Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Bao giờ hết mưa trời lại sáng

Chủ nhật, 05/07/2015 | 00:38
Người xưa có câu “sau cơn mưa trời lại sáng”, ý nói tình hình bất ổn, không thuận lợi nào rồi cũng sẽ đến lúc qua đi và mọi việc sẽ trở lại bình thường. Đây cũng là câu nói động viên mọi người giữ vững niềm tin vào tương lai. Dù biết là thế nhưng cơn mưa tại Ucraina thời gian qua đã kéo dài gần hai năm mà vẫn chưa thấy tạnh

Cộng đồng người Việt Nam tại Kharkov nói riêng cũng như các thành phố khác tại Ucraina nói chung cũng phải chịu chung với những khó khăn của người dân Ucraina. Công việc kinh doanh của bà con ta tại các khu chợ bán buôn cũng như bán lẻ giảm sút một cách đáng lo ngại. Hàng hóa hầu như phải bán lỗ hoàn toàn, thậm chí chỉ là một nửa giá so với giá mua nhưng vẫn không bán được. Tiền chi tiêu hàng ngày, ăn uống sinh hoạt và con cái học hành đều phải lấy từ tiền vốn hoặc bán được đồng nào tiêu hết đồng ấy. Nhiều người trong cộng đồng ta đã phải khăn gói về lại Việt Nam.

Có hai trường hợp đã quay về Việt Nam trong thời gian qua, đó là những người có vốn liếng tích lũy được sau mấy chục năm bươn chải và có quan hệ tốt ở trong nước, họ muốn về Việt Nam để tiếp tục thử vận may mới. Trường hợp thứ hai là những người không có tiền vốn hoặc là các bạn trẻ mới sang Ucraina. Còn phần đông bà con ta vẫn ở lại, tiếp tục cầm cự và chờ đợi. Cộng đồng chúng ta cũng rất mong và hy vọng cho tình hình chiến tranh nhanh chóng được kết thúc, mọi việc trở lại bình thường. Khu vực miền Đông được đi lại, giao thương và buôn bán như cũ. Dù rất muốn nhưng chúng ta cũng phải đành chờ đợi và hy vọng. Người dân Ucraina gần 45 triệu người chờ được thì chúng ta cũng sẽ chờ được.

Rất nhiều người trong chúng ta đã sống ở Ucraina quá lâu và xem đây như là quê hương thứ hai của mình, nhất là thế hệ thứ hai, là con cháu của chúng ta. Để trở về Việt Nam và kiếm một công việc ổn định và có thu nhập cao không phải là chuyện dễ dàng. Phải có những điều kiện nhất định như vốn liếng, quan hệ làm ăn, cầu cửa, mặt bằng kinh doanh.v.v. Nhiều bà con ta tuổi cũng đã cao, về Việt Nam làm lại từ đầu hay làm lính thì cũng đã hết tuổi và không ai người ta nhận, còn nếu làm chủ thì cũng không đến lượt.

Những người ở lại cũng phải chuẩn bị tâm lý, công việc kinh doanh buôn bán chắc chắn sẽ không còn dễ dàng như cũ ngay cả khi chiến tranh kết thúc. Nhiều thay đổi sẽ xảy ra. Muốn tiếp tục kinh doanh thì cần phải có tiền vốn và uy tín. Nếu không thì phải chọn một công việc khác phù hợp hơn. Ngay cả đi làm thuê, làm mướn. Quan trọng nhất trong lúc này là duy trì được cuộc sống để chờ đợi thời cơ. Khi khó khăn và khủng hoảng diễn ra thì các mối quan hệ hay cung cách làm ăn không có chiều sâu và chụp giật sẽ bộc lộ rõ. Nhiều người vì khó khăn nên đã có những hành động bất chấp lẽ phải, hy sinh uy tín lẫn tình bạn vì tiền. Trong khi đó đây là lúc chúng ta cần đến uy tín và bạn bè hơn bao giờ hết. Nếu không tự chúng ta sẽ loại mình ra khỏi thương trường.

Không ai đoán được tương lai vì thế mỗi người phải tự quyết định cho chính số phận của mình và gia đình mình. Các tổ chức hội đoàn trong cộng đồng cũng không biết tư vấn cho bà con như thế nào cho phải. Trong khả năng có giới hạn của mình, Hội người Việt Nam tại Kharkov cũng cố gắng để chia sẻ một phần khó khăn cho bà con nhưng chủ yếu là về mặt tinh thần.

Một trong những công việc chính của Hội là hiếu hỉ và lo hậu sự cho những người bất hạnh. Những ai đã từng có người quen hoặc người thân bị mất do ốm đau, bệnh tật hay tai nạn thì sẽ hiểu rõ và chia sẻ với công việc của Hội. Hội là đại diện hợp pháp và duy nhất của cộng đồng ta tại Kharkov vì vậy khi có bất cứ một vấn đề gì liên quan đến chúng ta thì thành phố và các cơ quan chức năng liên quan đều tìm đến Hội để yêu cầu giúp đỡ và đề nghị phối hợp làm việc. Hơn hai mươi năm nay chỉ riêng việc lo hậu sự cho những người đã mất thì Hội cũng đã làm rất trọn vẹn. Nhất là khi Chùa Trúc Lâm Kharkov ra đời, các nhà sư trụ trì và Hội Phật tử đã kết hợp và lo cho những người xấu số rất chu đáo.

Có lẽ không nơi nào tại nước ngoài mà các nghi lễ tôn giáo dành cho những người đã mất được cử hành một cách đầy đủ và trang trọng như tại Kharkov. Đặc biệt là sự cống hiến nhiệt tình và bất vụ lợi của một cán bộ lâu năm của Hội là ông Nguyễn Trọng Cơ. Mọi người đều biết đến ông chủ yếu trên cương vị Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov và Tổng biên tập báo Tuần Tin Quê Hương trước đây và hiện tại đang là Tổng biên tập của tờ báo giấy duy nhất tại Ucraina, báo “Bạn Đồng Hành”, nhưng ít người biết đến ông Nguyễn Trọng Cơ với tên gọi nữa là “ông hậu sự”, bởi vì ông là người được Hội phân công đi giải quyết mọi công việc liên quan đến những người xấu số, không chỉ tại Kharkov mà còn nhiều tỉnh lân cận như Donetsk, Poltava.v.v. Ông cũng là người duy nhất có thể làm việc một cách kịp thời và nhanh chóng với các cơ quan liên quan như bệnh viện, Viện kiểm sát, nhà hỏa táng.v.v. Nhờ ông mà người Việt có thể chọn giờ hay chọn ngày để hành lễ theo các nghi thức tôn giáo tại nhà hỏa táng thành phố trong thời gian tùy ý, đây là việc làm mà ngay cả người địa phương cũng chưa chắc đã làm được. Ông làm tất cả những việc đó vì tâm, vì tấm lòng với cộng đồng chứ không vì tiền bạc. Ông tâm sự rằng, trong những lúc tiễn đưa một người xấu số về cõi vĩnh hằng thì ông cảm nhận được sự phù du và ngắn ngủi của một kiếp người và ông luôn mong muốn những người đang sống biết thương yêu, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống hiện tại. Để khi về thế giới bên kia không còn ai phải ân hận hay day dứt về bất cứ một điều gì nữa.

Sở dĩ tôi muốn nói về ông Nguyễn Trọng Cơ “lo hậu sự” và những tâm sự của ông về sự sống và cái chết là vì không phải ai cũng hiểu được điều đó. Cũng có thể do đặc thù công việc của chúng ta là kinh doanh buôn bán nên ai cũng bon chen và toan tính thiệt hơn. Tuy nhiên nếu ai cũng nghĩ như vậy thì sự chia sẻ trong cộng đồng sẽ không còn nữa. Nhiều người sẽ thấy làm lạ khi Hội phật tử (Đạo Tràng chùa Trúc Lâm Kharkov) , đôi lúc bỏ cả công việc nhà để lo cho những người bất hạnh mà họ không hề quen biết. Đối với họ cho đi cũng là một cách để nhận lại. Tôi tin rằng họ sẽ nhận được nhiều hơn những gì họ đã cho đi.

Bao giờ hết mưa trời lại sáng

Chùa Trúc Lâm Kharkov

Chưa bao giờ mà cộng đồng chúng ta lại có nhiều lo âu và trăn trở như hiện nay. Về hay ở? Làm gì bây giờ? Chờ đợi bao lâu nữa?.v.v. Không phải ai cũng có thể tìm được cho mình câu trả lời trong lúc này. Hơn bao giờ hết chúng ta cần phải hết sức bình tĩnh và cân nhắc thiệt hơn. Quan trọng hơn cả là phải giữ niềm tin vào tương lai, vào chính bản thân mình. Buông thả hay thất vọng để tìm niềm vui trong rượi chè và cờ bạc không phải là cách cứu rỗi chúng ta mà đó là cách hủy hoại chúng ta nhanh nhất.

Càng khó khăn càng cần tỉnh táo để tìm một lối đi, một cửa thoát hiểm. Cần cơ cấu lại tiền bạc tài chính nợ nần và cách chi tiêu trong mỗi gia đình. Có lẽ cũng đã hơi muộn để những ai còn nợ, “cắt nợ”. Nên buông những gì cần buông, nên cắt lỗ những gì cần cắt lỗ. Không nợ nần gì trong lúc này thì đó cũng đã là một hạnh phúc. Dù gì thì luật chơi cũng đã thay đổi. Hy vọng vẫn đang còn ở phía trước. “Bạn Đồng Hành” vẫn sẽ đồng hành cùng với cộng đồng chúng ta. Phương châm sống và làm việc của chúng tôi đó là “luôn luôn lạc quan và luôn luôn hy vọng”.

Hoàng Long