Ông bà ta thường nói: “đến bát đũa còn có lúc xô nhau”, ý muốn chúng ta hiểu rằng mâu thuẫn, khúc mắc giữa con người với con người là không thể tránh khỏi. Gắn bó máu thịt như anh chị em hay yêu thương “ăn đời ở kiếp” như vợ chồng cũng còn có lúc bất đồng, huống chi là những người ngoài…
Có hiểu như thế thì khi mâu thuẫn, khúc mắc xảy ra, chúng ta mới có được thái độ bĩnh tĩnh và lối cư xử hợp tình, hợp lý nhất để giải quyết vấn đề. Trong cơn bức xúc, bất bình, điều dễ nhất là chúng ta làm cho mọi chuyện ầm ĩ lên, thậm chí phức tạp thêm, mà chúng ta lại cứ nghĩ là mình đang “làm cho ra nhẽ”. Điều khó hơn nhưng chắc chắn cũng mang đến cách giải quyết khôn ngoan, thấu tình đạt lý hơn đó là sự bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo của mỗi người.
Với cộng đồng chúng ta, câu chuyện giải quyết mâu thuẫn chẳng còn là mới. Nhiều vụ tranh chấp hay mâu thuẫn đã được Ban hòa giải cùng bà con giải quyết êm đẹp khi các bên đều có thiện chí, nỗ lực để tìm tiếng nói chung. Nhưng cũng có không ít những câu chuyện “lợi bất cập hại”, “bé xé ra to” khi mà người trong cuộc đã không giữ được sự bình tĩnh, họ tìm đến cách giải quyết “nặng nề” mà sau đó đã gây tổn hại đến biết bao người, thậm chí cả cộng đồng, trong đó có họ…
Về phía Hội người Việt Nam tỉnh Odessa, cao hơn nữa là Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina, công tác hòa giải cũng như đảm bảo an ninh nội bộ từ trước đến nay vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu. Riêng BCH Hội đã thiết lập rất nhiều kênh tương tác thông tin với bà con thông qua các đồng chí được phân công phụ trách từng lĩnh vực cụ thể, thông qua các số điện thoại đường dây nóng, qua các cuộc họp cộng đồng, qua sổ góp ý, qua đơn thư phản ánh của bà con…Ban hòa giải của Hội hiện nay là những đồng chí có kinh nghiệm và uy tín cao, hết sức tâm huyết trong vấn đề giữ gìn an ninh, đoàn kết trong cộng đồng. Đại sứ quán – cơ quan đại diện cao nhất của Nhà nước Việt Nam tại Ucraina cũng luôn sẵn sàng tiếp nhận mọi ý kiến của bà con qua đường dây nóng hay qua đơn, thư phản ánh.
Như vậy, khi xảy ra bất đồng, bà con hoàn toàn có thể bắt đầu từ việc đưa ra Ban hòa giải của Hội để giải quyết trong nội bộ cộng đồng. Nếu chưa thấy thỏa đáng, bà con có thể tiếp tục đưa vấn đề lên Đại sứ quán. Trong trường hợp sự giải quyết của các cấp vẫn chưa khiến bà con đồng thuận thì phía Hội và Đại sứ quán sẽ cử những luật sư và phiên dịch có chuyên môn và kinh nghiệm nhất để hỗ trợ bà con đưa vấn đề ra chính quyền và luật pháp Ucraina.
Việc nôn nóng, vội vàng nhờ đến thế lực “đen” bên ngoài hay đưa ngay vụ việc ra chính quyền, pháp luật sở tại thường sẽ mang đến những hậu quả mà bà con chưa lường trước.
Nhiều bà con ta không thạo tiếng Nga nhưng lại vội vàng nộp lên chính quyền những đơn, thư phản ánh bằng ngôn ngữ đó. Đôi khi chỉ một câu chữ dùng không chính xác, tính chất của sự việc đã khác xa. Ví dụ, nếu viết “tôi nghĩ rằng…” thì nó là một một đơn thư phản ánh, nhưng nếu chỉ điều chỉnh một chút thành “tôi cho rằng…” thì đó có thể trở thành đơn tố cáo người khác với sự khẳng định chắc chắn. Một số bà con đã tự thuê phiên dịch bên ngoài nhưng nếu phiên dịch không thực sự giỏi tiếng Nga, chuyên môn lại chưa cao thì nội dung thông tin có thể rất thay đổi.
Hơn thế nữa, với cách giải quyết “nặng nề” như vậy, nhiều trường hợp đã khiến cho một mâu thuẫn nhỏ giữa các cá nhân phát triển lên thành mâu thuẫn lớn giữa các nhóm người. Cộng đồng mất đoàn kết và hỗn loạn… Một số người nghĩ rằng, đưa ra chính quyền thì sự việc được giải quyết nhanh hơn nhưng thực tế không hẳn như vậy. Không chỉ đơn giản rằng bà con gửi đơn thư phản ánh thế là cơ quan luật pháp sẽ căn cứ vào nội dung đơn thư đó và mọi việc được giải quyết xong. Quá trình giải quyết đòi hỏi cơ quan pháp luật phải thu thập những chứng cứ xác thực. Bà con khi đã đưa vấn đề ra pháp luật cũng cần chuẩn bị kỹ những căn cứ xác thực như thế. Trong nhiều trường hợp, từ một sự việc ban đầu, cơ quan điều tra có thể khai thác, thu thập những thông tin nội bộ khác, gây bất lợi vô cùng lớn cho cuộc sống và công việc làm ăn của cả cộng đồng.
Hiện nay, nhiều thế lực đen muốn “làm tiền” bà con nên thường tung tin thất thiệt làm cộng đồng rối ren, mâu thuẫn để trục lợi. Bà con không tỉnh táo, nếu chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình thì dễ rơi vào bẫy của bọn chúng, làm những việc tổn hại cho cả bản thân và đồng bào mình.
Ông bà ta đã dạy “trong mọi cái lý, vẫn phải có một tí cái tình”. Nói vậy không có nghĩa chúng ta không đi đến tận cùng để giải quyết triệt để vấn đề. Những quyền lợi cá nhân, nhất là quyền lợi về kinh tế, công việc làm ăn của bà con đều đáng được tôn trọng và bảo vệ. Tuy nhiên, nếu có sự bình tâm và tinh thần hợp tác thì chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra cách giải quyết vấn đề thực sự hiệu quả mà không gây tổn hại đến sự ổn định, đoàn kết và phát triển của cả cộng đồng, không gây tổn hại đến quyền lợi của chính chúng ta…
P/v Người Việt Odessa