Ảnh minh họa
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Sang Liên Xô (cũ) học Trường Đại học Văn Hóa Kharkov. Nhận bằng tốt nghiệp xong, số phận đưa đẩy tôi ở lại mưu sinh tại quê hương thứ hai này, tới nay “ngoảnh đi ngoảnh lại” đã hơn 40 năm trời phiêu bạt nơi xứ người với bao kỷ niệm buồn vui của một thời “tay kìm tay búa”, một thời chợ búa lắm lúc thăng trầm và dài hơn cả là thời gian tham gia công tác xã hội, báo chí cộng đồng. Ngẫm lại, ngần ấy tháng năm chưa từng một lần “vác cuốc ra đồng” trồng khoai, vun luống . Vậy mà, chả hiểu vì sao trong tôi lúc nào cũng canh cánh trong lòng niềm đam mê, tình yêu với nông nghiệp.
Nhớ lại, ngay một năm sau ngày thành lập Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov (1994) tôi và cố Chủ tịch Đinh Văn Nhời, do có tâm huyết với nghề nông đã đồng hành ra ngoại ô thảnh phố, tìm nông trang theo định hướng phát triển thêm lĩnh vực nông nghiệp cho những hội viên mình là dân chợ búa. Nhưng dang dở “nửa chừng xuân” thì dừng lại, bởi chúng tôi thiếu quyết tâm và bà con lao động vẫn còn thói quen “ăn xổi” theo đường mòn “phi thường bất phú”. Không dừng lại, liền sau đấy mấy năm ý tưởng ấy lại trỗi dậy, thúc đẩy tôi “Đi bước nữa”. Tìm được một nông trang mới, cách trung tâm chừng trên dưới 50kmđường dài đang cần nhân lực. Nhưng buồn thay vẫn không thành chỉ vì một lẽ đơn giản thiếu người cộng sự, vắng bạn hiền và bản thân thêm một lần nữa “lực bất tòng tâm” nên đành bỏ dở.
Bẵng đi một thời gian dài, dẫu cho có bận rộn, tất bật với chợ búa đến mấy, tôi vẫn băn khoăn, trơn trở trước cái tình đến với nông nghiệp của mình còn đang “ngoài vùng phủ sóng”. Bất ngờ đầu năm 2013, tôi nghe bạn bè kháo nhau ở Kherson có một doanh nhân thành đạt “Xây dựng lâu đài trên những luống rau”. Nghe nó cứ là lạ thế nào ấy! Nhưng bỏ qua, nhỡ ra có thật thì chả hóa ra có thật thì chả hóa ra mình đánh mất niềm tin và “uổng công chờ đợi à!”
Thế là, ngay sau ngày lọt vào tai câu chuyện “huyền thoại” này, tôi liền gọi điện thoại cho Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Kherson, Nguyễn Thế Kiện để “thẩm tra thực hư”. Thật may, lại đúng vào dịp gửi báo “Tuần tin quê hương” xuống dưới đấy. Thêm cớ hội thoại trên trời dưới đất với anh Kiện – người tự nhận về mình trách nhiệm đặt và phân phối báo đến tận tay hội viên. Và, để tránh bị “dị nghị” là tò mò, thăm dò chuyện mới nghe “lỏm” chứ chưa nhìn thấy bằng mắt. Sau mấy câu thăm hỏi xã giao về công việc, sức khỏe, tôi vào đề:
- Hiện ở Kherson mình, cộng đồng buôn bán làm ăn có gì mới mẻ không anh?
Qua máy điện thoại di động, nghe rõ giọng cười sảng khoái của câu trả lời “dĩ nhiên” đầy tự hào của Kiện. Sau đó anh bộc bạch:
- Thay đổi nhiều, nhiều vô kể nữa là đằng khác. Bởi vạn vật luôn biến đổi theo thời gian thì cuộc sống con người cũng phải thay đổi theo để hòa nhập vào quy luật phát triển của xã hội chứ!
Vốn quen biết và thân thiết với chủ tịch Kiện từ lâu lại rất khâm phục tài ăn nói của anh qua những bài tham luận khúc triết đã thu hút lòng người mà anh đã từng trình bày tại một vài hội nghị toàn Ucraina tại thủ đô Kiev, hay ngay tại Kharkov, tôi ngỏ lời khen:
- Trời, anh nói năng như một nhà triết học biện chứng uyên bác ấy.
Cũng chả vừa, nửa đùa nửa thật, Kiện trách khéo tôi:
- Còn anh! Hứa mãi cho đến bây giờ vẫn ngồi “lì” ở Kharkov thì làm sao có thể thấy hết được những đổi thay của cộng đồng mình đang sinh sống làm ăn ở các thành phố khác trên lãnh thổ Ucraina, trong đó có Kherson chúng tôi.
Thầm hiểu Kiện nhắc mình chưa hoàn thành trách nhiệm của một người làm báo cộng đồng – Tiếng nói của cộng đồng ViệtNam tại Ucraina – cảm thấy “ngượng đến chín cả người”, tôi vội lảng tránh sang vấn đề khác.
- Anh có thể đưa ra một trường hợp điển hình về sự đổi mới của Kherson mình không?
Sau câu trả lời chắc nịch “Được quá đi chứ”, giọng đầy tự tin, Kiện nói tiếp:
- Ví dụ, Chủ tịch Hội doanh nhân tỉnh Kherson Tống Xuân Bộ cùng gia đình xây dựng nhà lầu trên những luống rau của mình chẳng hạn.
Thấy chuyện đã vào cuộc, tôi vờ cự lại:
- Nhà cao cửa rộng phải xây trên nền móng “Bê tông cốt sắt” mới vững chứ!
Khúc khích cười, Chủ tịch Kiện chê tôi “Anh người đời quá đó”. Rồi chả để tôi phân bua, anh kể rành rọt. “Đâu xuôi đuôi lọt” cứ y như người trong cuộc.
- Anh biết không? Sau những tháng ngày bươn trải trên thương trường, tuy vẫn ổn định nhưng cảm thấy khó vững vàng trước sự cạnh tranh của siêu thị ngày một phát triển với kinh tế chợ đang đi xuống. Hơn nữa ở Kherson “đất rộng người thưa”, khí hậu ưu ái nghề nông nên Bộ quyết định “Đi bước nữa”, mua đất trồng rau nuôi gia cầm. Mấy năm liên tục “Mưa thuận gió hòa” cộng thêm ý chí vươn lên của bản thân khiến cuộc sống của gia đình anh ấy, đổi thay quá nhiều bắt đầu từ chặng đường đi vào mặt trận nông nghiệp này.
- Và, Tống Xuân Bộ đã xây dựng nhà lâu trên những luống rau! Tôi thích thú reo lên.
- Đích thị. Kiện hãnh diện đáp.
Từ lâu tâm huyết với chủ đề “Con người đi lên từ nông nghiệp” cũng như hàng ngày hàng giờ suy tư cùng dân chợ búa bước thêm vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi với kỳ vọng bám trụ lâu dài trên quê hương thứ hai này. Nhưng “Cái khó ló cái khôn” thêm một lần nữa nên đành phải chôn sâu dưới đáy lòng. Nay từ kinh nghiệm này, đã thức dậy mơ ước ấy. Tôi khẩn khoản:
- Anh kể cho tôi nghe kỹ càng hơn quá trình tiến hành và bí quyết nào dẫn Bộ đến thành công đấy!
- Chuyện “Nhỏ như con thỏ” ấy mà. Nhưng dân gian ta có câu “Trăm nghe không bằng một thấy”. Vậy thì, mời anh quá độ (cười) xuống Kherson “mục sở thị” nhé! Kiện từ tốn nói
Nghe xuôi tai quá lại trùng với nguyện vọng ấp ủ nhiều năm tháng qua, tôi phấn khởi bày tỏ quyết tâm:
- Nhất định sẽ gặp gỡ nhau trong “vòng tay bè bạn” cho thỏa nỗi nhớ mong.
Nhưng tiếc, một chuỗi ngày nối ngày lại trôi qua, tôi vẫn dậm chân ở Kharkov chỉ vì hoàn cảnh khách quan chưa hội nhập nổi ý muốn chủ quan của mình. Thì may thay, giữa tháng 6 năm ấy, tại Đại hội lần thứ 4 Hội doanh nhân tỉnh Kharkov, tôi được gặp trực tiếp Chủ tịch Hội doanh nhân tỉnh Kherson Tống Xuân Bộ “Người xây nhà lầu trên những luống rau”.
Mừng thầm cho cái duyên “không hẹn mà nên” này, tôi và Bộ tranh thủ trò chuyện vào lúc giải lao ngắn ngủi. Và theo yêu cầu của tôi, Bộ lần lượt giải đáp, nào là nguyên nhân nào anh quyết định chuyển sang ngành nông nghiệp trong lúc nhiều người vẫn bám chợ với quan niệm “Phi thương bất phú”. Nào là ban đầu đã gặp những khó khăn, quá trình khắc phục, sáng tạo và vượt qua. Nào là cần định hướng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở nơi đâu đạt hiệu quả cao cũng như cách quản lý nhân công người bản xứ ra sao để thu phục được lương tâm và trách nhiệm của họ... Cuối cùng anh kết luận:
- Miễn sao phải có nhiệt tình và quyết tâm cao, nắm bắt tình hình và chuyển hướng nhanh thì mới đạt được kết quả như mình mong muốn.
- Có nghĩa là anh xây lâu đài bằng sự gặt hái trên những luống rau và đàn gia súc của mình? Tôi nóng vội hỏi lại. Sau đó, ngừng một lát tôi lấy sổ định “phỏng vấn” thêm dăm câu ba điều nữa về chủ đề Xây nhà lầu trên những luống rau, nhưng chưa kịp...
Thì Bộ đã nhoẻn miệng cười tươi như hoa, thân tình mời:
- Anh đã nghe, vậy thì muốn biết cụ thể hơn nữa hãy đến Kherson, tới gia đình tôi đi nào.
Chả cần đắn đo suy tính, tôi gật đầu ngay.
Thú vị thay, gặp “Người thật việc thật”, có lẽ ta chỉ còn cách làm theo nữa thôi, phải không các bạn? Hơn nữa, vừa qua tại cuộc họp chuyên đề khắc phục khó khăn hiện tại, tìm hướng đi mới do Hội người Việt Nam, Đảng ủy và Hội doanh nhân Việt Nam tỉnh Kharkov tổ chức có ý kiến nêu ra. Ngoài kinh doanh tại chợ, chúng ra cần đầu tư thêm trồng trọt, chăn nuôi và nhà hàng nữa thì may ra kinh tế mới vững vàng như con người đi bộ trên mặt đất bằng hai chân của mình.
Tâm đắc quá, tôi viết vội dòng tâm sự này, chia sẻ cùng bạn đọc gần xa với mong mỏi đồng hành cùng nhau theo hướng “Xây nhà lầu trên những luống rau”. Tin tưởng và hy vọng sẽ thành công một khi chúng ta quyết tâm, đoàn kết một lòng như người Ucraina thường nói: “Cùng nhau sẽ chiến thắng”.
NTC
“Bạn Đồng Hành” – Kharkov