Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Vay không trả ...là quỵt

Thứ bảy, 18/07/2015 | 19:33
Hiện tượng “Vay không trả rồi ẫm ờ lờ đi khác gì quỵt” phải không các bạn?

Vay không trả ...là quỵt

Ảnh minh họa

Chính xác 100% tôi có thể tự tin trả lời như thế. Bởi hành vi “Ngược đời” ấy bấy lâu nay ta thường gặp. Và, Hội cũng đã từng nhắc nhở, phê bình, cảnh cáo. Thậm chí còn xử phạt nặng nề công khai đưa ra dư luận báo chí để làm gương cho mọi người. Nhưng, tiếc thay “Ngựa theo đường cũ” cho đến bây giờ vẫn còn tái diễn. Kẻ lừa đảo xuất  nhiều dưới nhiều dạng, muôn hình muôn vẻ khác nhau làm cho bao nước mắt buồn rơi theo.
Thật vậy, những ngày qua, tai nghe mắt thấy khiến tôi không đành lòng viết nên đôi dòng tâm sự này. Trước là, những mong chia sẻ cùng ai “Nhẹ dạ cả tin nên mắc cỡ”. Sau là, muốn khơi dậy lòng tự trọng của những kẻ “Tham vàng bỏ ngãi”, hãy tỉnh ngộ để sống cho ra sống vì lương tâm và tránh nhiệm đối với bản thân, hạnh phúc gia đình lẫn tương lai con cháu mai sau.
Chắc mọi người còn nhớ, vào đầu năm ngoái khi nơi ta sống đang dấy lên cuộc khủng hoảng về chính trị và tài chính, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống yên bình của người dân ở đây. Trong cộng đồng Việt Nam thì Nguyễn Thị Mến tráo trở, lừa đảo bạn bè, đồng nghiệp một khoản tiền khổng lồ rồi trốn biệt tăm tại một nước thứ 3 nào đấy, trong cảnh cô đơn chờ định mệnh trừng phạt. Và, có lẽ không cần bới “Đống rác cũ” ấy lên nữa khi trong cổ họng chúng ta giọng vẫn lờm lợm. Nhưng vì cả một năm trôi qua, trà trộn trong dòng người về quê trước thềm Tết dương lịch 2015 và Tết cổ truyền dân tộc Xuân Ất Mùi, có một số kẻ trốn nợ khiến những ai có liên quan ít nhiều, bức xúc khôn nguôi trước thái độ tạm dịch là “Lừa thầy phản bạn” ấy. Thêm vào đó sang tháng 3, nắng ấm lên rồi chim kéo và hàng đàn làm tổ khắp chốn mà chợ vẫn lèo tèo khách mua mặc dù đã thưa người bán cả Tây lẫn Ta. Từ chợ ra trong ra chợ ngoài khá nhiều dãy cửa hàng còn giữ nguyên trang giấy trắng A4, đậm nét dòng chữ với nội dung “Bán hoặc cho Thuê” nên hễ có dịp gặp nhau là lại túm năm tụm ba “buôn dưa lê” chuyện đời, chuyện mình cho khuây khỏa nỗi buồn. Kể cả tôi thuộc dạng “viên chức nghèo”, do chi tiêu dành dụm mãi mới được dăm ba đồng từ mồ hôi, nước mắt của mình cũng bị mấy thằng bạn thân tưởng chừng đã “nối khố” từ lâu “bạc tình” cắt đứt dây quan hệ chỉ vì tiền. Nhiều khi định nhắc nhưng sợ “Há miệng mắc quai” đụng chạm đến “tình bạn xưa” nên đành nín lặng, im lòng chờ đợi. Biết rằng “Đến mùng cửu” vẫn “Ngậm bồ hòn làm ngọt” thì có đau đớn không cơ chứ!
Hôm vừa rồi – Sau ngày lễ Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3, son phấn túi ví da “bạn đồng hành của chân dài” còn chậm hẳn thì còn kể gì đến hàng vải, hàng len dạ - bất chợt nhìn thấy M đủng đỉnh đi lên từ dãy cửa hàng BA – từ lâu vẫn được ví như Chùa Bà Đanh. Tôi kéo tay lại, hỏi luôn:
- Có bận đi đâu không đấy?
- Chợ búa này có mà rỗi cả ngày. Chép miệng thở dài rồi đặt vấn đề - Muốn gặp riêng nhau hử?
Liếc nhìn bộ mặt ủ rũ đầy tâm trạng của M, tôi cố đùa vui, đáp rõ to “Dĩ nhiên”. Sau đó tôi ghé sát vào tai hắn, gợi ý:
- Ta lên Hương Việt chăng?
Chẳng nói chẳng rằng, M gật đầu luôn.
Chỉ sau mấy phút chúng tôi đã có mặt tại gian lớn bán đồ ăn, giải khát và dịch vụ, giấy tờ đủ thứ. Phải thừa nhận, trước đây “Trung tâm đặc sản và ẩm thực cổ truyền Việt Nam” này lúc nào cũng tấp nập khách Tây Ta ra vào từ sáng sớm đến chiều muộn. Nhưng tiếc thay gần một năm nay, do khủng hoảng kinh tế ngày một gia tăng khiến người lai vãng vắng hẳn theo chiều chợ đang “xuống dốc không phanh”. Tuy nhiên lẽ thường ngày vẫn có một vài nhóm cả nam lẫn nữ, người Việt mình tụ tập quanh chiếc bàn vuông, nhâm nhi chén chè xanh chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cho nhau, thi thoảng, hòa nhập vào không khí ấm cúng ấy có tôi và M.
Bữa nay, chả hiểu vì sao đợi mãi không thấy anh bạn thân cùng hội cùng thuyền hiện diện nên tôi và M đành tạm ngồi tay bo ở một chiếc bàn cuối dãy bên cạnh cặp nam nữ người địa phương đang thưởng thức phở.
Uống xong một ngụm cà phê hòa tan G7, tôi tranh thủ mở đầu câu chuyện theo chủ đề mà mình đã từng ấp ủ. Sau khi đưa ra một số trường hợp cụ thể “Vay tiền không trả” bằng cách lặng thinh hoặc trốn biệt tăm tích đã từng diễn ra trong cộng đồng vào những năm gần đây nhất để chứng minh chủ đề trên mang tính hiện thực, cần được mổ xẻ, phân tích, ngăn chặn kịp thời, rồi nghiêm túc hỏi M:
- Cậu thấy thế nào?
- Rõ như ban ngày ấy anh – Ngưng một lát, khuôn mặt vốn buồn thảm chở lên đăm chiêu, M thổ lộ - Hơn nữa, nghiệm từ trường hợp éo le của em ra, cảm thấy giận thì giận mà thương cũng càng nhiều trước lỗi lầm của những đứa bạn vô ơn bac nghĩa ấy!
Nhớ lại hồi năm ngoái nghe M tự kể là cho K là người cùng quê vay vốn làm ăn, phát triển kinh doanh, tôi hỏi thẳng:
- Từ ngày ấy đến nay K vẫn trả cậu phần trăm đều như vắt chanh vào đầu tháng chứ?
Chép miệng thở dài, M chậm rãi:
- Được chừng nửa năm. Sau đó thấy chợ búa kém, em tự xuống thang bỏ lãi và đồng ý cho K  trả dần gốc với đô thấp để tạo điều kiện cho hắn hoàn thành trách nhiệm và lương tâm của mình. Nào ngờ suôn sẻ được mấy tháng, hắn lại tự đánh mất mình bằng cách khất lần rồi “tịt” hẳn. Trước Tết âm lịch vừa rồi “cực chẳng đã”, em bấm máy liên tục gọi điện thoại cho hắn để hỏi cho ra nhẽ  thì đều nhận được câu trả lời lạnh tanh bằng tiếng Nga “ngoài vùng phủ sóng”. Hỏi anh, em phải làm gì để vừa giữ được “Tình người với người là bạn”  vừa lấy lại được sự “Quang minh chính đại” của mình.
- Dẫu sao cũng đã đến chân tướng rồi. Theo tớ, không còn con đường nào khác là phải viết đơn lên Hội thôi. Tôi chân tình khuyên rồi khẳng định, chắc chắn đây là phương pháp hữu hiệu nhất vì vậy nên cần hành động ngay. Càng sớm càng tốt, chứ để lâu “cứt trâu hóa bùn” đấy!
Nghe tôi nói, ánh mắt hắn rực sáng niềm tin, chợt xịu xuống hẳn với lời than “đau đớn lòng”.
- Nhưng hiềm nỗi 2 đứa không viết giấy biên nhận cho nhau thì lấy đâu ra bằng chứng để xác minh cơ chứ.
- Nguy hiểm thật! Vì sao cậu lại có thể quên nguyên tắc bất di bất dịch ấy! – Tôi ngạc nhiên hỏi.
Hắn rầu rĩ thổ lộ:
- Thì anh tính người “cùng phố huyện” thuở trước, cùng dân chợ búa ngày nào lại thân nhau như ruột thịt thì cần gì tờ giấy trắng vô hồn ấy hả anh?
Cảm phục tấm lòng nhân ái “Thương người như thể thương thân” và niền tin không bờ bến của M, tôi tìm lời an ủi:
- Tuy vậy, tớ vẫn hi vọng hắn sẽ nhận ra lỗi của mình rồi quay về cái Thiện vốn có của con người như thuở lọt lòng. Cậu đồng ý chứ?
Thay cho câu trả lời “Tán thành”, M gật đầu liên tục mấy lần rồi đột ngột hỏi tôi:
- Còn anh? – Không để tôi kịp phản ứng, hắn thao thao bất tuyệt luôn cứ y như người trong cuộc ấy – Gần một năm trời nay “nàng” Đ “thon thả giọt đàn bầu” của anh (tủm tỉm cười) chuồn về Việt Nam. “Một công đôi việc”, vừa về quê lánh nạn, vừa tránh tiếng xấu “Vay không trả khác chi quỵt” quả  là tuyệt diệu.
Đang lời tiếp lời bỗng hắn dừng lại. Nhìn vào mắt tôi, hắn đặt vấn đề:
- Hỏi thật có bao giờ anh nản chí đành lòng bó tay trước sự khôn ngoan, tráo trở của con nợ “Má lúm đồng tiền” ấy không?
- Lẽ nào! - Tôi trải lòng – Bởi đây là thành quả lao động từ mồ hôi công sức lẫn thời gian của bản thân mình. Nhưng làm gì được khi cô ta cố tình trốn tránh lẩn khuất ở Việt Nam  mà mình thì ở bên này. Tìm đâu cho ra.
- Thế anh đành chịu bó tay, chịu thua để chị ta cướp trắng khoản tiền mồ hôi đó à?
Đến lượt tôi rơi vào thế bí, đứng ở giữa ngã ba đường không biết lựa chọn:
- Theo cậu, tớ phải làm gì?
Hóm hỉnh cười, M mách khéo:
- Qua Hội, anh viết đơn gửi thẳng lên Sứ quán đề nghị can thiệp với lí do xác đáng. Việt Nam không phải là nơi cư trú cho những đối tượng “Vay không trả là quỵt”, mà đã quỵt tức là phạm tội, cần phải trừng trị theo pháp hiện hành.
Được M chia sẻ thêm, tôi cảm thấy tinh thần phấn chấn hẳn, quyết tâm làm cho ra lẽ để cộng đồng mình ngày một trong sạch và vững mãnh.
Trước khi tạm dừng dòng suy tư theo chủ đề trên và cũng là để thay cho lời kết, tôi xin được ghi lại mấy câu tâm đắc trong bài hát “Trở về cát bụi”:
...Sống trên đời này tựa phù du có đây rồi lại mất
Cuộc sống mong manh xin nhắc ai đừng đổi trắng thay đen
Nào người sang giàu đừng vì tham tiền bỏ nghĩa anh em ...


Văn Nhân
“Bạn Đồng Hành”