Ảnh minh họa
Xa quê bao tháng ngày, hôm nay bỗng nghe khúc hát quen thuộc “Nhớ về Hà Nội” ( tác giả Hoàng Hiệp) lòng cảm thấy xốn xang nhớ nhà, nhớ quê. Nhớ về Hà Nội “Một thời đạn bom, một thời hòa bình”. Cổ nghèn nghẹn đắng, nước mắt cứ chực trào ra. Nhớ da diết nữa là những cô gái Hà thành thanh lịch và dịu dàng trong tà áo dài duyên dáng của miền quê mà tôi yêu, tôi quý.
Ở Kharkov – Trung tâm văn hóa và công nghiệp của nước Ucraina tươi đẹp này, có bao nhiêu cô gái Việt đang bươn trải trên thương trường, lặn lội đêm ngày kiếm từng đồng để nuôi sống bản thân và gia đình? Mà nhiều khi lắm lúc nghĩ đến nước mắt cứ phải lăn vào trong. Số đông chị em còn sót lại từ thời hợp tác lao động vào thập niên 90 thế kỷ trước không về hoặc từ Nga sang, sau này được bổ sung thêm lớp trẻ bằng con đường du lịch thăm thân ở lại.
Chợ búa là điểm mưu sinh dường như duy nhất của họ. Lập nghiệp bắt đầu từ chợ Trung tâm đến Trung tâm thương mại Barabashova bây giờ. Tổng cộng đã hơn hai mươi năm từng nếm đủ mùi vị ngọt ngào lẫn cay đắng của cuộc đời. Đôi khi tưởng chừng phải bỏ cuộc thì ngược lại, có vẻ như những khó khăn nghiệt ngã từ cái bấp bênh của chợ búa ấy càng làm cho các cô gái Việt dày dạn hơn, kinh nghiệm hơn. Đặc biệt qua những tháng năm “vàng thử lửa gian nan thử sức” đó, xuất hiện nhiều hơn những tấm gương sáng về tính chịu thương chịu khó, hết mình vì chồng con của những cô gái Việt giữa dòng đời ở Kharkov.
Hôm vừa rồi, trên đường về tôi dừng chân bên một cửa hàng nho nhỏ, gần bến tàu điện ngầm Barabashova để tâm sự với Thu – “người Hà Nội”. Quen thân từ lâu nhưng còn lơ mơ về mảnh đời riêng tư của người phụ nữ ngoài bốn mươi xuân sắc ấy. Nên vừa hỏi qua tình hình gia cảnh, chợ búa, Thu cười hồn hậu trải lòng qua chất giọng “ngọt ngào” của người Hà Nội, nghe rất lọt tai.
- Thú thật với anh, chả hiểu duyên phận phải chiều thế nào, đúng vào những tháng năm Liên Xô (cũ) tan rã, em lại đến Kharkov “lên xe hoa về nhà chồng”. Sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất thân thương như quê hương thứ 2 của mình, cho đến tận bây giờ.
Sau khi nhà em ra đi – Ngưng một lát, giọng trầm hẳn, đôi mắt đen láy long lạnh giọt lệ buồn, em chép miệng thở dài nói tiếp – Một mình đơn độc, trăn trở nuôi hai con ăn học. Cháu gái là sinh viên đại học, thằng con trai thứ đang học theo phổ thông. Khó khăn chồng chất khó khăn. Năm ngoái, trước những biến động không lường ở nước sở tại, ngỡ hết lối thoát, em về nước một dạo tìm đường cứu bản thân, gia đình. Nhưng nhớ Ucraina, mà ở nhà với sức mình chỉ có hai bàn tay trắng thì khác chi “Dã tràng xe cát biển Đông”, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì, nên em đã tìm cách khứ hồi nhanh, về Kharkov, ổn định kinh tế gia đình theo chương trình mới. Phải không anh?
- Thu đi đúng đường quá đó. – Tôi ngỏ lời khen rồi đưa ra một vài trường hợp cụ thể như vợ chồng anh T., mẹ con chị B., sau Tết âm lịch kéo nhau về quê. Nay đã quay lại. Hỏi ra, chỉ vì tính toán chưa hết nhẽ đã sồn sồn khăn gói lên đường. Ở nhà không bon chen nổi dù trong tay sẵn có đồng tiền. Sau đó kết luận. – Vậy là đâu phải riêng em.
Như thể được tôi chia sẻ, Thu sởi lởi thổ lộ:
- Vâng. Cũng may em sớm tỉnh ngộ, quay lại và bắt tay ngay vào công việc. Ổn định dần cũng bởi sự giúp đỡ chân tình của bè bạn đã từ lâu hợp sức, đồng tâm trên phương châm “Buôn có bạn, bán có phường”. Hơn nữa, cộng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của bản thân thì em tin rằng mọi việc đâu cũng sẽ vào đấy cả thôi anh à!
Nghe giọng nói đầy tự tin ấy, cảm thấy trong tôi dường như cũng vợi dần đi những lo lắng thay cho người thiếu phụ, mà phía trước có bao trở ngại đang đợi chờ. Chợt ngẩng đầu lên, nhìn thấy một dãy áo Kurtka treo trên vách, dưới là những “lô” tất chân, quần đùi, may-ô đủ loại, xếp chồng chất bên nhau, tôi đặt vấn đề:
- Cùng lúc kinh doanh hai mặt hàng, xuân hè, thu đông “trái khoáy” nhau liệu có “chéo giò” khi bán trong một quầy hàng không, Thu nhỉ?
