Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Đường xa…cứ đi rồi sẽ đến!

Thứ hai, 03/08/2015 | 16:11

Cộng đồng người Việt Nam tại Ucraina, không ai có thể ngờ được mọi chuyện lại có thể xảy ra như thế. Đất nước Ucraina xinh đẹp, yên bình và đang làm ăn bình thường lại có thể thay đổi 180 độ. Chiến tranh, khủng hoảng kinh tế xảy ra làm cho cuộc sống của bà con mình đảo lộn hoàn toàn. Cuộc đời đang rất đẹp và thuận lợi bỗng thay đổi tất cả. Biết làm sao được. Mọi chuyện xảy ra không ai có thể biết trước và người dân Ucraina còn phải chấp nhận thì chúng ta, một thành phần người nước ngoài nhỏ bé cũng phải chấp nhận và thích nghi với tình hình mới.

Đường xa…cứ đi rồi sẽ đến!

Nói thì như vậy nhưng không phải ai cũng có thể chấp nhận hiện tại và đi tiếp. Nhiều người trong cộng đồng ta đã phải dừng cuộc chơi. Rất nhiều người đã lên đường về nước. Như chúng tôi đã nói là không phải ai cũng có thể kiếm được một công việc tốt tại quê nhà vì cần có rất nhiều điều kiện như vốn liếng, cầu cửa, quan hệ.v.v.

Câu hỏi về hay ở là một mối quan tâm của nhiều người trong cộng đồng người Việt tại Ucraina. Chúng tôi hiểu rằng đây là vấn đề của mỗi người, tùy thuộc vào khả năng và hoàn cảnh của từng người. Không ai có thể quyết định thay cho các bạn cả. Mỗi người phải quyết định cho số phận của mình và gia đình mình. Những gì chúng tôi chia sẻ cùng các bạn chỉ là những tâm tình của những người đồng hương Việt Nam. Các bạn hãy xem đây như là một tấm lòng và một ý kiến để tham khảo.

Có những người về nước là đúng vì họ đã lớn tuổi, tiền bạc cũng tích lũy được một chút, đủ để nghỉ ngơi. Hoặc là những thanh niên trẻ mới sang Ucraina, họ chưa vướng bận chuyện gia đình vợ con và vốn liếng không có. Còn đa số trong bà con ta là phải tiếp tục ở lại vì con cái đang học hành dở dang và nhất là đã quen với cuộc sống và khí hậu nơi đây. Về Việt Nam cũng phải đi làm, ở đây cũng phải đi làm.

Làm thuê ở Ucraina có ai nhận không? Nhiều người nghĩ là không. Chúng tôi nghĩ là có. Làm giàu mới khó. Làm thuê đâu có khó. Khó nhất là lòng người có muốn hay không. Vấn đề là bạn có dám chấp nhận thay đổi, chấp nhận tồn tại để chờ thời hay không? Một công việc nhẹ nhàng lương cao thì khó chứ lao động bình thường thì chắc không khó. Ở Kharkov theo quan sát của chúng tôi thì lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp và may mặc vẫn rất thiếu công nhân.

Vấn đề ở đây là sự kết nối giữa người cần việc và những người có nhu cầu chưa có. Nếu là người địa phương thì mọi việc rất đơn giản, còn với người Việt là cả một vấn đề. Ngôn ngữ, ngoại hình, giấy tờ là những trở ngại đầu tiên. Dù vậy thì quyết tâm của mỗi người vẫn là quan trọng nhất. Nếu muốn thì sẽ vượt qua được. Phải chuẩn bị tinh thần vì cuộc khủng hoảng tại Ucraina sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa chứ không thể kết thúc một sớm một chiều.

Việc buôn bán ở chợ vẫn tiếp tục trong bất cứ hoàn cảnh nào nhưng luật chơi và cách làm ăn đã thay đổi. Sẽ không bao giờ còn có sự dễ dàng như trước lúc khủng hoảng. Người dân sẽ mua sắm và chi tiêu ít lại. Những người kinh doanh buôn bán phải có tính chuyên nghiệp cao. Phải có vốn liếng, uy tín và sự nhạy bén trong kinh doanh. Chuyện “tay không bắt giặc” đã hết thời. Khủng hoảng là cơ hội để thay đổi và sắp xếp lại mọi thứ.

Để thay đổi một thói quen với một công việc đã gắn bó quá lâu đúng là rất khó. Không có một sự thay đổi nào là dễ dàng. Công việc buôn bán tại chợ vốn nhàn nhã và xông xênh giờ chuyển sang công việc khác vừa thu nhập thấp vừa gò bó về thời gian, rõ ràng là không ai muốn nhưng nếu không còn khả năng để kinh doanh thì đây là thời điểm quyết định cho sự thay đổi bắt buộc đó. Câu hỏi mà mỗi người trước khi về Việt Nam cần phải tìm câu trả lời là “tôi sẽ làm gì ở Việt Nam?”.

