Người Việt Nam hiện đang kinh doanh mảng “dịch vụ” với số lượng đông đảo tại chợ Cây số 7. Với kinh nghiệm lâu năm và uy tín trong lĩnh vực này nên công việc cũng giúp bà con đủ trang trải các chi phí trong cuộc sống.
Kinh doanh “dịch vụ” là công việc đầy rủi ro và nguy hiểm. Vì thế không thể tránh khỏi những sơ suất, nhầm lẫn, thậm chí là “mắc lỗi” trong công việc, mà phần lớn rơi vào những người mới làm. Các vụ nhầm lẫn, “mắc lỗi” liên quan đến tiền hầu hết là do nguyên nhân chủ quan, những người làm dịch vụ cần hết sức lưu ý.
Một số bà con do mới đến hoặc chuyển từ lĩnh vực kinh doanh hàng hóa sang kinh doanh “dịch vụ” nên còn chưa quen với công việc mới. Nếu không kiểm soát tốt thì “nhảy cửa” mấy trăm đô là chuyện thường, có khi mất đến một vài nghìn đô.
Một câu chuyện khác, thời gian gần đây, khủng hoảng cả chính trị lẫn kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bà con. Vừa phải lo xoay sở duy trì cuộc sống, công việc kinh doanh, vừa hoang mang ngay ngáy trước nỗi lo chiến tranh…một số người thường trực sống trong lo lắng, suy nghĩ nặng nề đến nỗi khi làm việc cũng không còn đủ sáng suốt. Tay đưa tiền cho người Tây mà đầu còn suy nghĩ tận đâu, chẳng lấy tiền – hàng lại từ người ta. Đến lúc người ta đi rồi mới như sực tỉnh, chạy theo thì không kịp…
Cũng từng có câu chuyện về “nhầm lẫn” tiền mà do chính người Việt cố tình gian lận. Sau khi nhận tiền từ khách hàng người Tây, một vài người Việt có tiểu xảo trong lúc đếm rồi quay ra nói với khách là họ đưa thiếu tiền, ít thì mấy trăm grivna, nhiều thì mấy ngàn. Nhiều lần như vậy thì người Tây họ sinh nghi, âm thầm lắp camera theo dõi thì bắt quả tang được mấy vụ gian lận kiểu đó của người Việt. Những vụ việc như thế thực sự đã gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và hình ảnh của người Việt trong sự nhìn nhận, đánh giá của Ban giám đốc chợ và các cộng đồng người cùng buôn bán ở chợ Cây số 7.
Đã là làm ăn thì nhầm lẫn, sơ suất là khó tránh, nhưng để giảm thiểu những thiệt hại cho chính bản thân và cũng để giữ gìn uy tín, hình ảnh cho người Việt, bà con kinh doanh dịch vụ cần chú ý hơn trong công việc.
Trước tiên là có cách thức quản lý sổ sách, tiền bạc khoa học, cẩn thận. Sau nữa là tuân thủ những nguyên tắc về tài chính, luôn có sự kiểm tra đối chiếu giữa hai bên ngay tại thời điểm giao dịch, không thể loại trừ khả năng mình hoặc đối tác nhầm lẫn. Do đặc thù của kinh doanh dịch vụ, nếu hai bên không kiểm tra ngay tại thời điểm giao dịch thì sau đó khi xảy ra khúc mắc mà đưa lên Ban quản lý chợ thì Ban quản lý chợ và thậm chí công an cũng không có căn cứ để phân xử. Giữa người Việt với nhau thì những vụ tranh chấp kiểu đó đã rất khó giải quyết, nếu liên quan đến người Tây thì càng khó giải quyết mà còn gây ầm ĩ, ảnh hưởng đến đến hình ảnh người Việt. Đặc biệt, trong làm ăn cần tuân thủ luật pháp, giữ chữ tín, bởi đó là nền tảng để mỗi người và cả cộng đồng có thể tiếp tục làm ăn, phát triển nơi đây.
P/v Người Việt Odessa