Và hơn nữa, ở trên giá những sạp hàng khô xuất hiện những túi bún khô đóng gói và sản suất tại Odessa. Tò mò và bất ngờ về hướng kinh doanh mới này, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất bún cuối đường Grusevskovo.
Nói chuyện với chúng tôi, cô chú Nga Ngà cho biết, xưởng bún được thuê lại từ khu xưởng cũ từ thời Xô Viết. Để được thấy khung cảnh rộng rãi và sạch sẽ như bây giờ, cô chú cũng đã mất rất nhiều công sức và thời gian bỏ ra để cải tạo nơi này như san phẳng nền, thay cửa, lắp lại đường điện, đường nước ... Xưởng bún vừa đi vào sản xuất, vừa đang hoàn thiện dần từng bước như lắp đặt lò sấy, sưởi để bún khô nhanh hơn và sưởi ấm vào mùa đông.
Những ngày lao động đầu tiên ở xưởng.
Và khi xưởng đã vào hoạt động.
Trong không gian rộng khoảng 400 mét vuông của xưởng chủ yếu là những giàn phơi bún. Và mọi người phải thay loại giầy, dép riêng khi vào khu sản xuất.
Đã có hẹn trước với cô chú, chúng tôi đến vào đúng ngày xưởng cho ra mẻ bún mới. Các công đoạn làm bún tưởng chừng như đơn giản nhưng thực tế là mất khá nhiều công sức tỉ mỉ và tinh tế.
Để đảm bảo chất lượng bún tốt phải chọn loại gạo ngon. Gạo được ngâm trong nước sạch, sau đó là xay mịn và trộn đều với nước, đổ đầy ra các chậu. Bột gạo ướt được qua máy để thành những sợi bún nóng đầu tiên ra lò, cả xưởng bún lúc này thơm mùi gạo nóng. Tưởng chừng chỉ đến đấy rồi phơi bún khô là đủ, nhưng thực tế còn nhiều công đoạn sau khi đã cắt và ủ bún nóng qua đêm. Bún được xả nước, chải đều và thẳng sau đó mới phơi từng lớp phẳng phiu trên giàn treo. Sau 3 đến 4 ngày, bún sẽ tự khô và được xếp đều từng hàng để cắt phẳng và đóng túi.
Các qui trình lao động ở đây được đảm bảo hoàn toàn vệ sinh từ nền xưởng lau chùi sạch sẽ hàng ngày, găng tay và giày dép sạch đi riêng trong khu sản xuất. Trong khi các loại bún, phở khô nhập khẩu từ Việt Nam thường dùng hóa chất để sợi bún dai và khỏi bị nấm mốc, bảo quản lâu, thì bún sản xuất từ xưởng là bún sạch làm 100% từ bột gạo, hoàn toàn không sử dụng bất kỳ hóa chất nào. Chính vì thế nên khi luộc bún, nước luộc sẽ bị đặc và ra nhiều hồ hơn, nhưng sợi bún rất mềm và dẻo. Bạn có thể luộc qua 1 lần sau 3 phút, vớt ra, xả nước lạnh cho hết nước hồ và luộc lại lần 2 đến khi sợi bún còn dai thì bỏ ra xả nước lạnh. Hoặc đơn giản hơn, chúng tôi hay ngâm vào nước nóng 5 phút cho bún nở mềm và đều, sau đó thả vào nước sôi luộc thêm 2- 3 phút là được.
Chứng kiến những cọng bún khô đầu tiên được đóng túi, mọi người rất hào hứng. Tuy bỏ nhiều công sức đầu tư ban đầu tương đối lớn, nhưng cô chú được sự ủng hộ hết sức của bạn bè và mong muốn cao hơn nữa là được đem đến những sản phẩm thực sự sạch và an toàn cho sức khỏe bà con cộng đồng.
Trong thời điểm thị trường hiện nay đang là bước lùi của nền kinh tế nhưng ngược lại có thể sẽ là một bước tiến trong việc phát triển cộng đồng của người Việt Nam tại đây. Thay vì mũi nhọn buôn bán ngoài chợ, thì giờ đây đã xuất hiện thêm nhiều hướng kinh doanh khác làm tăng thêm sự phong phú trong cộng đồng như nhà hàng “ Nem 26” và xưởng “Bún Dương Đức”. Họ đã làm nên nét riêng và độc đáo cho người Việt tại Odessa.
P/V