Thời gian gần đây, các chị em phụ nữ đang xôn xao về một hình ảnh được chia sẻ trên Facebook, nhiều tờ báo cũng có bài viết về "sự kiện internet" này. Câu chuyện bắt đầu từ một Facebooker chia sẻ hình ảnh của một cặp đôi đang mua sắm trong cửa hàng giày ở Singapore. Một người đàn ông châu Âu đang giúp cô bạn gái châu Á thử giày, nhan sắc cô gái ấy cũng bình thường không có gì nổi bật nhưng điều đáng nói là thái độ của người đàn ông giành cho cô ấy. Anh quỳ xuống giúp cô đi thử giày, anh ân cần hỏi cô xem đôi giầy ấy có dễ chịu không, rồi họ lại đứng lên và dìu nhau nhảy theo tiếng nhạc.
Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói cho đến khi các chị em phụ nữ xuýt xoa về hành động ga-lăng này và cho rằng đàn ông Việt Nam đang ngày càng thua xa đàn ông Tây về cách thể hiện tình cảm cũng như thái độ tôn trọng giành cho phụ nữ. Cũng không lạ gì những câu chuyện như thế này đang được bàn tán xôn xao từ nhà ra ngõ, từ ngõ lên Facebook, từ facebook lên đến báo chí. Đàn ông Tây - Đàn ông Việt được bàn tán như hai cá thể được tách biệt hoàn toàn ra khỏi nền văn hóa chứa đựng "chúng" vậy.
Tôi nghĩ, những hành động biểu hiện tình cảm của bất kỳ cá nhân nào cũng mang đặc tính văn hóa rõ rệt, từ người hành động đến người đón nhận hành động . Ví dụ như với anh Tây kia thì đó là một cử chỉ thể hiện tình cảm rất bình thường và cũng là bình thường với phụ nữ châu Âu khi họ đón nhận điều đó. Không có gì đặc biệt khi một người đàn ông giúp họ thử giày, cùng nhảy múa và ôm hôn nơi công cộng ở các nước Châu Âu, châu Mỹ. Nhưng nếu bắt gặp hình ảnh một người đàn ông Việt Nam hành động như thế với vợ hay bạn gái, hoặc nhìn các cặp đôi Việt trẻ bây giờ thể hiện tình cảm theo cách đó chúng ta liền thấy "ngứa mắt" và khó chịu.
Cũng tương tự như một vài hành động của đàn ông Việt Nam được chị em phụ nữ đánh giá rất cao trong giai đoạn yêu đương thì phụ nữ Tây lại cảm thấy kỳ cục khó hiểu. Một anh người Việt đến nhà người yêu, đợi cô gái trang điểm và thay đồ cả tiếng rồi đưa cô đến chỗ hẹn với đám bạn gái, rồi lại lóc cóc đi về, và đợi lúc nào cô gái gọi thì lại đến đón. Hay như chuyện đưa đón bạn gái hàng ngày là một trong những thứ "hiển nhiên phải làm" trong giai đoạn yêu đương đều được đàn ông Việt thực hiện không một lời phàn nàn thì phụ nữ Tây đề cao sự tự do cá nhân của mỗi người, tự lập và chủ động trong mọi khoảng thời gian không bên nhau, hẹn hò là hẹn hò, không hẹn hò thì mỗi người một việc cho đến khi gặp nhau.
Ngược lại, cũng vì những con đường mòn trong tư duy của chúng ta khi nhắc đến Tây - Ta đã trở thành rào cản rất lớn để tiếp nhận sự thay đổi hoặc chấp nhận những khác biệt mang tính đặc trưng văn hóa này. Cô bạn tôi quen một anh người Đức, đây hoàn toàn là điều xa lạ với cả gia đình bạn ở Bắc Giang. Từ ngày bạn tôi báo tin sẽ dẫn người yêu về ra mắt là cả gia đình hồi hộp chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này. Hết bố đến mẹ hàng ngày gọi điện hỏi xem sẽ nấu món gì để "nó" ăn được, nó ngồi ăn ở chiếu hay trên bàn, nó có ăn được cái nọ, cái kia không...Đến khi bạn tôi dẫn anh người Đức về và bữa cơm buổi trưa diễn ra rất suôn sẻ với rất nhiều lần "vô tình" hàng xóm sang hỏi mượn cái nọ cái kia, sang hỏi việc nọ việc kia cốt để nhìn mặt "thằng người Đức" thì đến chiều trong lúc cùng mẹ đi ra chợ đã có vài người hàng xóm "hỏi nhỏ" mẹ của bạn tôi: Thế nó có biết ăn cơm không?...Thế nhà cửa nó thế nào? ...Cẩn thận nhé, nó là người Đức đấy, nhìn cái mặt nó phát xít thế cơ mà?
Thời gian gần đây, hình ảnh các cặp đôi Tây - Việt cũng không còn quá xa lạ, tuy nhiên việc này đang được đón nhận bởi rất nhiều ý kiến khác nhau của đám đông. Người tung hê đàn ông Tây rồi "dìm hàng" đàn ông Việt, người vẫn mang những cái nhìn từ thời "đế quốc, thực dân, phát xít" để đánh giá những người đến từ phía bên kia địa cầu và e ngại khi quốc tế hóa đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết trên quê hương mình.
Chúng ta đều công nhận đó không phải là vấn đề đơn giản, là những quan điểm có thể thay đổi dễ dàng theo thời gian. Nhưng trong tình yêu và nghệ thuật, ranh giới ấy chưa bao giờ là cái cớ cho những rào cản và cũng không hẳn là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự bất đồng văn hóa. Từ thời anh hùng Núp bắn Tây, đã nói cho cả buôn làng biết rằng máu "thằng Tây" cũng đỏ như máu buôn làng mình thôi. Và đương nhiên trái tim chúng ta cũng có cùng một cơ chế hoạt động như vậy, rung động vì những điều đẹp đẽ và khao khát yêu thương.
Chúng ta trân trọng và cần nhau. Văn hóa chỉ là một câu chuyện đến sau!
Tác giả: Chúy