Vội đáp: “Không hẳn anh, vì đối tượng mua rất phong phú. Nhưng theo em, nếu như chỉ một chủng loại thôi thì vẫn có hiệu quả hơn”. – Nói rồi, Thu đi vào phần chính mình giải thích:
- Áo Kurtka kia của em là hàng tồn từ mấy năm về trước. Nay bán kèm theo. “Câu dần” được cái nào hay cái ấy. “Gỡ” tiền ăn hàng ngày mà anh. – Ngừng một lát, xếp lại mấy đôi tất cho ngay ngắn, gọn gàng (theo nếp ngăn nắp của người Hà Nội) xong đâu đấy, Thu nói tiếp – Từ ngày em thuê của hàng trên bến tàu điện ngầm này em quyết định chuyển sang mặt hàng mang tính chất cần thiết tối thiểu nhất trong cuộc sống hàng ngày cho mọi đối tượng nên vẫn thu nhập đều. Chỉ tội khó làm giàu thôi (tủm tỉm cười lộ rõ đôi má lúm đồng tiền).
- Hỏi thật Thu. Đã bao giờ em tính đến chuyện đụng hàng sinh ra cạnh tranh về giá cả, một khi hầu như công chỗ trên bến tàu điện ngầm “liền cánh kề vai” đều bán chung một mặt hàng? – tôi hỏi.
Nét mặt tươi rói, Thu đáp:
- Nhiều nữa là đằng khác. Vì thế, em luôn tự dặn lòng sao cho cách ứng xử của mình với khách hàng có văn hóa, để thực hiện đúng phương châm “Được lòng khách đến, vui lòng khách đi” thì lúc đó, chắc chắn phải có hồi âm là số lượng người mua ngày một tăng và tiền lãi cộng thêm sẽ đến với mình nữa chứ anh.
Trước lúc chia tay, một lần nữa nhìn Thu, cảm thấy em trẻ lại, duyên dáng hơn cũng bởi cái tâm, cái tình trong cách “đối nhân xử thế” cùng sự nỗ lực, cố gắng vươn lên trong bất cứ hoàn cảnh sống nào của người con gái Việt lưu lạc nơi xứ người chăng!
Hôm khác, cuốc bộ một hồi qua mấy góc chợ buồn tênh “Vắng người mua thưa người bán” mới tới đường cái để đến nơi làm việc.
Đang “trầm tư mặc tưởng”, nghĩ về cuộc sống trôi nổi của cộng đồng Việt Nam ở quê người thì gặp Hạnh tất tưởi đi ngược chiều về phía mình. Vừa chào hỏi nhau xong, em đã nhanh mồm nhanh miệng vào chuyện:
- Thời buổi khó khăn này chỉ đọc có kinh doanh ở chợ thôi thì dễ “xuống dốc không phanh” lắm. Vì thế, theo em cần phải phát triển thêm một ngạch gì nữa, như thế con người đi bằng hai chân thì mới vững vàng được anh à.
Quá hợp với ý tưởng của mình, tôi ướm hỏi:
- Theo em?
Chả cần suy nghĩ lâu, Hạnh vội đáp:
- Như mở xưởng may chẳng hạn. – Thấy tôi gật đầu tán tưởng, em hào hứng kể tiếp – Đầu năm nay em đã mạnh dạn đầu tư một xưởng may nhỏ, thợ là người địa phương. Thu nhập chưa cao nhưng đã đi vào nề nếp. Vừa rồi nghe cô bạn “trong Làng” khuyên nên tuyển thêm thợ Việt Nam lành nghề sẽ có hiệu quả hơn cả chiều sâu lẫn bề rộng. Thấy hợp lý quá, em quyết tâm ngay nhưng quảng cáo ở đâu và bằng cách nào. Anh có biết không?
- Báo “Bạn Đồng Hành” ở ngay Kharkov mình đây thôi chứ còn ở đâu nữa. – Trả lời xong, tôi hỏi – Mọi thủ tục giấy tờ hành chính hợp lệ rồi chứ?
Giọng tự tin, Hạnh trả lời:
- Đấy là nguyên tắc “Bất di bất dịch” của em, trước khi bắt tay vào công việc mà anh.
Thấy Hạnh giở tay xem đồng hồ. Biết em vội, “người của công việc” mà. Tôi chào tạm biệt trước rồi dặn thêm:
- Cần gì gọi điện thoại cho anh nhé!
Chờ Hạnh đi khuất sau dãy của hàng BA. “Vắng lặng” tôi mới lững thững bước tiếp với bao suy nghĩ, niềm tin vào em – Cô gái Hải Phòng, tính cách mạnh bạo, dám nghĩ dám làm ấy.
Những ngày sau, ra chợ gặp nhiều cô gái Việt ở các miền quê khác nhau chạy dài từ Mục Nam quan đến Mũi Cà Mau. Dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự với các mẹ, các chị, các em trong dòng đời trôi nổi ở Kharkov – Từ chợ búa vốn sống động trước đây nay im ắng khác thường, từ trên các cánh đồng trồng rau ngày nối ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”… tôi mới hiểu thêm tâm hồn họ: Cần cù chịu khó chịu thương, sẵn sang nhận sự thiệt thòi về mình và quyết tâm vượt mọi khó khăn vươn lên phía trước vì hạnh phúc gia đình.
Nét đẹp ấy của người phụ nữ Việt Nam thật đáng trân trọng, tự hào và ngưỡng mộ biết chừng nào. Phải không các bạn!
NTC
“Bạn Đồng Hành” – Kharkov