Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Để có được một lời xin lỗi

Thứ ba, 28/07/2015 | 19:58

“Trong cuộc sống để có được một cảm nhận đẹp về mối quan hệ giữa người và người thì vừa rất khó mà cũng vừa rất dễ. Một ánh mắt cảm thông, một nụ cười chia sẻ, một câu cảm ơn, một lời xin lỗi chẳng hạn. Đâu có khó gì? Ấy vậy mà, để có được điều đó, được nghe một lời như vậy, nhận được một nụ cười như thế, thấy được những ánh mắt làm ấm lòng người nhiều khi lại quá hiếm hoi! Vì sao?”

Để có được một lời xin lỗi

Đọc hết lời mở đầu của bài báo dạng bình luận với tựa đề “Để có được một lời xin lỗi” – Mà tôi vô tình đọc được khi xếp lại chồng báo cũ trong “Thư viện” cá nhân của mình – cảm thấy thấm thía quá. Bởi nội dung của nó rất sát thực với cuộc sống hiện giờ, khi quanh ta, quan hệ đối nhân xử thế “Người với người là bạn” còn nhiều khiếm khuyết, còn lắm lỗi lầm.
Từ lâu, vốn tâm đắc với chủ đề mang tính giáo dục này, tôi tìm đến ngay N – cùng dân chợ búa “Tâm đầu ý hợp” – đang tác nghiệp ở một góc chợ nọ, tâm sự:
- N à! Ngẫm sự đời còn nhiều ngang trái. Ngỡ ai cũng hiểu lời cổ nhân dạy - “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” để ứng xử có văn hóa. Nào ngờ...
Tôi cố tình bỏ lửng câu để thăm dò quan điểm của đối tác xem có trùng với ý mình không. Té ra rất hợp nhau. N thổ lộ:
- Thật lòng, tớ cũng chả hiểu vì sao lời “Xin lỗi” nhẹ như lồng hồng ấy lại nặng nề đến nỗi Kẻ mắc lỗi không há miệng nổi. Chứ không như dân địa phương – Ngừng một lát, giọng tự tin, hắn khẳng định – Họ là người rất trách nhiệm với bản thân, với xã hội. Nếu chẳng may lỡ để xảy ra hành vi thiếu văn hóa như hút thuốc lá nơi công cộng, vứt rác bên bồn hoa, nói hoặc cười to chốn đông người bị ai nhắc nhở là nhanh mồm nhanh miệng “Xin lỗi” ngay. Đúng không cậu?
Gật đầu đồng tình. Sau đó để chứng minh nhận định trên là có cơ sở, tôi bèn giở trang báo, đọc rành rọt từng câu cho rõ ý rõ lời:
- Trong “Sửa đồi làm việc” – viết năm 1945, Bác Hồ đã mấy lần nhắc đến câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” để lưu ý cán bộ trong ứng xử với quần chúng, trong quan hệ với nhân dân. Mà xem ra, những ứng xử người ta gọi là “có văn hóa” phải được đơm hoa, kết trái từ một nền tảng văn hóa thường xuyên được vun trồng, chăm bón...
Vừa nghe tới đây, N reo lên:
- Điều này thật bổ ích cho những ai thuộc thành phần lãnh đạo:
“Gượm đã nào” Tôi ngăn lại, sau đó đọc tiếp:
- ... Đúng như lời dạy của ông cha ta, “Cần phải thăm dò cái gốc của nó”, lại phải tưới tắm cho cái ngọn của nó, mở rộng nguồn của nó, lại phải buông lơi cái dòng của nó. Và Bác là tấm gương mẫu mực về tác phong ứng xử thân tình, cởi mở khiến người gặp Bác luôn cảm nhận được sự thoải mái và sự bình đẳng, chan hòa, gần gũi.
Người ta gọi đó là một trong những nét đẹp thể hiện “Văn hóa lãnh đạo”. Mà xét đến cùng, phẩm tính của con người như thế nào sẽ được thể hiện ra trong tác phong, trong lời ứng xử, lời nói và việc làm không vênh, không trái nhau, không nói một đằng làm một nẻo, nói vậy mà không phải vậy...
Vừa ngừng lời, bỗng ngẩng đầu lên thấy khuôn mặt hắn ửng hồng toàn diện, ngạc nhiên tôi hỏi: “Cậu bị bệnh cao huyết áp hả?”
Ngượng ngượng lắc đầu, N đáp:
- Nghe câu “Nói vậy mà không phải vậy”, liên hệ với bản thân, tớ cảm thấy thèn thẹn với lương tâm mình thế nào ấy!
- Cậu không đùa đấy chứ! Tôi “vặn” lại.
Thẳng thừng “Không”. Sau đó N vào đề luôn:
- Giữa tháng 7 năm ngoái, dù cho tình hình chính trị nước sở tại bất ổn, khủng hoảng kinh tế còn nặng nề, nhưng chợ búa vẫn nhen nhóm “khởi sắc” cho những mặt hàng khi thời tiết vào Thu. Nhất là đồ dùng trang thiết bị cho học sinh vào năm học mới như gia đình tớ. Thế nhưng, niềm vui đang dâng tràn thì nỗi buồn cũng ập đến. Mấy tháng liền “Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” khiến hạnh phúc gia đình tưởng chừng như tan vỡ.
- Vì sao? Tôi không tin, gặng hỏi.
Chép miệng thở dài, N đáp:
- Thì cậu tính trong tay có sẵn đồng tiền, người ta dễ sinh hư lắm. Và con đường dẫn đến lỗi lầm ấy là cờ bạc.
