Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Ẩm thực Việt dưới trời Âu

Thứ ba, 18/08/2015 | 06:19
Sống xa Tổ quốc, nhưng tôi tin rằng chưa một ai là người không dùng những món ăn quê nhà cho những bữa cơm thường trực hàng ngày trong gia đình mình. Và, hiếm thành phố nào nơi hải ngoại có cộng đồng Việt Nam sinh sống và làm ăn không có nhà hàng ẩm thực cổ truyền dành cho người Việt lẫn dân bản xứ thưởng thức hương vị dân tộc.

Ẩm thực Việt dưới trời Âu

Thật vậy, lúc mới chân ướt chân ráo đến Kharkov-Ucraina, đâu phải riêng tôi, mà nhiều người thèm món ăn Việt đúng mùi vị đâu dễ, thì giờ đây muốn gì cũng có.
 

Từ bếp nhà
Không kể những buổi lễ hội, tết nhất mà thường ngày thôi, bếp nhà của người Việt mình sành ăn, nói không quá, quả là thiên đường quê hương. Hôm vừa rồi, chợ nghỉ, tôi tranh thủ đến chơi nhà anh  bạn thân vốn là công nhân thuở trước. Vô tình trùng vào bữa cơm chiều. Khiếm nhã “chối từ” mãi chẳng xong, đành phải ngồi bên mâm cơm cùng gia đình. Mặc dù đã từng ăn rau muống luộc suông hoặc xào tỏi, xu hào nấu với cà chua, dưa cải tươi muối cùng hành, … nhưng lần này nhìn những cuộng rau xanh ngắn, nhỏ như chiếc đũa đang cầm trong tay lẫn thịt lợn nạc, đầy ắp trên chiếc đĩa to thấy là lạ, nên ngài ngại chả dám gắp. Như thể hiểu ý khách, Mai – vợ bạn – cười hiền lành giải thích:
-    Đặc sản “cần tươi” đấy anh. Ăn thử xem nào!
Chợt nhận ra, tôi reo lên: “Tuyệt hảo”. Sau đó chả đợi mời, tôi nhẹ tay xúc một thìa đầy vào bát mình. Ăn thử, nhớ lại hương vị miền quê, tôi hỏi ngay:
-    Chắc quen ai vừa ở Việt Nam mang sang biếu hử?
-    Trên Hương Việt chả thiếu thứ gì. Miễn sao có tiền thôi anh à! – Mai khúc khích đáp.
Quả thật, sau buổi ấy tôi lần lên nhà hàng Hương Việt nằm giữa Trung Tâm thương mại Barabashova “kiểm tra” lại thấy đúng quá chừng. Nhưng phong phú các mặt hàng rau muốn, cải “ta”, nấm hương, mộc nhĩ, đậu phụ, xì dầu, nước mắm, …, kể cả ớt “chỉ thiên” vẫn là chiếc xe đẩy “rộng sàn” bán rong quanh chợ. Mua bao nhiêu cũng có. Thú vị ghê.
Lần khác được vợ chồng anh bạn mời hẳn hoi. Chiêu đãi tôi “tô” phở gà đầy ắp. Mai chủ đông chia sẻ: 
-    Buổi sáng, trước khi ra chợ vợ chồng em có thói quen điểm tâm khi thì phở, khi thì bún “tự biên tự diễn” theo khẩu vị của mình. Ngon lành đậm đà hương vị quê hương đã đành mà còn gợi lại những kỷ niệm êm đềm của một thời sống ở Hà Nội. Chiều về, sau buổi chợ, bữa cơm gia đình vợ chồng con cái quẩy quần bên nhau vẫn là những món ăn quê nhà. Dứt khoát phải có rau xanh – rau muốn, cải, cần, mướp, … - rồi mới đến thịt, cá, …
Chả để cô ấy nói hết câu, tôi bổ sung luôn:
-    Thậm trí lương thực, thực phẩm mua lại của người địa phương cũng được ta chế biến theo khẩu vị của mình. – Để chứng minh cho nhận định của mình có cơ sở, tôi dẫn chứng: - Ví dụ, ăn thịt gà, người bản xứ hầm là chính, còn mình chủ yếu là luộc, chấm muối chanh. Hoặc cấm có bao giờ họ luộc hoặc xào thịt lợn, mà miếng thịt ấy có cả nạc, mỡ như ta vẫn thường ăn.
Hôm kỷ niệm sinh nhật phu quân, Mai mở “tiệc” chiêu đãi, mời một số bạn bè thân thiết, gần gũi với gia đình. Trong đó có tôi. Nhìn trên bàn bày “la liệt” các món gà luộc, xôi gấc, nem rán, canh măng, mướp xào tim, gan, phổi, … Chợt cảm thông công sức và thời gian chị chủ nhà đã bỏ ra, tôi chép miệng đặt vấn đề:
-    Thời buổi khó khăn này, em bày vẽ quá đó. Sao không làm đồ Tây cho đơn giản, có hơn không.
Lắc đầu, Mai trải lòng:
-    Không phải chuyện đã rồi. Nhưng em nghĩ “Đất có lề, quê có thói” thì dù có sống ở nơi nào đi chăng nữa, nhất là dưới trời Tây, thì ngày vui hay lễ hội vẫn phải giữ ẩm thực dân tộc làm gốc. Và, nếu như có khách Tây, cũng là dịp tuyên truyền giới thiệu hương vị quê nhà như Nhà hàng Thăng Long của mình đấy chứ anh.
Nghe xong, cảm thấy những băn khoăn trong lòng dường như được thay thế ngay bằng niềm tự hào.
 

Đến nhà hàng
Ai đã từng đến Nhà hàng Thăng Long ở Kharkov dứt khoát đều công nhận tính thâm niên, độ tin cậy và tầm vĩ mô của nó về ẩm thực dân tộc Việt Nam dưới trời Tây, đứng hàng đầu ở Ucraina, chứ chưa hề so sánh với Châu Âu và Thế giới. Còn tôi, với bề dày năm bảy lượt trong một năm, liên tục suốt hơn 20 năm trời qua từ ngày Nhà hàng còn nằm ở phố nhỏ Zernovaya đến khi dời ra Đại lộ Geroev Stalingrada 45, thì chẳng những ủng hộ quan điểm trên mà còn khẳng định thêm từ “Không đâu bằng” nữa. Cũng không “ngoa”, bữa gặp bác Minh, vừa từ Việt Nam sang Kharkov thăm thân, dự lễ cưới tại Nhà hàng Thăng Long. Chưa kịp “phỏng vấn”, người đàn ông có cháu nội, ngoại ấy đã tâm sự trước: “ Ngồi trong nhà hàng, thưởng thức các món ăn dân tộc khi quanh tôi là những tà áo dài, những nụ cười trẻ thơ, những bài hát quan họ quen thuộc, tạo cho mình có cảm giác như đang sống ở quê nhà ấy.”
Vào chuyện, tôi hỏi:
-    Còn thực đơn do các tay nghề hải ngoại chế biến thì sao hả bác?
-    Chả thua gì đầu bếp ở Việt Nam. Công bằng mà nói “còn hơn”. – Bác Minh đủng đỉnh nhận định.
Chưa tin hẳn, tôi thắc mắc:
-    Bác có thiên vị không đấy?
-    Thật mà. Vì bên này nguyên vật liệu đâu sẵn và phong phú như ở quê nhà.
Nghe bác giải thích, quá hợp tình hợp lý, thuyết phục được ngay đối tác là tôi.
Tại Nhà hàng Thăng Long, trong bữa tiệc thân mật nhân Kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (30 tháng 4), cùng tâm trạng với bác Minh, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Liên Xô (cũ) đã từng công tác tại Việt Nam vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước Serduk Pert Mikhailovich, vui vẻ chia sẻ:
-    Những tháng năm công tác tại Việt Nam, do đặc thù riêng, đơn vị chúng tôi hành quân và dừng chân nhiều nơi ở nông thôn miền Bắc. Vì thế, một trong những hình ảnh lắng đọng mãi trong tôi là những ngôi nhà mái đỏ, những đường cong cao cút của mái chùa, khác hẳn với phương Tây. Mấy năm trước, tình cờ qua đây, nhìn thấy Nhà hàng, kỷ niệm xưa chợt thức dậy. Hôm nay lại được cùng các bạn thưởng thức những món ăn dân tộc, đậm đà hương vị Việt Nam. Để rồi, không thể không xao xuyến nhớ lại một thời đã qua cùng các bạn trong khói lửa chiến tranh đi tìm chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Trên đường về, cụ chân tình thổ lộ:
-    Nhà hàng Thăng Long thật hoành tráng, nhưng ở Kharkov chỉ có một thì quá ít. Cần phải nhân thêm lên mô hình này để quảng bá ẩm thực dân tộc cũng như hình ảnh Việt Nam trên xứ người nữa chứ.
Nghe xong, thấy thấm thía quá. Thẹn thò xen lẫn khát vọng.
Về nhà, ngẫm lại càng thấy đúng. Quả thật, bao năm qua, món ăn Việt ngon lạ vẫn được giữ nguyên vẹn trong bếp nhà và quảng cáo sâu rộng trong nhà hàng nơi xứ người. Nhưng tiếc thay, độ phủ sóng vẫn kém hẳn bếp Tàu, Nhật kể cả dân địa phương.
Gần đây nữa, không ít lần hàng xóm láng giềng là người Ukraina lẫn người Nga sống cùng khu chung cư chất vấn: “Sao người Việt các anh, chỉ có một Nhà hàng Thăng Long, lại ở xa trung tâm thành phố. Trong khi đó, có mấy năm trở lại đây, dù cho tình hình chính trị còn bất ổn định, khủng hoảng kinh tế còn tiếp tục kéo dài tưởng chừng không có điểm dừng, thế mà nhà hàng ẩm thực Nhật Bản, Trung Quốc, Ý, … vẫn xuất hiện nhan nhản khắp phố phường.” – Mặt đỏ lự, tôi lúng túng không sao trả lời nổi.
Còn bây  giờ, tôi có thể ngẩng cao đầu trả lời, nếu chúng ta lại cùng nhau, nhất là doanh nhân, những người thường đi tiên phong trên mặt trận buôn bán kinh doanh tại chợ - cộng sức, đồng tâm góp vốn đầu tư một thương hiệu ẩm thực Việt Nam nữa dưới bầu trời Âu tương tự Nhà hàng Thăng Long, để mưu sinh lâu dài cho bản thân và con cháu mai sau thì hay biết mấy. Và lúc ấy, chắc chắn niềm tự hào dân tộc lại dâng trào trong lòng người Việt đang sinh sống, làm ăn nơi xứ người.
Hơn nữa, vào thời điểm này, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, tương lai ổn định còn xa vời thì, có lẽ tư tưởng “Phi thương bất phú” tạm gác lại. Thay vào đó là hành động nhanh chóng hòa nhập để tự cứu mình. Và, đừng để phí thời gian suy tư “Về hay ở” mà hãy đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau xây dựng tổ ấm gia đình trên phương châm “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Thử mạnh dạn đầu tư những nhà ăn nhỏ, những quầy hàng bán lẻ nơi chợ búa, chốn đông người… Xem sao! 

Văn Nhân
“Bạn Đồng Hành” – Kharkov