Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Con người và vấn đề hổ thẹn

Thứ năm, 01/10/2015 | 17:21

Con người và vấn đề hổ thẹn

Ảnh minh họa

Trong cuộc sống, khái niệm về hổ thẹn, đương nhiên mỗi người có riêng mình cách nhìn, sự tiếp nhận cũng như tư duy và giải thích khác nhau cho từng trường hợp cụ thể, cho cả bản thân mình nguyên nhân nào phải hổ thẹn, vì sao cần sửa chữa, và bằng cách nào từ bỏ lỗi lầm ấy để trở thành người lương thiện, giúp ích cho đời. Nhưng dù cho có khác nhau bao nhiêu đi chăng nữa thì kết cục vẫn phải có chung một quan điểm mang tính khách quan, buộc ai nấy đều phải công nhận, dẫn đến kết luận. Từ đó, vận dụng nó vào cách đối nhân xử thế hàng ngày, sao cho trọn vẹn với lương tâm và trách nhiệm làm người của mình.
    Đặc biệt vào thời buổi này, do mưu cầu về danh vọng, quyền lực cộng thêm sức ép cạnh tranh về đồng tiền ngày một tăng, khiến quan hệ người với người càng trở nên phức tạp hơn. Bởi vậy, việc hổ thẹn với mình thẹn với người là hết sức cần thiết, là mấu chốt để tự cứu mình ra khỏi đầm lầy vô vọng, là động lực quan trọng để từ bỏ việc xấu, trở thành người tốt. Và, cuối cùng chẳng những là then chốt cánh cửa của tội lỗi mà còn là di sản của tính tự trọng nữa.
    Từ lâu, chủ đề con người và vấn đề hổ thẹn nóng hổi tính thời sự này, luôn canh cánh bên lòng. Nay tình thế đổi thay, lại thức dậy trong tôi, thôi thúc viết nên vài dòng tâm sự. Trước là muốn chia sẻ cùng bạn đọc gần xa, sau là với tình cảm thiết tha mong mỏi mọi người hãy hợp lực, đồng tâm cùng nhau góp sức ngăn chặn và bài trừ những hành vi vờ không biết hay cố tình không biết hổ thẹn trước như sai lầm của mình trong mối quan hệ bạn bè, trong tình yêu lứa đôi, tình nghĩa vợ chồng lẫn buôn bán kinh doanh. Với mục đích, nhằm góp phần xây dựng cộng đồng nơi ta đang sinh sống, làm ăn và học tập ngày một trong sạch và vững mạnh như chỉ tiêu của Hội Người Việt Nam tỉnh Kharkov đề ra trong Hương Ước của mình.
    Nhớ lại. Cách đây không lâu. Tình cờ ghé qua góc chợ nào tại Trung tâm thương mại Barabashova cũng lọt vào tai lời đồn đại gia N., ruồng bỏ vợ con, đưa M. – gái một con trông mòn con mắt – về làm dâu họ Nguyễn nhà mình. Không hẳn tin, tôi tìm đến hẳn hoi cho ra nhẽ.
    Vốn bạn đồng niên một thời bán “xịp” cùng nhau, tôi thuật lại hêt thảy. Thoạt tiên, ngỡ kẻ xấu ghen ăn tức ở phịa. Nào ngờ chính hắn tự thú: “Đấy là sự thật”. Nghe mà toát cả mồ hôi hột. Đến giận, tôi đặt vấn đề:
-    Cậu nghĩ sao, nếu rơi vào vị trí vợ. Chắc phải hổ thẹn với lương tâm mình, với mọi người xung quanh vì bị phu quân bỏ lửng giữa ngã ba đường chứ!
Sắc mặt không hề thay đổi. N. lạnh lùng giải thích:
-    Mỗi người có riêng mình số phận. Vả lại, hợp và tan cũng là lẽ thường tình. Thời gian sẽ tẩy đi hết thảy ấy mà!
-    Có nghĩa là cậu không hề cảm thấy lòng mình day dứt với lương tâm chứ gì?
Ngán ngẩm tôi hỏi gặng thêm.
Như thể chẳng để ý đến lời than vãn của tôi, hắn bóng gió đáp:
-    Thì tớ có lấy trộm của ai bao giờ đâu!
Giận bạn. Định “nói toạc móng heo” bản chất hành động bỏ vợ là lừa đảo, sau đó không hề cảm thấy hổ thẹn là đánh mất tính người. Bởi lẽ, nếu không quên cái thuở ban đầu, để có thể chinh phục được con tim yêu thương của người phụ nữ, người đàn ông đã phải chọn kiếm bao lời hay ý đẹp. Thế mà nay đã nuốt lời, buông rơi họ thì khác chi đã cướp đi niềm tin của một con người… Nhưng suy đi tính lại, tôi im lặng cho qua chuyện. Phần vì sợ bạn mếch lòng, phần vì nghĩ rằng, trong thâm tâm hắn chắc còn gì tính hổ thẹn!
Vội vã chia tay nhau. Hai đứa quên cả lời hẹn gặp lại.
Hôm đầu tháng 9 vừa rồi. Trời đã sang thu. Nhẽ ra không khí phải mát lành mới hợp thủy thổ. Đằng này lại oi ả, nóng bức như mới vào hè ấy. Nhưng bù lại, chợ khởi sắc. Dân tiêu thương, ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi. Vậy mà lần nào gặp C., trên khuôn mặt vốn đăm chiêu bẩm sinh của hắn cũng đượm vẻ u buồn. Thấy lạ, nửa đùa nửa thật tôi ướm hỏi:
-    Đánh mất gì đấy mà trông tư lự vậy?
Giọng hoài niệm, C. chép miệng thở dài đáp:
-    Niềm tin. Thế mới đau lòng chứ!
-    Cậu có thể kể cho tớ nghe được không? Thấy hợp với chủ đề đang khai thác, tôi gợi ý luôn.
Như thể chỉ chờ có thế, C. vào chuyện luôn:
-    Cuối năm 2009, qua H. làm trung gian, tớ cho K. vay một khoản tiền. Theo thỏa thuận đôi bên, giao dịch đúng hạn hàng tháng và đều đặn cho đến đầu năm 2013, hắn đề nghị được trả gốc. Vốn quen biết nhau từ lâu lại thông cảm hắn sống độc thân nên…
-    Cậu đồng ý ngay chứ gì! – không để C. nói hết câu, tôi chen lời.
Chép miệng thở dài, C. thổ lộ:
-    Thì người mình với nhau mà. Vả lại, tớ cũng rất thoải mái khi hắn nghiêm túc thực hiện lời hứa của mình, cứ đầu tháng qua H chuyển tiền qua cho tớ đều như vắt chanh. Nhưng chả hiểu vì sao, hơn một năm qua giao dịch bị chững lại. Nóng lòng nhờ H. tiếp cận nhắc nhở, đã không một lời hồi âm thì thôi hắn còn tung tin: Bao giờ có thì trả. Thậm chí, lần mặt đối mặt, tớ nhỏ nhẻ nhắc giọng hắn nổi khủng đáp: “Anh làm gì mà cứ sồn sồn lên thế!” - rồi hững hờ bỏ đi. Không tỏ ra thẹn thò gì hết thì hỏi cậu, tớ phải làm gì bây giờ để có thể lấy lại mồ hôi, nước mắt cùng công sức của mình đã bị hắn cướp mất.
Nghe C. tấm tức kể, không chỉ cảm thông mà con tim tôi cũng chợt nhói đau trước thời cuộc đổi thay quá nhiều, trước lòng dạ đỏ đen của con người một khi không biết hổ thẹn trước những hành vi bất chính của mình, lại không sợ người phê bình, chỉ trích thì nói rộng ra, kẻ ấy còn việc xấu nào mà không dám làm, điều ác nào mà không tham dự. Nếu trong xã hội mà có nhiều người như thế, thật là một trình trạng bi đát vô cùng của xã hội ấy.