- Có nghĩa là, trong số đó có cậu. “Dựng tóc gáy” tôi nhún vai hỏi. Rồi đặt vấn đề - Chắc, trong những canh bạc thâu đêm, suốt sáng lẫn ngày mai ấy, cậu được Vũ Trọng Phụng (tác giả cuốn tiểu thuyết – Số Đỏ) cứu trợ nên mới giữ được phong độ như bây giờ chứ gì?
Khuôn mặt trở lên nghiêm túc, N giải thích:
- Không hẳn như vậy. Vấn đề chính là phải biết điểm dừng. Và quan trọng hơn là dám nhận lỗi trước vợ và thực hiện lời hứa, “Nói là làm” để quyết tâm từ bỏ những con bài, xem ra còn hấp dẫn hơn cả những cô gái chân dài.
- Vợ cậu quả là người phụ nữ độ lượng và giàu lòng vị tha – xuýt xoa khen xong, tôi trải lòng – chứ chả bù cho vợ tớ. Mới tuần trước, nể M – từ quê nhà mới sang, giấu vợ hút liền tù tì mấy điếu thuốc lá “ba con 5” cho bõ thèm. Mặc dù đã cam kết với “Nửa cuộc đời mình” sẽ tuyệt hẳn. Về nhà bị bà xã phát hiện ra, thanh minh mãi không thuyết phục nổi. Kết quả. Đêm ấy tớ bị vợ phạt “Việt vị” cho đến tận sáng, có oan không cơ chứ!
Cùng đề tài này, N nhấn mạnh:
- Đặc biệt đối với trẻ thơ “Nói vậy mà không phải vậy” là điều tối kị nhất.
- Dĩ nhiên. Sau đó để chứng minh chính kiến của hai đứa có chung một quan điểm, tôi tự kể - Hồi tháng 6, hứa đưa cô con gái “Rượu” đến công viên Gooc-ki (Kharkov) chơi, đến nay chưa thực hiện được, chỉ vì chợ đuội, quá lo lắng làm ăn. Hôm vừa rồi nó phụng phịu trách tớ “Nếu con tự đi được một mình thì đâu cần đến ba”. Nghe ‘Ngượng đến chín cả người”, buộc tớ phải nhận lỗi và hứa như đinh đóng cột “Sau buỗi lễ khai giảng năm học mới bà và cả mẹ nữa, sẽ đưa con đến đó”. Nhìn đôi mắt nó long lanh “cười”, lòng nhẹ hẳn và tới đây dứt khoát “Nói vậy là phải làm vậy”.
Im lặng một hồi, N mới ngỏ lời chia sẻ:
- Thực ra, để có được một lời “Xin lỗi” cho vừa lòng nhau đâu khó. Nghiêm túc thực hiện mới là vấn đề cần phải bàn. Hoặc hiệu quả hơn là “Làm trước nói sau” thì chả bao giờ cần xin lỗi.
“Cậu chỉ được cái nói đúng thôi”. Tôi buột lời khen. Rồi để “Nói có sách, mách có chứng”, tôi đọc mấy dòng tiếp theo của bài bình luận:
- “... Điều này chẳng có gì mới. Cách đây hai mấy nghìn năm, Cụ Khổng đã khuyến cáo các nhà làm chính trị”Tiên hành Kỳ ngôn”, tạm dịch là làm trước điều mình muốn nói rồi hãy nói. Nếu “Nói năng khéo léo” nét mặt giả bộ niềm nở, thái độ quá cung kính hoặc giấu lòng oán mà bề ngoài làm bộ thân thiện thì Khổng Tử lấy làm thẹn khi gặp phải những con người như vậy.”
Vừa nghe xong, đến lượt mình, N khen tôi hết lời:
- Cậu giỏi sưu tầm thật. Nhất là tình hình hiện nay khó khăn khách quan ngày một chồng chất, quan hệ gia đình, bạn bè kể cả “Người lãnh đạo” với nhau còn nhiều ngang trái thì chủ đề “Văn hóa ứng xử” nói chung và “Lời xin lỗi” nói riêng mà cậu và cả tớ nữa, đưa ra là quá thích hợp.
Mải tâm sự, chợ thưa dần “vắng tanh vắng ngắt”. Trước khi chia tay, N hỏi nhỏ tôi:
- Cậu có biết, vừa qua ở một đơn vị cộng đồng xả ra lục đục nội bộ không?
“Loáng thoáng thôi” Tôi vội đáp. Sau đó bày tỏ một vài suy tư nhỏ về những điều “Nghe thấy mà đau đớn lòng” ấy:
- Chỉ tiếc rằng, hậu quả xấu để lại cho mỗi người đã đành mà còn cho cả tập thể nữa.
- Theo tớ, lỗi lầm ấy, trước hết chỉ vì họ “quên mình là ai, đang ở đâu và làm gì”. Sau là không thành khẩn nhận lỗi trước những hệ lụy do họ tự gây lên. N bộc bạch.
Khen thầm bạn “Tư duy quá chuẩn”, tôi thổ lộ thêm:
- Vì thế, một khi đã vương vấn vào chuyện này rồi nếu lần khần, trốn tránh mãi mới đưa ra lời “Xin lỗi” thì đã khá muộn. Nhưng muộn còn hơn không.
Hẹn gặp lại nhau.Tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm và có lẽ cả hắn nữa. Vì đã giãi bày được phần nào những băn khoăn, những tấm tức trong mình bấy lâu. Để rồi, có được một lời “Xin lỗi”, dường như hai chúng tôi đều có chung một ước vọng đến cái thiện. Mà đã là ước vọng thì bao giờ cũng nhuốm ít nhiều chất ảo tưởng. Nhưng chính ước vọng là nguyên cớ đem lại cho con người sự kiên nhẫn để mà sống.


Văn Nhân
“Bạn Đồng Hành”


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN