĩ mới thấy, dân chợ búa mình dù sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khác nhau ở hành tinh này đều có sự đồng cảm từ một tâm hồn yêu thương nhân loại, từ một ý chí vươn lên để duy trì cuộc sống.
Thầm cảm ơn anh bạn “Áp” vì cuộc hội thoại đầy thú vị và bổ ích không hẹn mà nên này. Nắm chặt bàn tay sai sạn ấm áp tình người tuy sinh ra khác miền địa lý nhưng chung dòng dân chợ bía, tôi lưu luyến chào:
- Tạm biệt nhé. Hẹn gặp lại.
Bước chân ra khỏi “Sông Hồng”, ngoái cổ nhìn lại thấy dòng người, nhiều hơn cả vẫn là các cô gái trẻ nối đuôi nhau vào ra như dòng sông Hồng đậm đặc phù sa chảy quanh Hà Nội. Chợt nghĩ, hơi lãng mạn một tý, phải chăng nhà hàng Sông Hồng lúc nào cũng đông vui hơn hẳn các dãy hàng khác tại Trung tâm thương mại Barabashova, bơi nơi đây có chất phù sa của Sông Hồng- Hà Nội. Và, các lộc trời cho ấy, người “Áp” được hưởng. Tiếc thay không có người Việt mình!
Những ngày này, hễ đặt chân đến chợ tôi “cố tình” đi qua bằng được dãy “Sông Hồng” để mà nhớ về Hà Nội, vào cái “Ngày tôi sinh một ngày bỏng cháy – Đêm lặng nghe trong gió, tiếng sông Hồng thở than”, vào mùa hè hoa phương nở ở cái tuổi 18 thầm lặng mối tình đầu. Để rồi “Bước chân tôi qua bao nẻo đường, vẫn mong một ngày trở về quê tôi” – Nơi có dòng sông Hồng đỏ đất phù sa với bao kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ…
Văn Nhân
“Bạn Đồng Hành” – Kharkov