Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Chỉ khi đi xa mới biết đâu là nhà

Thứ tư, 02/09/2015 | 04:37
Chỉ có tình yêu quê hương và bồi đắp cho những kết tinh văn hóa của dân tộc mới tạo nên sự khác biệt cho người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập Quốc tế trở nên ồ ạt. 

Chỉ khi đi xa mới biết đâu là nhà

Ảnh minh họa

Gia đình ông bà Lâm đã định cư tại Ucraina gần 40 năm. Các con trai, con gái, cháu nội, cháu ngoại của ông bây giờ cũng sống quây quần bên này và chỉ về nước mỗi năm một đến hai lần vào dịp Tết hoặc ngày giỗ cụ Tổ của dòng họ.
Càng gần đến cái tuổi về với ông bà tổ tiên, nỗi nhớ quê hương và khát khao trở về càng khắc khoải. Nhưng mỗi lần đưa con cháu về quê, ông Lâm lại thêm chạnh lòng xót xa về sự thay đổi của quê hương mình. Ông kể, cứ mỗi lần về quê là họ hàng đến chơi rất đông. Người già nói chuyện hàn huyên, nói những chuyện từ hồi sơ tán, chạy bom đạn hay cái thời còn làm trẻ chăn trâu mò cua bắt ốc. Ông bà thì vui, nhưng các con và các cháu ông có vẻ như khó hòa nhập với thế hệ trẻ ở đây. Đám thanh niên ở nhà háo hức hỏi chuyện bên Tây, họ tò mò mỗi lần gia đình ông về chơi rồi đáp lại bằng ánh mắt có vẻ thất vọng khi ở Tây về mà chẳng có gì khác người ở đây, không quần áo hiệu, không biết mốt nọ mốt kia. Và quả thật cả gia đình ông cũng phải công nhận mọi người ở đây ăn mặc sành điệu và còn "chịu chơi" hơn mấy cô con gái, con dâu của ông bà rất nhiều.
Nhớ có lần đi đám cưới, không kể mẹ của chú rể thì vợ ông và hai cô con dâu là những người duy nhất mặc áo dài hôm ấy. Với gia đình ông thì áo dài là trang phục được ưu tiên hàng đầu trong tất cả các sự kiện quan trọng, áo dài cũng may kiểu cũ với một chút hoa văn chứ không cách điệu hoặc trang trí cầu kì. Nhiều lúc con dâu ông còn bảo vì gia đình mình đi xa lâu quá nên về không cập nhật kịp  những mốt mới của người ở đây. Những ngày Tết, khi đám trẻ ở Việt Nam tranh thủ diện những bộ quần áo thời trang mới nhất, sắm sửa đồ ăn thức uống trong nhà toàn của ngon vật lạ, ông bà mới giật mình vì phải chăng trong những năm tháng đi xa họ đã bỏ lỡ quá nhiều điều trên quê hương mình. 
Nhiều khi, chính những gia đình người Việt như ông bà Lâm lại là những người gìn giữ được bền bỉ và lâu dài các giá trị văn hóa truyền thống. Thấm thía nỗi nhớ quê hương, thấm thía những tinh hoa đẹp đẽ trong nếp ăn ở hàng ngày của tổ tiên và cũng vì nỗi nhớ không nguôi trong lòng, nên các thế hệ người Việt cao tuổi sinh sống ở hải ngoại ý thức rất rõ và luôn nhiệt tình dạy dỗ, chỉ bảo con cháu trong nhà về truyền thống văn hóa cha ông- điều mà có  lẽ đã bị lãng quên trong chính những gia đình Việt Nam hiện đại. Đôi khi họ nghĩ, cứ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam thì tự nhiên mọi thứ như tình yêu hay kiến thức về văn hóa đương nhiên ngấm vào thịt da mỗi lần hít thở, không cần bồi đắp, không cần phải học tập và gìn giữ. Người lớn không nghĩ đến việc giúp đỡ con cái tiếp cận và phát huy những nét đặc trưng truyền thống của dân tộc, người trẻ thì chủ quan, lười biếng. Người ta chỉ quan tâm đến việc dựng nên vài "mô hình mẫu" cho truyền thống văn hóa Việt Nam để thu hút khách du lịch và công cụ để truyền thông quảng cáo trong khi cái hơi thở xa xưa ấy đã chẳng còn trong nhịp sống thường ngày.
Đối với gia đình ông bà Lâm hay nhiều gia đình Việt kiều khác ở khắp nơi trên thế giới, việc giữ gìn và  hòa nhập văn hóa hiện đại với những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông lại là niềm an ủi lớn lao, là niềm tự hào để không bị trộn lẫn và đánh mất bản sắc của mình nơi đất khách quê người. Tiếp xúc hàng ngày với văn hóa và môi trường sống phương Tây, họ ý thức hơn ai hết quá trình đồng hóa có thể xảy ra dễ dàng và nhanh chóng. Và cũng chính vì điều này, họ biết được mình và gia đình có thể trở thành một đại sứ văn hóa, một Việt Nam thu nhỏ trong mắt bạn bè quốc tế. Con trai ông Lâm vẫn hay mời bạn vè đồng nghiệp nước ngoài đến nhà vào các ngày lễ truyền thống của Việt Nam, các con dâu con rể của ông cũng là người Việt định cư lâu dài ở đây. Ông không nghiêm khắc như một số gia đình khác trong cộng đồng người Việt khi cấm con cái kết hôn với người nước ngoài, nhưng ông hiểu được phần nào mong muốn và niềm vui khi những người ở thế hệ của ông quan tâm đặc biệt đến gìn giữ nòi giống và truyền thống gia đình. Chỉ có tình yêu quê hương và bồi đắp cho những kết tinh văn hóa của dân tộc mới tạo nên sự khác biệt cho người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập Quốc tế trở nên ồ ạt. Chỉ khi đi xa mới biết đâu là nhà!

Tác giả: Chúy

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN