Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Cảnh buồn người có vui đâu

Thứ tư, 08/07/2015 | 20:12

Thật vậy, vào những ngày hè đẹp trời tháng 6 năm 2015 này, ai đã từng qua Trung tâm thương mại Barabasova “Mục sở thị” cảnh chợ buồn tênh, thưa thớt kẻ mua người bán thì lòng sao vui đặng. Hơn nữa, hiện trạng chợ vắng như Chùa Bà Đanh ấy đã diễn ra từ đầu mùa xuân năm ngoái, kéo dài triền miên đến giữa mùa hạ năm nay. Và rất có thể tiếp tục cả ngày mai nữa, thì dù cho ai đấy có bản lĩnh vừng vàng đến mấy cũng khó tránh khỏi những lo âu, buồn phiền trước số phận và tương lai của bản thân lận đận chợ búa, mưu sinh nơi đất khách quê người. Khi nơi đây còn bất ổn về chính trị, khủng hoảng kinh tế nặng nề còn chưa biết bao giờ mới tới điểm dừng.

Cảnh buồn người có vui đâu

Bởi thế chăng, lúc này câu hỏi nóng hổi “Đi đâu, về đâu?” luôn là nỗi niềm trăn trở, nung nấu trong tư duy và hành động của mỗi người chúng ta. Để rồi, liền mấy tháng qua, từ tết Dương lịch 2015 đến tết Cổ truyền dân tộc dòng người về quê tưởng chừng không ngớt, chảy mãi cho đến tận bây giờ.
Về quê, người tính chuyện định cư lâu dài, làm lại cuộc đời mới nơi đồng xanh trái ngọt. Người định cư trú tạm thời chờ đợi và hy vọng “Sau cơn mưa trời lại sáng” sẽ khứ hồi. Còn ai trụ lại “Quê hương thứ hai” này là những người có nhiều gắn bó yêu thương không thể dứt áo ra đi được. Tự động viên mình, quây quần giúp đỡ nhau và yên tâm vững bước mà đi là con đường duy nhất giúp ta vượt qua sóng gió cuộc đời.
Vì sao cảnh chợ buồn để lòng người không vui, khiến “người đi kẻ ở”, xa cách muôn vạn dặm đường, với bao nỗi nhớ niềm thương chẳng thể nguôi ngoai. Vâng, để có thể giải đáp được phần nào câu hỏi ấy. Xin mời các bạn hãy nghe đôi lời chia sẻ của những người trong cuộc đã từng “Trải qua một cuộc bể dâu”...
Tháng trước hay tin T- anh bạn thân cùng ghế nhà trường năm xưa nay lại cùng nhau chợ búa trên thương trường, chuẩn bị “khăn gói lên đường”, tôi quyết định  đến căn hộ khang trang hắn ở khu chung cư, nằm giữa trung tâm thành phố. Chào hỏi xã giao “Tay bắt mặt mừng” xong, tôi vào đề luôn:
- Nhiều tháng nay chợ đuội thật đấy. Nhưng việc làm ăn của cậu vẫn suôn sẻ. Hàng nhập xuất vẫn đều như “vắt chanh”. Sao lại về quê? – Ngập ngừng một lát tôi ướm hỏi. Mà lần này, về hẳn, hay...
Chả để tôi nói hết câu, T cắt ngang rồi nói thẳng ý mình. “Tớ quyết định cùng gia đình về hẳn. Chứ cứ đứng núi này trông núi nọ mãi, đợi chờ xôi hỏng bỏng không có ngày.” Sau đó, chẳng để ý đến đôi mắt ngỡ ngàng của tôi, hắn thao thao bất tuyệt giải thích cặn kẽ tình hình khách quan. Nào là những năm gần đây, bản thân kinh tế chợ mỗi ngày một suy yếu, cộng thêm siêu thị tư nhân mọc lên như nấm khắp nội ngoại thành Kharkov sinh ra cạnh tranh là tất nhiên. Nào là Ucraina bất ổn nhiều mặt khiến đời sống dân tình nơi mình mưu sinh xuống hẳn. Thu nhập kém lấy tiền đâu ra chợ mua hàng. Nào là buôn bán đóng băng không giao dịch, kho ứ đọng hàng nhiều năm dồn lại thì tồn tại đã khó nói, gì đến phát triển, nói gì đến tương lai thế hệ thứ hai. Nào là đứng trước những khó khăn trước mắt và lâu dài ấy, dân chợ búa phải tỉnh táo, tĩnh tâm hơn thiệt ra sao để chọn con đường nào hợp với hoàn cảnh của mình, tránh được “Lỡ bước sang ngang” một lần nữa... Trước khi kết thúc, hắn nghiêm túc hỏi tôi:
- Còn cậu? Về hay ở?
Lắc đầu, tôi bộc bạch thẳng:
- Từ lâu, chưa bao giờ tớ nghĩ đến chuyện về. Lí do đơn giản là bản thân và gia đình có nhiều ràng buộc với mảnh đất này. Còn là tình yêu nữa thì dễ gì ngày một ngày hai “dứt áo” ra đi được. Ngần ngừ, chần chừ một lát định nói tiếp. Hơn nữa, chả nhẽ bỏ anh em bạn bè một thời chợ búa, một thời vui buồn có nhau ở lại chống chọi với đời hay sao...” Nhưng sợ hắn động lòng, nên thôi. Kịp chuyển sang vấn đề khác, tôi hỏi – Có vé máy bay trong tay chưa?
- Đã, thứ ba tuần sau cả nhà sẽ “cất cánh”. Hồ hởi đáp xong. Như thể lăn tăn băn khoăn điều gì đấy, T trải lòng – Vẫn biết về hay ở lại một vấn đề không thể đơn giản. Bởi, vào thời điểm “Tiến thoái lưỡng nan” này ai cũng hiểu, ở lại khó tìm ra lối thoát mà về là “Cực chẳng đã”. Nhưng cuối cùng, mỗi người cũng phải tìm bằng được cho mình một con đường để thể nghiệm...
Thấy hắn nói quá “chuẩn”, tôi ngắt lời bổ xung luôn”
- Và vài trăm người Việt mình lũ lượt “khăn gói lên đường”, kéo nhau về quê cũng vì mục đích ấy! Đúng không cậu?
Vốn thận trọng trong lời ăn tiếng nói, T lưỡng lự đáp:
- Mai ngày, quanh chợ cậu sẽ thấy ngay thôi mà. Hơn nữa, chính chủ chợ công nhận hiện thời có vài nghìn cửa hàng bỏ trống. Trong đó, ít nhất cũng có chừng vài trăm chủ nhân là người Việt Nam. Và, tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ những ai có nhu cầu.
Nghe T dẫn chứng sự kiện này, nhớ lại những lần dạo quanh các “góc chợ”. Kể cả những ngày thứ bảy, chủ nhật lẫn chiều thứ hai, thứ năm bán buôn thấy nhiều khu đóng cửa, nhiều dãy cửa hàng vắng người qua lại. Nếu có, thì đứng ngồi bên sạp hàng cao ngất, người bản xứ vẫn nhiều hơn người Việt Nam. Thậm chí, trước đây ra chợ đi ba bước chân đã “chạm trán” với ngay chiếc xe đẩy bán nước chè rong, văng vẳng bên tai một giọng nói cội nguồn quen thuộc thì nay đi gặp không biết bao nhiều lần bước chân ấy mới mua nổi một chén chè xanh Thái Nguyên đậm đà hương vị  dân tộc, mới gặp nổi em gái có đôi mắt đen tròn to lúc nào cũng vương vấn một nét buồn trên khuôn mặt... 
Trước khi tạm biệt T tôi hứa:
- Chiều thứ hai tới tớ sẽ đến tiễn cậu và gia đình cho đỡ nhớ mong. Ok
- Ngày “Ốp-tôm”, lo mà bán hàng thôi. Chứ đã là bạn bè với nhau, câu nệ chuyện ý làm gì. Ngại tôi mất buổi chợ chăng, T khéo khước từ.
Nghe nhắc đến từ “Ốp-tôm” cảm thấy như thể động vào nỗi đau của dân chợ búa ấy. Bởi những buổi chợ “Ốp-tôm” là “Của ăn của để” thì nhiều bữa về tay không vì hiếm khách đường dài. Chợ bán lẻ để chi tiêu hàng ngày thì nhiều hôm chẳng mở hàng. Giọng đầy hoài niệm, tôi than thở:
- Biết đến bao giờ Barabasova mới quay trở lại thời xưa ấy!
- Cậu nói gì cơ! – Tròn xoe mắt, T hỏi lại.
Thế là được dịp may, tôi chia sẻ ngay:
- Thì cậu chả thấy đấy ư! Hàng năm trời qua, ô tô đường xa về Kharkov lấy hàng giảm dần rồi vắng hẳn khi bom rơi đạn nổ từ hai tỉnh miền Đông kia ròn rã hơn và phía Bắc hàng rào biên giới khép kín thêm. Cảnh chợ buồn thế. Còn dân chợ búa? Vui sao được khi ra chợ với tâm trạng “Bỏ thì thương mà vương thì tội”. Lúc về với kết quả “xôi hỏng bỏng không”. Vì vậy, ngày “Ốp-tôm” tới, tớ sẽ nghỉ là để giảm đi một nỗi buồn. Đến với cậu là thêm một niềm vui mới trong tình bạn có hơn không à!
Biết không thể từ chối nổi, T hồ hởi nắm chặt tay tôi, hẹn:
- Tớ đợi cậu!
- Nhất định tớ sẽ đến. Tôi phấn khởi đáp.
Nhưng buồn thay, đúng vào ngày chia tay buồn vui lẫn lộn ấy, tôi không thực hiện được được lời hứa của mình muộn màng chỉ vì đi bằng phương tiện giao thông cộng cộng nên thời gian không sao chủ động nổi.
Ra về lòng buồn tênh vì vắng thêm một thằng bạn thân. Chợ cũng trống trải thêm khi một cửa hàng nữa không có chủ. Nhưng dù sao đi chăng nữa, một khi con người luôn có trong mình niềm tin và hy vọng thì nhất định mai này trời sẽ hửng sáng sau trận mưa rào.
Với tôi, bươn trải qua bao sóng gió, qua bao thăng trầm của cuộc đời càng vững vàng niềm tin. Nhất là gần đây, được tin từ Kherson đến Odessa, từ điểm nóng chiến sự Lugansk đến Donesk cả Kharkov mình nữa, phần đông bà con cộng đồng vẫn bám trụ nơi mình sinh sống, góc chợ nơi mình mưu sinh thì đấy chả là niềm vui bất tận sẽ át đi cảnh buồn hay sao?


Kharkov, tháng 7 năm 2015
Văn Nhân.
“Bạn Đồng Hành”


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN