Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Nhiều tiểu thương buộc lòng đóng cửa quầy hàng ăn uống

Thứ bảy, 22/08/2015 | 18:56
Những ngày gần đây, BCH Hội người VN tỉnh Odessa nhận được phản ánh từ nhiều tiểu thương kinh doanh hàng cơm tại chợ Cây số 7 về việc họ buộc lòng phải dừng công việc do chi phí thuê cửa hàng quá cao. 

Nhiều tiểu thương buộc lòng đóng cửa quầy hàng ăn uống

Với hầu hết các điểm kinh doanh ăn uống, chi phí cho cửa hàng giờ đây đã vượt quá mức lợi nhuận thu được. Các tiểu thương không thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của Công ty quản lý và kinh doanh dịch vụ ăn uống chợ Cây số 7. 
Vừa qua, Công ty đã nâng cấp các quầy bán hàng ăn thành các cửa hàng rộng rãi, khang trang và có điện. Chi phí thuê cửa hàng từ đó cũng đội lên 400 đô so với giá thuê quầy hàng. Giá thuê mới là 26.000 grivna, cộng thêm 2000 grivna tiền điện. Như vậy chi phí một tháng cho cửa hàng khoảng 28.000 grivna (tương đương 1300 đô). Nhiều tiểu thương cho rằng với mức giá quá cao như vậy thì kinh doanh không có hiệu quả nữa. Lượng khách không tăng thậm chí còn giảm đi, giá bán vẫn thế mà chi phí đầu vào lại tăng gấp đôi. 
Trao đổi với lãnh đạo Hội, anh Dự - một tiểu thương kinh doanh hàng ăn uống tại chợ cho biết “ với chi phí cao như thế, tôi không thể tiếp tục kinh doanh, mà thật khó khăn khi tôi không còn công việc nào khác. Trước tôi đã đầu tư hết cho quầy hàng và theo công việc này trong thời gian dài. Cuộc sống của cả gia đình đều trông chờ vào đó”.  
Còn với quầy hàng ăn uống của gia đình anh Hoa Tuyết, tuy vẫn cố gắng duy trì trong khoảng thời gian tháng 8 và tháng 9 (vì đây là thời gian đông khách) nhưng sau đó thì gia đình anh rất khó để tiếp tục, anh chia sẻ sự lo lắng với Ban lãnh đạo Hội: “mỗi ngày chi phí cho cửa hàng là hơn 1000 grivna, như vậy phải bán được trung bình 6000 grivna mới đủ chi phí. Điều đó quá khó!” 
Thực tế trước kia, bà con kinh doanh ngành nghề ăn uống là do Ban quản lý chợ quản lý. Mỗi tháng Ban quản lý chỉ thu 100 đô/1 quầy để làm các thủ tục giấy tờ về vệ sinh dịch tễ và những thủ tục hành chính khác. Chi phí thấp nên bà con lúc đó kinh doanh rất hiệu quả. 
Nhưng sau đó, khi bà con muốn tách ra tự chủ mọi việc thì Ban giám đốc chợ đã đưa toàn bộ số bà con nói trên về Công ty quản lý và kinh doanh dịch vụ ăn uống chợ Cây số 7 . 
Công ty chỉ nhắm vào lợi nhuận, tìm mọi cách để tăng giá, bắt đầu từ 100 lên 200 đô. Và đến trước thời điểm nâng cấp thì giá thuê đã lên 700-800 đô. Thậm chí cách đây một năm, Công ty còn muốn thu tiền trước và chia theo ngày. BCH Hội khi đó đã đấu tranh để Công ty phải chấp thuận đến cuối tháng mới thu tiền của bà con và phải trừ những ngày nghỉ. 
Ông Nguyễn Như Mạnh – Chủ tịch Hội người VN tỉnh Odessa cho rằng: các tiểu thương đã có phản ứng quá chậm trong vấn đề này. Đáng ra, khi Công ty quản lý của chợ có những thay đổi chính sách gây bất lợi và không phù hợp với thực tế thì bà con phải sớm có phản hồi với lãnh đạo Hội và có hình thức tập hợp lại để cùng đấu tranh. Sự việc để kéo dài để cho công ty đó nghĩ rằng bà con vẫn làm ăn tốt, lợi nhuận cao nên tiếp tục tăng phí. Trong khi những cửa hàng kinh doanh của các tiểu thương người Tây thì ế ẩm, phải đóng cửa. Người ta cũng đã đấu tranh đòi giảm giá. 
Qua câu chuyện này, ông Mạnh cho rằng đây là bài học thấm thía không những đới với bà con kinh doanh hàng ăn và mà cả với bà con kinh doanh dịch vụ các dịch vụ khác tại chợ. Nhiều lần Ban giám đốc chợ muốn tăng giá nhưng nhờ sự đồng thuận của bà con, Ban quản lý chợ có quan hệ tốt, nắm chắc tình hình và giải thích hợp lý nên những qui định đóng góp của chợ vẫn giữ nguyên. Trong mọi công việc, cần có sự tương tác thông tin giữa bà con và Ban lãnh đạo Hội để cùng tìm ra hướng giải quyết hiệu quả.  
P/v Người Việt Odessa

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN