Ôđetxa là thành phố Mẹ. Raxtop- Na-Đônnu là thành phố Cha!
Tiếng gọi ấy cứ vang mãi trong tôi một thuở nào!
Đến Mat vào một ngày - ánh nắng mặt trời yếu ớt của mùa hè, cái giao thời để chuẩn bị sang Thu - với những cánh là vàng óng ả trên cây đang dần rơi xuống trên những nẻo đường đẫy ắp những hàng cây. Thật không có gì tả nổi cái đẹp thú vị của mùa Thu ở Nga!
Nghỉ ba ngày tại Mat, kiểm tra máu khi đang còn bụng đói, mắt mờ vì mới từ trên máy bay xuống và đi xe buýt về cư xá của Trường Đại học Quốc gia Matxcơva (MGU) - chúng tôi rời Mat lên tàu với hai ngày đường để đến Ôđetxa.
Chẳng hình dung được Ôđetxa nó như thế nào, cứ trên con tàu băng qua những con đường, qua những cánh rừng Bạch Dương, qua những đồng lúa mì óng ánh… để sau hai ngày chúng tôi đến sân ga tại Ôđetxa vào lúc chẳng còn thấy gì để kịp nhận ra Ôđetxa thực là như thế nào.
Cảm nhận đầu tiên là sự đón tiếp nồng nhiệt, những ánh mắt ngơ ngác của chúng tôi nhìn khắp nơi về những cảnh vật xung quanh. Không riêng gì chúng tôi, những người Nga xung quanh cũng trố mắt ngạc nhiên, xúc động khi thấy có đoàn lưu học sinh Việt Nam sang Ôđetxa du học!
Rời ga, chúng tôi được một chị người Hà Nội hướng dẫn đưa về cư xá - tôi không còn nhớ nổi chị đó tên gì và tên đường của cư xá - mà mọi lưu học sinh đều gọi đó là cư xá 1. Một tuần sau chúng tôi được chuyển sang cư xá 2 ở đường Sepkina. Vui, vui lắm! Không có gì tả hết những xúc động, bàng hoàng trước sự nhiệt tình niềm nở của các bạn Nga, của những người bảo vệ cư xá này - họ chỉ là những ông già, bà già đã nghỉ hưu làm thêm việc cho đỡ buồn thôi - họ đứng giữ cửa ở cầu thang chúng tôi hay đi lên đi xuống của cư xá. Cư xá chúng tôi ở chỉ có 3 tầng, cũng không có gì gọi là hiện đại cho lắm. Hình như đó chỉ là những đường nét của kiểu nhà xây theo kiến trúc cổ thì phải. Tại đây, hàng ngày chúng tôi bắt gặp hình ảnh ông già, bà già Nga gác cửa với cả tâm hồn hiền hậu, thân thương. Họ hay hỏi chuyện chúng tôi mỗi khi có khách là người Việt Nam đến chơi. Chẳng phải vì tò mò, mà nhiệm vụ của họ là phải thế. Họ hay hỏi tại sao chúng tôi hay đi chơi mà chẳng chịu học hành gì những ngày thứ 7, Chủ nhật rãnh rỗi hay khi bạn bè đến chới nhiều quá.
Tiếp xúc với những người bạn đến từ nhiều nước ở tại cư xá này, chúng tôi chẳng mấy chốc đã trở nên thấy gần gũi, thân thuộc vì hàng ngày chúng tôi giao tiếp bằng tiếng Nga với nhau. Ấn tượng thật khó quên là khi chúng tôi đến, họ chạy ra xách đồ đạc giúp chúng tôi, dẫn chúng tôi lên phòng. Căn phòng cho các lưu học sinh chúng tôi cũng thật đơn sơ thôi - với những tủ, nệm, ra, giường gối, lò sưởi… đều theo cách riêng đầy ấn tượng của thành cổ của Cảng Ôđetxa.
Điều thú vị là chúng tối ở gần Cảng - chỉ cách con đường ra để nhìn thấy cảng có vài trăm mét - nên hàng ngày chúng tôi thường ra đây dạo chơi vào những những buổi sáng để nhìn cờ báo hiệu, để nghe những tiếng hú vọng từ xa của những con tàu. Những buổi chiều tối đi học về - hàng ngày chúng tôi học từ 14h đến 20h theo giờ của Nga - chúng tôi đều đi bộ dọc theo những con đường bao quanh triền dốc dẫn xuống bến cảng.
Thường những ngày nghỉ học, hay bất kỳ lúc nào giáo viên bận việc cho nghỉ vài tiết là tôi cũng tranh thủ cùng chị bạn đi khá nhiều nơi. Chúng tôi ra tận ngoại ô thành phố, đi tham quan chợ và các nhà bán hàng… đi nhiều nơi nên tôi được tận mắt thấy những ngôi nhà ở Nga, tuy không cao lắm, cũng đơn sơ thôi những khá gợi cảm và thấy thật gần gũi như ở quê nhà mình vậy. Nhìn những con người Nga bình dị, chân thành làm tôi luôn nhớ về hình ảnh một người mẹ Nga già ở phố Phrunze - nơi có khá đông người Việt Nam sinh sống - với cả một cư xá sáu tầng giành cho công nhân lao động, những người đi nghiên cứu sinh… Tôi bắt gặp người mẹ Nga này với khuôn mặt hiền hậu, nước mắt dàn dụa khi trong tay cầm một chiếc áo Pun Cá-Sấu. Khi hỏi ra thì hay rằng bà đã mua chiếc áo Pun ấy dù vẫn biết là hàng giả. Chỉ vì bà quí trọng công lao người thợ dệt, chỉ vì bà quý mến người Việt Nam mà muốn có cái gì đó làm kỷ niệm nên bà đã mua chiếc áo. Cảm động trước tấm lòng chân thật của bà mẹ Nga, tôi quyết định tặng chiếc áo Pun Cá Sấu trên tay khi đang còn hai cái cuối cùng đem bán. Bà đã không nhận món quà đó mà cứ dúi tiền vào tay tôi, cuối cùng tôi cũng chỉ nhận lấy đồng xu 2 Rup, mà với lòng trân trọng tôi vẫn giữ mãi khi về Việt Nam. Cũng về chuyện chiếc áo, tôi lại nhớ về một người đàn ông Nga nọ khi vào cửa hàng cầm ra chiếc áo ấm có dán mác “Made in Japan” chồng lên cả hàng chữ đề nơi sản xuất tại một thành phố của Nga. Ông ấy đã mua chiếc áo với giá gấp rưỡi. Vậy đấy, tôi nghĩ mà chạnh lòng, cảm thông cho hoàn cảnh những người lao động Việt Nam sang Nga vì mưu cầu cuộc sống tốt đẹp. Có lẽ vì hoàn cảnh nào đó họ phải cố gắng kiếm chút đỉnh gửi cho gia đình, cho vợ con ở nhà sau thời gian mang tiếng đi Tây! Còn tôi có lẽ đang còn non nớt với đời và chưa biết gì ngoài việc học nên chẳng có gì để nghĩ hơn, chỉ biết rằng con người Nga họ thật thà, chân thành là thế đấy!
Về phương tiện đi lại ở Ôđetxa chủ yếu là xe buýt, tàu điện, xe điện. Thật đơn giản chỉ cần mua sẵn vé là có thể lên bất cứ loại xe nào trừ Taxi, ấy vậy mà đôi khi cũng chẳng phải vì gian lận gì - không phải như những người có thời gian sống ở đây lâu - mà quả thực chúng tôi cũng thiếu tiền, chỉ ngoài một ít học bổng, đủ để trang trải cho chuyện học, tiêu pha hàng ngày, nên có những lúc lên xe chúng tôi không thấy ai soát vé, thế là trốn luôn, vì nghĩ không ai biết chuyện này với lại còn tiết kiệm để đi thêm nhiều nới khác nữa. Nhưng khi nhớ lại ý thức tự giác của người dân Nga - cứ lên xe, việc đầu tiên là dập vé - nghĩ lại mình tôi thấy thật hổ thẹn, không chỉ riêng mình mà nhiều người khác quả là không có ý thức tự giác cao như họ!
Chuyện học của chúng tôi là cả một câu chuyện, nhất là trong thi cử. Bài vở cũng khá căng thẳng với lại thường thì đã là học sinh thì hầu như ai cũng phải chuẩn bị sẵn tài liệu cho mình - để phòng khi vào thi có những chỗ chưa học hay quên, với lại như thế sẽ yên tâm hơn - nên thế là người nào cũng có trong tay vài trang tài liệu chép sẵn. Khi vào thi thì gặp chuyện không may là giáo viên bắt rất gắt gao. Thường ngày khi giảng bài sao thầy cô thân thiện đến thế, còn vào thi thì chẳng nương tay chút nào! Sau này biết ra thì đó cũng là tính nghiêm khắc trong học tập và làm việc của giáo viên Nga, bởi họ vốn rất ghét những học sinh lười, dối trá. Quả thực lúc thi xong bọn bạn chúng tôi cũng phàn nàn là sao giáo viên Nga gắt gao thế, nhưng rồi sau này tôi mới nhận ra được một điều, chính tấm lòng ngay thẳng, tình cảm chân thật của những người Nga đã giúp tôi rút ra không chỉ trong thi cử, mà ngay cả sau này vào đời, điều quan trọng trong cuộc sống là phải sống thật lòng mình, ngay thẳng, trung thực. Âu đó cũng là một bài học vô cùng qúi giá để cho tối bước vào đời.
Có lẽ kể mãi cũng khó mà hết chuyện ở đây, nào là chuyện đi mua sắm hàng, chuyện khi lần đầu tiên thấy tuyết rơi cứ thế bốc lên ăn để rồi về viêm họng mấy ngày liền, chuyện được tận hưởng cảnh vật ở Biển Đen khi mùa hè về v.v… và nhiều, nhiều nữa. Rốt cục thì cũng đến thời hạn mà chúng tôi phải tạm biệt Ôđetxa với thời gian trải qua bốn mùa Thu -Đông- Xuân- Hạ tiếp giáp gần 1 năm khi đến Mat vào cuối Hạ trước.
Đã đến lúc phải chia tay, lòng nghẹn ngào, bao lưu luyến, bồi hồi chúng tôi để lại cho Ôđetxa… để trở lại quê nhà.
Ôđetxa là thành phố Mẹ, câu ví von của những người đã đến đây cứ làm cho tôi xao xuyến, nghẹn ngào mãi không thôi…
Huế, tháng 9/2002
Cao Thị Hương Khanh
Theo nguoibienden.org