Những chiều đá bóng trong công viên, buổi tối tụ tập ca hát, chơi đô-mi-nô, rồi những buổi dã ngoại (pa-khốt) cùng nhau ôm đàn guitar cạnh đống lửa hay những đêm thức trắng ôn thi đẵ thực sự gắn bó họ. Có một thời mái nhà chung của nhiều người với tên gọi “Liên Xô” (CCCP) đã cho họ bao kỷ niệm, những rừng bạch dương, cánh đồng hoa hướng dương, bốn mùa xuân xanh,mùa hè nắng ấm, thu vàng, mùa đông tuyết trắng, đây là xứ sở của những con búp bê Matryoshka . Nơi đây gia điệu du dương của “Chiều Matxcova”, bản “Kachiusa” rộn rã, lãng mạn tình sử “Triệu bông hồng” hay điệu nhạc hùng tráng “Chiều hải cảng” đã trở nên gần gũi, thân quen.
Nhiều người sau khi học tập trở về Việt Nam đã rất thành đạt trong những lĩnh vực khác nhau nhưng trong tâm hồn họ vẫn có một khoảng dành cho Odessa và niềm mong có một lần trở lại thăm nơi mà họ đã trải qua quãng đời sinh viên, đi lại những con đường mang tên Alekxandr Pushkin, Nikolai Gogol, ngắm lại nhà hát Opera nổi tiếng, đi bộ trên phố cổ Deribasovskaya, trèo lên những bậc thang Potemkin hay nghe lại tiếng sóng biển Đen bên bãi Arkadia, Otriada, Delfin, gặp lại những bạn bè ít ỏi cùng ôn lại những kỷ niệm một thời thanh niên đầy nhiệt huyết, nhiều ước mơ, không toan tính .
Vừa qua Phượng và Trung là hai cựu sinh viên Trường Đại học Kinh Tế là một trong số rất ít những người đã biến ước mơ đó thành hiện thực. Điều đó thực sự đòi hỏi một sự quyết tâm cao độ, vượt qua nhiều trở ngại . Hiện nay Phượng và Trung đều là những người lãnh đạo các công ty, nắm trong tay nhiều trọng trách, đồng thời là chủ gia đình nên phải sắp xếp công việc cơ quan, gia đình rồi trải qua các thủ tục rắc rối xin viza nhưng ước mơ trở lại thăm Ucraina và Odessa đã giúp họ vượt qua và hai bạn đã cùng đưa vợ sang trải nghiệm lại những địa danh và thời gian của quãng đời sinh viên .
Sau khi thăm thành phố xanh - thủ đô Kiev và thành phố cổ kính Lvov họ đã đến điểm mong đợi nhất - Odessa . Hòn ngọc bên bờ biển Đen đón hai cặp vợ chồng với một tiết trời hơi se lạnh chớm thu, vẫn nhà ga ấy khi hơn 20 năm trước lần đầu tiên họ đặt chân đến Odessa đi du học .
Tôi đặt sẵn cho họ khách sạn nhưng vợ chồng Tuấn Tú mời họ bằng được về căn biệt thự ở Làng Vua để có nhiều thời gian tâm sự, nhớ lại thời ở 3,4 người một phòng trong ký túc xá . Tại đây Phượng và Trung gặp lại một người bạn học cũ – Sasha. Tôi thật sự ngạc nhiên và cảm phục thấy anh ta và Phượng nhận ngay ra nhau sau hơn 20 năm.
Vì Trung chỉ có 2 ngày ở Odessa nên ngay sang hôm đó chúng tôi đưa mọi người đi thăm những nơi chốn cũ đầy kỷ niệm thời sinh viên . Có lẽ từ khi sang Ukraina tới nay tôi vẫn sống tại đây nên không cảm nhận hết được cảm xúc và tâm trạng của những người đã một thời gắn bó tuổi trẻ của mình với Odessa, phải xa rời và nay trở lại thăm sau hơn 20 năm . Thật thấm thía mấy câu thơ trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” của nhà thơ Chế Lan Viên : “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hoá tâm hồn”.
Đầu tiên chúng tôi trở lại thăm ký túc xá số 1 trên đường Chernhiakhovskovo, một vị trí vừa thuận tiện, thả bộ một chút là tới bãi Arkadia, vừa thơ mộng, bên cạnh là công viên Chiến thắng với hồ nước, các con thiên nga và hàng bạch dương bao quanh .
Gặp lại bà trực tầng, bà vẫn nhớ và rất vui gặp lại chúng tôi . Bà cho phép chúng tôi đi thăm đủ các ngóc ngách của ký túc xá, từ thư viện, nhà ăn, các tầng ở cho đến nhà bếp, nhà tắm . Có một mùi vị thật đặc trưng mà sau hơn 20 năm nay vẫn thế, chỉ có mấy cô sinh viên không quen biết tò mò mỉm cười nhìn chúng tôi háo hức mò đi khắp nơi .
Một trong những quán bia cổ nhất thế giới – Gambrinus, như một di tích lịch sử của Odessa, với cách bài trí và menu độc đáo, buổi chiều có nghệ sỹ với cây đàn violin . Thời đó bọn tôi cho rằng bia ở đây ngon nhất thế giới !
Phượng và Trung rất háo hức nghe chuyện thời sự về việc sinh sống, kinh doanh, sinh hoạt, học tập của cộng đồng người Việt Nam ở Odessa . Họ thực sự bất ngờ trước những đổi thay về điều kiện sống, nhiều gia đình có biệt thự rộng rãi, về chợ “7 Km” trước kia chỉ là một bãi đất trống nay được mở mang thành chợ lớn nhất châu Âu.
Nhiều nơi trong thành phố Odessa được xây dựng mới,ví dụ trên đường ra bãi Arkadia mọc lên một loạt nhà cao tầng. Nhưng cảm giác chung của họ là thành phố vẫn giữ được nét đẹp,cổ kính. Sau mấy ngày rong ruổi trên các con đường thì Odessa hiện lại trong họ quen thuộc, gần gũi như ngày nào.
Chúng tôi còn cùng đi thăm lại và chụp ảnh ký túc xá và nhà trường một số trường khác theo “đơn đặt hàng ” của một số bạn bè trong nước. Ai cũng khát khao hình ảnh của Odessa, của mái trường thân yêu, của ký túc xá năm xưa, ai cũng mong mỏi sẽ có một ngày trở lại nơi đây, sống lại những năm tháng tuối trẻ, tìm lại những cảm giác, hình ảnh thân quen, gặp lại bạn bè năm xưa.
Tiễn họ về Việt Nam tôi tự cảm ơn số phận may mắn đã được sống tại thành phố này và nó đã kết gắn tôi với những người bạn, thầy cô giáo thân yêu. Điều đó thật tuyệt vời và làm cho cuộc sống của chúng ta thêm ý nghĩa .
Mấy ngày trải nghiệm cùng các bạn cũ làm tôi hiểu ra nhiều điều, tự nhiên tôi nhìn Odessa và cuộc sống của chúng ta với con mắt khác trước, thành phố bỗng trở nên đẹp đẽ hơn, con người gần gũi, thân thiện hơn . Tôi tự nhủ mình phải trân trọng hơn những ngày tháng sinh sống tại đây và phải làm việc gì đó dù là nhỏ góp phần gìn giữ cho Odessa của chúng ta.
Odessa, tháng 10 năm 2013.
Lê Thái Kỳ - Cựu sinh viên trường ĐH Kinh tế .