Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Mẹ cháu là người Việt Nam

Thứ bảy, 19/10/2013 | 09:34
Nó thích nắm tay mẹ đi chợ, chợ đông người, cứ phải bíu chặt lấy mẹ cho khỏi lạc. Đi chợ chốc chốc lại gặp người quen, cứ chào hỏi tíu tít, khi thì “chào bà bạn đỡ đầu”, khi thì “chào bà hàng xóm”.

Nhiều người gọi mẹ là “Senora Chinita” (bà Trung Hoa), họ cúi xuống tận mặt nó, bắt tay nó, bảo: “Thế nào cậu cả Chino (1), chào chúng tôi bằng tiếng Chino đi chứ”. Lúc ấy nó thường cáu kỉnh, lúng búng trong mồm: “Mẹ cháu không phải là người Hoa, mẹ cháu là người Việt Nam”.

d
Gia đình chị Phan Quỳnh Dao.

Nó tên là Đắc Enrique Salas Phan, 7 tuổi, đang học lớp 1, tên gọi thân mật là Kike. Nó rất tự hào vì có mẹ là người Việt Nam. Mẹ nó, chị Phan Quỳnh Dao – cô gái Hà Nội, có may mắn được cử đi du học đại học ở Odessa (Liên Xô) trong thập kỷ 1980. Mối tình sinh viên giữa cô gái Việt Nam với chàng trai Peru tên là Roberto Salas Huayllapuma kéo dài đến tận bây giờ. Kike là con trai thứ hai, nó có một anh trai tên là Icchian Alexader Dương Salas Phan, 16 tuổi, đang học năm thứ nhất khoa Dầu khí, ĐH San Antonio Cuzco. Cả nhà nó đang sống ở thị trấn Juliaca, tỉnh Puno cách thủ đô Lima (Peru) 1.370km.

... Những người quen đi rồi, nụ cười vẫn còn lại rất lâu trên khuôn mặt mẹ. Nó thích sán vào hàng đồ chơi, đòi mua cái bakugan (2), cái đồng hồ Ben 10 (3), nhưng mẹ nó kéo đi, bảo: “Vớ vẩn, mua cái gì ăn được có hơn không?”. Mẹ thường mua cho nó bắp ngô luộc hay miếng bánh tamal (4) nóng hổi.

Mẹ lúc nào cũng bận, suốt ngày tíu tít với công việc ở nhà hàng, đi học về nó học bài luôn bên cái bàn con cạnh quầy thu tiền của mẹ. Mẹ bắt nó làm nhiều toán, mỗi ngày phải dành 1 giờ làm “toán của ông”. Nó gọi những bài toán được mẹ dịch ra từ một cuốn sách mỏng, giấy đen sì, chi chít chữ là “toán của ông”. Mẹ bảo đã là người Việt Nam thì phải giỏi toán, không thể lơ mơ như “tụi Peru” được.

Buổi tối, 9 giờ cửa hàng vẫn đông khách, mẹ đi lại giữa các dãy bàn, tíu tít mời chào. Nó giật áo mẹ, ý muốn đi ngủ, nhưng mẹ nó cứ lờ đi. Chờ mãi, cuối cùng nó phải hét lên bằng tiếng Việt: “Mẹ ơi, ăn cơm”. Lúc ấy mẹ nó mới cười xòa: “Ngốc ơi, muốn đi ngủ thì phải nói, mẹ ơi đi ngủ, không phải là mẹ ơi ăn cơm”. Đi ngủ là được chơi, được làm nũng mẹ buổi tối, được ngồi lên lòng mẹ chơi trò kéo cưa lừa xẻ. Nó đọc theo mẹ những đoạn đồng dao có vần điệu mà hầu như chẳng hiểu ý nghĩa gì: Kéo cưa lừa xẻ. Nó chỉ hiểu mỗi từ “về ăn cơm” và “bú tí mẹ” thôi. Có lúc nó lại lăn đùng ra nũng nịu “hát ru”. Mẹ nó hát: “À ơi, Con cò đi đón cơn mưa, Tối tăm mù mịt ai đưa cò về”. Nó không hiểu được lời những bài hát nhưng nó thích vần điệu. Những làn điệu buồn và dịu làm nó nhớ đến một cái gì rất xa, rất mơ hồ nhưng thân thương vô cùng. Nó nhớ khi được nằm trong tay bà ngoại, rất mềm, ấm và sực nức mùi dầu thơm. Bà thường đu đưa nó và hát hết bài này đến bài khác.

Thỉnh thoảng mẹ nó lại nói chuyên với bà ngoại, với cô Phương Mai hay bác Minh Châu qua điện thoại. Mẹ nói to lắm, cứ choàng choạc, rồi lại cười phe phé, thế mà khi liếc nhìn mẹ, nó thấy mặt mẹ đầy nước mắt. Người lớn hay nhỉ, vừa cười rồi lại khóc.

Trước khi đi ngủ bao giờ nó cũng bắt mẹ kể chuyện: “Mẹ kể chuyện mẹ hồi bé đi”. Thế là mẹ lại kể chuyện mẹ với cô Phương Mai chơi đồ hàng, chơi dạy học. Bây giờ thì nó thích nghe chuyện “3 ngày ở nước tí hon” của ông ngoại (sách toán học vui ông ngoại dịch từ tiếng Nga). Nó khoái quá, đất nước mà dân chúng chỉ uống mực, còn tắm thì dùng một cái tẩy. Thích nhất là đoạn bạn số 0 bị mất tích chỉ vì một thằng bé không biết làm phép chia, y như là nó. Ông ngoại là cái bác tre trẻ, gầy gầy trong bức chân dung ở mãi tít trên mặt tủ. Ngày trước mẹ hay thắp hương và cắm hoa. Hương có mùi thơm rất ấm áp và dễ chịu. Dạo này mẹ không thắp hương nữa mà lại đặt ảnh ông ngay trên bàn học của nó, thỉnh thoảng hay cầm lên ngắm nghía. Bây giờ bố lại hay tự thắp hương, cho thơm cửa thơm nhà.

Mẹ suốt ngày làm việc, thứ bảy, chủ nhật cũng làm. Thỉnh thoảng bố bảo: “Bỏ đấy, đi Cuzco thăm Sasha”. Sasha là tên thân mật của anh trai nó, hiện đang học đại học ở Cuzco, ở nhà bà nội. Để nhà hàng lại, nhưng mẹ vẫn phải dặn dò rất lâu ông đầu bếp béo và cậu Oswaldo. Ở Cuzco chốc chốc mẹ lại gọi điện hỏi thăm nhà hàng.

Đến nhà bà nội, mẹ lập tức lăn vào bếp nấu nấu, nướng nướng. Nó thích ngắm mẹ khi làm bếp, vừa xào nấu thơm lừng vừa tán chuyện như ngô rang với bà và các cô. Bà quý mẹ vì mẹ hay lam hay làm chứ không chỉ biết ăn, uống bia và ngồi lê đôi mách như các cô. Mẹ lại hay cho bà tiền. Bà chỉ hay cằn nhằn: “Cái con mẹ mày hỗn, có gì cứ ăn luôn, chẳng bao giờ chịu mời Đất mẹ”. Mời Đất mẹ tức là trước khi ăn uống phải bớt chút, đổ xuống đất, tỏ lòng biết ơn Đất mẹ. Ăn uống xong xuôi, ông bà và các cô chú thường nhậu nhẹt và nhảy nhót vui vẻ, mẹ lại lụi cụi rửa bát đĩa và dọn dẹp. Đôi khi mẹ cũng nhảy với bố, mặt mũi đỏ tưng bừng. Về Cuzco chỉ một ngày là mẹ đòi về nhà. Ai giữ thì mẹ bảo: “Ở đây, rồi để ở nhà chúng nó trộm hết à?”

Thích nhất là được cùng bố mẹ về thăm Sasha. Bố lái xe, mẹ ngồi bên cạnh, còn nó thì kềnh cang ra ghế đằng sau. Bao giờ bố cũng bật to nhạc Việt Nam, mẹ hát theo. Nó không thích nghe lắm, nhạc Việt Nam rất chậm lại buồn. Đi giữa thảo nguyên Andina mênh mông, có khi nửa tiếng không gặp xe cộ, mẹ kể cho bố và nó nghe Hà Nội với những đường phố đông đúc người xe. Nó nhớ khi bám lưng bác Toàn, chen chúc xe máy nơi nhộn nhịp phố phường. Nhìn đồng cỏ cháy nắng, mẹ bảo mùa này ở Việt Nam lụt lội ghê lắm. Nó hóng chuyện: “Mẹ ơi, khi nào mình lại về Việt Nam?”, “Ừ, Kike cố ngoan với học giỏi, nghỉ hè cả nhà mình về thăm bà ngoại”. Ura, sẽ được về thăm bà ngoại! Nó mơ thấy lại được đuổi nhau với các chị họ trên bãi biển, được đi thăm cụ rùa ở Hồ Gươm, được túm đuôi con mèo vàng nhà bác Minh Châu làm nó kêu lên the thé…

*****

(1) Chino: Trung Quốc (tiếng Tây Ban Nha).

(2) Bakugan: thứ đồ chơi trẻ con gồm một con vật bằng nam châm được xếp lại thành hình cầu đường kính khoảng 2-3cm và 1 miếng sắt bọc bìa. Trẻ con bắn viên bi ấy vào miếng bìa, nếu bắn trúng thì viên bi nam châm va vào bìa sắt, quả cầu sẽ tự bật ra thành hình con vật.

(3) Ben 10: Nhân vật trong một trò chơi trực tuyến.

(4) Tamal: Loại bánh bằng bột ngô, có nhân thịt, hoặc nhân ngọt, được bọc lá dong, lá chuối rồi hấp.

Theo Laodong