An ủi bạn, tôi tìm lời động viên:
-    Tớ tin, K. sẽ nghĩ lại, bằng cái gốc “nhân chi sơ tính bản thiện” của con người. Bởi lẽ nữa, những tấm gương sáng từ trong cộng đồng ta về người tốt việc tốt biết hổ thẹn đối với bản thân, biết tránh và sửa lỗi để bảo tồn danh dự cá nhân chẳng giúp hắn mở rộng tầm nhìn nhận ra chân lý cuộc đời đồng tiền không quý bằng sự tôn trọng, không mua nổi tình người hay sao!
Thấy C. chăm chú lắng nghe, đôi mắt rạng rỡ niềm tin và hi vọng, tôi đưa ra thí dụ như B. chẳng hạn. Nhiều năm kinh doanh nơi chợ búa lúc thịnh lúc suy, nhưng không hề tơ hào từng xu từng đồng trả thừa của khách hàng. Có lần, người mua quen ốp-tôm một số mặt hàng. Thanh toán tiền xong, ra về để quên một gói nhỏ. B. cất đi, ghi lại và tìm bằng được người mua ấy trả lại chỉ vì một ý nghĩ đơn giản, ỉm đi mà bị phát hiện thì ăn nói với khách hàng ra sao, còn mặt mũi nào mà gặp chúng bạn đồng nghiệp bên cạnh?
Thế là tính hổ thẹn đã cải tạo cái xấu trở thành cái tốt, là động cơ thúc đẩy con người hành động mang tính nhân văn cao cả. Lại như chị B. nữa. Ngày hàng vào vụ, thiếu vốn kinh doanh bèn ngỏ lời vay bạn để đầu tư. Hết hạn theo hợp đồng không đủ khả năng trả tiếp. Khất lần ngày nọ sang ngày kia vẫn không thực hiện nổi vì hàng hóa ít người mua trong tình trạng kinh tế chợ mỗi ngày một suy giảm. Biết làm sao đây để bảo tồn danh dự của bản thân, để khỏi rơi vào dạng người xấu vay không trả là quỵt, mà quỵt thì chẳng những lương tâm day dứt suốt đời mà còn bị pháp luật trừng trị nữa. B. viết thư về nhà xin trợ cấp và được chủ nợ cảm thông, thanh toán theo thỏa thuận giảm đến mức có thể. Cả hai bên đều vui vẻ, tình bạn vẫn gắn bó như hồi nào.
Trước những chứng cớ đơn sơ ấy. Cho ta thấy sự có mặt của tính hổ thẹn ở con người nào, người ấy sẽ tốt lên, tiến bộ mọi mặt.
Đồng tình với tôi, C. bày tỏ rõ hơn:
-    Một khi biết giữ gìn phẩm giá của mình, biết tôn trọng thanh danh gia đình mình từ những suy nghĩ, việc làm nhỏ hàng ngày, chắc chắn những con người ấy không bao giờ dám làm điều phi pháp.
-    Có nghĩa là, sớm hay muộn K. và những dạng người như hắn sẽ hiểu ra những điều trên để bảo tồn danh dự mình bằng sự biết hổ thẹn. – tôi nhấn mạnh thêm. Rồi hẹn. – có tin gì mới, “phôn” tớ ngay nhé!
Kết thúc vài dòng suy tư về vấn đề con người và sự hổ thẹn, xin được ghi lại lời Đức Phật dạy:
Nếu con người không biết hổ thẹn thì trên thế giới này không còn biết phân biệt cha mẹ, anh em, lớn nhỏ cùng với loài cầm thú không khác. (Kinh Tăng Nhất A-hàm, phẩm Tam Quý)
Và từ đây ta có thể kết luận rằng: Thiếu hổ thẹn, con người dễ trở thành kẻ xấu, thiếu hổ thẹn xã hội sẽ chìm trong dục vọng tầm thường.

NTC
                                “Bạn Đồng Hành” – Kharkov