Khẳng định trí tuệ
Phụ nữ Việt nam luôn luôn khẳng định tài năng, và trí tuệ. Nhiều nữ sinh gốc Việt đã khiến mọi người phải thán phục vì thành tích mà họ đạt được ở nước ngoài. Đầu tiên, phải kể đến em Dương Minh Trang, là học sinh đến từ Odessa. Có lẽ em là học sinh gốc Việt đầu tiên nhận được học bổng của Tổng thống Ucraina vì thành tích tốt trong học tập. Những giải thưởng quốc gia và học bổng Tổng thống không chỉ đem lại vinh quang cho Trang, mà còn là niềm tự hào chung của người Việt tại Odessa cũng như những người Việt Nam tại Ucraina. Hiện em đã tốt nghiệp loại ưu tại một trong những trường Đại học danh giá vào bậc nhất thế giới, Đại học tổng hợp Oxford và đang theo học Master tại trường Kinh tế Luân Đôn, cái nôi đào tạo rất nhiều nhân vật xuất sắc.
Minh Trang trong lễ tốt nghiệp Đại Học Oxford
Một nữ sinh khác cũng làm rạng danh đất Việt nơi xứ sở bạch dương tuyết trắng bao la với thành tích đáng khâm phục về môn Toán, môn học mà trước nay hầu như các bạn trai nắm ưu thế, đó là em Dương Thị Bích Thuỷ.
Năm 2012, Thủy giành giải Nhất tuyệt đối Olympic toán do Đại học tổng hợp Quốc gia TULA tổ chức. Tháng 6/2013 trong cuộc thi Toán quốc tế mở rộng trên Internet tổ chức tại Liên bang Nga, Dương Thị Bích Thuỷ đã giành được Huy chương Bạc trong tổng số 4 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc của cuộc thi chung kết. Ngoài ra Thủy còn nhận được một trong 4 giải đặc biệt của cuộc thi: “Nữ sinh Olympic thông minh” của Viện giám sát chất lượng giáo dục Nga.
Dương Thị Bích Thuỷ
Tỏa sáng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật
Một người con của Odessa đã làm vinh danh nhưng người Việt sống ở Odessa và Ucraina, đó là cháu Trương Mai Nhật Linh. Em là vận động viên duy nhất đại diện cho đội tuyển Việt Nam tham dự cuộc thi Thể dục Nghệ thuật thế giới lần thứ 32 với hai môn đầu tiên là Bóng và Vòng, diễn ra từ ngày 27/8 đến ngày 1/9/ 2013 tại Cung Thể thao của thành phố Kiev- Ucraina với 59 nước tham gia trong đó có Việt Nam.
Trước khi đến với giải, em đã có một bảng thành tích thi đấu quốc tế đáng nể . Trong đó, năm 2012, Trương Mai Nhật Linh đã dự giải quốc tế ở Hungary dưới màu áo đội tuyển Việt Nam và giành HC bạc toàn năng, HC vàng biểu diễn với lụa và 2 HC bạc biểu diễn với bóng, trùy.
Trương Mai Nhật Linh
Trong lĩnh vực văn học, cái tên Thuận, nhà văn gốc Việt tại Pháp đã không còn xa lạ với độc giả Việt Nam và cả độc giả Pháp qua những tiểu thuyết đã xuất bản: "Made in Vietnam”, "Paris 11 tháng 8”, "Vân vi”, "Chinatown” , “T mất tích”, và "Thang máy Sài Gòn” vừa ra mắt hồi tháng 5 năm nay do chị và dịch giả Janine Gillon chuyển ngữ. Nhà văn Thuận tên thật là Đoàn Ánh Thuận, sinh năm 1967 tại Hà Nội, hiện sống tại Paris, Pháp. Chị đã học đại học ở Nga tại Piatigo năm 1986 và học cao học ở Pháp.
Tiểu thuyết "Thang máy Sài Gòn”, bản tiếng Pháp L'ascenseur de Saigon (NXB Riveneuve) đã được Trung tâm sách quốc gia Pháp trao giải Sáng tạo năm 2013.
Các tác phẩm đã xuất bản của Thuận
Nhà văn Thuận ( Đoàn Ánh Thuận)
Chứng tỏ tài năng kinh doanh
Nói đến phụ nữ là nói đến đức tính tần tảo, chăm chỉ chịu thương chịu khó, vươn lên từ những khó khăn với nghị lực phi thường. Điển hình là bà Đó là bà Lương Thị Vỵ, chủ nhà hàng Daeng Namnuang nổi tiếng ở Nongkhai, Thái lan. Từ những ngày đầu cùng cha mẹ đặt chân đến đất Thái khi mới 13 tuổi. Hành trang gia đình đem theo là cách nấu một số món Huế như bún, nem lụi, bánh cuốn.., và từ gánh hàng rong bà đã phát triển thành một nhà hàng nổi tiếng như ngày nay.
Chuỗi nhà hàng Daeng Namnuang của bà Lương Thị Vỵ đã được báo chí Thái Lan vinh danh là nhà hàng thành công nhất của người Việt trên đất Thái
Người phụ nữ không chỉ giỏi giang với những kiến thức trên ghế nhà trường, phụ nữ Việt khắp nơi còn rất thành công khi áp dụng những kiến thức đó vào thực tế, đặc biệt là môi trường kinh doanh. Phải kể đến tiến sỹ kinh tế Phan Bích Thiện, một trong 50 nữ doanh nhân thành đạt nhất Hungary.
Tiến sĩ Phan Bích Thiện (người đứng), Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ khóa VII,
Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hung-ga-ry phát biểu góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Chị vốn là con gái Hà thành, sinh ra bên bờ hồ Tây lộng gió, năm 1986, cô gái Phan Bích Thiện sang Nga học đại học rồi quen chàng sinh viên người Hungary . Hai người kết hôn, năm 1998 cô theo chồng về Hungary sinh sống.
Hiện nay chị là chủ tòa lâu đài Fried với loại hình dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp với lịch sử. Năm 2011, Khách sạn Lâu đài Fried đoạt giải "Khách sạn của năm" trong cuộc bình chọn do Hệ thống giới thiệu các địa điểm nghỉ ngơi trong nội địa lớn của Hungary ESZALLAS tổ chức.
Ngoài ra chị Thiện hiện còn đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary và Chủ tịch Quỹ phát triển hữu nghị Hung - Việt. Chia sẻ về vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, chị Thiện cho biết: "Bản thân đã qua những phút rất trống vắng nơi xa xứ, nên tôi muốn tạo cho chị em Việt Nam một nơi trao đổi tâm tình. Mọi người có nhu cầu gặp nhau, trao đổi từ cách nấu ăn món Việt, thăm hỏi giúp đỡ nhau lúc đau ốm, đến công việc cưới xin cho con cái. Ngoài ra, một việc đặc biệt quan trọng nữa là giáo dục và truyền được cho các cháu thế hệ thứ hai tình yêu với Việt Nam, trong đó vai trò người mẹ rất quan trọng".
Tiến sỹ kinh tế Phan Bích Thiện được biết đến không chỉ là doanh nhân, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, mà còn là một nhà thơ. Chúng tôi xin gửi bài thơ “ Phụ Nữ” của chị như một lời kết chúc mừng tất cả chị em nhân ngày Phụ nữ Việt nam 20/10.
BCH Hội phụ nữ Tp Odessa