Sỡ dĩ anh em chúng tôi luôn đặt vấn đề “về hay ở” đối với mọi người trong cộng đồng là vì mong muốn mọi người trong cộng đồng ta tiếp tục trụ lại Ucraina. Đây là một mảnh đất hiền hòa, tươi đẹp và vẫn có cơ hội nếu chúng ta biết cách và kiên nhẫn. Một ví dụ, tại cộng hòa Séc, một quốc gia nhỏ bé với diện tích chỉ xấp xỉ 1/10 Ucraina với dân số khoảng 10 triệu người mà cộng đồng người Việt tại đó có đến 65.000 người (sống hợp pháp) và được công nhận là dân tộc thiểu số lớn thứ tư tại đây. Cộng đồng người Việt tại Séc không chỉ kinh doanh buôn bán mà còn làm rất nhiều công việc khác nhau trên mọi lĩnh vực. Một trong những lĩnh vực mà người Việt tại Séc đang chiếm lĩnh thị trường đó là dịch vụ làm đẹp (làm nail) với khoảng 3000 cửa tiệm.

Đất Ucraina rất mầu mỡ và rất thuận tiện cho việc chăn nuôi hay trồng trọt. Đã có rất nhiều bà con ta mua nhà ở các vùng ngoại ô để làm nông nghiệp. Công việc nhà nông rất vất vả nhưng trong giai đoạn khó khăn này thì công việc của họ rất ổn định và vẫn có thu nhập. Chính quyền Ucraina đang có kế hoạch bán dần các trang trại sỡ hữu nhà nước cho các nhà đầu tư. Thụy Sĩ cũng tuyên bố là sẽ đầu tư 100 triệu đôla vào ngành nông nghiệp Ucraina. Các doanh nghiệp và các tập đoàn của Việt Nam vẫn chưa để mắt đến lĩnh vực này, hy vọng là đại sứ quán Việt Nam sẽ làm cầu nối để các doanh nhân lớn Việt Nam đầu tư vào Ucraina để tạo công ăn việc làm cho bà con ta.

Đường xa…cứ đi rồi sẽ đến!

Một lĩnh vực nữa mà nhiều doanh nhân Việt Nam đang làm tốt đó là đầu tư vào lĩnh vực may mặc. Do giá đôla tại Ucraina tăng cao và đồng grivna xuống thấp nên lượng hàng may mặc nhập khẩu vào Ucraina đã giảm mạnh. Bù vào khoảng thiếu hụt đó là hàng may mặc tại chỗ. Hiện tại đã có hơn 60% hàng hóa bán tại chợ là hàng sản xuất tại Ucraina. Đa số các xưởng may này đều do người địa phương làm chủ, người Việt còn rất ít và nếu có thì cũng sử dụng công nhân là người Ucraina.

Trong một buổi hội thảo tại Kiev về chủ đề tìm cách vượt khủng hoảng do sứ quán tổ chức đã có một doanh nhân ở Odessa đề nghị là cộng đồng ta nên tập trung phát triển ngành may mặc tại chỗ thành một thế mạnh của cộng đồng. Ý tưởng này rất hay và có thể thực hiện được nhưng rồi do thiếu người cầm chịch nên mỗi người phát triển theo cách của mình và đến nay vẫn là tự phát và manh mún. Tính kết hợp của người Việt ta còn yếu nên sự chia sẻ và đoàn kết vẫn chưa cao, thay vì xem nhau như những đồng nghiệp thì chúng ta lại xem nhau như đối thủ cạnh tranh. Trong khi thị trường là rất lớn và chỉ sợ làm không hết việc.

Thời gian là vàng bạc, tuy vậy rất nhiều bà con ta đang hoang phí thời gian. Dạo quanh một vòng chợ ai cũng có thể thấy được cảnh bà con tụ tập chơi cờ. Chuyện tiền bạc chỉ là một phần, phần quan trọng hơn là không còn tập trung cho công việc chính của mình. Càng khủng hoảng và càng khó khăn thì càng cần sự tỉnh táo và cố gắng. Vẫn có những người làm việc miệt mài và không có thời gian để nghỉ ngơi. Mọi sự nỗ lực và cố gắng đều có kết quả, không nhiều thì ít. Chỉ có không làm gì mới không có kết quả gì.

Một tấm gương mà chúng tôi rất thán phục đó là ông Nguyễn Trọng Cơ, tổng biên tập của báo “Bạn Đồng Hành”, dù đã đến tuổi nghĩ hưu và dù ông có đủ điều kiện để nghĩ ngơi nhưng sự đam mê, khát khao cống hiến cho cuộc đời và cộng đồng vẫn luôn cháy bỏng. “Bạn Đồng Hành” là kết quả của sự đam mê và cố gắng đó.

Một thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến mọi người trong cộng đồng đó là, đường dù xa bao nhiêu đi nữa nhưng cứ đi rồi sẽ đến. Đường đời dù chông gai nhưng không đáng sợ bằng lòng người thiếu quyết tâm và can đảm.

Hoàng Long –Kharkov (Bạn Đồng Hành)


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN